Tâm Trí Là Gì - Thanh Lọc Và Cách Làm Chủ Tâm Trí

TÂM TRÍ LÀ GÌ - THANH LỌC VÀ CÁCH LÀM CHỦ TÂM TRÍ

Làm chủ tâm trí bước đi đầu tiên trên con đường phát triển tâm linh.

Bạn có bao giờ để ý đến suy nghĩ của mình chưa? Những suy nghĩ không bao giờ dừng lại, những lời huyên náo trong đầu bạn từ lúc thức giấc cho đến khi bạn đi ngủ, ngay cả trong lúc mơ của bạn. Tâm trí là kẻ lắm mồm, nó luôn nói chuyện với bạn, nó điều khiển bạn. Nó theo bạn suốt cả cuộc đời.

Câu hỏi đặt ra là, bạn đã bao giờ thực sự nhận thức được tâm trí là gì chưa?

Để có thể hiểu đơn giản, bạn có thể thấy rằng cơ thể của bạn chính là một cỗ máy sinh học, hay nói cách khác là một máy tính sinh học cao cấp để linh hồn có thể sử dụng. Bạn có các giác quan như nghe, nhìn, sờ, ngửi, nếm để cảm nhận, truyền thông tin đến cho bộ vi sử lý là não bộ của bạn tổng hợp và phân tích. Bạn có thể tồn tại được nhờ năng lượng từ hít thở, ăn uống cung cấp cho bộ máy này. Bạn có hệ thống tản nhiệt qua da, mồ hôi. Bạn có hệ thống bảo vệ từ các kháng thể. Bạn có hệ thống tự bảo dưỡng đó chính là gan, thận. Bạn thấy đấy, cơ thể là một cỗ máy hoàn hảo, và nó giúp bạn trải nghiệm cuộc sống.

Nếu bạn coi cơ thể như một chiếc máy tính PC, thì tâm trí của bạn chính là hệ điều hành của nó. Hệ thống thông tin này chạy qua hàng tỉ dây thần kinh khắp cơ thể bạn, với hàng tỉ tỉ khả năng kết nối khác nhau. Vì vậy, bộ não - cái PC của bạn có khả năng mạnh gấp hàng tỉ tỉ lần các máy tính thông thường. Tuy nhiên, cả 02 đều hoạt động dựa trên một nguyên lý chung, đó chính là qua tín hiệu điện, với cơ thể bạn là dòng điện sinh học. Hệ thống này có nguyên tắc dữ liệu chung đó chính là nguyên tắc âm/ dương hay 0/1, bật/ tắt của máy tính, từ đó cũng tạo ra cách hoạt động máy móc cũng tương tự nhau.

Tâm trí của bạn cũng giống như một hệ điều hành trên máy tính, nên nó cũng gồm 02 dạng phần mềm chính như:

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

1/ Những phần mềm mặc định, được tạo ra từ lúc mới sinh, gồm những hoạt động vô thức như: hít thở, tiêu hóa, tuần hoàn, bài tiết,..một cách trơn tru và hoàn hảo. Nói cách khác đây là những thứ bản năng của con người, giúp bạn tìm thức ăn khi đói, biết chạy trốn khi gặp nguy hiểm, biết sợ khi bị đau,..Điều này giúp cho một đứa trẻ con cũng biết rụt tay khi sờ vào lửa. Phần mềm này được ghi vào DNA của bạn, nó hoạt động không cần suy nghĩ của bạn và hoạt động rất thông minh, giúp bạn có thể sống cả trăm năm với tất cả những sự kiện xảy ra trong suốt cuộc đời bạn.

2/ Những phần mềm được cài thêm, đây chính là những thứ bạn ghi chép về bộ nhớ của bạn trong suốt quá trình sống của bạn, như là văn hóa, tôn giáo, hệ thống niềm tin, hệ thống giá trị đúng - sai, tốt - xấu, hình ảnh của bạn và những người khác,… cuối cùng tạo ra con người của bạn hiện tại. Đây là nguyên nhân vì sao trẻ con thường vô tư và trong sáng, còn người lớn sau một quá trình sống với rất nhiều thứ được cài vào đầu, trở nên tăm tối và đau khổ. Những phần mềm cài thêm này hoạt động chủ yếu dựa vào suy nghĩ của bạn, là cái mà luôn luyên thuyên cả ngày, nói về đủ thứ chuyện trên đời. Bạn hiểu ý mình chứ?

Về cơ bản, bạn cần hiểu tâm trí hoạt động như là một cái máy ghi âm, và nó còn ghi cả hình ảnh, cảm xúc, cảm nhận bằng tất cả các giác quan với toàn bộ quá trình sống của bạn từ lúc mới sinh đến bây giờ. Nó luôn ghi nhớ mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, bạn thường chỉ nhớ hoặc nhận thức được rất ít so với những gì bạn trải nghiệm được. Vì sau khi bạn đã cài những phần mềm mới vào, như là hệ thống niềm tin, giá trị đạo đức, nó sẽ lọc những gì mà bạn không cho là phù hợp. Vì vậy, thực sự bạn đang chỉ sử dụng vài % rất nhỏ so với toàn bộ khả năng não bộ của bạn, như các nhà khoa học tính toán là dưới 10%.

Vì tâm trí như là cái máy ghi âm, nên nó cũng phóng chiếu ra hình ảnh của mọi thứ, nó tạo ra hình ảnh của bạn, và về người khác, nó tạo ra các khái niệm, từ đó tạo ra bản ngã của bạn. Ví dụ, bạn có thể tạo ra hình ảnh của một thằng Thạch với hình dáng là lần gần nhất bạn gặp, bạn nghĩ rằng nó nói những điều tào lao, nó làm cái này, làm cái kia, trước học cùng mình hay không..Tương tự cũng như hình ảnh bạn tự tạo ra cho chính mình. Khi bạn có hình ảnh của chính mình, bạn muốn nó là tốt nhất, muốn nó hơn những người khác, vì vậy bạn đầu tư cho nó, bạn chạy theo mốt thời thượng nhất, bạn nghĩ rằng mình giỏi nhất vũ trụ. Nếu ai đó hơn bạn ở mặt nào đó, bạn so sánh, bạn đau khổ hoặc bạn thù ghét người đó. Bạn có nhận thấy điều này không?

Tiếp theo, do mỗi con người được sinh ra ở nơi nào đều bị tác động bởi văn hóa, xã hội của nơi đó, nên những phần mềm này được cài vào đầu họ mà họ không nhận thức ra được, từ đó điều khiển mọi hoạt động trong cuộc sống của mỗi người như được lập trình. Nếu một ai đó không nhận thức được điều này, cuộc sống của họ không khác gì robot sinh học, như zombie giữa đời thực.

Ví dụ: Từ nhỏ bạn luôn được dạy rằng phải học thật giỏi, kiếm việc làm, sau đó mua nhà, mua xe, cuối cùng để dành tiền cho con cái đi học, mua nhà cho chúng. Đa phần xã hội đang sống theo phần mềm này, và nó làm cho con người ta chạy theo nó, những người không làm được thì đau khổ, những người làm được thì sống phí hoài cả cuộc đời chạy theo điều này, vì khi họ làm được rồi họ cũng không còn sống được nhiều nữa.

Ví dụ: Bạn được học từ nhỏ rằng tiền là xấu, bọn nào buôn bán là người xấu, là gian thương, bọn tham lam. Bạn được dạy như vậy nên bạn sợ tiền, bạn muốn công việc ổn định. Một mặt bạn thích tiền vì nó giúp bạn sống tốt, một mặt bạn sợ tiền nên bạn chỉ muốn tìm nơi nào thật ổn định, bạn muốn vào nhà nước. Từ đó bạn có thể chấp nhận cuộc sống lương 3 cọc 3 đồng và từ đó nảy sinh sự mâu thuẫn trong con người bạn, và từ đó thể hiện ra sự đau khổ trong cuộc sống bên ngoài.

Hay là, bạn đã dành 12 năm học trong trường lớp chỉ để học một điều là không được đặt câu hỏi, không được phản biện, tất cả những gì người lớn bảo là chân lý. Bạn ra đời với niềm tin rằng mình điểm cao sẽ có công việc lương cao và an nhàn. Đến khi cuộc đời vả vào mặt bạn bằng sự thật, bạn đổ vỡ. Bạn thử lại vài lần nhưng không được, và bạn đổ lỗi cho nhà trường, cho xã hội,vv..vv

Nếu bạn có thể thấy những người theo đạo Hồi, họ tin rằng thượng đế của họ Allah là duy nhất, bất cứ ai tin vào thượng đế khác đều phải chết theo niềm tin của họ. Từ đó, họ cho rằng tử vì đạo là cao cả, là thiêng liêng, họ sẵn sàng ôm bom tự sát mà không chút do dự. bạn thấy cuộc sống như vậy khác gì Robot không?

Nếu bạn nghĩ rộng ra bạn có thấy những điều này chưa?

Một số ví dụ để bạn có thể nhìn rõ, bạn còn cần thêm ví dụ nào khác nữa không?

Tâm trí vì hoạt động theo nguyên tắc máy tính này nên nó chỉ có khả năng nhận thứ 2 mặt, đó chính là luôn phán xét cái này là đúng hoặc sai, không có cái nào vừa đúng vừa sai hoặc cả 2 cùng đúng cả. Nó luôn so sánh mình với người khác, từ đó tạo ra đủ thứ như: thiện - ác, tốt - xấu, giàu - nghèo, văn minh - man rợ,… bạn có thể tự kể rất nhiều ra dựa vào cuộc sống của bạn.

Vì tâm trí có tính nhị nguyên, nó luôn phán xét dựa theo những chuẩn mực nó tạo ra. Nếu bạn sống ở Mỹ thì hệ giá trị của họ khác của bạn, tương tự như ở trung đông cũng vậy. Vì vậy nếu bạn ăn thịt lợn ở nước Hồi Giáo, họ có thể giết bạn, hoặc tương tự ăn thịt bò ở Ấn Độ.

Tính nhị nguyên này là trò chơi mà toàn nhân loại đang mắc vào và không thoát ra được từ lúc khai thiên lập địa, vì vậy nó tạo ra mọi xung đột, đầu tiên chính là trong bản thân mỗi người, gây ra sự đau khổ và giận dữ trong mỗi cá nhân. Từ đó nó dẫn đến xung đột trong gia đình, rồi đến xã hội, đến các quốc gia và cuối cùng gây chiến tranh trên khắp toàn cầu.

Nếu nhân loại muốn đi tiếp và phát triển hơn, họ cần phải hiểu rằng không có bất kì một giải pháp nào có thể giúp mọi người sống tốt hơn nếu như trong bản thân mỗi người có thể tự có hòa bình của tâm trí, hay nói cách khác là mất đi tính nhị nguyên này.

Như vậy, nếu bạn chỉ có tâm trí và cơ thể, bạn không khác gì con robot cả, bạn hoạt động theo phản ứng, từ đó thành thói quen, và thói quen trong nhiều năm tạo ra số mệnh của bạn. Sự khác biệt giữa con người và cái máy chính là linh hồn của bạn, giúp bạn lựa chọn sống theo phản ứng, hay theo tiếng gọi của trái tim. Đó là lý do tại sao kể cả những người lính theo Phát xít cũng có những người giúp đỡ người Do Thái, những người sẵn sàng chịu chết để có thể sống theo lương tâm của mình.

Suy cho cùng, tâm trí không phải là cái xấu xa, nó là công cụ cần thiết để bạn có thể sống như là làm việc, tính toán, giúp bạn chế tạo ra máy móc, làm ra mọi thứ trên đời. Điều quan trọng là bạn cần hiểu khi nào bạn cần dùng đến nó và khi nào bạn để nó nghỉ ngơi và nghe theo tiếng nói của linh hồn.

Nếu không biết chinh phục và sử dung tâm trí, chúng ta sẽ trở thành nô lệ của tâm trí.

GIẢI ĐỘC TÂM TRÍ

Sau những giai đoạn căng thẳng, đau buồn, nghi ngờ bản thân hoặc bị lạc lối trong cuộc sống hàng ngày, tâm trí của chúng ta thường cần được detox.

“Giải độc tâm trí” sẽ tạo ra sự thay đổi tư duy, suy nghĩ thoáng đãng và giúp chúng ta cảm thấy như được hồi sinh trong chính cuộc sống hằng ngày. May mắn thay, khi quan tâm đến sức khỏe tinh thần, chúng ta thực sự có thể tạo ra thay đổi từ chính sức mạnh to lớn tác động đến tâm trí của chính mình.

Dưới đây là những bước đơn giản để thực hiện "detox tinh thần" của riêng bạn.

1. Tập lắng nghe chính cơ thể bạn

Chúng ta thường bị chi phối đến mức phải luôn lo lắng về một sự thay đổi trong chính cảm xúc của chúng ta. Chìa khóa để mở cánh cửa lo lắng này chính là tạm dừng lại và lắng nghe cơ thể mình.

Với mỗi trạng thái tinh thần, cơ thể luôn phản hồi và thể hiện ra ngay. Bằng cách tạm dừng và lắng nghe cơ thể chính mình, bạn sẽ nhận ra được những thứ mình đang thật sự cần.

Ngồi im hít thở, lắng nghe đôi vai đang mỏi, cơ mặt đang co và nhăn, nhịp tim dồn dập không đều, hoặc bất kỳ cảm giác nào đến từ các bộ phận của cơ thể. Bằng cách này bạn có thể nhận ra được những nhu cầu về cảm xúc và tinh thần để từ đó bình tĩnh, tiếp cận, ‘refresh’ và khai sáng.

Ngồi trên ghế tư thế thoải mái, đặt tay lên đùi, hai lòng bàn tay hướng xuống đất và nhắm mắt lại. “Rà soát” toàn bộ ngóc ngách mọi cơ thể bằng cách di chuyển làn hơi của mình, đừng quên chú ý đến cảm giác ở mỗi bộ phận cơ thể nhé.

2. Học cách chấp nhận và vị tha

Bạn có biết, một phần trong phản ứng tự nhiên của con người là lo lắng và căng thẳng. Bằng cách này bộ não sẽ thích ứng và cho bạn biết rằng bạn đang gặp vấn đề đấy!

Khi đã biết chấp nhận rằng cảm xúc của mình chỉ đơn giản là một phần của trải nghiệm mà ai cũng có, bạn sẽ có thể tạo ra nhiều không gian hơn để “đối mặt” với những cảm xúc đó, thay vì cứ mãi dồn nén.

Một trong những cách hiệu quả nhất để cảm thông cho chính những cảm xúc của mình chính là đối xử với cảm xúc đó giống như bạn đang đối xử với cảm xúc của một người bạn. Hay nói cách khác, dùng sự thấu hiểu, hỗ trợ và tình yêu để đối mặt với cảm xúc của chính mình.

Tất cả chúng ta đều có một loạt rất nhiều các cảm xúc và trạng thái tinh thần và bạn có thể giải phóng mình khỏi gánh nặng của cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ khi bạn biết bao dung.

3. Tạo sự kết nối cảm xúc thực sự.

Kết nối với những người khác giúp nuôi dưỡng sự chấp nhận và lòng vị tha cho cảm xúc của chính bạn. Nói ra thành tiếng những cảm xúc của bản thân sẽ giúp bộ não xử lý chúng theo một cách mới.

Khi bạn cởi mở và trung thực với người khác về cảm xúc của mình, bạn chắc chắn sẽ dễ bị tổn thương. Điều này có thể không thoải mái, nhưng nó thực sự kết nối với chúng ta và cảm giác được kết nối sẽ phát triển sức khỏe tinh thần của bạn.

Vì vậy, hãy lên lịch cho việc đi bộ, cà phê, tập yoga và hẹn hò với bạn bè hoặc bất kỳ hoạt động nào bạn cảm thấy có thể tạo được mối quan hệ giữa bạn với người khác và với chính mình.

4. “Detox” luôn cả môi trường xung quanh

Detox tâm trí của bạn không chỉ xuất phát từ bên trong. Bạn có thể “làm sạch” tâm trí của mình bằng cách thay đổi môi trường sống xung quanh.

Dọn dẹp không gian bằng cách rất đơn giản là để điện thoại ở chế độ im lặng trong vài giờ hoặc sắp xếp lại bàn làm việc. Hoặc ở quy mô lớn hơn, ra ngoài vào cuối tuần để dành thời gian cho thiên nhiên. Những thay đổi thực tế và bên ngoài thật sự có tác động đến trạng thái bên trong tâm hồn bạn, tránh xa những điều tiêu cực và phán xét của mọi người, vì vậy hãy chú ý đến mọi người và mọi vật xung quanh bạn.

5. “Giải độc tâm trí” cũng là cách để giải độc cơ thể

Cơ thể chúng ta có thể “nắm bắt” và biết được những căng thẳng hay cảm xúc khó khăn của bạn. Sự thay đổi, chuyển hướng tâm lý luôn là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên, tâm trí và cơ thể chúng ta luôn có mối liên kết. Cơ thể sẽ biến cách trở thành như một “điểm truy cập hiệu quả” để tạo ra trạng thái cân bằng.

Khi có đủ thời gian chuẩn bị trước một cuộc họp, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Khi bạn nhảy múa, não cũng sẽ gửi cho bạn thông điệp về niềm vui và sự an toàn. Khi bạn uống nước liên tục trong suốt cả ngày, cơ thể và não hoạt động tốt hơn và tăng cảm giác bình tĩnh, khỏe mạnh hơn.

Bạn có thể tiếp cận sức khỏe tinh thần của mình thông qua sức khỏe thể chất của bạn, vì vậy hãy xem việc chăm sóc cơ thể như một cách chăm sóc tâm trí.

Điểm mấu chốt: Xây dựng nhận thức và chấp nhận, trau dồi lòng bác ái và kết nối, xem xét những thay đổi bên ngoài và hiểu được cơ thể là tất cả các chìa khóa để làm sạch và chăm sóc tâm trí của bạn.

Mỗi chiến lược này đều bắt nguồn từ khoa học, bạn có thể áp dụng từng bước hoặc theo trình tự. Điều quan trọng là, giống như việc detox trong ăn uống, bạn cần có ý chí và nỗ lực. Vì vậy, hãy có chủ ý về việc detox tinh thần của bạn, và hãy tử tế với chính mình khi bạn bắt tay vào sự thay đổi này.

THỰC HÀNH THIỀN LÀM CHỦ TÂM TRÍ

Thực hành thiền giúp những người hay lo lắng chuyển sự chú ý trong nội tâm họ ra thế giới bên ngoài, đặt sự tập trung vào những việc đang diễn ra. Nó giúp chúng ta chống lại sự căng thẳng, kích hoạt các phản ứng thư giãn tự nhiên của cơ thể. Thuật ngữ "phản ứng thư giãn" được đặt tên bởi Tiến sĩ Herbert Benson thuộc Viện Y học Tâm lý/Cơ thể Harvard. Nó đề cập đến khả năng giải phóng các hóa chất và các tín hiệu não. Với điều này, trí não của bạn nhanh nhạy và phản ứng nhanh hơn trước các tình huống hàng ngày. Các bài tập thiền chủ yếu hướng dẫn mọi người tập trung vào cảm xúc và nhận thức ở hiện tại.

Cách thực hành thiền đơn giản giúp giảm căng thẳng cho cả tâm trí và cơ thể:

Đối với những người mới bắt đầu thiền định, mục tiêu là chỉ tập trung vào việc hít thở trong 10 phút liên tục, đồng thời tập trung ý thức về sự tiếp xúc của cơ thể với không gian xung quanh:

- Chuẩn bị đồng hồ bấm giờ trong thời gian bạn muốn thực hành thiền.

- Chuẩn bị tư thế ngồi thẳng lưng, hai chân xếp bằng tròn sao cho thoải mái nhất, hướng đầu lên phía trên.

- Tập trung sự chú ý và toàn bộ tâm trí của bạn vào hơi thở.

- Cảm nhận từng hơi thở đi ra, đi vào: Bạn đang cảm thấy thế nào? Bạn để ý điều gì? Hãy chú ý đến từng cảm giác nhỏ nhất xuất hiện theo từng nhịp thở.

- Khi những ý nghĩ xuất hiện trong tâm trí bạn, dù có cảm nhận thế nào, bạn cũng nên mỉm cười với chính mình. Bạn chỉ cần nhận biết rằng ý nghĩ đó đã xuất hiện và để chúng qua đi, không cần phán xét. Sau đó nhẹ nhàng để tâm trí quay trở lại với hơi thở. Khi bạn có thể thực hiện được điều này, tâm trí và cơ thể bạn sẽ giải phóng được sự căng thẳng.

- Sau 10 phút hoặc hơn, bạn có thể nhẹ nhàng mở mắt, đánh thức cơ thể, tâm trí và thoát khỏi trạng thái thiền.

Đừng quá để ý nếu bạn vẫn chưa thoát khỏi những suy nghĩ của chính mình. Lợi ích của bài tập này phần lớn nằm ở việc bạn không để những suy nghĩ xuất hiện trong quá trình thiền tác động và có thể lấy lại sự tập trung vào hơi thở. Thực hành thiền thường xuyên bạn sẽ cảm nhận sự khác biệt đáng kể trong cách bạn phản ứng với cảm giác của chính mình và phản ứng với người khác.

THANH LỌC TÂM

Khi quán niệm hơi thở, bạn trụ tâm trên hơi thở. Nếu muốn, mỗi lần bạn có thể tập như thế khoảng mười phút. Khi hành thiền lâu hơn mười phút, bạn có thể quán hơi thở trong mười hay mười lăm phút đầu, cho đến khi tâm định và lắng xuống. Nếu tâm vẫn chưa an, bạn hãy tìm cách xem lại trong phương pháp thực hành có gì trục trặc. Bạn phải nhận ra được trạng thái tâm của mình lúc ấy; bạn sẽ thấy rằng tâm có thể dễ định hơn vào một thời điểm nào đó trong ngày. Nếu tâm khó định, có thể là vì bạn đang mệt mỏi, hay thân thể không được khỏe. Sau bửa ăn, tâm khó định vì năng lượng của cơ thể được dành ưu tiên cho việc tiêu hóa thức ăn.

Sau khi tập trung đi sâu vào việc quán hơi thở khoảng mười phút, bạn hãy buông hơi thở ra, không tập trung vào nó nữa. Thay vào đó, hãy quán sát những gì xảy ra, những gì đến rồi đi trong tâm; Hãy ghi nhận những tư tưởng và tình cảm sinh khởi. Ngay chính giây phút mà bạn biết là bạn đang suy nghĩ hay thấy là bạn đang bị chìm đắm trong suy nghĩ, đó chính là giây phút mà bạn đang chánh niệm. Nhưng ngay sau đó, bạn bắt đầu phán đoán và đánh giá sự thấy và biết của mình. Nếu lúc ấy, bạn bắt đầu cảm thấy tội lỗi hay có phản ứng chống lại với việc bị chìm đắm trong suy nghĩ, thì đó là lúc mà bạn đang lại tiếp tục tiến trình suy nghĩ của mình. Hay nếu bạn cố gắng tìm hiểu tại sao mình lại miên man suy nghĩ, đó chính là lúc mà bạn đang phân tích tâm của bạn. Vì thế hãy tiếp tục buông bỏ những suy nghĩ của mình và chỉ thuần quan sát mà thôi.

Lúc đầu chúng ta không thể chánh niệm liên tục được vì chúng ta có thói quen suy nghĩ hay đi lang thang từ tư tưởng nầy đến tư tưởng khác. Vì thế, chúng ta phải tập chánh niệm trong từng chập hay từng sát na. Khi thấy là mình đang bị chìm đắm trong suy nghĩ, ngay lúc đó bạn hãy trở về chánh niệm, để thấy được quá trình sinh và diệt của những tư tưởng và tình cảm của mình.

Thiền quan sát có nghĩa là thấy một cách rõ ràng và biết rằng tất cả những gì đến sẽ ra đi và những gì sinh ra đều diệt tận. Đây là phương pháp hành thiền mà Đức Phật đã tìm ra và chỉ dạy lại cho chúng ta, và nếu thực hành theo cách đó, chúng ta có thể hiểu một cách rõ ràng những điều kiện xảy ra trong tâm, thấy và biết rằng chúng không ngừng thay đổi, chúng không phải là những tính chất của một cá thể, hay một cái ngã biệt lập. Những chúng sinh chưa giác ngộ không thể thấy như vậy. Họ xem tất cả những tư tưởng, ký ức, tình cảm, nhận thức, khái niệm, và ý thức về cơ thể là thể hiện của một cái ngã biệt lập. Nhưng những Phật tử như chúng tôi xem tất cả những gì xảy ra trong tâm đơn thuần chỉ là những điều kiện và những điều kiện nầy đến rồi đi, sinh rồi diệt. Nói khác đi, khi hành thiền minh sát, chúng ta chỉ làm một việc rất đơn giản, đó là thấy và biết tất cả những điều kiện sinh và diệt trong thân và tâm.

QUÁ TRÌNH THANH LỌC TÂM

Phần lớn những chúng sanh mê lầm và vô tâm thường đè nén và đẩy lùi hoặc xoá bỏ nhiều điều trong ý thức của họ. Chúng ta ức chế tất cả và chỉ chấp nhận một số điều kiện nào đó trong tâm mình. Đây là một thói quen được xã hội huân tập: Chúng ta chỉ cho phép hiện diện và hoạt động trong ý thức của mình những gì mà xã hội chấp nhận. Vì xã hội bảo chúng ta phải suy nghĩ với lý trí và chỉ nên có những tình cảm mà mọi người chấp nhận, nên chúng ta đẩy lùi và dấu nhẹm trong tâm những tình cảm tiêu cực như thù hận, xấu xa, điên rồ, ngu xuẩn hay bần tiện. Nhưng những tình cảm bị đè nén nầy sẽ không biến mất; chúng chỉ nằm yên ở đó. Chúng ta không thể triệt tiêu tư tưởng và tình cảm bằng cách đè nén chúng; Hành động đè nén thật ra chỉ là thái độ không chú ý đến mà thôi. Nhưng cuối cùng, những gì bị đè nén cũng sẽ trồi lên -- và đôi khi lại trồi lên trong những hoàn cảnh làm cho chúng ta vô cùng bối rối và xấu hổ.

Trong khi hành thiền, chúng ta để cho những gì bị đè nén từ lâu trồi lên và hiện ra trong tâm, cho dù chúng có vô lý và đáng sợ đến đâu. Khi chúng xuất hiện lên trong tâm, chúng ta hãy buông bỏ, tự khắc chúng sẽ biến mất. Đây chính là quá trình trong sạch hay thanh lọc tâm. Nó giống như tiến trình của việc chữa bịnh bằng cách rửa ruột vậy. Những gì tuôn ra từ ruột sẽ rất xấu xa và hôi thối, nhưng khi đã ra khỏi ruột rồi, bệnh nhân sẽ cảm thấy khỏe hơn nhiều.

TRÍ TUỆ MỞ RA KHI TÂM TRÍ TĨNH LẶNG

Nếu sống ở đời mà không có trí tuệ, chúng ta sẽ luôn tìm cách mưu toan, vận động, lôi kéo, điều khiển và kiểm soát mọi người, thậm chí ngay cả chính bản thân của mình, để bòn mót và chắt lọc giữ lấy những gì mình thích, và chối bỏ những gì mình không thích. Và rồi, khi cuộc đời không cho phép chúng ta điều khiển và kiểm soát mọi việc theo ý muốn của mình, chúng ta sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng, và tất cả những gì mà chúng ta che đậy và dấu diếm từ trước đến nay sẽ tự phơi bày hay bị lột trần -- đó là biến cố tâm lý mà chúng ta gọi là sự khủng hoảng tinh thần hay khủng hoảng thần kinh. Tuy nhiên, nếu hành thiền, bạn sẽ vẫn trải qua những cuộc khủng hoảng tinh thần nhưng đó là những cuộc khủng hoảng mà bạn vẫn có khả năng điều khiển và làm chủ được mình. Bạn sẽ nhận ra rằng tất cả những tư tưởng và tình cảm bất thiện chỉ là những điều kiện của tâm, chúng đến rồi đi và không có tự ngã. Bạn có thể tự cởi trói cho mình bằng cách buông bỏ thay vì tìm cách kiểm soát hoặc đè nén chúng. Và qua việc làm đó, bạn khai mở và giải phóng tâm thức của mình.

Để thanh lọc tâm, chúng ta phải để cho những tư tưởng và tình cảm bị đè nén và ức chế từ lâu được trồi lên và hiện ra trong tâm một cách có ý thức. Tuy nhiên, người đời lại thường cho ý thức là cái gì thuộc về riêng mình, vì thế nên khi có sự bấn loạn hoặc phiền não xảy ra trong tâm, chúng ta thường nghĩ , "Tôi là một người đầy rối loạn và khổ sở." Nhưng khi hành thiền, chúng ta biết được rằng ý thức không phải là tự ngã, nó không phải là một người hay một cá nhân nào đó. Ý thức chỉ là một điều kiện của thế giới tự nhiên. Khi quán sát bản chất thay đổi không ngừng của ý thức, bạn sẽ biết rằng nó không phải là cái ngã, và sự thấy biết nầy chính là công cụ hay cách thức giúp bạn tháo gở và giải phóng tất cả những gì bị ức chế và đè nén trong tâm. Nó sẽ giúp những tư tưởng và tình cảm tiêu cực và bất thiện mà bạn chống ghét và đè nén xuất hiện rồi vĩnh viễn biến mất.

Bất cứ cái gì cũng có thể hiện lên trong ý thức. Nó có thể đẹp hay ghê tởm, thiện hay ác, hợp lý hay điên rồ. Nhưng trong khi hành thiền, những tính chất nầy không quan trọng. Bạn chỉ cần biết là ý thức đang thay đổi và biết là nó không có cái ngã biệt lập -- nó là vô ngã. Khi bạn hiểu và thấy được điều nầy đầy đủ và rõ ràng, bạn có thể dùng ý thức để giải phóng, buông xả, mở trói, thay vì cố ý tìm cách chọn lọc rồi dấu nhẹm vào tâm thức những tình cảm và tư tưởng mà bạn thích hoặc không thích.

Trong thiền quan sát, chúng ta không lựa chọn gì hết. Chúng ta để cho tất cả -- ngay cả những gì tầm thường và vô giá trị -- hiện ra trong tâm, rồi buông bỏ nó. Chúng ta thấy và biết những điều kiện nầy đơn thuần như chỉ là những điều kiện. Và vì thế, tự bản chất, thiền minh sát là một việc làm đầy bi mẫn. Chúng ta không tìm cách chiếm hữu và chấp thủ vào mỗi sự vật như thể nó là một thực thể có thật, là một con người có thật hay là một cái gì "thuộc về chúng ta". Thay vào đó, chúng ta chỉ thấy và biết mỗi sự vật như là một điều kiện sinh rồi diệt. Ngay cả nếu có những tư tưởng hay cái nhìn điên loạn, chúng ta vẫn có thể để cho chúng hiện lên trong tâm rồi quán sát thay vì đè nén hay chạy theo sự sai khiến của chúng. Ức chế hay mê lầm chạy theo những tư tưởng và tình cảm là hai thái cực; Trung Đạo theo như lời Đức Phật dạy là sự thấy biết thuần túy những điều kiện như là những điều kiện.

Cho phép mọi sự vật hiện ra có nghĩa là để cho những tư tưởng mà bạn không thích hay những nỗi lo âu sợ hãi hiện lên trong tâm. Để làm được việc này, bạn phải thành tâm nghĩ về những tư tưởng nầy. Vì thế, hãy suy nghĩ một cách có ý thức về những điều mà bạn đã giấu giếm một cách bí mật và hy vọng là người đời không một ai sẽ biết về chúng, về những gì mà bạn sợ sệt và không dám nghĩ đến. Những tình cảm bị ức chế và đè nén nầy chính là những động lực đã bí mật điều khiển cuộc đời bạn, vì thế bạn phải chủ tâm làm cho chúng hiện lên trong tâm để có thể nhận diện được chúng. Nhưng khi chúng hiện lên rồi, bạn phải lắng nghe rồi buông xả thay vì bám vào chúng và cho chúng là một cái gì đó đặc biệt khác thường. Hãy xem chúng chỉ là những điều kiện đến rồi đi trong tâm.

HÃY LÀ NHÂN CHỨNG CỦA NHỮNG ĐIỀU KIỆN SINH KHỞI TRONG TÂM

Thế giới của ngũ dục là thế giới duyên sinh hay thế giới điều kiện. Thế giới nầy còn có tên là thế giới hữu vi. Bản chất của nó là bất toại nguyện, bởi vì nó có sự bắt đầu -- và tất cả những gì có sự bắt đầu đều phải có sự chấm dứt. Nếu một cái gì đó được sinh ra, chắc chắn nó sẽ hoại diệt. Vì thế, nếu bạn đi tìm cái ngã thật sự, hay một linh hồn trường cửu trong thế giới hữu vi nầy, chắc chắn bạn sẽ tuyệt vọng và đi đến chỗ bế tắc. Đây không phải là một lý thuyết về một linh hồn trường cữu mà bạn phải tin vì một người nào đó bảo bạn phải tin; trái lại, nó là cái mà bạn có thể trực tiếp thấy, biết và tự mình kiểm nghiệm. Chúng ta hành thiền bằng cách quán sát các loại thức được thiết lập qua sự tiếp xúc của sáu căn và sáu trần để tự chúng ta có thể kiểm nghiệm xem lý thuyết trên quả thật là đúng hay không.

Bạn có thể quán sát bất cứ điều gì có thể nhận thức được, qua sự tiếp xúc của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý. Tất cả những gì bạn nhận thức được đều chỉ là những điều kiện hay duyên -- những tư tưởng cao siêu, những ham muốn thấp hèn, hay bất cứ tình cảm chủ quan nào của bạn. Trong khi hành thiền, chúng ta chỉ làm nhân chứng quán sát những điều kiện sinh khởi trong thân và tâm; chúng ta trở thành sự thấy và sự biết về những điều kiện trong thân và tâm. Chúng ta nhận biết rằng những điều kiện nầy đang thay đổi, chúng là bất toại nguyện, và chúng không có cái tự ngã biệt lập. "Người đang thấy và biết đó là ai?" Khi hành thiền, bạn sẽ ghi nhận là khi có sự tức giận xuất hiện trong tâm, bạn có thể biết là đang có sự tức giận trong tâm. Nếu sự tức giận là bản chất thật sự của bạn thì bạn không thể nào quán sát được nó -- lúc đó bạn chính là cơn giận hay cơn giận và bạn trở thành là một. Nhưng cơn giận đến rồi đi và nó là một điều kiện luôn thay đổi; rõ ràng nó không phải là bạn.

Có thể hiện nay bạn chỉ hiểu một cách lý thuyết và có một ít tuệ giác để hiểu được điều nầy, nhưng nếu quả thật muốn thoát ly sinh tử, bạn phải chịu đựng và quán sát những điều kiện dường như không thể nào chịu đựng được của tâm thức. Bạn sẽ dùng trí tuệ để quan sát sự sinh và diệt của các điều kiện trong thân và tâm, xem xét chúng thật kỹ để qua sự thấy và biết về chúng, bạn có thể để cho chúng tự ra đi.

HÃY CAN ĐẢM XEM XÉT SỰ THẬT

Trong khi hành thiền, chúng ta phải có can đảm để cho những lo âu sợ hãi và lòng sân hận trồi lên và hiện ra trong tâm. Những điều mà chúng ta không thích -- chẳng hạn như sự nhàm chán, ngu xuẩn, buông lung và hoài nghi -- là những điều mà chúng ta thường đẩy sang một bên hoặc đè nén và nhận chìm sâu xuống tận đáy của tâm thức. Chúng ta không muốn bị phiền nhiễu bởi những gì tầm thường, điên loạn, và ngu muội; chúng ta muốn hướng sự chú ý về những gì quan trọng và tốt đẹp. Chúng ta không muốn biết rằng chúng ta đang có những tư tưởng rồ dại và ngu xuẩn.

Lòng sân hận là cái mà chúng ta thường ức chế; chúng ta không muốn nghĩ đến nó. Điều nầy quả thật là đúng vì xã hội dạy chúng ta chỉ được thương yêu chứ không được thù ghét con người. Chúng ta nên chỉ yêu cha mẹ chúng ta và không bao giờ được thù ghét con cái của mình. Nhưng chúng ta không thể nào mãi mãi yêu một cái gì đó; tình thương là một điều kiện luôn thay đổi, tâm sân hận cũng thế.

Trong khi hành thiền, chúng ta có thể để sự sân hận hiện ra trong tâm vì về bản chất, đây là một hành động thiện. Mục đích của nó là thanh lọc tâm, chứ không phải hãm hại người khác. Vì thế, hãy tin tưởng ở động cơ tốt đẹp của việc làm nầy. Đừng sợ hãi khi tâm sân hận được cho phép xuất hiện nhằm mục đích thanh lọc tâm vì lúc đó bạn không hướng sự sân hận về một người nào đó. Trong khi hành thiền, ước nguyện của bạn là thanh lọc tâm, và bạn phải tin tưởng vào ước nguyện nầy. Cho dù bạn có mong được giác ngộ hay không, đó là một chuyện khác. Nhưng hãy tin tưởng vào nguyện vọng hướng đến giải thoát và Niết Bàn của bạn.

Khi bạn thấy và biết được sự lo âu sợ hãi từ lâu bị chôn vùi trong tâm, nó sẽ không làm bạn sợ hãi nữa. Chỉ khi nào bạn vô tâm tìm cách chống lại nó, nó mới có sức mạnh chế ngự bạn. Khi bạn nhận chân rằng sự lo sợ chỉ là một điều kiện đi qua tâm, nó giống như một con rồng. Mới thoạt nhìn, hình như nó có sức mạnh hãm hại bạn, nhưng khi bạn thật sự đối diện với nó, bất thình lình nó sẽ thu mình lại và không còn đe dọa nữa. Sức mạnh của nó hoàn toàn tùy thuộc vào sự mê lầm của bạn, tùy thuộc vào việc bạn có cho là nó thật sự có sức mạnh hung hãn hay không. Nếu bạn thét lên, "Ối trời ơi!" và cao bay xa chạy bất cứ lúc nào có một hình ảnh ghê sợ hiện lên trong tâm, hình ảnh đó sẽ chế ngự bạn suốt đời. Nhưng nếu bạn ý thức để cho những điều lo sợ hiện lên trong tâm, thì nó sẽ không còn quyền năng chế ngự bạn. Nó chỉ chế ngự bạn khi bạn cho phép nó làm việc đó bằng cách phản ứng lại nó.

Chính vì thế, chúng ta xem tâm như một tấm gương: nó phản ảnh tất cả mọi vật và sự việc. Nhưng những hình ảnh được phản chiếu trong gương không phải là tấm gương. Những gì xấu xa nhất có thể hiện lên trong tấm gương nhưng nó vẫn không làm hư hại tấm gương. Có thể những hình ảnh trong gương không mấy gì đẹp đẽ để nhìn ngắm, nhưng nó chỉ là phản ảnh. Không chóng thì chầy, nó sẽ ra đi, và rồi mọi việc sẽ bình thường trở lại. Chính vì thế mà chúng ta phải có khả năng chịu đựng để nhìn thấy những hình ảnh xấu xa gớm ghiếc đi qua tâm. Chúng ta phải hiểu chúng chỉ là những phản ảnh trong tâm, chứ không phải là những vấn đề cá nhân của chúng ta, và càng không phải là nhân cách của chúng ta. Chúng chỉ là những điều kiện được tạo tác và sinh khởi, giống như cái thế gian mà chúng ta đang sống, thế thôi.

QUÁN TƯỞNG NHỮNG HÌNH ẢNH TỪ BÊN NGOÀI

Nhờ sáu giác quan mà bạn thể nghiệm được những gì đang xảy ra chung quanh và những kinh nghiệm nầy sẽ được phản ảnh qua tâm. Nếu bạn đến một thành phố lớn, tất cả những bảng quảng cáo ở đó sẽ lôi cuốn và kích thích giác quan của bạn. Xã hội của chúng ta vận hành theo nguyên tắc của tham ái và dục vọng. Chúng ta không thể không tham muốn và thèm khát vì những hình ảnh kích thích tham ái luôn luôn có mặt trước tấm gương "tâm" của chúng ta. Phần lớn sản phẩm con người tạo ra là để ca ngợi và chiêm ngưỡng cái ngã của họ; đa phần sản phẩm con người làm ra không làm thân và tâm chúng ta lắng dịu. Chúng thường làm chúng ta bị kích động, sôi nổi, nhàm chán hoặc buồn bã và tuyệt vọng. Ít người tạo ra những sản phẩm đẹp đem lại sự an lạc và hòa hợp cho nhân loại.

Thanh lọc tâm trí giúp cho chúng ta nhanh chóng tìm lại bình an, phúc lạc và trở về trạng thái nguyên sơ tinh khiết của mình. Và là bước cơ bản để đi trên con đường giác ngộ. 🙏💞

Nguồn: Facebook Bình Trần

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh