Bí Ẩn Khối Thập Nhị Diện Của La Mã Cổ Đại

BÍ ẨN KHỐI THẬP NHỊ DIỆN CỦA LA MÃ CỔ ĐẠI

Khối thập nhị diện thời La Mã cổ đại (Dodecahedra) là một vật thể nhỏ, rỗng, được làm từ đồng, đôi khi bằng đá, có hình dạng bên ngoài là khối 12 mặt, trong đó mỗi mặt là một ngũ giác đều.

1338-bi-an-khoi-thap-nhi-dien-cua-la-ma-co-dai-1.jpg

Khối đa diện này còn được trang trí thêm các núm hình cầu tại mỗi đỉnh, ngoài ra, trên mặt của các ngũ giác đều có những lỗ hình tròn. Đã hơn 200 năm trôi qua kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa thể khám phá được nguồn gốc và công dụng của vật thể bí ẩn này.

Khối thập nhị diện có niên đại từ thế kỷ thứ 2 hoặc thứ 3 sau Công Nguyên, thường có kích thước từ 4cm đến 11cm. Cho đến nay, hơn một trăm mẫu vật loại này đã được tìm thấy tại Vương quốc Anh, Bỉ, Đức, Pháp, Luxembourg, Hà Lan, Áo, Thụy Sĩ và Hungary.

1338-bi-an-khoi-thap-nhi-dien-cua-la-ma-co-dai-2.jpg

Một khối thập nhị diện không hoàn chỉnh làm từ hợp kim đồng (khoảng năm 1 - 400 sau Công Nguyên), được phát hiện bởi một người chuyên dò tìm kim loại ở Yorkshire, Anh. (Ảnh: Portable Antiquities Scheme/CC)

Một câu hỏi bí ẩn được đặt ra, đó là: khối thập nhị diện này được chế tạo với mục đích gì?

Trên thực tế, không có một tài liệu hay ghi chép nào về thời gian mà khối đa diện này được tạo ra, vậy nên, công dụng của nó vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, trong những thế kỷ qua, có nhiều giả thuyết và suy đoán đã được đưa ra như: giá đỡ nến (sáp được tìm thấy trong một mẫu vật), xúc xắc, dụng cụ khảo sát, thiết bị để xác định thời điểm gieo hạt tối ưu cho vụ đông, máy đo đường kính ống nước, biểu tượng quân sự, đồ trang trí quyền trượng, món đồ chơi để ném và bắt bằng gậy, hoặc đơn giản chỉ là một tác phẩm điêu khắc mang tính hình học.

Một trong những giả thuyết nhận được nhiều sự đồng thuận nhất là khối thập nhị diện thời La Mã cổ đại được sử dụng như một thiết bị đo lường, cụ thể hơn, là đo khoảng cách các vị trí trên chiến trường. Dodecahedra được sử dụng để tính toán quỹ đạo bay của đường đạn. Điều này có thể giải thích cho các lỗ tròn có kích thước khác nhau xuất hiện trên mặt ngũ giác. Ngoài ra, có một giả thuyết tương tự, đó là khối thập nhị diện này được dùng để khảo sát và san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy hai giả thuyết nêu trên là đúng.

Bên cạnh đó, có một giả thuyết thú vị được đưa ra, đó là khối thập nhị diện được dùng làm thiết bị thiên văn để xác định thời điểm gieo hạt tối ưu cho vụ đông. Theo nhà nghiên cứu người Đức, G.M.C. Wagemans, “khối thập nhị diện là một thiết bị thiên văn có thể đo được các góc chiếu của ánh sáng mặt trời, qua đó, có thể xác định chính xác thời điểm diễn ra vụ xuân và vụ thu. Điều này đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp”. Tuy nhiên, theo những người phản đối giả thuyết này, việc sử dụng nó như một công cụ đo lường dưới bất kỳ hình thức nào đều không phù hợp, bởi khối đa diện không được tiêu chuẩn hóa, bản thân nó cũng có nhiều loại với những kích cỡ và cách sắp xếp khác nhau.

1338-bi-an-khoi-thap-nhi-dien-cua-la-ma-co-dai-3.jpg

Khối thập nhị diện thời La Mã cổ đại được tìm thấy ở Bonn, Đức. (Ảnh: Wikipedia)

Một giả thuyết khác cho rằng khối thập nhị diện là di vật tôn giáo, từng được sử dụng làm công cụ linh thiêng cho các tu sĩ trong tôn giáo cổ đại của người Celt (Xen-tơ) thuộc vùng Britannia và Caledonia. Tuy nhiên, không có một tài liệu ghi chép hay bằng chứng khảo cổ nào có thể kiểm chứng cho giả thuyết trên.

Liệu vật thể kỳ lạ này có phải chỉ đơn giản là món đồ chơi hay trò giải trí của binh lính trong các chiến dịch chiến tranh? Một số nguồn thông tin cho rằng khối thập nhị diện được dùng làm vật thể trung tâm trong một trò chơi giống như ‘ném bóng vào rổ’ ngày nay. Trong đó, những người chơi sẽ ném đá sao cho rơi trúng vào những lỗ tròn tại các mặt của khối thập nhị diện.

1338-bi-an-khoi-thap-nhi-dien-cua-la-ma-co-dai-4.jpg

Tượng ‘Dodecahedra’ bí ẩn được đặt tại Tongeren (Bỉ). (Ảnh: Wikimedia)

Bí ẩn không chỉ dừng lại ở đó. Cụ thể, nhà khoa học người Đức, Benno Artmann, đã phát hiện ra một khối 20 mặt thời La Mã cổ đại. Khối đa diện này bị nhầm thành một khối 12 mặt và được cất ở trong tầng hầm của viện bảo tàng. Phát hiện này đã đặt ra câu hỏi: tại nơi từng là Đế chế La Mã vĩ đại, liệu có tồn tại những hiện vật hình học khác như khối 20 mặt, lục giác, bát giác - vẫn chưa được tìm thấy?

1338-bi-an-khoi-thap-nhi-dien-cua-la-ma-co-dai-5.jpg

Khối 20 mặt thời La Mã cổ đại được tìm thấy bởi Benno Artmann (Ảnh: Georgehart.com)

Mặc dù vẫn còn là một bí ẩn chưa được giải đáp, có một điều chắc chắn, khối đa diện thời La Mã cổ đại này luôn được đánh giá cao bởi những người sở hữu nó. Bằng chứng là có nhiều khối thập nhị diện đã được tìm thấy trong các kho báu, cùng với tiền xu và những đồ vật có giá trị khác.

Chúng ta có thể không bao giờ biết được mục đích thực sự của khối thập nhị diện thời La Mã cổ đại này, nhưng chúng ta có thể hy vọng rằng những tiến bộ trong lĩnh vực khảo cổ học sẽ phát hiện được thêm nhiều manh mối, từ đó giải đáp bí ẩn cổ xưa này.

Theo Ancient Origins,

Phan Anh

Nguồn: trithucvn

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo
TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh