Mi Tiên Vấn Ðáp: Câu 175. Niết Bàn Không Ở Đâu Cả!

MI TIÊN VẤN ÐÁP: CÂU 175. NIẾT BÀN KHÔNG Ở ĐÂU CẢ!

  • Bây giờ chúng ta trở lại đề tài Niết bàn! Đại đức nói rằng có Niết bàn và trẫm cũng tin như thế - Nhưng nó ở đâu đại đức? Nó ở đông, tây, nam, bắc, thượng, hạ, trung?
  • Ở một nơi nào đó, một chỗ nào đó thì không phải Niết bàn, tâu đại vương!
  • Thế là đã rõ!
  • Đại vương rõ sao ạ?
  • Thưa, rõ là không có Niết bàn; Niết bàn chỉ là hư vô, không tưởng! Niết bàn đã không có thì làm gì có chuyện tỏ rõ Niết bàn, tỏ ngộ Niết bàn? Và lại càng không có cái gọi là an trú Niết bàn? Tại sao lại như thế? Vì khái niệm "trú" là gì đại đức biết chăng? Trú có nghĩa là phải có một địa cư, một vùng đất, một nơi chốn, một miền, một xứ, một cõi, một cảnh...để đấy, nương gá đấy, trụ ở đấy! Ví dụ như người ta nói rằng, ruộng là nơi trú của rất nhiều chủng loại lúa: lúa Sàlì, lúa thơm, lúa ngắn ngày, lúa dài ngày v..v... Ví như người ta nói biển là nơi trú của vô lượng loài thủy tộc, vô lượng trân châu, bảo ngọc v.v...Ví như quả đất làm nơi nương trú của người, vật, chim muông, cây cỏ v.

Vậy thì nếu Niết bàn không có một chỗ nào cả - thì chữ "trú" này không được thành lập, trú không được thành lập thì tỏ rõ, tỏ ngộ Niết bàn cũng không được thành lập; tỏ rõ, tỏ ngộ Niết bàn không được thành lập thì người chứng đạt Niết bàn cũng không thành lập? Vậy Niết bàn ấy chỉ là khoảng không, không có gì cả. Tất cả không! Thưa đại đức.

Đại đức Na tiên nói:

  • Thật là hùng hồn! Tuy nhiên, tâu đại vương! Có một chỗ nào đó, dù là "khoảng trống không" để Niết bàn trú ở đấy cũng không được. Niết bàn là pháp vô vi, xa lìa hữu vi thì làm sao có chỗ trú được? Ví như "lửa" có chỗ trú không, hở đại đức? Đại vương có thể chỉ cho bần tăng thấy rõ lửa nó ở hướng đông, tây, nam, bắc, chỗ này, chỗ kia không?
  • Không thể chỉ được!
  • Vậy là lửa không có rồi. Chính đại vương nói đấy nhé!
  • Không, lửa có. Tuy lửa không ở chỗ nào, không thể chỉ được; nhưng ta lấy hai thanh gỗ cọ xát vào nhau thì lửa sẽ hiện ra, thưa đại đức!
  • Cũng vậy, tâu đại vương! Niết bàn tuy không ở chỗ nào cả, không thể chỉ được; nhưng khi hàng giả quan sát thấy rõ sự sanh diệt của pháp hành (Sankhàra) thì Niết bàn sẽ hiện ra, tâu đại vương!
  • Có lý lắm, nhưng cũng không thể thuyết phục được trẫm, tại sao? Lửa là pháp hữu vi, là điệu kiện sanh, do nhân duyên sanh; trong lúc Niết bàn là pháp vô vi, không có điều kiện, không bị chi phối bởi định luật nhân quả. Đem lửa mà ví dụ cho Niết bàn, đại đức có thấy mình rơi vào luận thuyết của ngoại đạo tà giáo chăng?
  • Hay lắm! Thật ra, phải từ ví dụ này để hiểu chuyện khác. Đại vương đã không hiểu lại còn bắt bẻ bần tăng rất hợp lý nữa. Vậy ta có thể tìm ví dụ khác nhé!
  • Vâng!
  • Đại vương có biết Đức Chuyển luân Thánh vương có bảy loại ngọc, là: bánh xe ngọc, voi ngọc, ngựa ngọc, mani ngọc, nữ ngọc, gia chủ ngọc, tướng quân ngọc không?
  • Thưa, có biết từ kinh điển, từ truyền thuyết.
  • Trước khi bảy loại ngọc vi diệu ấy hiện đến do phước báu của Đức Chuyển luân, nó ở từ đâu không?
  • Không biết nó ở đâu!
  • Vậy chắc nó không có rồi.
  • Nó có đấy, thưa đại đức! Khi một vị vua tài đức vô song, phước báu cao quí không thể nghĩ nghì - thì bảy thứ ngọc vi diệu ấy đồng hiện đến, như là chứng cứ tôn xưng vị vua ấy thành đức Chuyển luân Thánh vương!
  • Cũng tương tự thế, đại vương! Khi quán chiếu pháp hành (Sankhàra), thấy rõ pháp hành là sanh diệt; pháp hành là vô thường, khổ não, vô ngã; pháp hành là bất tịnh, là sầu bi, khổ ưu, phiền não, lúc ấy Niết bàn cũng tự hiện ra. Nó không phải là một chỗ nào đó để mà đến đâu, tâu đại vương!
  • Chí lý lắm! Nhưng nếu đi sâu vào lĩnh vực luận lý, thì luận cứ của đại đức vẫn chưa trôi, vẫn còn dính mắc ở một chỗ, đại đức có biết không?
  • Xin cho nghe, ấy là chỗ nào?
  • cái chỗ mà từ đó Niết bàn hiện ra! Ví như đức vua có tài đức, có phước báu vô song; chính từ "địa vị" ấy, "chỗ ấy" thì bảy loại ngọc báu mới hiện ra. Trong trường hợp Niết bàn hiện ra, thì địa vị ấy, cái chỗ ấy là cái gì hở đại đức?
  • Câu hỏi vi tế lắm, thâm sâu lắm! tâu đại vương! Địa vị ấy, chỗ ấy có - đó chính là giới định tuệ! Bất cứ hành giả nào nếu giới thanh tịnh, định thanh tịnh, tuệ thanh tịnh; kiên trú vững chắc vào giới định tuệ thanh tịnh ấy, địa vị ấy, chỗ ấy - thì Niết bàn sẽ hiện ra; không kể người ấy ở đâu, trú xứ nào!
  • Bắt đầu tỏ lộ rồi đấy, thưa đại đức! Ngài hãy bi mẫn cho nghe tiếp.
  • Tâu, vâng! Nhưng đại vương đã suốt thông chỗ "địa vị" ấy rồi chứ? Đã "trôi" điều ấy rồi chứ?

Đức vua Mi-lan-đà vui vẻ:

  • Trẫm nhận tội rồi, đừng nên trả đũa nữa, đại đức.
  • Ô! Vậy thì ta tiếp tục.
  • Thưa vâng!
  • Đại vương! Bất cứ ai kiên trú vững chắc nơi giới định tuệ rồi, người ấy sẽ tỏ lộ Niết bàn giống nhau, chẳng hề sai khác!
  • Giống nhau như thế nào hở đại đức?
  • Giống nhau như "hư không", đại vương! Ví như có người trú trong rừng Sakàya thấy được hư không, người trú trong quốc độ Alasandana..., quốc độ Kàsìkosala, quốc đô Kasinara..., quốc độ Ganchàra... cõi trời Phạm thiên, tầng trời tịnh cư v..v... thấy được hư không! Những hư không kia giống nhau như thế nào thì Niết bàn sẽ giống nhau y như thế đó, đại vương!
  • Trẫm hiểu rồi.
  • Chúng lại còn giống nhau như "phương đông" nữa, đại vương! Tất cả chúng sanh ở bất cứ cảnh giới nào, xa gần, cao thấp khác nhau - nhưng phương đông mà chúng nhìn thấy, đều giống nhau, tâu đại vương!
  • Đại đức đã dựng đứng, đã nêu cao cây cờ Pháp làm cho trẫm khả dĩ cắt đứt được sự nghi ngờ về "trú xứ" của Niết bàn. Trẫm rất hoan hỷ vậy.

-ooOoo-

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh