Đường Xưa Mây Trắng: Chương 30. Venuvana

ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG: CHƯƠNG 30. VENUVANA

Ngày trăng tròn đã tới.

Buổi sáng, Bụt khoác ca-sa, mang bát, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị khất sĩ đi vào thành Rajagaha, đáp lại lời mời của quốc vương Bimbisara. Đoàn người đi trang nghiêm và lặng lẽ. Đường phố mà các vị khất sĩ đi qua đã được treo cờ và kết hoa. Dân chúng đổ ra hai bên đường chào đón đông nghịt. Tới một ngã tư, Bụt và giáo đoàn không đi lên được nữa, bởi vì dân chúng đã đổ ra đông quá, làm bít mất con đường.

Lúc ấy, khất sĩ Uruvela Kassapa đang đi sát sau lưng Bụt, còn chưa biết làm cách gì để khai thông con đường thì thầy bỗng thấy xuất hiện trước mặt Bụt một chàng thanh niên tuấn tú, tay cầm cây đàn mười sáu dây. Thanh niên cất tiếng hát, giọng chàng trong sáng và vọng lớn lên như tiếng chuông đồng. Tay đàn, miệng hát, chàng rẽ đám đông để đi tới. Quần chúng tránh đường cho chàng đi. Con đường được mở rộng, lúc ấy Bụt và giáo đoàn mới tiến lên được.

Thầy Kassapa nhận ra được tung tích người thanh niên đang mở đường cho Bụt và tăng đoàn bằng âm nhạc và thi ca. Đó là một chàng thi sĩ đã tới quy y với Bụt cách đây chưa đầy một tháng. Chàng đang ứng khẩu hát lên những cảm nghĩ của mình. Chàng hát:

Sáng nay trên đất nước, có mùa Xuân thắm tươi

Giữa thủ đô ta có bậc giác ngộ tuyệt vời

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Cùng một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử, người đi vào thành Vương Xá

Bậc điều ngự đang ung dung bước tới, dung quang lặng lẽ mà sáng ngời.

Quần chúng nghe chàng một cách say mê. Mọi người nhìn vào chàng, rồi lại nhìn vào Bụt. Chàng mỉm cười rồi hát tiếp:

Bởi ta có may mắn là học trò của bậc toàn giác

Hãy cho ta ca ngợi tình thương và trí tuệ không bờ bến của Người

Cho ta ca con đường đưa tới chân trời tự tại

Cho ta ca tăng đoàn đang đi trên chánh đạo soi sáng cho đời.

Chàng còn hát nữa, cho đến khi Bụt và tăng đoàn tới được cổng hoàng cung. Lúc ấy chàng mới cúi đầu làm lễ Bụt rồi biến mất trong đám đông.

Vua Seniya Bimbisara đích thân ra tận ngọ môn để đón chào Bụt và tăng đoàn. Các nhân sĩ và tân khách của vua, có tới hàng ngàn người, cũng theo vua ra đón Bụt. Vua đưa Bụt vào hoàng cung. Sân rồng đã được che nắng bởi những chiếp rạp dựng lên cho cuộc đón tiếp long trọng này. Rạp được kết bằng hoa lá rất mỹ lệ. Chỗ ngồi của Bụt được đặt ở vị trí trung ương. Chỗ ngồi của một ngàn hai trăm năm mươi vị khất sĩ cũng đã được chuẩn bị chu đáo. Sau khi Bụt đã ngồi xuống trên ghế của người, vua Bimbisara thỉnh cầu các vị khất sĩ và toàn thể quan khách an tọa. Vua ngồi một bên Bụt. Phía bên kia là khất sĩ Kassapa.

Ngôi chủ khách đã phân, thái tử Ajatasattu mang nước và khăn ra cho Bụt rửa tay chân. Tiếp theo, quân hầu cũng đem nước và khăn ra cho tất cả các vị khất sĩ rửa tay chân. Lễ tẩy tịnh đã xong, vua đích thân đứng dậy cúng dường các thức ăn cho Bụt. Vua cung kính sớt các thức ăn vào bát của mỗi người. Trong khi đó, phu nhân của vua, hoàng hậu Vedehi, hướng dẫn người hầu trong hoàng cung cúng dường thức ăn cho các vị khất sĩ.

Bụt và giáo đoàn khất sĩ mặc niệm và chú nguyện trước khi ăn. Vua Bimbisara và tất cả các quan khách cũng đều giữ im lặng trong thời gian dùng bữa. Trong sáu ngàn tân khách của vua, không ai là không cảm nhận được sự thanh tịnh và an lạc thoát ra từ nhân cách của Bụt và của giáo đoàn khất sĩ.

Sau khi Bụt, tăng đoàn và quan khách đã thọ trai xong, bình bát của các vị khất sĩ được người hầu đem rửa và trả lại cho mỗi vị.

Vua Bimbisara hướng về Bụt, cung kính chắp tay. Hiểu được ý vua, Bụt lên tiếng dạy về chánh pháp. Người nói về năm giới như là phương thức tạo dựng và bảo vệ hòa bình và hạnh phúc trong quốc gia. Người nói năm giới có thể được nhận thức như là những nguyên tắc sống chung hòa bình và an lạc, trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

- Giới thứ nhất là không sát hại. Giữ gìn giới này là để nuôi dưỡng lòng từ bi. Tất cả các loài sinh vật, từ người cho đến chim muông và cầm thú, loài nào cũng sợ chết. Nếu ta biết tôn quý sự sống của ta thì ta cũng phải biết tôn quý sự sống của loài sinh vật khác. Không những ta không được tiêu diệt sự sống của con người, mà ta còn nên tránh việc tiêu diệt sự sống của các chủng loại khác. Ta phải sống hòa bình với con người và sống hòa bình với các loài sinh vật khác. Nuôi dưỡng được lòng thương, ta làm cho cuộc đời bớt khổ và đẹp đẽ thêm lên. Nếu mọi người trong nước đều biết giữ giới không sát hại thì đất nước sẽ không bị loạn lạc, và dân chúng được sống hòa bình. Khi mọi người thương nhau và đoàn kết với nhau thì dân giàu và nước mạnh, không nước nào sẽ có đủ sức để xâm lăng nước mình, và tuy có quân đội hùng mạnh, quốc gia sẽ không cần sử dụng đến. Quân đội sẽ có thì giờ để làm những công việc xây dựng đường xá, cầu cống, chợ búa và đê điều.

Giới thứ hai là không xâm phạm đến tài sản của kẻ khác. Nếu tài sản của mình là do mình tạo ra bằng sức làm việc hàng ngày của mình thì không ai có quyền xâm phạm đến. Tất cả những lời nói và hành động nào nhằm tước đoạt tài sản ấy đều được xem là phạm giới. Không được ăn trộm, ăn cướp, lường gạt, hoặc dùng quyền lực mình để cưỡng chiếm tài sản của kẻ khác. Lợi dụng sự khờ dại, sức lao động của kẻ khác và hoàn cảnh khó khăn của họ để làm giàu cũng phạm vào giới này. Nếu dân trong một nước mà biết hành trì giới này thì trong nước sẽ có công bằng xã hội và những tội ác như cướp của và giết người sẽ giảm bớt rất mau chóng".

Giới thứ ba là không xâm phạm tiết hạnh của kẻ khác. Ngoài vợ mình hay chồng mình, người giữ giới không được chung chạ với kẻ khác. Giữ được giới này thì tạo được đức tin và hạnh phúc trong gia đình mình, đồng thời cũng tránh được sự gây ra đổ vỡ khổ đau trong các gia đình khác. Muốn có hạnh phúc, muốn có thì giờ và tâm não để lo việc ích quốc lợi dân thì nên tránh việc có nhiều tỳ thiếp.

Giới thứ tư là không nói dối và không nói những lời gây chia rẽ căm thù. Lời nói phải phù hợp với sự thật: có thì nói có, không thì nói không. Lời nói có thể tạo nên niềm tin và hạnh phúc. Lời nói cũng có thể tạo nên đổ vỡ và sự thù oán, có khi còn đưa tới sự chém giết lẫn nhau. Có khi lời nói cũng có thể tạo ra chiến tranh. Ta phải rất cẩn thận cho lắm mới được.

Giới thứ năm là không uống rượu và không sử dụng các chất ma túy. Rượu và các chất ma túy làm cho ta mất sáng suốt. Khi say ta có thể tạo ra nhiều đổ vỡ cho bản thân, cho gia đình và cho tổ quốc. Giữ giới này, ta giữ cho thân thể ta được khỏe mạnh và tâm hồn được sáng suốt, vì vậy bậc thức giả luôn luôn phải giữ giới này. Nếu đại vương và các vị chức sắc của triều đình mà thấu triệt và vâng giữ được năm giới này thì đó là một điều đại phước cho quốc gia và cho tất cả bàn dân thiên hạ trong vương quốc.

Đại vương, bậc quốc vương đứng đầu một nước cần sống trong tỉnh thức và biết được những gì đang xảy ra trong vương quốc mình. Nếu đại vương làm cho trong triều ngoài quận ai cũng hiểu thấu và thực hành được năm giới, tức là năm nguyên tắc sống hòa bình và an lạc, thì vương quốc Magadha sẽ trở nên vương quốc thịnh vượng nhất trong hoàn vũ".

Vua Bimbisara sung sướng tiến tới trước Bụt và làm lễ người. Hoàng hậu Vedehi cũng đứng dậy từ chỗ ngồi của bà. Cầm tay thái tử Ajatasattu, bà đi tới trước Bụt. Bà dạy thái tử chắp tay thành búp sen để vái chào người, rồi bà nói:

  • Lạy Bụt, hôm nay có thái tử Ajatasattu, con của con và nhiều trẻ em khác con của các vị vương tử đại thần và quan khách. Các em đông có tới bốn trăm đứa. Xin Bụt đem lòng thương xót chỉ bày cho thiếu nhiều con đường của tỉnh thức và của thương yêu.

Nói xong hoàng hậu sụp xuống lạy Bụt. Thái tử Ajatasattu cũng được bà bảo sụp xuống lạy Bụt. Bụt mỉm cười đưa tay cầm lấy tay thái tử. Hoàng hậu quay lại làm dấu hiệu. Tất cả các thiếu nhi có mặt đều được đưa ra trình diện. Đây toàn là trẻ em nhà quyền quý và khá giả, nên em nào cũng được phục sức rất tươm tất. Trai cũng như gái đều có đeo vòng ở cổ tay và cổ chân. Các em gái mặc những chiếc sari lộng lẫy đủ màu trông rất tươi mát. Thái tử Ajatasattu cũng ngồi xuống ngay dưới chân Bụt.

Bụt nhớ lại những em bé nghèo mà người đã gặp dưới cây hồng táo ở ngoại thành Kapilavatthu. Người tự hứa là mai này về lại quê hương sẽ đi tìm gặp lại những em bé như thế để làm tròn ước nguyện.

Người nói:

  • Này các con, trước khi ta được làm người, ta đã từng làm đất đá, cây cối, chim chóc và muông thú. Các con cũng vậy, trong những kiếp xưa các con đã từng làm đất đá, cây cối và chim muông. Ngày hôm nay ta được gặp các con, cũng có thể là vì trong những kiếp xa xưa ta và các con đã từng gặp nhau. Chúng ta đã có thể làm cho nhau sung sướng. Chúng ta cũng đã có thể làm cho nhau khổ đau.

Hôm nay ta muốn kể cho các con nghe một chuyện đã từng xảy ra hàng ngàn kiếp trước. Đây là chuyện một còn cò, một con cua, một cây bông sứ và rất nhiều tôm cá. Hồi ấy, ta là cây bông sứ, và trong số các con có thể có đứa đã làm con cò, có đứa có thể đã làm con cua và nhiều đứa có thể đã làm tôm cá.

Trong câu chuyện ấy, con cò là một đứa nham hiểm và có tính hay lường gạt. Nó đã làm cho biết bao nhiêu con khác chết chóc và khổ đau. Hồi ấy, như các con đã biết, ta làm cây bông sứ. Con cò cũng đã làm cho khổ đau, nhưng ta đã học được một bài học.

Đó là: khi mình lường gạt và làm khổ đau kẻ khác thì mình cũng sẽ bị lường gạt và sẽ bị khổ đau trở lại.

Trong kiếp xa xưa đó, ta làm cây bông sứ đứng gần một cái hồ sen rất thơm và rất mát. Hồ sen này lại không có cá.

Cách hồ không xa, lại có một cái ao nhỏ hẹp, ít nước và nóng bức, nhưng lại có nhiều tôm cá. Một con cò đi ngang qua đây thấy tôm cá quá nhiều mới nảy sinh ra một mưu kế. Nó tới đứng gần bên bờ hồ và tự tạo cho mình một vẻ mặt đăm chiêu.

Bọn cá hỏi:

  • Bác Cò, bác suy nghĩ gì đấy?
  • Ta đang suy nghĩ đến số phận của các chú. Ở đây, ao hẹp, nước ít lại nóng bức. Các chú lại thiếu thức ăn. Đời sống của các chú có vẻ khổ cực, ta thương lắm.
  • Vậy bác có cách gì giúp tụi cháu không, bác Cò?
  • Nếu tụi bay để ta chở từng đứa tới bỏ xuống cái hồ sen đàng kia, thì ở đó tụi bay sẽ được tha hồ bơi lội trong nước mát và sẽ có vô số thức ăn.
  • Bác Cò ơi, tự thuở cha mẹ sinh ra, chúng cháu chưa bao giờ nghe nói là loài cò mà lại có lòng tốt với loài tôm cá. Bác bày ra cách đó chẳng qua chỉ là để ăn thịt chúng cháu, đứa này rồi tới đứa khác, vậy thôi. Có phải không?
  • Tụi bay đa nghi lắm. Tao là bác của tụi bay, không lý tao lại gạt tụi bay hay sao. Sự thật là đàng kia có một cái hồ sen rộng lắm, nước nhiều mà lại mát nữa. Nếu tụi bay không tin thì một đứa hãy theo tao qua đó xem. Xem xong tao lại trả nó về đây để nó báo cáo lại sự thật cho tụi bay biết.

Bọn tôm cá châu đầu vào nhau để bàn luận một hồi lâu. Cuối cùng chúng cử một bác cá nhám đi với con cò. Con cá nhám này đã già, thân thể gần như một cục đá. Nói bơi lội giỏi đã đành, mà nó cũng có thể di chuyển dễ dàng trên đất cạn. Con cò cáp lấy con cá nhám vào mỏ và bay về phía hồ sen. Nó thả con cá vào hồ sen để các bơi lội thỏa thích và đi thăm mọi nơi trong hồ. Quả thật là hồ rộng, nước rất mát và thực phẩm rất nhiều. Một lát con cò chở con cá nhám về ao, và nó kể lại tất cả những gì nó đã thấy cho bọn chúng trong ao nghe.

Bọn tôm cá nghe kể rất lấy làm vui sướng. Chúng yêu cầu con cò chở chúng sang hồ, mỗi chuyến một đứa. Cò bằng lòng. Nó cắp con cá đầu tiên vào mỏ và bay đi, nhưng thay vì thả cá xuống hồ sen, nó bay về phía cây bông sứ, nó buông cá vào một chỉa ba của thân cây. Nó dùng mỏ rỉa cá ra và ăn thịt con cá. Ăn xong, nó hất xương cá xuống gốc cây bông sứ. Rồi nó bay về phía ao để "chở" một con cá khác, và luôn luôn bỏ xương cá xuống gốc cây.

Ta là cây bông sứ. Ta chứng kiến tất cả những điều này. Ta rất tức giận con cò nhưng không thể nào ngăn cản được con cò. Các con biết, cây bông sứ chỉ có thể đâm rễ sâu thêm vào đất, mọc cành mọc lá và làm hoa, nhưng không thể chạy đi đâu được. Ta không thể chạy tới ao để vạch rõ cho bọn tôm cá biết âm mưu của con cò. Ta cũng không thể vươn cành ra để ngăn con cò không cho cò ăn thịt cá. Ta đứng yên chịu trận. Mỗi lần cò mang tới một con cá và mổ cho cá toét ra để ăn thịt là mỗi lần cây bông sứ đau đớn rúng động cả châu thân, nhựa cây như chảy dồn dập hơn, da cây như co rúm lại. Có khi cây bông sứ rung rung và những giọt sương rơi xuống như là cây cũng biết khóc. Con cò không để ý tới những dấu hiệu đó. Ngày này sang ngày khác, nó mang cá tới cây bông sứ để ăn thịt. Ăn hết cá nó ăn đến tôm. Đống xương cá dưới gốc cây đã cao bằng hai cái thùng lớn.

Làm một cây bông sứ, ta biết mình có bổn phận nở hoa để làm thơm làm đẹp cho núi rừng, nhưng ta rất đau khổ vì không làm được gì để cứu bọn tôm cá. Nếu ta là một con nai hoặc một con người thì ta đã có thể làm được một cái gì. Đàng này ta bị chôn chân xuống đất không đi đâu được. Với niềm thương trong lòng, ta thầm nguyện sau này nếu được làm thú hay làm người, ta sẽ gắng hết sức để bênh vực kẻ yếu và ngăn chận không cho kẻ hung bạo và giảo quyệt đi lừa gạt và tàn sát kẻ khác.

Ngày hôm ấy, dưới ao cá và tôm đã hết. Chỉ còn có một con cua. Lúc đầu cò ta chê, nhưng sau đó đói bụng quá, nó lại gần bờ nước và nói:

  • Này cháu, tất cả những tôm cá mà ta đã chở tới hồ sen, hiện đang sung sướng vẫy vùng bên đó. Cháu lại đây, bác chở qua đó luôn.
  • Bác thì làm sao chở được cháu? Cháu là một con cua mà.
  • Thì bác cắp cháu trong mỏ bác, như đã chở những đứa khác.
  • Bác mà cắp cháu trong mỏ bác thì không chắc lắm. Bác có thể để cho cháu rơi xuống và cháu sẽ vỡ toang.
  • Đừng có sợ, cháu. Bác sẽ ngậm cháu thật chặt.

Con cua suy nghĩ: có thể là cò đã thả tất cả tôm cá xuống hồ sen. Cũng có thể là cò đã ăn thịt hết tất cả họ hàng nhà tôm và họ hàng nhà cá. Ta hãy cẩn thận. Ta phải đề phòng. Nếu cò thả ta xuống hồ thì đó là chuyện tốt. Nếu cò muốn ăn thịt ta thì ta cũng có sẽ cách tự vệ.

Nghĩ như thế, Cua nói với Cò:

  • Bác ơi, mỏ bác không đủ mạnh để giữ cho cháu khỏi rơi dâu. Bác phải để cháu bám vào cổ bác bằng hai cái càng của cháu mới được.

Cò bằng lòng ngay, nó để cho Cua bám vào cổ nó. Cò vỗ cánh bay đi, nhưng thay vì bay thẳng xuống hồ, cò lại bay qua cây bông sứ.

  • Bác ơi, tại sao bác không đưa cháu xuống hồ mà lại đem cháu đi đâu thế?
  • Cháu ơi, ai dại dột mà đi chở mướn cho bọn bay. Tao đâu có phải là đầy tớ của bọn mày. Ta chỉ muốn chở bọn mày tới đây để ăn thịt từng đứa mà thôi. Coi kìa, mày có thấy đống xương cá cao nghệu dưới gốc cây bông sứ không? Đó, mày cũng sẽ chấm dứt cuộc đời của mày nơi đó.
  • Bác Cò ác độc ơi, tụi tôm cá ấy dại dột quá nên mới bị bác lừa dối và ăn thịt, nhưng cháu thì bác đừng có hòng mà ăn thịt được cháu. Bác hãy mang cháu về dưới hồ đi, nếu không cháu sẽ kẹp đứt cổ bác cho mà xem.

Nói xong, Cua bắt đầu xiết những gọng kềm của Cua trên cổ Cò. Những cái càng cua siết cứng như những chiếc gọng kềm bằng sắt khiến cho Cò ta đau quá. Cò kêu lên:

  • Thôi anh Hai ơi, anh Hai đừng kẹp tôi đau quá. Để tôi đưa những Hai xuống hồ. Tôi không dám ăn thịt anh Hai đâu.

Cò nghiêng cánh liệng bay trở lại hồ sen và đạt Cua xuống bờ nước, nơi có chút ít bùn lầy. Cua vẫn chưa buông cổ Cò. Nghĩ tới bao nhiêu tôm các trong hồ bị Cò tàn sát hết. Cua nghiến răng kẹp hai cái càng thật mạnh, khiến cho cổ Cò đứt rời ra, và Cò lăn xuống chết. Rồi Cua đi xuống nước.

Các con ơi, lúc ấy ta là cây bông sứ, ta chứng kiến từng chi tiết nhỏ của tấn kịch này. Ở đời, ăn hiền ở lành thì sẽ được người hiền lành giúp đỡ. Ăn ở độc ác sớm muộn gì cũng lâm vào cảnh thảm thương. Ta đã học được bài học đó. Ta nguyện đời đời sẽ làm việc lợi ích cho muôn loài. Ta đã làm người trong nhiều vạn kiếp. Giờ đây, gặp các con, ta muốn truyền lại bài học ta đã học ngày xưa cho các con nghe.

Tất cả các thiếu nhi có mặt đều chăm chú nghe Bụt thuật chuyện tiền thân. Đứa nào cũng thương cho cây bông sứ và cho tất cả những loài tôm cá bị lừa gạt. Đứa nào cũng căm giận con cò và khen con cua là biết lo xa. Bụt lặng yên và bọn thiếu nhi quay lại thầm thì với nhau về câu chuyện người vừa kể.

Vua Bimbisara đứng dậy. Đi tới trước Bụt, vua chắp tay lại làm lễ người. Vua nói:

  • Hôm nay bậc tôn quý trên đời đã ban cho người lớn và trẻ em một bài học thật quý giá. Trẫm mong thái tử Ajatasattu thấm nhuần được lời dạy và đạo đức của người. Vương quốc Magadha có được may mắn lớn nên người mới dừng chân hoằng hóa nơi đây. Trẫm có một món quà muốn dâng lên bậc giác ngộ và tăng đoàn của người, không biết người có chịu cho trẫm cái hân hạnh được dâng cúng món quà ấy không?

Bụt không nói. Người đưa mắt nhìn vua, có ý muốn vua nói tiếp. Vua im lặng một lát rồi nói:

  • Về phía Bắc thủ đô Rajagaha có một vườn tre rất rộng và rất đẹp mà trẫm gọi là Trúc Lâm, hay là Venuvana. Trúc Lâm cách cửa Bắc của kinh đô chỉ chừng hai dặm. Công viên này rất yên tĩnh, rất mát mẻ và có rất nhiều con sóc hiền lành. Trẫm muốn hiến cúng công viên ấy lên Bụt và tăng đoàn của người để làm trụ sở tu học và hành đạo.

Mong đức Từ Bi chấp nhận cho lòng thành của trẫm.

Bụt suy nghĩ. Đây là lần đầu tiên một cơ sở được hiến tặng cho giáo đoàn để làm nơi tu học. Các vị khất sĩ cũng cần có một căn cứ để an cư trong mùa mưa. Ta nên chấp nhận tặng phẩm này.

Nghĩ như thế, Bụt mỉm cười và gật đầu ưng thuận. Vua Bimbisara mừng rỡ. Vua nghĩ là cơ sở đó có thể giữ được bậc giác ngộ lâu dài trong vương quốc mình. Trong số các vị tân khách, có nhiều người thuộc giới lãnh đạo Bà-la-môn. Họ không mấy hoan hỷ về quyết định này của vua, nhưng họ vẫn giữ im lặng.

Vua truyền đem ra một cái bình vàng. Ngài tự tay làm lễ rót nước trong bình lên tay Bụt, và trang trọng tuyên bố:

- Bạch Thế Tôn, cũng như nước trong chiếc bình vàng này chảy vào tay người, khu vườn Trúc Lâm đã được trẫm hiến tặng cho người và giáo đoàn do người lãnh đạo.

Lễ bàn giao đã xong.

Cuộc thừa tiếp giáo đoàn đã kết thúc Bụt và một ngàn hai trăm năm mươi vị khất sĩ từ giã hoàng cung.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh