Hành Thiền Vipassana: Chương 8. Ý Thức Và Bình Tâm

HÀNH THIỀN VIPASSANA: CHƯƠNG 8. Ý THỨC VÀ BÌNH TÂM

Ý thức và sự bình tâm - đó là thiền Vipassana. Khi thực hành cùng lúc hai yếu tố này thì chúng đưa đến sự giải thoát khỏi đau khổ. Nếu một trong hai yếu tố này bị yếu kém hay thiếu đi thì ta không thể tiến triển đến mục đích giải thoát. Cả hai đều thiết yếu, như con chim cần hai cánh để bay, chiếc xe cần hai bánh để chạy. Và cả hai đều phải mạnh mẽ như nhau. Nếu một cánh chim yếu ớt và một cánh mạnh mẽ thì con chim không thể bay bình thường. Cũng như chiếc xe, nếu một bánh nhỏ và một bánh lớn, chiếc xe chỉ xoay tròn mãi thôi. Người hành thiền phải phát triển cùng lúc cả ý thức và sự bình tâm để tiến triển trên đường tu tập.

Chúng ta phải ý thức được toàn bộ thân tâm ở bản tánh tinh tế nhất của chúng. Để đạt mục tiêu này, chỉ ý thức ở bề mặt của tâm và thân là chưa đủ, chẳng hạn như chỉ ở những cử động của thân và những ý nghĩ. Chúng ta nhất thiết phải phát triển ý thức về những cảm giác trên toàn thân và duy trì sự bình tâm đối với chúng.

Nếu chúng ta có ý thức nhưng thiếu sự bình tâm thì khi càng ý thức về cảm giác trong thân ta càng nhạy cảm hơn với chúng, và càng dễ có phản ứng, vì vậy càng tăng thêm sự đau khổ. Mặt khác, nếu chúng ta có sự bình tâm mà không hay biết gì về những cảm giác trong người, thì sự bình tâm chỉ hời hợt bên ngoài, che giấu những phản ứng luôn luôn xảy ra không được biết đến ở tầng lớp sâu thẳm của tâm. Vì vậy, ta phải phát triển cả ý thức lẫn sự bình tâm ở mức độ thâm sâu nhất của tâm. Chúng ta phải ý thức được tất cả những gì xảy ra trong thân và đồng thời không phản ứng với chúng, hiểu rõ rằng chúng sẽ thay đổi.

Đây là trí tuệ chân thật, sự hiểu biết về bản tánh của chính mình, sự hiểu biết do kinh nghiệm trực tiếp về sự thật nằm sâu bên trong tự thân. Đó là những gì mà Đức Phật gọi là yathā-bhūta-ñānadassana, trí tuệ có được do sự quan sát thực tại đúng như thật. Với trí tuệ này ta có thể thoát khổ. Mỗi cảm giác sinh ra sẽ chỉ làm khởi sinh sự hiểu biết về vô thường. Mọi sự phản ứng đều chấm dứt, tất cả những saṅkhāra (nghiệp) của sự thèm muốn và chán ghét. Qua việc học cách quan sát thực tại một cách khách quan, ta dừng lại việc tạo ra khổ đau cho chính mình.

Kho chứa những phản ứng trong quá khứ

Duy trì ý thức và sự bình tâm là dừng việc tạo thêm những phản ứng mới, những nguồn gốc mới của đau khổ. Nhưng vẫn còn một khía cạnh khác của đau khổ mà chúng ta cũng nhất thiết phải giải quyết. Bằng cách dừng sự phản ứng từ nay về sau, ta có thể không tạo thêm nguyên nhân đau khổ. Nhưng mỗi người chúng ta vẫn còn một kho chứa những hành nghiệp cũ, một tổng thể bao gồm tất cả những phản ứng trong quá khứ. Ngay cả khi ta không thêm gì mới vào kho chứa này thì những hành nghiệp (saṅkhāra) cũ đã tích lũy vẫn sẽ gây đau khổ cho ta.

Thuật ngữ saṅkhāra có thể dịch là “sự tạo thành”, bao gồm cả hành động tạo thành và những gì được tạo thành. Mỗi phản ứng là một bước cuối cùng, kết quả của một chuỗi liên tục những tiến trình của tâm, nhưng đó cũng có thể là bước đầu tiên, là nguyên nhân làm khởi sinh một chuỗi tiến trình mới của tâm. Mỗi saṅkhāra vừa là kết quả của những tiến trình dẫn đến nó và cũng là điều kiện hình thành các tiến trình tiếp theo sau.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Tiến trình điều kiện hóa vận hành bằng cách ảnh hưởng đến chức năng thứ hai của tâm là tưởng (saññā) hay sự nhận biết, (xem Chương 2). Về căn bản, thức (viññāṇa) không phân biệt, không phê phán. Mục đích của thức chỉ đơn thuần ghi nhận sự tiếp xúc đã xảy ra ở tâm hay thân. Nhưng tưởng hay sự nhận biết thì luôn phê phán. Nó lấy những kinh nghiệm tích chứa từ quá khứ để so sánh đánh giá và phân loại bất kỳ hiện tượng mới nào. Những phản ứng trong quá khứ trở thành những điểm tham khảo mà chúng ta dựa vào đó để nhận hiểu về một kinh nghiệm mới. Ta phê phán và xếp loại kinh nghiệm mới đó dựa theo những hành nghiệp (saṅkhāra) của ta trong quá khứ.

Theo cách này thì những phản ứng thèm muốn hay chán ghét trước đây ảnh hưởng đến tưởng (saññā) hay sự nhận biết của chúng ta trong hiện tại. Thay vì nhìn vào thực tại, ta lại nhìn như “hình ảnh phản chiếu sai lệch trong gương”. Nhận biết của ta về thế giới bên ngoài và thế giới bên trong đã bị méo mó và che mờ vì những điều kiện trong quá khứ, những sở thích và những định kiến của chúng ta. Theo sự nhận biết méo mó này, một cảm giác vốn dĩ trung tính đột nhiên trở thành dễ chịu hay khó chịu. Chúng ta lại phản ứng với cảm giác này, tạo nên một điều kiện mới và làm méo mó hơn nữa sự nhận biết của ta. Theo cách này thì mỗi phản ứng trở thành nhân cho những phản ứng tương lai, tất cả đều bị điều kiện hóa bởi quá khứ, và đến lượt chúng lại trở thành điều kiện định hình cho tương lai.

Chức năng kép của saṅkhāra được trình bày trong chuỗi tiến trình duyên khởi (xem Chương 4). Mắt xích thứ hai trong chuỗi này là saṅkhāra (hành), điều kiện tiên khởi cho sự khởi sinh của thức (viññāṇa), tiến trình thứ nhất trong bốn tiến trình của tâm. Tuy nhiên saṅkhāra cũng là tiến trình cuối cùng trong bốn tiến trình, theo sau [ba tiến trình trước đó là] thức (nhận biết), tưởng (nhận định) và thọ (cảm giác). Theo hình thức [sắp xếp] này thì saṅkhāra (hành) lại tái xuất hiện sau thọ (cảm giác), như là phản ứng thèm muốn hay chán ghét. Thèm muốn hay chán ghét phát triển thành bám chấp và trở thành sức đẩy cho một giai đoạn mới của hoạt động tâm, thân. Và như vậy tiến trình tự nuôi dưỡng nó. Mỗi saṅkhāra cho ra một chuỗi sự kiện dẫn đến một saṅkhāra mới, dẫn đến một chuỗi sự kiện mới nữa trong sự lặp lại không ngừng, một vòng lẩn quẩn. Mỗi khi phản ứng, ta lại củng cố thêm nữa thói quen phản ứng của tâm. Mỗi khi ta phát triển sự thèm muốn hay chán ghét, ta lại tăng cường khuynh hướng của tâm để tiếp tục tạo ra chúng. Một khi khuôn mẫu của tâm đã được thiết lập, ta bị mắc kẹt vào trong đó.

Lấy ví dụ, ông A ngăn cản ông B không đạt được điều mong ước. Do đó ông B tin rằng ông A là kẻ xấu và căm ghét. Niềm tin đó không dựa trên sự xem xét cá tính của ông A, mà hoàn toàn dựa trên sự kiện là ông A đã phá hỏng mơ ước của ông B. Niềm tin này khắc sâu vào tiềm thức của ông B, và mỗi lần tiếp xúc sau này với ông A đều bị ảnh hưởng bởi ấn tượng xấu đó, làm khởi sinh cảm giác không ưa thích, tạo ra sự chán ghét mới và củng cố hơn nữa hình tượng xấu về ông A. Ngay cả khi hai người gặp lại nhau sau 20 năm, ông B vẫn nghĩ đến ông A như là một người xấu và lại thấy ghét. Cá tính của ông A có thể đã thay đổi hoàn toàn sau thời gian 20 năm, nhưng ông B phán đoán ông A qua kinh nghiệm quá khứ. Phản ứng không phải với ông A, mà là với một niềm tin về ông A dựa trên phản ứng mù quáng ban đầu, và do đó là thiên lệch.

Trong một trường hợp khác, ông C giúp ông D đạt được điều mong ước. Ông D được giúp đỡ nên tin rằng ông C là người tốt và ưa thích ông ta. Niềm tin này chỉ dựa trên sự kiện ông C giúp ông toại nguyện chứ không phải dựa trên sự xem xét kỹ cá tính của ông C. Niềm tin tích cực này được ghi vào tiềm thức và ảnh hưởng đến bất cứ sự giao tiếp nào sau đó với ông C, làm khởi sinh cảm giác tốt đẹp, khiến ông D càng thích ông C nhiều hơn, và điều đó củng cố hơn nữa niềm tin rằng ông C là người tốt. Dù bao nhiêu năm qua đi, khi hai người gặp lại nhau, cùng một khuôn mẫu được lặp lại với mỗi lần giao tiếp mới. Ông D phản ứng không phải với chính ông C, mà chỉ là với niềm tin của ông đối với ông C, dựa trên phản ứng mù quáng ban đầu.

Theo cách này, một saṅkhāra có thể làm khởi sinh một phản ứng mới ngay tức khắc hay trong tương lai xa xôi. Và mỗi phản ứng sau đó lại trở thành nguyên nhân của những phản ứng tiếp theo sau, chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều khổ đau hơn nữa. Đây là tiến trình lặp đi lặp lại của các phản ứng, của khổ đau. Chúng ta tưởng rằng ta đang đối diện với thực tại bên ngoài, nhưng thực ra ta đang phản ứng với những cảm giác của ta, vốn đã bị điều kiện hóa bởi những nhận định và phản ứng trước đó của ta. Ngay cả khi ta ngừng tạo ra những hành nghiệp (saṅkhāra) mới kể từ bây giờ, chúng ta vẫn phải đối diện với những hành nghiệp cũ đã tích tụ. Vì kho chứa hành nghiệp cũ này, một khuynh hướng phản ứng sẽ duy trì và bất cứ lúc nào cũng có thể tự biểu hiện, tạo ra những khổ đau mới cho ta. Chừng nào mà những hành nghiệp cũ vẫn còn tồn tại thì ta vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khổ đau.

Làm sao ta có thể xóa sạch những phản ứng cũ? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải hiểu sâu hơn về tiến trình của pháp thiền Vipassana.

Dứt trừ nghiệp cũ

Khi hành thiền Vipassana, nhiệm vụ của ta là chỉ quan sát cảm giác trên toàn thân. Chúng ta không quan tâm đến nguyên nhân của bất kỳ cảm giác cụ thể nào, ta chỉ cần hiểu rằng mỗi một cảm giác đều là biểu hiện của một sự thay đổi bên trong. Sự thay đổi đó có thể bắt nguồn từ tâm hay thân. Hoạt động của tâm và thân liên quan mật thiết với nhau và thường không thể phân biệt được. Bất cứ điều gì xảy ra ở lãnh vực này rất có thể được phản ánh ở lãnh vực kia.

Như đã nói trong Chương 2, về mặt vật chất thân thể được cấu tạo bởi các hạ nguyên tử - kalāpa - vốn sinh ra và diệt đi cực kỳ nhanh chóng trong từng khoảnh khắc. Và trong lúc sinh diệt như vậy, chúng biểu hiện những tính chất của vật chất - như trọng lượng, sự kết dính, nhiệt độ, chuyển động - trong vô số kết hợp đa dạng, tạo thành tất cả những cảm giác trong ta.

Có bốn nguyên nhân làm khởi sinh kalāpa. Nguyên nhân thứ nhất là thức ăn chúng ta ăn vào, nguyên nhân thứ hai là môi trường ta đang sống. Nhưng bất kỳ điều gì xảy ra trong tâm đều có ảnh hưởng đến cơ thể và có thể là nguyên nhân làm khởi sinh các kalāpa. Vì vậy, các vi tử cũng có thể sinh ra do những phản ứng của tâm ở hiện tại hay do những phản ứng trong quá khứ đã ảnh hưởng đến trạng thái tâm trong hiện tại. Muốn hoạt động, cơ thể cần thức ăn. Tuy nhiên, nếu ta ngưng ăn vào thì cơ thể ta cũng chưa suy sụp ngay. Nếu cần thiết, cơ thể có thể tiếp tục tự nuôi dưỡng trong nhiều tuần lễ bằng cách tiêu thụ năng lượng dự trữ trong các mô. Khi tất cả năng lượng dự trữ đã tiêu thụ hết thì cơ thể sẽ suy sụp và chết: đời sống thể chất chấm đứt.

Cũng theo cách như vậy, tâm đòi hỏi hoạt động để duy trì dòng ý thức. Hoạt động của tâm là saṅkhāra. Trong chuỗi tiến trình duyên khởi, thức (viññāṇa) bắt nguồn từ hành (saṅkhāra) hay sự phản ứng (xem Chương 4). Mỗi phản ứng của tâm tạo ra sự thúc đẩy cho dòng chảy của thức. Và trong khi cơ thể đòi hỏi thức ăn vài ba lần mỗi ngày thì tâm lại đòi hỏi những kích thích mới liên tục. Không có những kích thích, dòng tâm thức không thể tiếp tục dù chỉ trong khoảnh khắc. Chẳng hạn, trong một thời điểm nào đó ta khởi sinh sự chán ghét trong tâm, thức nảy sinh trong thời điểm kế tiếp sẽ là kết quả của sự chán ghét này, và cứ tiếp tục như thế, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Chúng ta tiếp tục lặp lại phản ứng của chán ghét từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác và tiếp tục nạp [nhiên liệu] mới cho tâm.

Tuy nhiên, bằng cách thực hành thiền Vipassana, thiền sinh học cách không phản ứng. Vào một thời điểm nào đó, hành giả không tạo ra saṅkhāra, không đưa vào tâm kích thích mới nào. Như vậy thì điều gì sẽ xảy ra với dòng tâm thức? Nó không dừng lại ngay. Thay vì vậy, một trong những phản ứng cũ từ quá khứ sẽ xuất hiện lên bề mặt của tâm để duy trì dòng tâm thức. Một phản ứng bị điều kiện hóa từ quá khứ sẽ khởi sinh và trên nền tảng này thức được tiếp tục thêm một khoảng khắc nữa. Điều kiện này sẽ biểu hiện trên bình diện cơ thể bằng cách làm cho một loại kalāpa khởi sinh và ta cảm nhận một cảm giác trong thân. Có thể một saṅkhāra chán ghét trong quá khứ khởi sinh, tự biểu hiện như những vi tử mà chúng ta cảm thấy như một cảm giác nóng bỏng khó chịu trong cơ thể. Nếu ta phản ứng với cảm giác đó bằng sự không thích, thì sự chán ghét mới được tạo ra. Ta lại bắt đầu nạp nhiên liệu mới cho dòng chảy tâm thức và khiến cho những phản ứng tích lũy cũ trong quá khứ không còn cơ hội trồi lên bề mặt ý thức.

Tuy nhiên, nếu một cảm giác khó chịu nảy sinh và ta không phản ứng thì saṅkhāra mới không được tạo thành. Saṅkhāra trồi lên từ những kho tích lũy trong quá khứ sẽ diệt đi. Trong giây phút kế tiếp, một saṅkhāra trong quá khứ lại biểu hiện như cảm giác. Và nếu ta vẫn không phản ứng thì nó sẽ mất đi. Theo cách này, bằng việc duy trì sự bình tâm chúng ta để cho những nghiệp trong quá khứ lần luợt trồi lên bề mặt của tâm, hết cái này đến cái khác, tự biểu hiện thành những cảm giác. Dần dần, bằng cách duy trì ý thức và sự bình tâm đối với cảm giác, ta dứt trừ hết những nghiệp trong quá khứ.

Khi các nghiệp của chán ghét vẫn còn thì khuynh hướng của vô thức vẫn còn phản ứng lại bằng sự chán ghét khi gặp bất kỳ kinh nghiệm khó chịu nào trong đời sống. Khi các nghiệp thèm muốn vẫn còn thì tâm vẫn sẽ phản ứng lại bằng sự thèm muốn đối với bất kỳ trường hợp dễ chịu nào. Pháp thiền Vipassana tạo hiệu quả tốt bằng cách bào mòn những phản ứng bị điều kiện hóa này. Khi hành thiền chúng ta tiếp tục gặp những cảm giác dễ chịu hay khó chịu. Bằng cách quan sát mọi cảm giác với sự bình tâm, chúng ta làm suy yếu dần dần và tiêu diệt các khuynh hướng thèm muốn, chán ghét. Khi các phản ứng bị điều kiện hóa thuộc một loại nào đó bị dứt trừ thì ta thoát khỏi những khổ đau loại đó. Và khi tất cả mọi phản ứng bị điều kiện hóa đều được dứt trừ, tâm thức sẽ hoàn toàn giải thoát. Người đã thấu hiểu tiến trình này nói:

Các hành nghiệp đều vô thường, bản tính của chúng là sinh diệt. Nếu chúng nảy sinh và bị diệt trừ, sự diệt trừ mang lại chân hạnh phúc.

Mọi saṅkhāra (hành nghiệp) nảy sinh và diệt đi, chỉ để rồi lại khởi sinh vào giây phút kế tiếp trong chu kỳ lặp lại không ngừng. Nếu chúng ta phát triển trí tuệ và quan sát một cách khách quan thì chu kỳ lặp lại đó sẽ dừng và sự dứt trừ bắt đầu. Hết lớp này đến lớp khác, những saṅkhāra cũ sẽ trồi lên và bị dứt trừ với điều kiện ta không phản ứng. Càng nhiều saṅkhāra được xóa bỏ thì ta càng hưởng được nhiều hạnh phúc hơn, niềm hạnh phúc của sự thoát khổ. Nếu tất cả các saṅkhāra trong quá khứ bị diệt trừ thì ta sẽ được hưởng hạnh phúc vô biên của sự giải thoát hoàn toàn.

Phương pháp thiền Vipassana vì vậy là một loại nhịn ăn tinh thần để dứt trừ những hành nghiệp trong quá khứ. Mọi giây phút trong suốt cuộc đời, chúng ta đều tạo ra những phản ứng. Bây giờ, nhờ sự ý thức và bình tâm, chúng ta có được một vài lúc không phản ứng, không tạo ra bất kỳ saṅkhāra nào. Những giây phút đó dù ngắn ngủi đến đâu cũng rất mạnh mẽ, chúng khởi động một tiến trình đảo ngược, tiến trình thanh lọc tâm.

Để khởi động tiến trình này, chúng ta nhất thiết không được làm gì cả, theo đúng nghĩa đen như vậy. Có nghĩa là, chúng ta phải kiềm chế không được có bất kỳ phản ứng mới nào. Bất kể nguyên nhân của những cảm giác mà ta trải nghiệm có là gì đi nữa, chúng ta cũng chỉ quan sát chúng với sự bình tâm. Chính việc tạo ra ý thức và sự bình tâm sẽ tự động loại trừ những phản ứng cũ, giống như thắp đèn lên xua tan bóng tối trong một căn phòng.

Có lần, Đức Phật kể câu chuyện về một người bố thí rất nhiều. Nhưng để kết luận, Ngài nói:

“Dù cho ông ta có dâng hiến thật nhiều đi nữa cũng không bằng quy y Phật, Pháp, Tăng. Và dù có quy y Phật, Pháp, Tăng cũng không bằng giữ năm giới. Và dù có giữ năm giới cũng không bằng vun trồng thiện ý với tất cả chúng sanh dù chỉ bằng thời gian vắt sữa một con bò. Và dù cho ông có làm tất cả những điều nói trên cũng không bằng phát triển ý thức về vô thường chỉ trong khoảng thời gian một búng ngón tay.”

Có lẽ thiền giả ý thức về thực tại của những cảm giác trong cơ thể chỉ một khoảnh khắc và không phản ứng vì hiểu được bản tính vô thường của chúng. Ngay cả giây phút ngắn ngủi này vẫn có một hiệu quả mạnh mẽ. Với sự kiên nhẫn, liên tục hành thiền, vài giây phút bình tâm đó sẽ gia tăng, và những giây phút phản ứng sẽ giảm đi. Dần dần, thói quen tạo nghiệp sẽ bị phá vỡ và những nghiệp cũ bị tiêu diệt, cho đến lúc tâm thoát khỏi mọi nghiệp, quá khứ và hiện tại, giải thoát mọi khổ đau.

VẤN ĐÁP

Câu hỏi: Chiều nay, tôi thử một thế ngồi mới, và tôi đã ngồi được lâu hơn mà không nhúc nhích và giữ được lưng thẳng, nhưng tôi không cảm nhận được nhiều cảm giác. Tôi tự hỏi không biết những cảm giác rồi sẽ trở lại hay tôi phải trở lại thế ngồi cũ?

Thiền sư S. N. Goenka: Đừng cố tạo ra cảm giác bằng cách cố tình chọn một thế ngồi không thoải mái. Nếu đấy là một lối hành thiền đúng đắn, thì chúng tôi đã yêu cầu bạn ngồi trên chỗ đầy đinh. Những sự thái quá như vậy không giúp được gì cả. Bạn hãy chọn một thế ngồi thoải mái, thân được thẳng, và để cảm giác xuất hiện tự nhiên. Chúng sẽ đến vì chúng có ở đó. Có thể bạn đang tìm loại cảm giác mà bạn đã cảm thấy trước đây, nhưng có thể có những loại cảm giác khác.

Có nhiều cảm giác tinh tế hơn trước. Trong thế ngồi đầu, rất khó ngồi một lúc mà không cựa quậy.

Như vậy là bạn đã tìm được một thế ngồi thích hợp hơn rồi. Bây giờ hãy để cho cảm giác được tự nhiên. Có lẽ những cảm giác thô thiển đã mất hết rồi, và bây giờ bạn phải đương đầu với những cảm giác tinh tế hơn, nhưng tâm bạn chưa đủ bén nhạy để có thể cảm nhận được chúng. Hãy ý thức về hơi thở một thời gian để cho tâm được bén nhạy hơn. Như vậy sẽ giúp bạn định tâm hơn, và dễ dàng cảm nhận được những cảm giác tinh tế.

Tôi nghĩ tốt hơn là có những cảm giác thô thiển, vì như vậy có nghĩa là một saṅkhāra cũ đang trồi lên.

Không nhất thiết như vậy. Một số bất tịnh xuất hiện dưới dạng những cảm giác rất tinh tế. Tại sao bạn lại ao ước những cảm giác thô thiển? Bất cứ điều gì xuất hiện, thô thiển hay tinh tế, việc của bạn là chỉ quan sát mà thôi.

Chúng ta có cần phải nhận biết xem loại cảm giác nào thì đi với loại phản ứng nào hay không?

Làm như vậy là phí sức một cách vô ích. Chẳng khác nào một người đang giặt một miếng vải bẩn mà lại để ý tìm hiểu xem nguyên nhân nào đã làm miếng vải đó bẩn. Làm như vậy chẳng giúp được gì cả. Công việc của người đó là giặt miếng vải mà thôi. Muốn làm như vậy, việc quan trọng là có một miếng xà-phòng và dùng nó đúng cách. Nếu người đó giặt đúng cách, tất cả vết bẩn đều được giặt sạch. Cũng vậy, bạn nhận được xà-phòng của pháp thiền Vipassana; bây giờ hãy dùng nó để tẩy sạch những bất tịnh trong tâm bạn. Nếu bạn tìm kiếm nguyên nhân của những cảm giác cụ thể, bạn đang chơi trò chơi trí thức, và bạn bỏ quên vô thường (anicca) và vô ngã (anatta). Sự trí thức hóa này không thể giúp bạn ra khỏi khổ đau.

Tôi bối rối không biết ai quan sát và ai hay cái gì đang bị quan sát?

Không có một lời giải đáp tri thức nào có thể làm bạn thỏa mãn. Bạn phải tự tìm hiểu lấy: “Cái ‘tôi’ là cái gì mà làm tất cả những công việc này? Ai là cái tôi?” Bạn hãy tiếp tục thăm dò, phân tích, và chờ xem có “cái tôi” nào xuất hiện không; nếu có, hãy quan sát nó. Nếu không có gì xuất hiện thì bạn hãy chấp nhận “Ồ, cái ‘tôi’ này chỉ là một ảo tưởng!”

Không có nghiệp nào là tốt hay sao? Tại sao lại phải cố gắng trừ khử chúng đi?

Nghiệp tốt khuyến khích ta hướng về sự giải thoát khỏi khổ đau. Nhưng một khi mục đích đã đạt được thì tất cả các nghiệp, dù tích cực hay tiêu cực cũng phải bỏ lại.Cũng giống việc ta dùng chiếc bè để qua sông. Khi qua sông rồi, ta không đội bè trên đầu mà tiếp tục đi. Bè đã được dùng, bây giờ ta không cần nó nữa, phải bỏ nó lại. Cũng vậy, một người đã được hoàn toàn giải thoát không cần đến nghiệp. Một người giải thoát không phải vì nghiệp tốt, mà vì sự thanh tịnh của tâm.

Tại sao khi mới tập thiền Vipassana lại có những cảm giác khó chịu mà về sau có những cảm giác dễ chịu?

Vipassana loại bỏ những bất tịnh thô thiển trước. Khi bạn quét sạch một cái sàn, thì trước hết bạn quét những rác rưởi, đất cát trước, rồi mỗi lần quét sau bạn lại thu nhặt những bụi bặm nhỏ hơn hơn. Vì vậy khi tập thiền Vipassana, những bất tịnh thô thiển của tâm được loại trừ trước, và những bất tịnh vi tế còn lại sẽ xuất hiện dưới dạng những cảm giác dễ chịu. Nếu trở nên ham thích những cảm giác đó thì nguy hiểm. Bởi vậy, bạn phải cẩn thận không được xem kinh nghiệm về những cảm giác dễ chịu là mục đích cuối cùng. Bạn phải tiếp tục quan sát mọi cảm giác một cách khách quan để loại bỏ tất cả những phản ứng bị điều kiện hóa.

Thiền sư nói chúng ta có miếng vải bẩn, và chúng ta có xà-phòng để giặt. Hôm nay tôi cảm thấy như xà-phòng của tôi sắp hết! Sáng nay tôi thiền rất tốt, nhưng chiều nay tôi bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng, tức giận, và nghĩ, “Ôi, có ích gì đâu!” Hình như cứ mỗi khi việc hành thiền có sức mạnh, thì một kẻ thù trong tôi - có thể là cái tự ngã - có cùng một lực với sức thiền, và đánh tôi ngã. Và rồi tôi cảm thấy tôi không còn sức để chiến đấu nữa. Có cách nào tránh để tôi khỏi phải tranh đấu vất vả, một phương pháp hay nào đó!

Hãy duy trì sự bình tâm; đó là cách khôn khéo nhất! Những gì bạn trải qua đều rất tự nhiên. Khi bạn thấy mình hành thiền tốt, là tâm được quân bình, và thâm nhập sâu trong vô thức. Nhờ kết quả của sự giải phẫu sâu đó, một nghiệp trong quá khứ bị rúng động và trồi lên bề mặt của tâm. Rồi khi ngồi thiền, bạn phải đối đầu với một trận bão của bất tịnh. Trong trường hợp như vậy, sự bình tâm là điều cốt yếu, vì nếu không, những bất tịnh sẽ áp đảo bạn, và bạn không thể nào hành thiền được. Nếu sự bình tâm bị yếu, bạn hãy ý thức về hơi thở. Khi cơn bão tới, bạn phải thả neo và đợi cho cơn bão qua. Hơi thở là chiếc neo của bạn. Bạn hãy chú tâm vào hơi thở, và cơn bão sẽ qua. Bất tịnh nổi lên trên mặt là một điều tốt, vì bây giờ bạn có cơ hội để quét sạch nó. Nếu bạn giữ được sự bình tâm thì bất tịnh sẽ qua đi một cách dễ dàng.

Nếu tôi không thấy đau thì tôi có thật sự gặt hái được thành quả tốt trong sự thực tập này không?

Nếu bạn có ý thức và sự bình tâm, thì dù đau hay không, bạn vẫn tiến bộ như thường. Không bắt buộc là bạn phải thấy đau mới tiến bộ trên con đường. Nếu bạn không đau, thì cứ chấp nhận là không đau. Bạn chỉ có việc quan sát thôi.

Ngày hôm qua tôi có cảm thấy toàn thân tôi như bị tan rã. Tôi cảm thấy như chỉ là một khối rung động khắp nơi.

Rồi sao?

Và khi đã xảy ra rồi, tôi nhớ lại khi tôi còn nhỏ tôi cũng có một kinh nghiệm tương tự như vậy. Từ bao nhiêu năm nay tôi tìm cách để có lại kinh nghiệm này, và nó đã đến.

Rồi sao?

Dĩ nhiên tôi muốn kinh nghiệm này tiếp tục, và kéo dài. Nhưng nó đã thay đổi và mất đi. Và rồi tôi lại hành thiền chỉ để mong kinh nghiệm đó trở lại, nhưng nó đã không trở lại. Thay vào đó, sáng hôm nay tôi chỉ thấy những cảm giác thô thiển.

Rồi sao nữa?

Rồi tôi nhận thấy tôi đã làm khổ tôi biết bao nhiêu chỉ vì muốn có kinh nghiệm này.

Và rồi?

Và rồi tôi hiểu được rằng thật sự chúng ta tới đây không phải để có một kinh nghiệm cụ thể nào. Có phải vậy không?

Phải!

Chúng ta đến đây thật ra để quan sát mọi kinh nghiệm mà không phản ứng. Có phải vậy không?

Phải!

Vậy pháp thiền này thật ra là để phát triển sự bình tâm. Có phải vậy không?

Phải!

Với tôi dường như việc xóa sạch những saṅkhāra (hành nghiệp) cũ trong quá khứ phải mất một thời gian kéo dài mãi mãi.

Hẳn đúng là như vậy nếu như mỗi một khoảnh khắc bình tâm có nghĩa là bớt đi chính xác một saṅkhāra của quá khứ. Nhưng trong thực tế, sự ý thức về các cảm giác đưa bạn đến tầng sâu thẳm nhất của tâm và cho phép bạn chặt đứt những gốc rễ của hành nghiệp quá khứ. Theo cách này, trong một thời gian tương đối ngắn bạn có thể dứt trừ toàn bộ những saṅkhāra phức tạp, miễn là ý thức và sự bình tâm của bạn đủ mạnh mẽ.

Vậy thì tiến trình đó sẽ mất bao lâu?

Điều đó tùy thuộc vào khối saṅkhāra mà bạn phải dứt trừ đó lớn đến mức nào và sức thiền của bạn mạnh mẽ đến đâu. Bạn không thể đo lường được kho chứa những thứ trong quá khứ, nhưng bạn có thể chắc chắn rằng khi bạn thực hành thiền càng nghiêm túc thì sẽ càng đạt đến sự giải thoát nhanh chóng hơn. Hãy tiếp tục nỗ lực kiên định hướng đến mục tiêu đó. Chắc chắn rồi bạn sẽ đạt đến mục tiêu, nhưng càng sớm càng tốt hơn.

KHÔNG GÌ NGOÀI CÁI THẤY

Có một nhà tu ẩn dật sống ở nơi mà ngày nay là Bombay, là một người rất thánh thiện. Tất cả những người đã gặp ông đều kính trọng vì sự thanh tịnh của tâm hồn ông, và nhiều người cho rằng ông nhất định đã được hoàn toàn giải thoát. Nghe người ta xưng tụng về mình như vậy, dĩ nhiên ông tự nghĩ: “Có lẽ ta thật sự được hoàn toàn giải thoát.” Nhưng là một người thành thật, ông tự xét mình cẩn thận và thấy rằng trong tâm ông vẫn còn những dấu vết bất tịnh. Lẽ dĩ nhiên, chừng nào bất tịnh còn, thì ông không thể đạt tới giai đoạn hoàn toàn thánh thiện được. Vì vậy ông hỏi những người đến thăm viếng ông: “Hiện nay có người nào trên thế gian này được coi là hoàn toàn giải thoát không?”

“Ồ, thưa ngài có,” họ trả lời, “có một vị sư Gotama, được gọi là Phật, sống ở thành phố Savatthi. Được biết người này đã hoàn toàn giải thoát, và ông dạy phương pháp mà nhờ đó mọi người có thể đạt được giải thoát.”

“Ta phải đến gặp người này,” nhà tu ẩn dật quyết định. “Ta phải học ở người đó con đường dẫn đến giải thoát hoàn toàn.” Và ông ta đã đi từ Bombay qua Trung Ấn và cuối cùng đến Savatthi, ngày nay là tiểu bang Uttar Pradesh, ở Bắc Ấn. Tới Savatthi, ông tìm tới thiền viện của Đức Phật, và hỏi có thể gặp được Phật ở đâu.

“Ngài đã đi ra ngoài,” một vị sư trả lời. “Ngài vào thành phố để khất thực. Ông hãy đợi ở đây và nghỉ ngơi; chẳng mấy chốc Ngài sẽ trở về.”

“Ồ, không được, tôi không thể chờ được. Tôi không còn thời gian để đợi nữa! Hãy chỉ cho tôi Ngài đi lối nào và tôi sẽ theo.”

“Được, ông đi lối này, nếu ông nhất định đi, ông có thể gặp Ngài trên đường.”

Chẳng để phí một giây, nhà ẩn dật lên đường, và đi thẳng vào trung tâm thành phố. Ở đây ông thấy một vị sư đang đi từng nhà để khất thực. Một bầu không khí thanh bình và hòa hợp bao phủ vị này khiến nhà tu ẩn dật tin chắc đây là Đức Phật, và ngay ở giữa phố, ông quỳ xuống, và ôm lấy chân ngài. “Bạch ngài”, ông nói, “Con được biết ngài đã hoàn toàn giải thoát, và Ngài dạy con đường dẫn đến giải thoát. Xin Ngài hãy dạy phương pháp này cho con.”

Đức Phật nói: “Được chứ, ta có dạy phương pháp đó, và ta có thể dạy cho ông. Nhưng bây giờ không đúng lúc và đúng chỗ. Hãy về chờ ta ở thiền viện. Ta sẽ về ngay và dạy cho ông phương pháp đó.”

“Bạch Ngài, không được. Con không thể chờ đợi được.” “Sao vậy, nửa giờ mà không chờ được sao?”

“Bạch Ngài, không được, con không thể chờ được. Ai mà biết được? Trong nửa giờ nữa con có thể chết. Trong nửa giờ nữa, Ngài có thể chết. Trong nửa giờ nữa, tất cả niềm tin của con với Ngài có thể không còn nữa, và như vậy con không thể học được phương pháp của Ngài. Bạch Ngài, bây giờ là đúng lúc. Xin Ngài hãy dạy con ngay bây giờ!”

Đức Phật nhìn ông ta, và thấy rằng: “Quả vậy, người này không còn sống được bao lâu; chỉ trong vài phút nữa ông ta sẽ chết. Ông ta phải được dạy Pháp ngay bây giờ, tại đây.” Và làm sao để dạy Pháp trong khi đứng giữa đường? Đức Phật chỉ nói vài lời, nhưng trong vài lời đó chứa đựng toàn bộ giáo lý của Ngài: “Khi nhìn chỉ có cái thấy; khi nghe chỉ có cái nghe; khi ngửi, nếm, sờ mó, chỉ có cái ngửi, cái nếm, cái xúc chạm; khi hay biết chỉ có cái nhận biết.” Khi có sự tiếp xúc qua sáu cửa giác quan, không được có sự đánh giá, cũng không có sự nhận thức chi phối bởi định kiến. Một khi nhận định đánh giá là tốt hay xấu, thì ta nhìn đời một cách méo mó vì phản ứng mù quáng cũ của ta. Để giải thoát tâm khỏi mọi sự điều kiện hóa, ta phải học cách ngừng đánh giá dựa trên những phản ứng trong quá khứ, và có ý thức tỉnh giác mà không đánh giá cũng không phản ứng.

Nhà tu ẩn dật là một người có tâm thanh tịnh đến nỗi chỉ nghe vài lời chỉ dẫn cũng đủ cho ông rồi. Ông ta ngồi xuống bên đường và chú tâm vào thực tại bên trong. Không đánh giá, không phản ứng; ông chỉ quan sát sự thay đổi của tiến trình bên trong ông. Và trong vài phút còn lại của cuộc đời, ông đã đạt được mục đích cuối cùng, ông đã hoàn toàn được giải thoát.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh