Tinh Hoa Giáo Dục. Chương 25: Bước Ngoặt Tuổi Dậy Thì, Biến Cá Chép Hóa Rồng

TINH HOA GIÁO DỤC. CHƯƠNG 25: BƯỚC NGOẶT TUỔI DẬY THÌ, BIẾN CÁ CHÉP HÓA RỒNG

Mỗi giai đoạn lớn lên của một đứa trẻ sẽ đảm nhận một nhiệm vụ riêng, khi trẻ bước vào tuổi dậy thì cũng là một trong những chặng đường cần phải thực thi một nhiệm vụ nào đó. Mà sự định hướng đúng đắn giáo dục lúc này có thể giúp cá chép hóa rồng, vịt hóa thiên nga hoặc ngược lại.

Bước vào giai đoạn thứ ba của cuộc đời từ 15 đến 21 tuổi, nhiệm vụ cần hoàn thành là đưa thể cảm xúc đã được nuôi dưỡng trước đó vào trải nghiệm trong cuộc sống. Trước tuổi dậy thì, chúng ta cần nuôi dưỡng chúng, trong lúc này hãy luôn nhớ rằng thể cảm xúc của các em cần sự giúp đỡ của người lớn để phát triển. Có nghĩa là người lớn khẳng định cảm xúc của các em, hỗ trợ đứa trẻ để chúng tự nói lên cảm xúc của mình, quan tâm, tạo điều kiện cho cảm xúc phát triển, giống như cơ thể vật lý của trẻ nhỏ được “bao bọc” trong bào thai của người mẹ. Việc còn lại là sau khi bắt đầu dậy thì, cần đưa cơ thể cảm xúc giờ đây đã độc lập tiếp xúc với những ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài mà nó có thể tiếp nhận và xử lý trong trạng thái không được bảo vệ bởi vỏ bọc xung quanh. Để cùng các em bình an đi qua tuổi dậy thì và tạo ra được bước ngoặt trong giai đoạn này, cần lấy nền tảng chăm sóc và bồi dưỡng sớm ngay từ trước.

I. TÔN TRỌNG CON LÀ TÔN TRỌNG CHÍNH MÌNH

Nhiều người trong chúng ta vẫn còn quan niệm, suy nghĩ cứng nhắc, đánh giá chưa đúng khả năng, chưa đặt niềm tin vào trẻ em, từ đó dẫn đến cách hành xử chưa hợp lý, thiếu tôn trọng các em. Nên bạn cứ thích mặc định những gì bạn nghĩ, bạn chọn, bạn nói thay cho trẻ mà ít khi thực sự cân nhắc tới ý kiến của trẻ. Cho dù đó có thể là những việc cá nhân của trẻ như cách trẻ ăn mặc, đi chơi, làm việc gì, thể hiện bản thân ra sao, thích cái gì nhất, lúc các em còn nhỏ và chưa có ý thức nhiều về bản thân. Nhưng đến tuổi dậy thì, các em ý thức hơn về hình ảnh của mình và muốn thể hiện cảm xúc của bản thân một cách mạnh mẽ hơn. Bao nhiêu sự đè nén, kìm kẹp bấy lâu bỗng có cơ hội được bộc phát, các em bắt đầu ngầm phá vỡ hoặc trực tiếp phá bỏ tất cả những gì từ trước đến giờ mà bạn đã áp đặt.

Mặc định tương tác như thế đã làm cho nhiều đứa trẻ lột xác không thành công, để lại hậu quả của việc giáo dục áp đặt ở khắp mọi nơi. Trẻ lớn lên thể hiện bản thân bằng nhiều cách không ai muốn, có một số thu mình vào trong vỏ ốc không muốn giao tiếp với ai, đặc biệt với bố mẹ chúng. Nhiều em sẽ tìm đến thuốc lá, rượu bia, sống ảo, chơi game, đua xe, nhuộm tóc, xăm hình, hay thậm chí gia nhập hoặc thành lập băng nhóm. Vì ở trong các môi trường mới các em có thể tha hồ thể hiện bản thân, thậm chí có thể lôi kéo tạo ảnh hưởng đến người khác, làm những gì các em muốn, có được không gian thế giới mà ở đó có thể tự mình làm chủ bản thân. Đây là thứ mà ngoài đời thực đến mơ cũng khó có thể thấy được, vì cuộc sống thực tại trong gia đình không cho các em được sống tự do, thể hiện bản thân theo mong muốn của mình.

Để đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì bình an, cân bằng, ổn định và có những bước chuyển mình trở nên tốt đẹp hơn. Thiết nghĩ chúng ta cần thay đổi lại cách hành xử với trẻ ngay từ lúc các em còn nhỏ, bằng những hành động cụ thể như sau.

Lúc trẻ còn nhỏ hãy cho trẻ một không gian thể hiện, một vòng tròn tự do, nếu nhà bạn đủ lớn hãy cho trẻ một căn phòng riêng, nếu không có điều kiện đó sẽ là một góc nhỏ nơi dành cho trẻ. Làm chiếc ghế và một chiếc bàn phù hợp với chiều cao của trẻ, làm móc quần áo riêng để con có thể tự treo đồ. Trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc trong không gian như vậy, nơi mà trẻ có thể tự do và tự chủ làm những thứ mình thích. Hãy thực sự tôn trọng không gian đó, nếu muốn xâm nhập bạn hãy xin phép trẻ, muốn mượn đồ gì hãy xin phép các em, chắc chắn những đứa trẻ sẽ thích được trải nghiệm cảm giác này.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Những vấn đề có liên quan đến trẻ như ăn gì, đi đâu, mặc gì, thể hiện bản thân như thế nào, bạn cần hỏi ý kiến trẻ và để cho các em có quyền quyết định. Cho trẻ được quyền thể hiện bản thân, vui chơi nếu mọi chuyện không đi quá giới hạn, không gây hại cho bản thân và những người xung quanh thì không nên can thiệp. Bạn hãy đứng ngoài quan sát và chấp nhận điều này như một thực tế của cuộc sống.

Khi trẻ dần lớn lên bắt đầu qua tuổi lên 10, với những vấn đề lớn hơn trong gia đình như: “Bố muốn mua một cái tủ, con nghĩ màu gì thì thích hợp. Cả nhà định đi chơi xa con nghĩ nên chuẩn bị những gì. Bố mẹ định vay ít tiền con có góp ý gì không. Nhà mình hôm nay có khách con xem nên nấu món gì thì được, con có thể giúp bố cùng tiếp khách không… ”. Nên trao đổi với trẻ, dù những ý tưởng của trẻ đưa ra có đi xa đến đâu cũng hãy chấp nhận và lắng nghe. Bạn sẽ chẳng mất gì khi hỏi như vậy, nhưng lại giúp trẻ có khả năng suy nghĩ độc lập, hơn hết là các em cảm nhận được tầm quan trọng của bản thân và được nói lên cảm xúc, niềm mong muốn của mình.

Đứa trẻ được tôn trọng sẽ trở nên tự tin.

II. ĐỒNG HÀNH - KẾT NỐI - THƯỞNG PHẠT TRONG HÀNH VI

Độ tuổi từ 15 đến 21, là giai đoạn mà các em có khát khao thể hiện cảm xúc của mình một cách mạnh mẽ, khi độc lập tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Các em sẽ có những chuyển biến lớn lao về nội tâm, cũng như sự thay đổi tâm lý rõ ràng, từ đó dẫn đến nhu cầu muốn được chia sẻ, lắng nghe và tâm sự để tìm kiếm sự thấu cảm.

Mua đá năng lượng:

Nhưng ít đứa trẻ nào chịu chia sẻ với bố mẹ, thay vào đó chúng thường hướng ra bên ngoài, tìm kiếm những mối quan hệ từ bạn bè, người yêu để đi qua chặng đường này. Tại sao trẻ lại không chọn bạn, người gần gũi và yêu thương chúng hết mực? Nguyên nhân là từ nhỏ bạn đã không hiểu trẻ, chưa tạo ra được sự kết nối cần thiết với trẻ, thường hay trừng phạt, la mắng, thật không giống một nơi để trẻ cảm thấy an toàn và chia sẻ. Do đó, theo một cơ chế tự nhiên để bảo tồn năng lượng của mình, đứa trẻ sẽ ngừng kết nối với bạn và chúng đóng trái tim lại.

Làm thế nào để không chỉ với vai trò làm bố mẹ, mà còn trở thành người bạn thân thiết, là người quân sư, không những đồng hành khi các con bước vào tuổi dậy thì mà còn trên chặng đường dài phía trước?

Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm lời giải cho vấn đề này.

Một cách tự nhiên sợi dây kết nối của bạn và đứa trẻ, có tuổi thọ từ lúc trẻ sinh ra cho đến năm lên 10 tuổi. Trong mười năm đó dù bạn không cố gắng, thậm chí còn có thể gây tổn thương đến các em, nhưng đứa trẻ vẫn không giống như sẽ xa rời tầm tay bạn. Nhưng sau năm 10 tuổi, sự kết nối này có còn được duy trì hay không nó phụ thuộc vào bạn, cần có những tác động nhất định để thấu hiểu nhau hơn, nếu không sợi dây kết nối tự nhiên giữa bạn và trẻ sẽ bị cắt đứt.

Ai ai cũng muốn sự kết nối đó lâu hơn thế, đặc biệt trong giai đoạn con trẻ bước vào tuổi dậy thì. Muốn được như vậy thật không có cách nào khác là bạn cần biết cách chủ động tương tác để gần gũi với trẻ.

Ngay từ lúc trẻ còn nhỏ bạn cần hoàn thành vai trò làm bố mẹ của mình, như là dành thời gian chơi với con, tôn trọng, thường xuyên trò chuyện, tương tác cùng con,... Lúc đó sự kết nối giữa bạn và trẻ sẽ bắt đầu hình thành rõ ràng, nhưng lúc này vẫn chưa phải đã thực sự khăng khít và sâu sắc.

Sự kết nối có dài lâu hay ngay lập tức mất đi, phụ thuộc vào cách xử lý các tình huống bạn gặp phải với trẻ trong đời sống hằng ngày mà bạn cho đó là những hành vi sai trái, hư hỏng, xấu xa. Nếu ngay lần đầu, lúc trẻ bộc bạch một vài hành vi xấu hoặc bạn phát hiện được một hành động chưa tốt của con, mà bạn phản ứng thái quá. Bạn hét lên, trừng phạt, thậm chí đánh trẻ, thì chắc chắn một điều rằng từ đó trở về sau chúng sẽ không bao giờ tin tưởng và chia sẻ với bạn thêm điều gì nữa, dù điều đó có tốt hay xấu. Đứa trẻ sẽ đóng trái tim lại, ngừng kết nối với bạn.

Cho nên cần có cách xử lý phù hợp để làm sao ngay từ đầu, khi con gây ra những hành vi chưa tốt, bạn cần kịp thời chỉnh sửa lại cho con về hành vi đúng, ngay thẳng, chân chính nhưng vẫn giữ được tình cảm, sự cởi mở, kết nối con tim với trẻ. Cho nên, dưới đây là cách xử lý tình huống để có thể mang lại được kết quả như vậy.

Khi nhận được thông tin mà bạn quy ước là hành vi sai trái, hư hỏng, xấu xa, với cách truyền thống dễ dàng nhận thấy ở các bố mẹ chỉ biết yêu thương con họ sẽ áp đặt thưởng phạt để hy vọng mình có thể mua chuộc hoặc đe dọa sửa chữa, thay đổi được hành vi của trẻ. Mặt dù đã tiếp cận nhiều phương pháp xử lý thưởng phạt khác nhau, nhưng tôi vẫn chưa thật sự thấy thỏa mãn cho đến khi biết được hình thức “thưởng phạt trong hành vi.”

Đây là hình thức kỷ luật thuận tự nhiên, mà ở đó bạn giúp đứa trẻ hiểu được thưởng phạt đã có ngay trong chính hành vi mình đã làm. Chẳng hạn, “hình phạt” cho việc ăn nhiều sẽ là bội thực, không ăn sẽ đói, ăn vừa đủ thì cơ thể sẽ dễ chịu, phát triển ổn định. Chăm học sẽ có hiểu biết và sự “trừng phạt” của lười học là ngu dốt. Ít ra ngoài thiên nhiên, lười vận động thì cơ thể sẽ yếu đuối, dễ suy nhược, vận động thái quá thì cơ thể sẽ bị kiệt sức, tổn thương. Vận động vừa phải cơ thể khỏe mạnh, hình thể đẹp. Hình phạt cho người nói mà không giữ chữ tín là không ai tin, bị người khác xem thường, còn phần thưởng của người nói lời chân thực thì được mọi người tin tưởng. Tóm lại, trong mỗi một hành động, việc làm tốt đã có sẵn phần thưởng, làm việc xấu, gieo nhân xấu cũng đã đi kèm theo “hình phạt” tương ứng.

Người lớn chúng ta không cần thưởng thêm hoặc phạt nặng, hay đặt cảm xúc của mình vào xử lý hành vi của trẻ. Mà cần giải thích cho các em hiểu được phần thưởng hay hình phạt đã có sẵn trong hành vi của chúng, để đứa trẻ tự ý thức và điều chỉnh hành động của mình sao cho hợp lý. Dưới đây là hai tình huống, tôi đã áp dụng trực tiếp hình thức thưởng phạt trong hành vi vào đời sống hằng ngày.

Có lần phát hiện Vũ, một cậu bé 8 tuổi lấy trộm tiền, tôi đã mất nhiều giờ để điều tra sự việc, mọi sự nghi vấn dần dần tập trung vào Vũ. Lúc đó trông cháu khá sợ hãi và lo lắng, bằng tất cả tình yêu thương, sự tôn trọng và kiên nhẫn tôi nói: “Con cứ nói sự thật, nói tất cả sự thật con đã lấy tiền của cậu như thế nào, tiêu nó ra sao. Con biết mà đúng không, cậu không như mẹ con, cậu sẽ không đánh hay la mắng con dù chỉ một lời.”

Sau một lúc tôi thuyết phục, cảm nhận được sự an toàn, tin rằng mình sẽ không bị trừng phạt, Vũ đã thừa nhận hành vi của mình. Bạn có thể hiểu rằng lúc đó tôi như muốn phát điên lên với đứa cháu mình, chỉ mong tóm được “hung thủ” và cho nó một trận ra trò. Vì từ sáng cho đến trưa và thậm chí cách đó vài phút cháu đã nhiều lần dựng chuyện nói dối, chối bỏ hành vi của mình. Để không bộc phát cảm xúc nhất thời như vậy, tôi quay mặt sang chỗ khác, hít một hơi thật sâu điều hòa lại cảm xúc rồi nói: “Con đã lấy trộm tiền của cậu, chuyện này chẳng hay chút nào. Cậu thực sự rất tức giận vì hành vi này của con”. Đó là cách tôi đã tự chủ bản thân, trước hết làm chủ cảm xúc của mình, sau đó chia sẻ cảm xúc của mình cho trẻ biết, chứ không phải dội hết tất cả những cảm xúc tiêu cực được đẩy lên cao trào xuống đứa trẻ.

Rồi tôi nhìn thẳng vào mắt Vũ, chậm rãi đặt những câu hỏi để cháu tự chất vấn bản thân: “Nếu con có một món đồ nào đó mà mình thích, nhưng bị người khác lấy mất đi thì con cảm thấy thế nào?... Con trộm tiền của cậu con tiêu như vậy con thấy được không?... Nếu con cứ tiếp tục hành vi này con sẽ ra sao mọi người sẽ còn tin tưởng con không?... Con muốn sống trong một thế giới của sự chân thành hay đầy rẫy sự dối trá, trộm cắp?... ”. Sau đó tôi cố tình rời khỏi phòng khoảng hai phút để cho Vũ cảm nhận được không khí khó chịu, tự lắng nghe tiếng nói lương tâm của mình, rồi quay trở lại.

Cuối cùng tôi để cho Vũ nói lên cảm nhận, suy nghĩ của mình cũng như nói lên hy vọng và khẳng định quan điểm của tôi đối với Vũ: “Con là đứa trẻ tốt, Cậu hoàn toàn tin tưởng điều đó, chỉ có hành vi đó là chưa đúng mà thôi. Cậu tin sau chuyện này con sẽ rút ra được bài học cho bản thân”, sau đó tôi đã giải quyết vấn đề như sau.

Tiền Vũ lấy trộm đã tiêu sạch, không có cách nào lấy lại được, nhưng không thể vì thế mà không chịu trách nhiệm về hành vi của mình, nên tôi và Vũ cùng đi đến thống nhất là cháu cần làm vài việc để trả nợ. Thứ hai, khi Vũ lấy tiền, cũng có một phần lỗi của tôi, do tôi để tiền trên bàn lại không bỏ trong ví, khơi gợi lòng tham cho người khác khởi lên. Nên từ đó tôi để tiền cẩn thận hơn, cũng như nhắc nhở mọi người trong nhà chú ý điều này. Thứ ba, Vũ đang tuổi lớn, bắt đầu tiếp xúc với thế giới, bạn bè nhiều hơn, nhiều hoạt động cần có tiền, nên tôi chủ động tạo cơ hội cho Vũ làm vài việc vừa với sức lực và sở thích của cháu để kiếm tiền tiêu vặt. Thứ tư, tôi đã tức giận khi Vũ lấy tiền nhưng tôi cũng hết sức cảm thông cho Vũ, bởi vì tôi biết nguyên nhân chính dẫn đến cháu trộm tiền là do mẹ của cháu. Lúc mới chỉ hai, ba tuổi đã vô thức chứng kiến một hình mẫu không tốt từ mẹ. Mẹ Vũ trong sinh hoạt gia đình rất tùy tiện, không có thói quen tôn trọng đồ của người khác, thích lấy gì thì lấy, thích dùng đồ của ai thì dùng. Tôi đã nhiều lần cảnh báo nhưng chị ấy không nghe và Vũ đã vô thức học những điều không tốt từ mẹ ngay từ lúc nhỏ. Nên lúc kỷ luật Vũ tôi đã tác động mạnh vào ý thức, khơi dậy nên lương tâm của cháu. Đồng thời, sau khi giải quyết xong với Vũ thì người thực sự cần nói chuyện, cần phải kỷ luật đó chính là mẹ cháu, nơi khởi nguồn của nguyên nhân.

Tình huống thứ hai, Ngân là cô bé bảy tuổi. Có lần thấy Ngân đánh em, tôi gọi cháu vào nói: “Em chơi cùng con, cười cùng con, ăn cùng con, ngủ cùng con. Con và em rất thân thiết yêu thương nhau. Vậy mà giờ con đánh em, làm em đau để em đứng khóc nước mắt chảy dài thế kia. Con nhìn xem, con cảm thấy thế nào?”. Nghe vậy Ngân gục đầu xuống tỏ ra buồn và hối lỗi.

Tôi hỏi tiếp: “Con đánh em vậy có nên không?”

“Vì con nói mà em không nghe”, Ngân giải thích.

Tôi nói: “Con nói em không nghe nên con đánh. Thế sau này có chuyện gì nói không được là con đều đánh người để giải quyết vấn đề à. Cậu có khi nào đánh con để giải quyết chuyện gì đó hay không… Con nghĩ lần sau gặp chuyện như vậy nữa thì mình nên làm thế nào cho tốt?”. Sau đó tôi cùng cháu đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả hơn cho lần sau.

Cần nhắc lại câu nói của cháu “Vì con nói mà em không nghe”, nên Ngân đã đánh em. Điều này có nghĩa rằng, Ngân vô thức học được hành vi khuôn mẫu tiêu cực từ người lớn, ở đây là mẹ của em. Trong đời sống hằng ngày mẹ bé hay đưa ra mệnh lệnh một chiều, cũng mặc nhiên coi lời nói của mình là đúng và muốn các con nghe theo. Còn bé không phải lúc nào cũng muốn nghe theo lời mẹ, nhưng đối với một người mẹ thiếu năng lực lại thừa quyền lực như vậy thì những lúc con không nghe lời hay làm gì trái ý, người mẹ lại quát tháo, nạt nộ, không ngần ngại đánh đòn để con phải nghe lời. Hành vi tiêu cực đó đã được Ngân ghi lại trong vô thức, nên khi kỷ luật cháu tôi tác động vào tiếng nói lương tâm của Ngân để khơi dậy lên những giá trị tốt đẹp của cháu vẫn còn chưa bị dập tắt. Quan trọng hơn nữa cần phải tác động đến người mẹ, thay đổi được mẹ cháu thì mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Còn nếu chỉ xử lý triệu chứng là bé đánh người, mà không tìm ra được nguyên nhân, cái căn cơ xuất phát từ đâu, vấn đề sẽ không được giải quyết triệt để.

Osho và người bố.

Thời niên thiếu Osho từng có một thỏa thuận với bố về tính trung thực. Ông nói với bố rằng: “Con muốn làm một thỏa thuận.”

Bố ông bảo: “Về cái gì?”

Ông nói: “Bản thỏa thuận là nếu con nói sự thật, bố sẽ phải thưởng cho con, không được trừng phạt con. Bởi vì nếu bố trừng phạt con thế thì lần tới con sẽ không nói sự thật nữa. Bố có thể quyết định. Nếu bố muốn con nói dối, con có thể nói dối, nếu đó là những gì bố muốn nghe và muốn thưởng. Nhưng nếu bố sẵn sàng thưởng cho sự thật, thế thì con sẽ chỉ nói sự thật mà thôi và hãy luôn ghi nhớ, bố không được phép trừng phạt khi con nói thật. Bố phải hứa bởi vì chỉ sau đó con mới có thể mở lòng với bố trong mọi sự.

Nếu biết sẽ phạt thì con bận tâm nói với bố làm gì? Mà thật ra bố cũng không nên phạt bất cứ điều gì, trước khi lắng nghe con nói những điều mình nghĩ. Đừng có mà áp đặt con, nhưng hãy lắng nghe và tôn trọng lời con nói. Nếu không thì con sẽ không nói gì và lúc ấy bố sẽ đứng ngoài rìa cuộc đời con mãi mãi.”

Ông ấy nói: “Ta chấp nhận thỏa thuận này.”

Một ngày nọ ông đến chỗ bố và bảo: “Con muốn hút thuốc lá.”

Ông nói: “ Cái gì?”

Tôi nói: “Bố phải cho tiền con bởi vì con không muốn ăn trộm. Nếu bố không cho con tiền con sẽ phải đi ăn trộm và bố sẽ phải chịu trách nhiệm về điều đó. Nếu bố không cho phép con hút, con vẫn sẽ hút nhưng hút ở nơi mà bố không biết, con sẽ phải giấu. Thế thì đồng nghĩa chính bố đang biến con thành một kẻ trộm, một kẻ giấu giếm và cũng đồng nghĩa rằng bố không muốn con trở thành người thành thật. Con thấy rất nhiều người hút thuốc và con muốn thử nó. Con muốn loại thuốc đắt tiền nhất có thể và con sẽ hút điếu thuốc đầu tiên trước mặt bố.”

Bố ông nói: “Điều này thật lạ nhưng lời thuyết phục của con thì rất hợp lý. Nếu ta ngăn cản con, con sẽ phải ăn trộm tiền và rồi vẫn sẽ hút bằng cách nào đó. Vậy thì suy cho cùng việc cấm của ta chỉ khiến con làm nhiều hành động tệ hơn. Nhưng việc này quả thật làm ta tổn thương. Ta không muốn con bắt đầu hút thuốc.”

Ông nói: “Chuyện bố muốn hay không đó không phải là vấn đề. Có một ham muốn khởi lên trong con khi thấy mọi người hút thuốc. Con muốn biết liệu việc đó đáng không. Nếu nó đáng thì từ giờ bố sẽ phải chấp nhận nó, nếu nó không đáng thì con sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện hút thuốc nữa.”

Mặc cho sự phản đối quyết liệt từ những người trong gia đình, một cách miễn cưỡng - ông được bố đi mua thuốc. Rồi ông hút, rồi ông ho, nước mắt giàn giụa. Ông không thể thậm chí hút xong một điếu, ông ném điếu thuốc đi và nói với bố: “Con xong việc với thuốc lá rồi. Từ giờ trở đi bố không cần lo về nó nữa. Nhưng con muốn bố hiểu một điều rằng con sẽ nói với bố mọi thứ và con sẽ không cần giấu bố bất cứ điều gì cả. Nếu con phải giấu giếm gì đó với ngay cả bố của mình, thì trên đời này còn ai con có thể tin tưởng đây? Con không muốn bất cứ khoảng cách nào giữa bố con.”

Nhìn ông ném điếu thuốc đi và mắt giàn giụa, mắt người bố cũng bắt đầu ướt, ông nói: “Mọi người đều phản đối nhưng sự chân thành của con đã thuyết phục ta mua nó. Hãy cứ tiếp tục trung thực với ta như thế, ta sẽ lắng nghe.”

Mọi trạng thái cảm xúc, khó khăn trong quá trình tương tác với trẻ nhiều lúc được đẩy lên cao trào, tột đỉnh. Như để thử thách cái đầu lạnh và trái tim nóng của bạn. Bởi chỉ khi nào cân bằng được hai yếu tố này bạn mới thực sự biết cách tương tác với trẻ. Bạn cần một cái đầu lạnh để không bị cảm xúc của bản ngã chi phối, luôn tỉnh táo, bình an, như vậy mới có thể xử lý được tình huống theo chiều hướng tích cực nhất và một trái tim nóng, để có thể vô cùng kiên nhẫn, vô cùng khoan dung, vô cùng yêu thương đứa trẻ.

Qua ba tình huống được kể trên, chúng ta có thể đúc kết ra được một vài giá trị cốt lõi cần nắm vững để thưởng phạt cho hợp lý.

Thứ nhất, mọi tình huống xử lý tốt xấu, đúng sai, được mất, đều dựa trên căn bản giá trị của tình yêu thương minh triết.

Thứ hai, dù trẻ có bộc bạch cả những chuyện mà bình thường bạn khó có thể chấp nhận, hay khi bạn bắt gặp những hành vi sai phạm của trẻ, dù có nghiêm trọng thế nào đi nữa như: “Chúng mang đồ trang sức, trang điểm mà bạn vô cùng yêu thích ra cho hết bạn bè nó. Chúng lấy đi tất cả tài liệu mà bạn vất vả cả tháng mới thu thập được để đốt lửa. Chúng làm hỏng chiếc xe mà bạn yêu thích. Chúng phá nát chiếc điện thoại bạn mới mua, hay quậy tung nhà lên”. Trước hết hãy cố gắng tự chủ cảm xúc bản thân, điềm tĩnh đón nhận, để tạo niềm tin cảm giác an toàn cho con trẻ. Như vậy trẻ mới dám chia sẻ, kết nối với bạn. Muốn làm được như vậy, bạn cần học cách tự chủ cảm xúc để tránh cho mình bị mất kiểm soát thân tâm trí, trở nên nóng giận và sân si, để những năng lượng tiêu cực không ảnh hưởng đến cách xử lý tình huống của bạn.

Thứ ba, kết nối, lắng nghe, cho trẻ cơ hội giải thích tình huống. Không như cách thông thường, bố mẹ không lắng nghe, thậm chí ngay lập tức la mắng trách phạt con. Tập cách lắng nghe và cố gắng đừng vội đánh giá, phán xét, nên đặt mình vào vị trí của trẻ để suy nghĩ, hiểu được nguyên nhân tại sao trẻ lại làm như vậy. Đồng thời cách bạn lắng nghe và cách đặt câu hỏi trong lúc nói chuyện cần rất tự nhiên trong lời nói, không thể hiện xu hướng dò hỏi, tra xét. Trẻ em rất nhạy cảm nên sẽ lập tức nhận được và thu mình lại trước thái độ tra hỏi như bề trên của bạn. Làm được như vậy, đứa trẻ sẽ hiểu được thông điệp ngầm rằng dù chúng có nói với bạn chuyện gì đi nữa “bạn vẫn luôn đứng về phía chúng, bạn là đồng minh của nó”, có như thế trẻ mới có niềm tin, cảm giác an toàn và tin tưởng bạn.

Sau đó bạn cần cho trẻ hiểu rằng, bạn thực sự là người khoan dung, là người đề cao giá trị của sự thật. Rằng sự thật dù có mất lòng, nhưng vẫn dễ chịu hơn cái giá mà chúng có thể trả khi nói dối. Và cách duy nhất để đạt được điều đó chính là sự khoan dung dành cho sự thật, một cách chân thành. Dù cho sự việc con gây ra có thế nào đi nữa, dù sự thật đó có quá sức chịu đựng của bạn đi chăng nữa. Có như thế khi đó con cái mới dám kể cho bạn mọi chuyện, kể cả những điều khó nói nhất. Vì chúng hiểu mình sẽ không bao giờ bị trừng phạt, thậm chí cũng không bị la mắng, mà thay vào đó chúng sẽ được bạn giúp đỡ hoặc ít nhất là cũng được lắng nghe một cách chân thành. Những rắc rối luôn hiện hữu trong cuộc sống của trẻ, chứ không chỉ bắt đầu khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, đó cũng chính là lúc chúng cần đến bố mẹ nhiều nhất. Hãy giúp đứa trẻ hiểu rằng nói ra sự thật không hề khiến chúng chịu sự trừng phạt nặng, sự chân thật sẽ luôn được đề cao, hỗ trợ và giúp đỡ.

Thông thường vì quá sợ hãi mà con trẻ sẽ giấu giếm và không dám nhờ đến sự trợ giúp của người lớn. Sau nhiều cố gắng, nếu bạn thành công thực hiện được những điều trên thì trẻ sẽ chấp nhận bạn không chỉ với tư cách là người làm bố mẹ, mà còn là người bạn đồng hành cùng các em trên chặng đường dài chúng đi. Sự kết nối giữa bạn và con sẽ gần gũi hơn bao giờ hết.

Thứ tư, thành công của thưởng phạt trong hành vi đạt được là khi có sự gắn kết chặt chẽ, đồng hành giữa người lớn và đứa trẻ.

Biểu hiện của bố mẹ, thầy cô giỏi không hẳn là luôn có những đứa trẻ ngoan, mà là biết cách xử lý hợp tình hợp lý khi đứa trẻ có cách ứng xử, hành vi chưa tốt.

Khi bạn trồng cây, nếu xét về chất lượng hạt giống, điều kiện tự nhiên (nước, ánh sáng, độ ẩm… ) vô cùng tốt, thế nhưng cây lại chậm lớn hoặc không phát triển. Bạn nghĩ thử xem, nguyên nhân lớn nhất là gì? Có phải do môi trường đầu tiên mà nó bắt đầu sự sống? - Đất. Bạn có nhận thấy sự tương đồng ở đây không? Hạt giống là thai nhi trong bụng mẹ, cây là đứa con đã ra đời. Đất ở đây là môi trường ngoài đầu tiên con được tiếp xúc, đó là bố mẹ, ông bà, gia đình. Điều quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây, sự phát triển của cây phụ thuộc rất lớn vào mảnh đất nuôi dưỡng nó.

Bởi vậy, khi cây có chiều hướng phát triển không tốt, việc cần làm là xem lại và cải tạo đất. Cũng tương tự như vậy, khi con có vấn đề hay khi bạn kỷ luật con về một hành vi nào đó, chính là lúc cần chất vấn lại bản thân, thành thực với chính mình để đặt câu hỏi rằng: “Vấn đề thực sự xuất phát từ con hay từ chính mình?”. Không như sự mặc định của nhiều người cho rằng nuôi dưỡng và giáo dục con là quá trình tương tác một chiều. Điều đó không đúng, ngộ nhận này sẽ làm bạn gặp nhiều khó khăn, bạn hãy tự vấn lại xem. Bạn đang có rắc rối gì với con mà chưa giải quyết được không? Thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, hay la mắng, trách phạt, nói con không nghe lời, hay dùng quyền lực ép con phải làm chuyện này chuyện kia. Bạn không biết xử lý các tình huống, hay làm giúp hoặc bỏ mặc con, bạn không tin tưởng, không thấu hiểu con, con không tâm sự với bạn… những biểu hiện đó cho thấy bạn đang bế tắc.

Quá trình nuôi dưỡng và giáo dục con là quá trình không ngừng đổi mới, học hỏi, hoàn thiện chính bản thân. Bạn muốn giáo dục con mà bản thân không thể tự giáo dục mình. Muốn thay đổi được con mà không thay đổi mình. Muốn rèn con mà không rèn mình. Đó là ngụy giáo dục, là thất bại với đặc ân mà Tạo hóa đã ban tặng cho bạn khi sinh ra một đứa trẻ. Muốn dạy con về điều gì, trước hết những giá trị đó cần thấm nhuần trong người bạn, muốn thay đổi con hãy tự thay đổi bản thân, muốn rèn luyện con hãy biết cách rèn luyện chính mình.

Giáo dục cần thay đổi. Giáo dục phải thay đổi. Nhưng đầu tiên phải đến từ bố mẹ, thầy cô,… một môi trường đất màu mỡ sợ gì cây không thể phát triển - cải tạo “đất” là cải tạo con. Chính những người đã thành tựu mới có thể đưa loài người lên trình độ văn minh cao hơn, đó là di sản cho muôn đời sau. “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, nếu chỉ hiểu được ý nhỏ trong câu nói này rằng: “Giáo dục một đứa trẻ thực chất là một quá trình xuất phát từ bên trong, trước hết đến từ việc tự giáo dục chính mình, đặt việc tu dưỡng bản thân lên hàng đầu. Ngược lại, tu thân chưa đủ và bản thân cũng chưa thực sáng suốt mà đã lo giúp người, giúp đời, lo nuôi dạy con, thì đó là hại mình hại người”, hiểu được như vậy cũng quý lắm rồi.

Nuôi dạy trẻ, là hành trình tự giáo dục lại bản thân mình.

III. ĐIỀU HẠNH PHÚC NHẤT TRÊN ĐỜI KHI ĐƯỢC LÀ CHÍNH MÌNH

Đừng nhìn nhận một đứa trẻ bằng mong cầu của bạn, hãy để trẻ sống với chính mình.

Wiliam James Sidis được biết đến như một trong những thần đồng cũng là thiên tài bậc nhất của thế kỷ XX, ấy vậy mà Wiliam có vẻ như chưa bao giờ cảm thấy thích thú và hạnh phúc với điều đó, cậu lại thích sống một cuộc đời bình thường, yên lặng. Trong khi đó người thật sự hạnh phúc và tâm đắc nhất chính bố mẹ cậu ta, người đã dày công đào tạo, mong muốn con trai mình phát triển đúng theo hoạch định mong đợi từ trước của họ, biến con trai mình thành một thiên tài nổi tiếng sớm. Nhưng khi con trai họ lớn lên, dần không đi theo đúng quỹ đạo được lập trình sẵn và kỳ vọng nữa. Họ thất vọng, tác động, rồi can thiệp một cách cực đoan lên con mình, điều này là nguyên nhân hủy hoại một thiên tài có thể đã trở nên vĩ đại nhất từ trước tới nay.

Miley Cyrus là nữ diễn viên và ca sĩ nổi tiếng người Hoa Kỳ, cô từng chia sẻ trên kênh truyền hình về sự nổi loạn của mình như sau. Trở thành thần tượng tuổi teen khi đảm nhiệm vai chính là Miley Stewart trong loạt phim truyền hình Hannah Montana vào năm 2006 không toàn màu hồng như người hâm mộ nghĩ. Cô trở nên khắt khe với bản thân vì muốn giữ hình tượng ca sĩ đồng quê tóc vàng, xinh đẹp. Cô bị ám ảnh bởi vì việc giữ hình tượng và bị stress khi ngày càng được nhiều người biết đến. Tôi đã đóng vai một cô gái hoàn hảo, xinh đẹp, hát hay, trở thành một người rõ ràng không phải tôi ngoài đời. “Tôi bị ám ảnh và căng thẳng để trở nên giống Hanna, khi series phim kết thúc tôi không biết mình sẽ là ai bây giờ, tôi đã là Hanna Montana quá lâu”, cô trả lời.

Hoàng Yến là cô gái chan chứa tình yêu thương, có kết nối tâm linh rất mạnh, một “nguồn sáng lớn”, một linh hồn đang trên đà tiến hóa lên Phật Mẫu, với sứ mệnh đưa mọi người lên một thế giới mới. Đây không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên, để Hoàng Yến nhận được một trọng trách lớn như vậy. Vốn dĩ mẹ cô ấy là người có tâm linh đặc biệt, với sự thánh thiện của mình, mẹ đã làm vô số việc giúp đời trong thầm lặng và không tính toán dù chỉ là một chút tư lợi cho bản thân. Vì thế Hoàng Yến cũng nhận được “phúc” lớn từ mẹ, hơn nữa từ nhỏ cô đã mang trong mình một trái tim rộng lớn, có tình thương với muôn người muôn vật. Nhưng cũng vì thế mà luôn bị một số người kỳ vọng và gán cho một cái đích rất rõ ràng, như một điều hiển nhiên Hoàng Yến sẽ trở thành Phật Mẫu. Cho đến một ngày không thể chịu được nữa, cô ấy tâm sự với tôi: “Yến cảm thấy ràng buộc, cảm giác như đang bị đeo một cái xích khổng lồ, thật mỏi mệt. Cuộc sống mà mình không được tự chủ, không được là chính mình, thì không cảm thấy cuộc đời còn có ý nghĩa gì nữa”. Sau khi lắng nghe để thấu hiểu mọi tâm tư, tình cảm, cảm xúc của cô ấy, tôi đã giúp Hoàng Yến gỡ bỏ hết mọi vướng mắc, ràng buộc trong tâm trí mà những người khác đã áp đặt, kỳ vọng như thể hiển nhiên cô ấy sẽ như vậy và sợi xích đó mang tên “sứ mệnh”. Giờ đây Hoàng Yến lại được là chính mình, vẫn cá tính ấy, vẫn mang một tâm hồn trẻ thơ, sáng tạo, hồn nhiên, tính cách vui vẻ, yêu đời, tinh nghịch. Trái tim tâm hồn của cô ấy cũng không ngừng lớn mạnh, dần dần phát triển trở nên vĩ đại hơn trong một thân xác nhỏ nhỏ, xinh xinh. Cô ấy hoàn toàn thoát khỏi mọi hình mẫu được định sẵn cho bản thân, cô ấy hạnh phúc và trọn vẹn trong mỗi phút giây.

Đây là một trong số những câu chuyện đậm chất cá nhân, điển hình về sự kỳ vọng và dán nhãn đối với một ai đó, nhưng nó phản ánh hiện thực chung cho tất cả. Nhiều người hẳn đã gồng mình suốt nhiều năm liền, để đóng vai một ai đó, một nhân vật nào đó hoặc không biết chính mình là ai. Họ lạc lối trong việc đi tìm bản thân của chính mình, mình là ai, mục đích sống của mình là gì? Nói cách khác, sự tác động, kỳ vọng của các yếu tố bên ngoài tạo ra sự thay đổi bên trong, nhiều người đã chọn sống giả dối với chính mình để đánh đổi lại thứ gì đó mà thậm chí họ cũng không thể cảm nhận được. Cuối cùng khi mọi thứ đi quá giới hạn chịu đựng, lúc này việc nổi loạn thay điều họ muốn nói về sự kìm kẹp, đấu tranh nội tâm bấy lâu.

Giáo dục là giúp con người chấp nhận chính mình, nếu không sẽ đặt bản thân mình trong ánh mắt người khác, người khác kỳ vọng ở mình, đánh giá đối xử với mình như thế nào. Khi đó, cuộc đời sẽ chỉ sống xoay quanh theo một tiêu chuẩn mẫu mực người khác vẽ ra cho mình, là sống không trung thực, là đóng vai diễn khác một cách vô thức của bản ngã mà khi đã bắt đầu thì quá trình đó rất khó để bị đảo ngược, dù đôi khi nó có thể bị làm chậm lại bởi sự chống đối từ bên trong. Lão Tử nói: “Chú tâm đến sự công nhận của người khác rồi người sẽ trở thành tù nhân của chính họ”. Sống mà không hòa hợp với hành động bên ngoài và mục đích bên trong, cho dù bạn có thành công với những thứ ở ngoài cũng sẽ nhanh chóng trở nên quá sức chịu đựng với bản thân. Nó cũng chẳng thể mang lại hạnh phúc, an vui thật sự trong nội tâm vì lúc này bạn đã đánh mất đi chính mình. Còn điều gì bất hạnh hơn là sống mà không được là chính mình chứ?

Điều đáng sợ nhất trên đời là đánh mất chính mình.

Ai ai cũng muốn được tự do trở thành chính mình. Được là chính mình là được sống đúng với độ tuổi qua các giai đoạn, đúng với sở thích, niềm mong muốn, thể hiện bản thân theo cách riêng của mình, làm những gì mình cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, sống đúng sự tài năng, tính cách và khát khao tìm tòi của chính mình mà không gây ảnh hưởng đến người khác là được. Còn nếu thích làm gì làm nấy, mà gây ảnh hưởng đến người khác đó chưa phải cân bằng.

Nhằm tránh những trường hợp này lại tái diễn, ngay từ nhỏ, hãy để cho đứa trẻ sống với con người thực của chính nó, với nguyện vọng của các em chứ không phải sống với nguyện vọng, ước mơ, một khuôn mẫu của một người nào đó mà bạn muốn đứa trẻ trở thành, hay so sánh và kỳ vọng trẻ với bất kỳ ai. Để các em sống đúng với độ tuổi của mình và tôn trọng các giai đoạn phát triển qua các thời kỳ, cẩn trọng trong việc tác động vào lý trí, trí não của trẻ quá sớm.

Quan trọng hơn hết, bạn cần tự tìm lại chính mình, hiểu về bản thân, trong xã hội này và trong việc thụ hưởng nền giáo dục đã qua. Hầu hết chúng ta đã đánh mất đi chính mình, không biết bản thân muốn gì, mình là ai và mục đích sống của mình là gì. Chúng ta bị tổn thương, đánh mất chính mình và vì thế chúng ta cũng không biết làm thế nào để giúp con mình được là chính nó. Thậm chí nhiều người sẽ gán ghép hình ảnh của bản thân, giấc mơ, lý tưởng của chính mình còn đang dang dở mà áp đặt vào con.

Chúng ta cần nhận diện và chữa lành cho chính mình trước thì mới không gieo rắc, áp đặt những tư tưởng, quan niệm, dục vọng của cá nhân mình lên đầu con trẻ nữa. Như vậy, bạn sẽ biết cách để đứa trẻ được sống với chính con người của nó. Khi đó, cuộc sống mới trở thành một dòng chảy của sự giáo dục không ngừng, biết cách buông tay con ra cũng là lúc bạn giúp bản thân thoát ra khỏi ràng buộc, trả lại tự do cho chính mình.

Tình yêu thực sự với một sự quan tâm đầy đủ và sáng suốt, khiến bạn không muốn cản trở sự phát triển của con, mà cũng không muốn dùng đứa trẻ vào mục tiêu nảy nở của mình. Bạn có thể mãn nguyện để con tự do trưởng thành theo phong cách riêng của nó.

Được là chính mình, nhưng cần cân bằng các mối quan hệ xung quanh.

IV. THẤU HIỂU ĐỂ TRỌN VẸN ĐI QUA CÁC GIAI ĐOẠN

“Bản chất mỗi giai đoạn không giống nhau, nếu đi qua mà chưa thỏa mãn không có nghĩa là bản chất đó đã mất đi, mà nó vẫn sẽ còn đó và quay lại tại một thời điểm khác. Giáo dục cần hiểu và tôn trọng bản chất có trong từng giai đoạn.”

Con người, qua các giai đoạn sẽ nhìn nhận thế giới bằng những lăng kính, tinh thần, nhận thức và cả trạng thái sinh lý cơ thể hoàn toàn khác. Trong các giai đoạn đó, trước tiên tôi muốn đề cập đến tuổi dậy thì. Tại khoảng thời gian này, trẻ sẽ tiếp xúc với thế giới nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn và cả những cảm giác mới lạ mà trước kia chưa nhận ra. Thật ra thế giới có thay đổi, thế nhưng chính những thay đổi trong tâm sinh lý trẻ mới làm chúng nhìn nhận cuộc sống bằng một lăng kính mới mẻ và khơi gợi nhiệt huyết khám phá. Từ đó các em có thể sẽ làm nhiều chuyện mà qua góc nhìn của chúng ta cho đó là không ổn, không tốt. Ta muốn con phải đi theo một hướng mà mình đã lập trình sẵn, tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra mặt trái của điều đó.

Chẳng hạn, như ta ngăn cấm đứa trẻ yêu người này, phản đối việc con chơi với người kia, đến chỗ này, ngăn cấm trẻ thể hiện bản thân theo cách mà ta cho là “nông nổi, hời hợt”, hạn chế việc các em vui chơi, tiếp xúc và trải nghiệm với thế giới bên ngoài. Rồi đưa con vào quỹ đạo mà ta mong muốn, bằng cách bắt chúng học tập quá nhiều, bắt con phải ngoan, hay gây áp lực khiến các em kìm nén những hành vi của mình. Có thể bằng quyền lực, hay sức ép tạm thời ta thành công trước mắt, nhưng khi đi qua độ tuổi này, những gì có trong bản chất mà chúng đã bỏ lỡ, sẽ không mất đi mà sẽ quay lại vào một lúc nào đó.

Thường những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh như vậy, vào độ tuổi trung niên từ khoảng 36 đến 45, lúc mọi thứ đã dần bắt đầu đi vào ổn định, khi đã có công việc, gia đình, con nhỏ, địa vị trong xã hội, chúng sẽ vô thức bắt đầu tiến trình dậy thì muộn của mình đã từng bỏ lỡ trở lại. Với tất cả những đặc điểm tâm sinh lý của một đứa trẻ 15 đến 21 tuổi muốn làm, chúng vô thức nổi loạn. Lúc này tâm hồn của một thanh, thiếu niên trong hình hài người lớn chỉ là muốn trải nghiệm lại những điều mà mình đã bỏ lỡ. Nhưng hầu hết chúng ta lại không biết chuyện gì thực sự đang xảy ra bên trong những con người đó, ta chỉ biết miệt thị, chê trách, ghét bỏ, khinh thường rồi lao vào phán xét, đánh giá, chỉ trích. Trong khi sự thật họ mới là người đáng thương, cần được quan tâm, cần thấu hiểu và được chữa lành vì thực ra bản thân họ mang trên mình rất nhiều tổn thương, nhưng lại không nhận thức rõ về điều đó.

Hay như bản chất của trẻ con hồn nhiên, vô tư, thích được tự do vui chơi, nghịch ngợm, khám phá thế giới, trải nghiệm những chuyện rất trẻ thơ. Lúc này trẻ cần được nuôi dưỡng trong tình yêu thương từ những người xung quanh, mà trước hết ở đây là bố mẹ các em. Nhưng vào giai đoạn này mà chúng lại bỏ lỡ hết thảy những điều đã kể trên, đứa trẻ trở thành ông cụ, bà cụ non quá sớm hay vì một lý do nào đó mà đánh mất tuổi thơ, không được đón nhận một tình yêu thương thực sự trọn vẹn. Qua giai đoạn đó chúng vẫn lớn lên, bước vào độ tuổi thanh niên, nhưng điều gì đã bị bỏ lỡ ở tuổi thơ sẽ có xu hướng được tái hiện lại trong giai đoạn này.

Những gì hợp lý đối với một đứa trẻ suốt ngày chỉ biết nghĩ đến vui chơi, nghịch ngợm, quậy phá, hái hoa, chạy đuổi bắt bướm, xây lâu đài cát, sẽ được tái hiện lại một cách vô thức theo một hình thức nào đó đối với một người thanh niên. Thực ra đó là sự mong muốn chính đáng của đứa trẻ bên trong hình hài một người thanh niên đã bị tổn thương, muốn đòi lại những gì chúng đã bị bỏ lỡ.

Ở độ tuổi này lẽ ra con tim của chúng đã tràn ngập yêu thương, sẵn sàng cho tiến trình ban tặng, con tim lại chưa trọn vẹn, còn nghèo nàn và đói khát như người đi xin. Vẫn chỉ mong muốn được đáp ứng từ người khác, điều này có vẻ không đúng và nguy hiểm. Bởi vì lúc nhỏ chúng là “người đi xin”, người được ban phát tình yêu thương để được nuôi dưỡng, để trưởng thành, nên điều đó hoàn toàn hợp tự nhiên. Nhưng lớn lên chúng cần trở nên giàu có, thành người đi ban tặng, chứ không còn là kẻ đi xin nữa.

Thực ra đây là những đứa trẻ bị tổn thương sâu sắc trong tuổi thơ và cũng như trong quá trình chúng lớn lên. Những thanh, thiếu niên hung hăng, ngang tàng, bạo lực, ích kỷ, càng có vẻ đáng ghét, đáng trách và bài xích thì hơn ai hết chúng là những đứa trẻ bị tổn thương nhiều nhất. Tổn thương vì thiếu tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc nhưng lại nhận lấy thừa thãi sự cay đắng, bất công, những trận đòn, lời chê bai, chỉ trích, bỏ rơi, miệt thị nên chúng mới trở nên như vậy.

Ai trong chúng ta nếu rơi vào hoàn cảnh như vậy, liệu rằng ta sẽ không trở thành như chúng. Lúc đó, sâu thẳm trong một trái tim bị tổn thương và đã bị đóng lại, chúng thực sự cần là gì? Phải chăng đó là sự thấu cảm và tình yêu thương. Cho nên xã hội thay vì miệt thị, gia đình thay vì chê trách, con người thay vì phán xét, ta nên có cái nhìn cởi mở hơn với những thanh, thiếu niên như vậy. Chúng ta cần thấu hiểu và đón nhận chúng bằng yêu thương. Vì chỉ có yêu thương mới không có phân biệt, chỉ có yêu thương mới đón nhận, xoa dịu và chữa lành cho những đứa trẻ đó và giúp chúng ý thức được vấn đề của bản thân để tìm cách chữa lành.

Giáo dục nên bắt đầu từ việc hiểu biết đặc tính phát triển khác nhau của các giai đoạn và tôn trọng bản chất của sinh mệnh. Vì vậy, khi các em bước vào tuổi dậy thì, bạn hãy chấp nhận nó như một thực tại của cuộc sống, hãy luôn lắng nghe, tâm sự cùng con mà không phán xét, đánh giá. Để hiểu hơn về nhu cầu của các em, mỗi người hãy tự nhìn lại bản thân, tự chất vấn chính mình xem liệu có bị “hư hại” hoặc đã bỏ lỡ điều gì hay không. Có như thế bạn sẽ hiểu và dễ cảm thông hơn, giúp các em đi qua các giai đoạn một cách bình an.

Giáo dục bằng tự chữa lành, đó là liều thuốc hòa bình cho thế giới.

Hoàng Yến

V. HÌNH ẢNH CỦA NGƯỜI LỚN TRONG THẾ GIỚI QUAN CỦA TRẺ TỪ 8 ĐẾN 14 TUỔI

Nếu trẻ từ 0 đến 7 tuổi học người lớn thông qua hình mẫu và bắt chước, đến giai đoạn từ 8 đến 14 hình ảnh cá nhân của người lớn thay đổi hoàn toàn trong mắt các em. Trong những năm của giai đoạn thứ hai này từ thần kỳ trong mối quan hệ giữa cha con, thầy trò đó là “uy tín” của người lớn đối với đứa trẻ, hay nói cách khác sự “thần tượng” của đứa trẻ đối với người lớn. Những gì đứa trẻ trực tiếp nhìn thấy nơi những người giáo dục mình, qua cảm nhận bên trong, sẽ trở thành sự tín nhiệm trong nó, đây không phải quyền uy bị ép buộc bằng vũ lực, mà là uy tín nó chấp nhận một cách tự nhiên không chất vấn.

Uy tín ở đây thể hiện từ cốt cách làm người của chúng ta, là đạo đức, niềm tin ở trẻ dành cho ta, là người mà trẻ có thể dựa vào hoặc nỗ lực để trở thành phiên bản của người đó, người thể hiện sự chính trực chứ không phải nói một đằng làm một nẻo hay dùng quyền lực để áp đặt. Trong suốt giai đoạn này, chúng ta hướng dẫn các em nên học thông qua uy tín của bản thân, chứ không làm gương nữa.

Chúng ta cần cho các em ở với những người mà chúng có thể dựa vào, có thể tin tưởng, những người có thể khơi gợi trong lòng đứa trẻ niềm tin vào uy tín vào họ. Thông qua sự tín nhiệm mà nó xây dựng nên lương tâm, những thói quen và khuynh hướng, nhờ đó mà hình thành nên trật tự hóa tính khí của mình. Các em sẽ nhìn mọi thứ trong thế giới qua lăng kính sự tín nhiệm đó, như một thi nhân đã nói: “Mỗi người đều phải chọn một thần tượng để theo dấu chân họ mà bước khi dò dẫm, vạch lối cho mình lên đỉnh Olympus”. Có ý nghĩa đặc biệt trong giai đoạn này. Lòng tôn kính và trân trọng là nguồn lực mà nhờ đó năng lượng sống phát triển đúng cách. Nếu trong những năm này đứa trẻ không thể hướng đến ai bằng niềm kính trọng vô hạn, sẽ phải gánh chịu hậu quả của sự mất mát ấy suốt quãng đời còn lại.

Nếu muốn mua sách giấy các bạn có thể đặt hàng tại đây:

https://tiki.vn/tinh-hoa-giao-duc-di-san-cho-muon-doi-sau-p116565377.html

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh