Tinh Hoa Các Đạo Giáo: Chương 5. Tinh Hoa Bà La Môn Giáo

TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO: CHƯƠNG 5. TINH HOA BÀ LA MÔN GIÁO

Veda là Upanishads chứa đựng tất cả những điều chúng ta cần biết về Thiên Đạo, về Đại Đạo. Cho nên nói về Tinh Hoa Bà La Môn giáo, túc là nói đến Tinh Hoa Veda và Upanishads, mà nói dến Tinh Hoa Veda và Upanishads là nó dến Tinh Hoa Thiên Đạo, Đại Đạo.

Bà La Môn giáo, về phương diện Đại Đạo, được xây dựng trên Nhất Thể Brahman, túc là trên thuyết:

Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể,

Nhất Thể Tán Vạn Thù; Vạn thù Qui Nhất Thể.

Linh Mục Hoàng Sĩ Quý, trong quyển Triết Sử Ấn Độ của Ông, đã nhận định: “ Có điều là, dù khác nhau đến đâu, thì các Upanishads cũng có chung một số điểm chính yếu. Đó là:

-Nhất Nguyên Thuyết.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

-Tên Nhất Nguyên: Brahman-Atman.

-Mục đích nhằm: Giải Thoát.

-Đường dẫn tới mục đích: Minh Minh Trí (Jnana) [1].

Tất cả các quan niệm chính yếu nói trên của Upanishads và Veda sau này đã được môn phái Triết Học Vedanta làm sống động lại. Và người đại diện lỗi lạc của môn phái là Samkara ( 778-820) đã toát lược bằng mấy chữ Nhất Nguyên Thuần Tuý (Absolute Monism).

Mua đá năng lượng:

Brahman, Nhất Nguyên Thuần Tuý, Căn Nguyên Vũ Trụ là Thực Thể Duy Nhất, Bất Khả Phân, tràn ngập vũ trụ.

Vũ trụ hữu hình này, chẳng qua là do Brahman, tán phân, phóng phát ra, theo trình tự từ Vô Tướng, đến Hữu Tướng; từ Khinh thanh, đến trọng trọc; từ Vi Tế đến Thô Thiển, Hiển Lộ.[2]

Nếu dùng lời lẽ Huyền Thoại, thì ta sẽ kể vũ trụ này là do thượng thần Purusa phân thân mình ra để mà tạo dựng nên. [3]

Nếu dùng cung cách ví von, so sánh, thì Veda và Upanishads cho rằng vũ trụ này đã từ lòng Brahman sinh ra, phóng phát ra, chẳng khác nào:

-Tơ nhện từ lòng nhện sinh ra,

-Cây cối từ lòng đất sinh ra,

-Lông tóc từ thân thể sinh ra,

-Tàn lửa từ lửa sinh ra. [4]

Nhưng sự tạo dựng không phải lập tức đã Tinh Toàn, Hoàn Thiện, vì Phóng Phát, Tán Phân sẽ đưa tới Thác Loạn, Tử Vong cho nên Thượng Đế (Prajapati), theo sách Brahmanas, đã dựng nên Lễ Nghi để củng cố lại vũ trụ, và mang lại trật tự, chính danh, định phận lại muôn vật.[5]

Như vậy, con người có bổn phận lật ngược lại thế cờ, hoặc là để tìm lại cái gì đã mất mát, tản lạc đi, theo Brahmanas, hoặc là phải siêu lên trên Hình, Thức, Sắc Tướng để trở về với Atman căn nguyên của mình, theo môn phái Vedanta.[6]

Nói cách khác, nếu Brahman đã dùng phương thức Phóng Phát, Tán Phân, để tạo thành vũ trụ hình, danh, sắc, tướng bên ngoài, và tâm tình, trí lự, tứ chi, bá hài, nơi con người, thì muốn tìm lại được Brahman, phải biết siêu việt lên trên, hay phá tan những lớp vỏ, áo, hình, danh, sắc, tướng, vỏ, áo hiện tượng bên ngoài, vỏ, áo xác thân, tâm tình, trí lự bên ngoài, thì mới trở về được với Brahman, Căn Nguyên vụ trụ.

-Phóng Phát, Tán Phân để tạo thành vũ trụ đó là Nhất Thể Tán Vạn Thù.

-Tập trung thần trí, để băng qua các lớp lang hiện tượng, cả nội giới lẫn ngoại giới, để trở về Nguyên Thể Brahman. Đó là Vạn Thù Qui Nhất Thể.[7]

Có lấy học thuyết Nhất Bản Tán Vạn Thù, Vạn Thù Qui Nhất Bản làm cơ sở suy luận, ta mới tìm ra được các định luật vĩnh cửu chi phối mọi cuộc biến thiên trong hoàn võ, nhân quần. Những Định Luật Vĩnh Cửu ấy Ấn Giáo gọi là Rita hay Dharma. Xin đan cử ít nhiều định luật:

-Định luật Tụ tán, Vãng lai, Phản phục, Xuất (Evolution), Nhập (Involution).

-Định luật Loạn động sinh Hôn Trầm.

-Định luật Định Tĩnh sinh Tuệ Giác v.v...

Yoga đã áp dụng những định luật ấy vào công cuộc tu trì, giải thoát. Đối với Ấn Giáo, Hướng Ngoại, Xuất Cơ (Evolution) là ra đi đến tản mạn, thác loạn, tử vong. Hướng nội, Nhập cơ (Involution) mới là chiều hướng Giải thoát. [8]

Về phương diện con người, Ấn Độ Giáo đã cố gắng hết sức để tìm hiểu và chủ trương đại khái rằng: Con người có nhiều lớp áo vỏ (Poka, Upadhi), nhưng căn cốt bên trong vẫn là Atman, là Brahman duy nhất, bất khả phân.

Con người tuy sống trên nhiều bình diện khác nhau, trong nhiều trạng huống khác nhau, nhưng căn cơ, thực chất vẫn là Atman, là Brahman tuyệt đối.

Nếu ta vẽ một hình tròn để tượng trưng con người, thì:

  1. Tâm Điểm sẽ là Atman, là Chân Tâm, hằng cửu bất biến.

Còn các tầng lớp bên ngoài như:

  1. Giác, Đại (Buddhi) sẽ là Nguyên Thân (Causal Body).
  2. Ngã mạn, Ý căn (manas), thập căn (Ngũ tri căn + Ngũ tác căn) là Tế Thân (Subtil Body, psychical Body) (gồm: Vỏ Trí, Tâm, Khí) . Đó là Phàm Tâm (Vọng Ngã, Tiểu Ngã)
  3. D.Xác thân Thô Thân, Nhục Thể) (Gồm Ngũ Duy, Ngũ Đại).

Khi chết, xác thân sẽ tan rã, Tế Thân, Nguyên Thân sẽ tuỳ nghiệp luân hồi.

Con người có thoát Phàm Tâm, mới mong giải thoát.

Cho nên, Buddhi, nếu theo chiều hướng ngoại, bị Raja (động), Tama (Hôn) khiên dẫn, sẽ bị Mê. Còn khi biết tập trung, biết hướng nội, mà rũ bỏ được các trạng thái hôn trầm, thác loạn, sẽ trở thành Giác. Lúc ấy, Buddhi sẽ là con thuyền Bát Nhã (nói theo tiếng Nhà Phật sau này), giúp ta sang bờ bên kia, sang bến bờ Giải Thoát.

Xác thân chúng ta với ngũ quan, tiếp xúc với Ngũ Đại (Không, Thuỷ, Hoả, Phong, Địa) sẽ làm cho chúng ta bị ngoại cảnh phiền trược.[9]

Các tầng lớp bên ngoài từ Buddhi (Nguyên Thân) trở ra cho đến Nhục Thể, cho đến Ngũ Duy, Ngũ Đại, tức là các Hiện Tượng ngoại giới, đều ở trong vòng:

Hình danh, sắc tướng (Nama-rupa)

Luân hồi (Samsara)

Vòng phiền trược của Tam Tài ( 3 gunas: Sattva, Raja, Tama)

Mê (Avidya, Maya).

Hí trường (Lila) của Tạo Hoá.

Và đó chính là vòng Biến Thiên, Sinh Tử.

Sau đây là ít nhiều quan niệm then chốt giúp ta trong công trình: Tầm đạo, Tu Đạo, Đạt Đạo.

1. Công thức:

Brahman = Atman.

Phạm Thiên = Tự Ngã.

Brahman.

Chúng ta bàn về Brahman trước, và Atman sau:

Brahman là Tuyệt Đối Thể, là Căn Nguyên sinh Thần, Thánh, Vạn Vật. [10]

Brahman duy nhất nhưng có nhiều danh hiệu:

Ngài là:

- Đấng Bất Tử (The Imperishable). (Brihah. Up. 8. 8. 3. 9) Brahmanasti (RV 10. 2. 2)

- Visvakarman (Tạo hoá; The All maker) (RV 10. 61)

- Purusha ( Chân Nhân) (RV 10.90)

- Prajapati (Chúa Tể Càn Khôn; Lord of Creatures)

- Hiranyagarbha (Kim đơn; Kim Nhân = Golden Germ) (RV 10. 121. 1)

Brahman là đấng bất khả tư nghị, [11] nhưng các Upanishads vẫn cố hình dung, mô tả Ngài. [12]

Ngài quán thâu cả hai bề động, tĩnh của hoàn võ, quán thâu cả 2 phương diện hằng cửu và thời gian, [13] cả 2 phần Thể Dụng của Vũ Trụ. [14]

Ngài là căn nguyên duy nhất của muôn loài.

Cho nên mô tả Ngài, Áo Nghĩa Thư cùng toàn những từ ngữ tương phản.

Isa Up. viết:

“Duy Nhất đứng, vẫn nhanh hơn thần trí,

Vẫn vượt xa, lướt trước các quan năng.

Dẫu muôn loài dong duổi, cũng chẳng bằng,

Tuy là đứng, mà vẫn đi, đi rất lẹ”. [15]

Isa viết tiếp:

Chuyển vần, mà chẳng chuyển vần,

Tuy xa mà vẫn kề gần lạ sao,

Trong lòng muôn vật ẩn sâu,

Mà ngoài muôn vật, vẫn bao, vẫn trùm. [16]

Ngài ở khắp nơi nhưng không tìm đâu ra dáng dấp:

“Làm sao mà gặp được Ngài,

Trên cao, dưới thấp, trong ngoài, tìm đâu?

Dung quang, dáng dấp ngài sao?

Chỉ hay vinh hiển tối cao, tên Ngài.” [17].

“ ...Dung quang Ngài khó mà cầu,

Mắt trần sau trước thấy sao được Ngài.

Biết Ngài trong dạ mấy ai?

Tâm thần biết thế, muôn đời trường sinh.” [18]

Trần gian tưởng hay biết Ngài mà thực ra đâu có biết, còn những người được diễm phúc biết Ngài, lại cảm tưởng mình chẳng biết, chẳng biết, chẳng hay.

Tưởng biết Ngài, mà đâu có biết,

Ngỡ không hay, mà thiệt đã hay.

Cố suy, mờ mịt Đông Tây,

Ngỡ rằng chẳng hiểu, hiểu ngay được Ngài. [19]

Không có chi vĩ đại như Ngài, và Người nào hiểu thế sẽ thành người Hiền và đáng trọng nhất trong loài người. [20]

Brahman dựng nên muôn vật mà vẫn lồng trong muôn vật. [21]

Atman.

Brahman không những bao trùm vũ trụ, mà còn ngự trị ẩn áo, huyền vi trong tâm khảm con người. Tuyệt đối Thể ở ngoài vũ trụ là Brahman, Tuyệt Đối Thể trong tâm khảm con người là Atman, là Đại Ngã.

“...Ngã, Atman ở trong tim tôi nhỏ hơn hạt thóc, nhỏ hơn hạt mì, nhỏ hơn hạt cải, nhỏ hơn hạt kê, nhỏ hơn nhân hạt kê. Cũng Atman ở trong tim tôi, lại lớn hơn trái đất, hơn không gian, hơn trời, hơn muôn ngàn vũ trụ. [22]

Đó là Chân Tâm trong lòng tôi. Đó chính là Brahman. [23]

Atman như vậy cũng vô lượng như Tuyệt Đối Thể.

Atman = Brahman. [24]

2. Công thức:

So’Ham = Tôi là cái đó.

Tat tvam Asi तत् त्वं असि = Cái đó chính là Con.

Một quan niệm then chốt của Áo Nghĩa Thư là: Trong lòng con người, có đấng Vô Cùng. Con người không phải cô đơn, khổ ải, lao lung một mình trên bước đường đời, mà trái lại, lúc nào cũng có người bạn muôn trùng sang cả ám trợ bên trong. Cho nên, nếu con người giác ngộ, nhận ra được Đấng Muôn Trùng trong lòng mình, cố gắng tu luyện, sẽ trở thành Atman.

Hai chim cùng đậu cây Thân,

Keo sơn kết ngãi, chẳng phân, chẳng lìa.

Một chim ăn quả thoả thuê,

Một chim lặng ngắm chẳng hề uống ăn.

Một người sống ở cây Thân,

Suy vi, não nuột, âm thầm oán than,

Ngẩng lên, thấy đấng Thanh Nhàn,

Vinh quang, sang cả, liền tan tần phiền.

Hoá Công mà thấy nhãn tiền,

Nhãn tiền mà thấy căn nguyên trần hoàn.

Dữ lành, dũ sạch tinh toàn,

Rồi ra trong trắng, cao sang in Trời. [25]

Áo Nghĩa Thư đưa ra đại công thức Tat Tvam Asi = Cái đó, chính là Con.

Sự thật, con ơi, cái thực thể tế vi mà con người tự giác được, chính là cái thực thể tế vi mà cây vả này đã mọc lên. Con ơi, con hãy tin rằng: cái thực thể tế vi ấy đã tạo thành cả thế giới, toàn thể vũ trụ. Đấy là thực tại. Đấy là Atman. Con chính là cái ấy. Tat tvam Asi. [26]

3. Cho nên, mục đích đời người là cốt bắn vào trúng hồng tâm ấy, cốt là chinh phục đấng vô cùng.

Hỡi thanh niên ưu tú, hãy khôn ngoan, dùng cung thần, lắp tên bản ngã đã được mài nhọn bằng lòng sốt mến, kính thờ, hãy bắn đi với tất cả tâm trí, miệt mài, chăm ngắm vào Ngài, hãy bắn trúng đích, hãy bắn vào Đấng Vô Cùng.” [27]

Chuyển thơ:

Ngài là đích điểm phải coi,

Phải nhìn, phải ngắm, chớ lơi lòng vàng.

Thánh Thư là cánh cung dương,

Mũi tên Thần Trí ta mang lắp vào.

Bạn ơi ngắm đích đi nào,

Dương cung hãy ngắm trúng vào Thiên Tâm,

Oum là chính chiếc cung thần,

Mũi tên là Bạn, hồng tâm là Trời,

Hãy nhìn ngắm đích chớ lơi,

Như tên, bạn phóng vào Trời cho sâu.

Đấng làm trục cốt hoàn cầu,

Khí, Thần, trời đất trước sau nương nhờ.

Bạn ơi, đừng có nghi ngờ,

Đó là Chân Ngã, đó là chính anh.

Nhịp cầu bắc tới trường sinh,

Những lời vừa nói, bắc thành chẳng sai.

Quên đi tạp thuyết trên đời,

Chào mừng bạn đã là người quá giang.

Từ nay bến giác đã sang,

Bờ mê, nhìn lại mơ màng, âm u. [28]

4. Cho nên học vấn cao siêu nhất là học vấn để tìm ra đấng Vô Cùng:

Biết rằng trong dạ có Trời,

Rối ren, ngu muội tức thời tiêu tan... [29]

5. Công phu tu luyện siêu việt nhất là kết hiệp được với Atman, với Trời:

Từ nay âu đã thành Thần,

Từ nay mơ ước hồng trần tiêu tan.

Người phàm nay đã siêu phàm,

Lòng trần nay đã biến sang lòng Trời. [30]

6. Nhưng con đường tu luyện chẳng có dễ dàng:

Con đường tu luyện khó sao,

Như lưỡi dao bén nhẽ nào vượt qua. [31]

7. Vả lại, tìm ra được Atman, được Tuyệt đối Thể đâu phải chuyện dễ:

Chân Tâm học chẳng tìm ra,

Thông minh, uyên bác cũng là công toi,

Biết Trời, âu cũng duyên Trời,

Trời kia chỉ hiển cùng người hữu duyên.[32]

8. Tìm Tuyệt Đối Thể không phải là lìa đời, không phải vào thâm sơn cùng cốc, vì Tuyệt đối Thể ở ngay trong lòng con người, ngay trong tâm khảm con người:

Chân Nhân nhỏ tựa ngón tay,

Nằm trong tâm khảm muôn loài thụ sinh,

Tâm thần, trí lự bao quanh,

Ai mà biết được trở thành Thần Tiên. [33]

9. Nhưng đâu là Tâm con người? Upanishad chỉ đường về Tâm như sau:

Tâm người trăm linh mốt kinh,

Mà duy có một, Thượng Đình đi lên.

Cứ theo đường ấy mà men,

Rồi ra ắt được tới miền trường sinh. [34]

Như vậy, thì Tâm ấy ở trong đầu con người, nơi các giây thần kinh giao hội, hội tụ về:

Nơi nào mà mọi thần kinh,

Như đũa gặp trục trong vành bánh xe.

Nơi thần kinh hội tụ về,

Là nơi Tuyệt Đối chưa hề hoá Thân.

Cố tìm Tuyệt Đối, Chân Tâm,

Rồi ra sẽ thoát biển trần hôn mê.

Ngài là toàn giác, toàn tri,

Trần hoàn vinh hiển, ai bì, ai đương,

Ngài đương ngự giữa Thiên Đường [35]

Trời cao là chính Đế Hương của Ngài.

Chỉ huy thần trí trong ngoài,

Chính Ngài chi phối lòng người thường xuyên.

Biết Ngài những bậc Thánh Hiền,

Biết Ngài nhờ ánh tâm huyền phát huy. [36]

Tâm khảm ấy chính là Nê Hoàn Cung, là Não Thất Ba theo khoa học hiện đại. [37]. Upanishad còn viết:

Kìa xem trong chốn Thiên Đường,

Có cung nho nhỏ, nhỏ dường Liên Hoa,

Bên trong là một tiểu toà,

Trong toà ai đó tìm ra mới tình...

Tuy là một khoảng tâm linh,

Nhưng mà Trời Đất trong mình gồm thâu.

Gồm thâu gió lửa, tinh cầu,

Hai vầng nhật nguyệt cũng đâu có ngoài.

Gồm thâu muôn sự trên đời,

Gồm thâu ngàn vạn khúc nhôi sự tình...[38]

10. Đạt đạo sẽ là đạt tới Viên Mãn, không còn phải ước mơ, tìm hiểu chi nữa, vì viên mãn là lạc thú, viên mãn là trường sinh, viên mãn là bao quát vũ trụ. [39]

Đạt đạo sẽ được hạnh phúc vô biên.

Chân tâm chủ tể muôn loài,

Thể thời duy nhất, hình thời ngàn muôn.

Biết Ngài ngự giữa tâm hồn,

Mới mong hạnh phúc trường tồn vô chung.

Biết Ngài bất biến, thung dung,

Lồng trong trời đất, lao lung chuyển vần.

Biết Ngài Thần giữa chúng thần,

Biết Ngài duy nhất, giữa quần sinh ban.

Bao niềm mơ ước chứa chan,

Biết Ngài phân phát cho toàn sinh linh.

Biết Ngài ngự giữa lòng mình,

Mới mong hạnh phúc, siêu sinh trường tồn. [40]

Lòng không vướng mắc tơ hào,

11. Đạt đạo sẽ tiến tới vô ngã, đại đồng.

Kìa sông tới biển thời tiêu,

Hết danh, hết sắc, hết điều riêng tây.

Trở thành biển cả từ nay,

Gọi là biển cả mảy may, khác gì.

Con người, nhìn lại cũng y,

Khi “mười sáu bộ” đã qui về Ngài.

Còn đâu danh tướng lôi thôi,

Rồi ra cũng chỉ là ngôi Chân Thần.

Thế là vĩnh cửu bất phân,

Chẳng còn bộ phận, còn thuần tinh hoa.

Đã điều qui tụ, hiệp hoà,

Như đũa liền trục, ắt là Chân Nhân.

Chân Nhân là chính Chân Thần,

Tử sinh thôi hết bận tâm lo lường.[41]

12. Đạt đạo sẽ thành Brahma Thượng Đế. [42]

Ai mà biết được Trời cao,

Rồi ra nên giống Trời nào, khác chi.

Gia đình không kẻ u mê,

Cháu con đều biết hướng về Brahma.

Sầu tình khinh khoát băng qua,

Băng qua tội lệ, khéo là làm sao.

Con người thể ấy ắt vào trường sinh.[43]

13. Vòng Luân Hồi trong Áo Nghĩa Thư chẳng qua là thế giới vạn hữu, thế giới hiện tượng, trong đó con người như một lữ khách ruổi rong; gần mục đích mà vẫn tưởng xa muôn vạn dặm; cùng dòng dõi với Hoá Công, mà vẫn ngỡ mình kém hèn, sa đoạ. Bước trên những hiện tượng ảo hoá, biến thiên ấy, con người sẽ tiến dần về Bản Thể, về Đại Đồng, và khi nhận được Hoá Công là chính Bản Thể mình, sẽ trở nên bất tử. [44]

14. Ngoài ra Upanishads còn đưa ra một phương pháp diệt trừ Luân Hồi, Nghiệp Chướng rất giản dị. Theo Áo Nghĩa Thư, nếu Luân Hồi, Nghiệp Chướng phát sinh do tâm tưởng con người, do sự dính bén trần ai, tục luỵ, thì diệt trừ mọi tâm tư, rũ bỏ mọi luyến ái, dục tình, sẽ được giải thoát.

Như lửa cháy, hết dầu sẽ tắt,

Tâm tưởng ta, lìa vật sẽ ngưng.

Tâm thần vắng lặng, không không,

Là vì đa õbiết gia công tìm Trời.

Để ngũ tặc [45], tơi bời đưa đẩy,

Thời trần ai, xa xảy, lầm than,

Luân Hồi, Nghiệp Chướng đa đoan,

Tâm tư ta tạo, tâm can ta bày.

Hãy cố gắng mà thay, mà đổi,

Kiếp Luân Hồi thoát khỏi, mới hay.

Cơ Trời ẩn áo khó bày,

Tưởng sao, thành vậy, xưa nay lẽ thường.

Giữ tâm khảm đừng vương tư tưởng,

Thời trần ai, nghiệp chướng sẽ tan. [46]

Lâng lâng vẹn sạch, tinh toàn,

Lòng trời vui hưởng muôn ngàn thảnh thơi,

Để thanh sắc cuốn lôi, giăng mắc,

Thời tâm Thần dính chặt trần ai,

Một niềm gắn bó với Trời,

Dây oan dù mấy, thôi thời cũng tiêu.

Tâm thường có 2 chiều, 2 vẻ,

Vẻ phàm phu, và vẻ thanh cao.

Phàm phu, dục vọng dạt dào,

Thanh cao, thì chẳng xuyến xao tâm Thần.

Lòng cố giữ thập phần tĩnh lãng,

Đừng ù lì phá tán lòng ai.

Hoà đồng hiệp nhất với Trời,

Ấy là Tuyệt Đối trên đời mấy ai.

Lòng chớ để pha phôi lạc lõng,

Tội tình chi lóng ngóng đông tây,

Đáy lòng giải thoát là đây,

Giác minh vô tận ở ngay đáy lòng.

Hãy cố gắng tập trung thần trí,

Thời oan khiên, phiền luỵ, tiêu tan.

Hoà đồng, phối hiệp Atman,

Ấy là hạnh phúc muôn ngàn tả sao.

Diễm tuyệt ấy lời nào tả xiết,

Chỉ tâm thần, mới biết, mới hay,

Nước kia, nước nọ hoà hài,

Lửa phừng trong lửa ai người biện phân...

Khí pha khí, ai lần manh mối,

Đã hiệp hoà khó nỗi chia ly.

Tâm Thần mà nhập huyền vi,

Thời thôi trần cấu còn chi bận lòng.

Lẽ giải kết ở trong hoàn võ,

Đều do Tâm, dây rợ mối manh.

Luỵ là: Bám vứu sự tình,

Tâm không luỵ vật: đã đành thần tiên.[47]

Tóm lại, tinh hoa Đạo học và Triết học Bà La Môn có thể toát lược như sau:

“...Áo Nghĩa Thư chủ trương mỗi cá nhân đều thông phần bản thể của Thượng Đế, nên có Tuyệt Đối Thể trong đáy lòng. Nó mạc khải cho mỗi tâm hồn biết: Chúa Tể trời đất, vũ trụ, đấng được đề cập tới trong kinh Veda, đấng ấy lại chính đồng bản thể và y thức như con người. Tat Tvam Asi, Đấng tối cao ấy, con chính là đấng tối cao ấy”. [48]

Áo Nghĩa Thư bao hàm tất cả những sự suy nghiệm về Atman, về Chân Ngã, hay về Thực Tại, Thực Tướng, về “Chân chi Chân” theo định nghĩa của Atharva Veda.

Nói rõ hơn, Atman chính là cùng đích của một nền siêu hình học đi tìm Thượng Đế trong con người, và cuối cùng là tìm ra được Thượng đế, phối hợp, hoà đồng được với Thượng Đế. [49]

PHỤ LỤC CHÍ TÔN CA TRÍCH DIỄM.

(EXCERPTS FROM THE BHAGAVAD GITA).

A. CHÂN TÂM (THE SELF).

  1. Chân tâm thời hằng cửu, bất hoại và vô lượng. Các hình hài của chân thể thời hữu hạn.[50]
  2. Ngài vô thuỷ, vô chung, vô vãng, vô lai, tự hữu, trường sinh, vĩnh cửu, cổ sơ. Ngài chẳng bị giết, khi xác thân bị giết.[51]

3 Ngài được gọi là vô hình tích, bất khả tư nghị, bất khả biến dịch, cho nên biết Ngài là thế, bạn đừng còn lo buồn. [52]

B. ĐỜI ĐẠO HẠNH.

  1. Hỡi Dhananjaya, hãy hoạt động, nhưng vẫn sống trong sự phối hợp với Thiên Chân, đừng còn tơ vương, dính bén, hãy bình thản, luôn trong thành công, cũng như trong thất bại. Thung dung, bình thản ấy là Đạt Đạo.[53]
  2. Các thánh hiền, sống phối hợp với Chân Lý, nên hoạt động không cầu mong lợi lộc, kết quả; và thoát ly khỏi vòng sinh tử, các Ngài sẽ lên toà Hạnh Phúc.[54]
  3. Khi thần trí con người hết bị lạc lõng vì kinh kệ, khi thần trí con định được vào sự chiêm ngưỡng [Atman], lúc ấy con sẽ Đắc Đạo, phối Thiên.[55]
  4. Hỡi Partha, khi một người rũ bỏ mọi dục vọng của tâm hồn và chỉ thoả mãn trong Chân Ngã bởi Chân Ngã, người ấy là người đã được định trí.

...Người mà tâm trí được thảnh thơi không lo sợ trong đau khổ; thanh thản, không bị lôi cuốn giữa các lạc thú; thoát vòng phiền trược của dục tình, của sợ hãi, của giận dữ, người ấy, được gọi là Thánh Hiền có định trí. [56]

  1. Kẻ rũ bỏ được mọi ước mơ, và tiến bước ung dung, không bị dục vọng chi phối, vô tư, vô ngã, kẻ ấy đi vào an lạc.

Hỡi con của Pritha, đó là một trạng thái hằng cửu. Đạt tới đó, không còn bị huyễn hoặc nữa.

Ai mà ngay lúc chết vẫn còn ở trong trạng thái đó, sẽ vào Niết Bàn của Hằng Cửu. [57]

  1. Người đạt Đạo, luôn luôn kết hợp với Chân Ngã, lòng trí hết lao lung, người đạt Đạo sẽ đạt tới An Lạc vô biên. Hạnh phúc ấy ở trong Ta (Thượng đế).[58]
  2. Hỡi Krishna, tôi đã coi Ngài như Bạn,

Đã coi Ngài như Bạn hay rắc rối, tơ vương,

Ngài oai nghi, mà tôi cứ ngỡ tầm thường

Tôi sơ xuất, vì tôi đã yêu Ngài nhiều quá.

Tôi đùa cợt và đã tỏ ra sàm sỡ,

Khi chơi đùa, khi ăn uống, hoặc nghỉ ngơi.

Hoặc một mình, hoặc trước mặt bạn tôi.

Xin Duy Nhất thứ tha cho vì lầm lỡ.

Ngài là Cha sinh vũ trụ, sinh biến hằng vạn thủa,

Oai nghi Ngài, thiên hạ hỏi ai đương?

Quyền phép Ngài chấn động khắp muôn phương,

Trước mặt Ngài, bằng thể xác tôi, tôi cúi lạy.

Xin Ngài thương giáng phúc cho tràn lan, đầy rẫy,

Như Cha, Con, xin Ngài đối với tôi,

Như bằng hữu, như những kẻ yêu nhau ở trên đời,

Van xin Ngài, hãy đối với tôi như thế...[59]

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh