Khổng Giáo Vô Thần Hay Hữu Thần

KHỔNG GIÁO VÔ THẦN HAY HỮU THẦN

«Khổng giáo vô thần hay hữu thần» đó là một đề tài đã gây sóng gió hơn một trăm năm tại Trung Hoa và Âu Châu.

Cho nên khảo về vấn đề này và đặt lại nó vào hoàn cảnh lịch sử của nó, ta sẽ hiểu rõ tại sao xưa, người ta lại có những quan niệm tương phản nhau, và nhân đó cũng sẽ giúp cho chúng ta có một ý niệm chính xách hơn về vấn đề.

Trong bài này tôi sẽ trình bày vấn đề một cách khách quan và sẽ lần lượt bàn về:

1) Thái độ của các vị giáo sĩ khi sang giảng đạo bên Trung Hoa.

2) Quan niệm của ít nhiều giáo sĩ dòng Tên về Khổng giáo và phương pháp giảng giáo của các Ngài.

3) Quan niệm của đa số các giáo sĩ khác về Khổng giáo và phương pháp giảng giáo của các ngài. Thái độ của các Giáo hoàng.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

4) Quan điểm của vua Khang Hi.

5) Quan niệm về Thượng đế qua Tứ Thư Ngũ Kinh.

6) Quan niệm về Thái Cực của Tống Nho.

7) Tổng luận.

Muốn bàn về vấn đề này chúng ta hãy cùng nhau trở về dĩ vãng, sống lại khoảng đầu thế kỷ XVII, khi mà các giáo sĩ Âu Châu bắt đầu sang truyền giáo tại Trung Hoa một cách qui mô và liên tục.

Nói thế có nghĩa là trước thế kỷ XVII, các giáo hoàng và vua chúa Âu Châu cũng đã từng có những liên lạc ngoại giao với Trung Quốc.

Giáo hoàng Innocent IV (1241-1254) đã gửi một sứ thần tên là Jean de Plan sang vua Thái Tổ (Gengis Khan) nhà Nguyên ở Karakourum.[2]

Vua Louis IX (1214-1270) nước Pháp đã tìm cách ngoại giao với vua chúa Trung Hoa qua trung gian Guillaume Ruysbroeck.[3]

Giáo hoàng Clément IV (1265-1268) cũng đã có liên lạc ngoại giao với vua Thế Tổ nhà Nguyên (Koubilai Khan) ở Bắc Kinh.[4]

Những liên lạc ngoại giao ấy nhằm vào hai mục đích: giảng giáo và tìm một liên minh mạnh mẽ có thể uy hiếp Hồi giáo ở phía sau lưng.[5]

Năm 1269, Nguyên Thế Tổ cũng đã gửi sứ thần sang Tòa Thánh xin Giáo hoàng gửi cho 100 đại biểu đến họp đại hội các tôn giáo ở Bắc Kinh.

Nhưng mãi đến đầu thế kỷ XVII, các giáo sĩ Âu Châu mới sang Trung Hoa đông đảo. Chúng ta ghi nhận: Linh mục Matteo Ricci, dòng Tên, đã tới Bắc Kinh năm 1598, và đã xin vào bệ kiến vua Khang Hi ngày 4-4-1601, với tư cách một nhà bác học thông thiên văn, địa lý, toán học, sẵn sàng phục vụ nhà vua…[6]

  1. THÁI ĐỘ CHUNG CỦA CÁC GIÁO SĨ ÂU CHÂU KHI SANG GIẢNG GIÁO BÊN TRUNG HOA.

Các giáo sĩ sang giảng giáo ở Trung Hoa dĩ nhiên là những người can trường, coi thường sinh mệnh; lắm người lại rất có học thức.

Nhất là các linh mục dòng Tên: Ngoài khả năng đạo giáo, họ còn có nhiều tài ngoại như am tường thiên văn, lịch số, âm nhạc, kỹ thuật. Linh mục Shall còn đúc cả súng giúp vua nhà Minh.[7]

Các linh mục dòng Tên thường có một thái độ uyển chuyển hơn, chủ trương chinh phục Khang Hi và triều đình trước đã, rồi ra sẽ chinh phục được dân chúng một cách dễ dàng.

Họ muốn dùng đạo Khổng làm bàn đạp để giảng đạo Công giáo, nên chủ trương phải khen đạo Khổng, nhưng khen một cách vừa phải; còn nếu cần chê, thì chê nhẹ nhàng. Trái lại cần phải đả kích Phật, Lão nặng nề.[8]

Các giáo sĩ các dòng khác thường có thái độ cố chấp, cho rằng ngoài dân Do Thái ra không thể nào có dân nào khác được mặc khải về Thiên Chúa.[9]

Họ coi các dân tộc Á Đông như là những dân tộc man di, mọi rợ; giống «khỉ», nhiều hơn là giống «người»,[10] có thành Công giáo thì cũng chỉ thành được những thứ công giáo thấp kém,[11] không thể nào coi ngang hàng với người Âu Châu được.[12]

Các giáo sĩ Âu Châu hồi ấy lại còn bị ảnh hưởng nặng nề của giáo phái Jansénisme, nên đã cho rằng:

«Những dân tộc sống ngoài đạo công giáo đều sa địa ngục hết.[13]

«Vua chúa Trung Hoa đều sa địa ngục hết.» [14]

«Khổng Tử cũng sa hỏa ngục đời đời như các đại triết gia Hi-Lạp: Platon, Socrate, Pline, Aristote Sénèque…» [15]

Giám mục Maigrot, sứ thần tòa thánh (1652-1730) đã dám nói thẳng vào mặt vua Khang Hi rằng nhà vua là một kẻ theo tà đạo.[16]

Giám mục Tournon, vị sứ thần tòa thánh đại diện Giáo Hoàng Innocent X, đến Bắc Kinh vào tháng 12 năm 1705 cũng tuyên bố: «Vua cũng như các bậc thức giả Trung Hoa đều là vô thần, đều theo tà đạo, các lễ nghi Trung Hoa đều là dị đoan và đáng cấm đoán. Và vì quyết định đó là của Giáo Hoàng nên không thể bàn cãi gì được nữa.» [17]

Nhiều nhà truyền giáo lại còn cho rằng lịch sử Trung Hoa không thể nào lâu lai, cổ kính, như người Trung Hoa đã viết, vì nếu thực như vậy, là trái với thánh kinh! [18]

Nói chung thì các giáo sĩ Âu Châu đã chủ trương phải phá bình địa các đạo giáo, các học thuyết triết học Trung Hoa để giảng rao Thiên Chúa giáo.[19]

Những thái độ cứng rắn và cao ngạo nói trên cũng có thể giải thích thêm được, nếu chúng ta ghi nhớ rằng Trung Hoa càng ngày càng mất thế giá trước những thế lực đang lên của Tây phương, với những chiến hạm và những họng súng đen ngòm càng ngày càng sẵn sàng cho dân Trung Hoa nếm mùi đạn lửa.[20]

Hiểu được thái độ chung nói trên, chúng ta mới hiểu rõ tầm mức giá trị của những lời phê phán của họ về Khổng giáo.

  1. QUAN NIỆM CỦA ÍT NHIỀU GIÁO SĨ DÒNG TÊN VỀ KHỔNG GIÁO VÀ PHƯƠNG PHÁP GIẢNG GIÁO CỦA CÁC NGÀI

Nói là Dòng Tên nhưng thực ra chỉ có một số ít linh mục dòng Tên như Ricci, Lecomte, Couplet, Intorcetta, Rougemont, du Halde v.v… chủ trương Khổng giáo hữu thần, còn nhiều linh mục dòng Tên khác như Longobardo, Ruggieri cũng cho rằng Khổng giáo là vô thần.[21]

L.M. Ricci chủ trương: «Tôi đã nhận thấy có nhiều đoạn (trong Tứ thư, Ngũ kinh) phù hợp với tín ngưỡng chúng ta, ví dụ như Thiên Chúa duy nhất, linh hồn bất tử, các thánh nhân được vinh quang v.v…» [22]

Cha Lecomte viết: «Đạo giáo Trung Hoa hình như đã giữ được tinh toàn qua các thế hệ những chân lý chính yếu mà Thiên Chúa đã mặc khải cho những người sơ thủy. Trung Hoa, lúc sơ khai, may mắn hơn các nước trong hoàn võ, đã thâu lượm hầu như từ chính mạch chính nguồn, những chân lý thánh thiện và chính yếu cho đạo giáo cổ thời của họ. Những vị Hoàng đế đầu tiên đã xây đền thờ Thiên Chúa, và thực không phải là một vinh dự nhỏ cho dân Trung Hoa vì đã tế lễ Tạo Hóa trong một đền thờ cổ kính nhất thiên hạ. Niềm đạo hạnh ban sơ đã gìn giữ được trong dân chúng nhờ công lao của các vị Hoàng đế, vì thế mà tà đạo đã không lọt được vào Trung Quốc…» [23]

Cũng nên ghi nhận rằng quan điểm trên đây của cha Lecomte đã hoàn toàn bị Đại học Sorbonne phi bác.[24]

Cha Du Halde, trong bộ sách của ông về Trung Hoa cũng đã bình luận dài dòng về đạo giáo Trung Hoa.

L.M. Du Halde viết: «Trong kinh Thư, ta thấy các vị Hoàng đế Trung Hoa khẩn cầu Thượng đế để ngài đừng gieo tai giáng họa cho dòng dõi mình.

«Cũng nên ghi nhận rằng họ gán cho Thượng đế những đặc tính xứng đáng và thích nghi cho một vị chủ tể hoàn võ. Họ cho rằng Thượng đế toàn năng, biết quan phòng, thông sáng, công bình nhân ái. Họ gọi Ngài là cha, là Chúa, họ thờ Ngài bằng một sự phụng thờ và tế lễ thích hợp với sự cao cả tuyệt phẩm của Ngài, và bằng cách tu nhân tích đức. Họ quả quyết rằng lễ nghi bên ngoài không làm đẹp lòng Trời mà lễ nghi chỉ đẹp lòng Trời khi nó xuất tự tâm xoang…» [25]

Du Halde lại còn dùng lịch sử để chứng minh rằng liên tiếp qua nhiều thời đại, nhiều thế hệ, từ Phục Hi, Thần Nông, Hoàng đế, Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn, Võ v… các vua chúa đã thờ phụng thượng đế, và dẫn chứng nhiều đoạn kinh Thi chứng minh điều đó.[26]

L.M. Du Halde cho rằng: «Gọi người Trung Hoa là vô đạo là một sự mạ lị bất công.» [27]

Ông tuyên bố rằng với tư cách một sử gia. Ông cần minh xác rằng các học giả Trung Hoa khi dùng những danh hiệu Trời hay Thượng đế đã hiểu là đấng Tạo Hóa. [28]

Ông cũng cho rằng Thiên hay Thượng đế cũng đồng nghĩa.[29]

Các Linh mục dòng Tên còn họp nhau lại để bình dịch Luận Ngữ, Trung Dung, Đại Học, dưới nhan đề là: Confucius sinarum philosophus, xuất bản tại Goa ngày 1 tháng 10 năm 1667 (dưới tiêu đề: Sinarum scientia politico-moralis) và tại Trung Hoa.[30]

Trong tập sách này ta thấy có tiểu sử của Khổng Tử do L.M. Intorcetta viết.

Intorcetta hết sức ca tụng Trung Dung, và cho rằng đó là một bình minh báo trước mặt trời Phúc âm.[31]

Trong tiểu sử Khổng Tử, L.M. Intorcetta đã kết luận: Đừng nên khen Khổng Tử thái quá, vì như vậy sẽ cho dân Trung Hoa càng thêm lòng tôn kính Khổng Tử hơn. Nhưng mà muốn chê, cũng phải dè dặt… bởi vì «nếu chúng ta khinh khi và phi bác một người dạy dỗ không biết bao nhiêu là những điều hợp nghĩa lý, và đã luôn luôn cố gắng sống đúng theo những lời dạy, thì đối với người Trung Hoa, người Âu Châu chúng ta có thể trở nên những kẻ thù địch, không phải của vị sư biểu của họ, mà chính là những kẻ thù địch, của lý trí, muốn vùi dập ánh sáng lý trí hơn là phi bác Khổng Tử.»[32]

Dòng Tên như vậy đã muốn dung hợp Khổng giáo với Công giáo. Các ngài đề nghị:

- Dùng chữ Thiên để dịch chữ «DEUS» (Dieu) của Công giáo.

- Cho phép dân chúng, khi đã theo Công giáo, được tiếp tục dự những ngày quốc lễ tôn sùng Khổng Tử.

- Cho phép họ được tiếp tục kính nhớ tổ tiên, hương hoa cúng quải.

- Dùng tiếng Trung Hoa thay tiếng Latinh để hành lễ bên Trung Hoa.[33]

Những đề nghị táo bạo trên đã gây sóng gió tại Trung Quốc và Âu Châu, giữa:

- Các giáo sĩ dòng Tên, có vua Khang Hi làm hậu thuẫn.

- Các giáo sĩ các dòng khác, có các Giáo Hoàng làm hậu thuẫn.[34]

Rốt cuộc dòng Tên đã thua, bị gán cho những tội hết sức ghê gớm, như phá hoại đạo Công giáo, phá hoại giáo hội, và bị giải tán vĩnh viễn theo lệnh của Giáo Hoàng Clément XIV (1769-1774).[35]

Sử gia Toynbee, sau này cho rằng những giáo sĩ dòng Tên thực đã hiểu biết sự cần thiết phải lưu tâm đến tâm lý những người bản quốc, nhưng giáo hội công giáo đã làm mất cơ duyên tốt đẹp ấy.[36]

III. QUAN NIỆM CỦA ĐA SỐ CÁC GIÁO SĨ KHÁC VỀ KHỔNG GIÁO VÀ PHƯƠNG PHÁP GIẢNG GIÁO CỦA CÁC NGÀI. THÁI ĐỘ CỦA CÁC GIÁO HOÀNG

- Qua ngôn ngữ, thái độ của các vị sứ thần Toà thánh như:

. Moralèz (sang Trung Hoa khoảng năm 1638)

. Navarette (sang Trung Hoa khoảng năm 1649)

. Maigrot (1852-1730, sang Trung Hoa năm 1681)

. Tournon, sứ thần của giáo hoàng Clément XI, sang Bắc Kinh năm 1705.

. Mezzabaraba (Carlo) sang tới Macao tháng 9, 1720.[37]

- Qua ngôn ngữ, thư tịch của các giáo sĩ Âu Châu.[38]

- Qua thông điệp và thái độ của nhiều giáo hoàng liên tiếp nhau,[39] ta thấy rằng các ngài cho rằng:

. Khổng giáo là vô thần vì không tin có Thiên Chúa.

. Không thể nào có một sự tương dung, tương hợp nào được giữa Khổng giáo và Công giáo.

. Khổng Tử cũng như các vị vua chúa Trung Hoa từ thượng cổ cho đến thời ấy, đều sa hỏa ngục hết.[40]

Dưới đây xin lược qua về thái độ của ít nhiều Giáo Hoàng:

- Innoncent X (1644-1655) ra sắc chỉ phi bác lề lối giảng đạo và quan điểm của dòng Tên.[41]

- Alexandre VII (1655-1667) bênh vực quan điểm của dòng Tên, cho phép tôn kính Khổng Tử và tổ tiên.[42]

- Clément IX (1667-1669) ra lệnh phải thực thi cả hai sắc chỉ nói trên, tuy chúng mâu thuẫn nhau.[43]

- Innocent XII (1691-1700) phi bác quan điểm của dòng Tên (năm 1695), sai sứ thần là Maigrot sang Trung Hoa.[44]

Clément XI (1700-1721) ra sắc chỉ Ex Illa die ngày 19-3-1715, bắt buộc phải dùng danh từ duy nhất Thiên chúa, bỏ chữ Thiên, chữ Thượng đế, cấm người Công giáo tham dự các cuộc lễ kính Khổng Tử, cấm tôn kính tổ tiên theo kiểu Trung Hoa.[45] Ngài sai Tournon, Mezzabarba sang Trung Hoa.[46]

- Innocent XIII (1721-1724) lại ra sắc chỉ tái cấm các nghi lễ Trung Hoa (1723).[47]

- Clément XII (1730-40) cấm không cho dòng Tên được phép giảng đạo tại Trung Hoa.[48]

- Benoit XIV (1740-1758) ra sắc chỉ Ex qui singulari năm 1742 xác nhận lại các lời cấm đoán của các Giáo hoàng tiên nhiệm.[49]

- Clément XIV (1769-74) ra sắc chỉ Dominus ac Dominator mùa hạ năm 1773 phá hủy vĩnh viễn dòng Tên.[50]

Tuy nhiên ở đời chẳng có gì là vĩnh viễn:

- Giáo hoàng Pie VII (1800-20) lại cho phép tái lập dòng Tên năm 1814.[51]

- Giáo hoàng Pie IX (1846-1878) với sắc chỉ 10 tháng 8, 1863, đã tuyên bố những người ngoại giáo ngay lành vẫn có thể lên thiên đường.[52]

Thánh bộ Truyền giáo, dưới triều Pie XII, với sắc lệnh ngày 8 tháng 12, 1939, lại cho phép dự các cuộc tế tự Khổng Tử, và được quyền tỏ lòng tôn kính tổ tiên đã quá vãng như cúi đầu trước di ảnh, trước bài vị v.v… [53]

Đó là những điều mà giáo hội đã tuyệt đối cấm 200 năm về trước, và cho thế là tà đạo.

  1. QUAN ĐIỂM CỦA VUA KHANG HI

Vua Khang Hi mà nhiều giáo sĩ buộc cho tội vô thần vô đạo, thật là con người hữu thần, hữu đạo.

Năm 1705, sau khi đã cho các giáo sĩ dòng Tên một số tiền lớn là 10.000 lang bạc để xây cất 1 giáo đường ở Bắc Kinh, chính nhà vua lại còn đích thân cho một bức hoành phi và một đôi câu đối để viết trước cửa giáo đường như sau:

HOÀNH PHI: VẠN HỮU CHÂN NGUYÊN

(căn nguyên chân thật của vạn loài)

CÂU ĐỐI:

- VÔ THỦY VÔ CHUNG, TIÊN TÁC HÌNH THANH, CHÂN CHỦ TẾ.

- TUYÊN NHÂN TUYÊN NGHĨA, DUẬT CHIÊU CHƯNG TẾ, ĐẠI QUYỀN HÀNH.

(Vô thủy vô chung, tạo dựng muôn loài, chân chủ tế,

Chí nhân chí chính, quản cai vạn sự, đại quyền hành.)[54]

Trong khi các giáo sĩ chia rẽ nhau, người cho rằng đạo Khổng vô thần, người cho rằng đạo Khổng hữu thần, tất cả đều ước mong được vua Khang Hi cho biết ý kiến. Họ đồng ý rằng: Nếu vua cho rằng đạo Khổng là hữu thần, nếu vua cho rằng Thiên chính là Thiên chúa, thì họ sẽ chịu không còn dám kết án Khổng giáo là vô thần nữa.[55]

Mà quả thật nhà vua đã ra nhiều sắc chỉ, sau trước đều đồng quan điểm với các giáo sĩ dòng Tên.

Ngày 30-11-1700, vua Khang Hi giáng chiếu như sau: «Đối với các việc tế lễ mà các vua chúa thời xưa quen dâng kính Trời, đó là những việc tế lễ mà các triết gia Trung Hoa gọi là … tế lễ Trời Đất, mục đích là để tôn kính Thượng Đế… cho nên dĩ nhiên không phải là dâng tế lễ cho trời hữu hình, hữu chất, mà là dâng cho đấng chủ tể đã tạo thành trời đất, muôn vật.» [56]

Ngày 17 tháng 1 năm 1917, tức là sau sắc chỉ Ex illa die của đức Giáo Hoàng Clément XI, vua Khang Hi ra sắc chỉ cho phép các giáo sĩ được tiếp tục giảng giáo với điều kiện phải chấp thuận rằng:

(1) Trời của người Trung Hoa cũng chính là Chúa của người Công giáo, cho nên gọi Ngài bằng một danh hiệu (Trời) thì rất là hợp lý.

(2) Các lễ kỷ niệm Khổng Tử.

(3) Sự tôn kính tổ tiên không có gì là trái với Công giáo.[57]

Những vì ba điều khoản trên đã bị giáo hoàng Innocent XIII phi bác năm 1695 và Clément XI năm 1704, nên sứ thần tòa thánh lúc ấy là Tournon nhất định không nhượng bộ.[58]

Vua Khang Hi có lần hỏi sứ thần tòa thánh là Mezabarba rằng Giáo Hoàng lấy quyền gì mà đoán định về đạo giáo Trung Hoa, thì sứ thần tòa thánh trả lời: «Ngài đã được chúa Thánh Thần soi sáng nên không thể sai lầm trong những vấn đề có liên hệ đến tín lý. Vua Khang Hi phản pháo và trả lời rằng vua đã đọc và đã so sánh sắc chỉ Ex Illa Die của Giáo Hoàng với bản phúc trình và thông điệp của Giám mục Maigrot, (đã viết ra trước) và ngài thấy giống in nhau; như vậy «nếu Giáo Hoàng được chúa Thánh Thần giúp trong các quyết định, thì chúa Thánh Thần Công giáo âu hẳn là Giám mục Maigrot.» [59]

Vua rất ghét Giám mục Maigrot. Vua muốn chứng minh rằng các giáo sĩ chẳng biết gì về Hán tự mà cả gan dám xía vào công việc giải thích ngôn từ Trung Hoa, nên trong buổi triều kiến ngày 2-08-1706, vua Khang Hi đưa bốn chữ Hán bắt giám mục Maigrot đọc. Ông chỉ đọc được có 2 chữ.[60]

Sau khi đã đọc sắc chỉ Ex Illa die của Giáo hoàng Clément XI. Vua Khang Hi rất giận và đã nói thẳng với sứ thần tòa thánh là Mezzabarba rằng đức Giáo Hoàng đã dựa vào những phúc trình sai lạc của những giáo sĩ không am tường Hán văn và đạo giáo Trung Hoa, nên đã có những quyết định sai lạc. Trong các món quà mà vua Khang Hi nhờ sứ thần Mezzabarba gửi tặng đức Giáo hoàng, thấy có một tảng muối mỏ, ý muốn nói Giáo Hoàng ăn muối mỏ sẽ sáng trí khôn ra hơn …[61]

Những sự va chạm giữa Giáo Hoàng và vua dĩ nhiên là có những hậu quả không hay.

Năm 1723, giáo hoàng Innocent XIII ra sắc lệnh tái cấm lễ nghi Trung Hoa, thì năm 1724 vua Ung Chính ra sắc chỉ cấm đạo Công giáo, và trong đời vua đã có hơn 300 nhà thờ bị phá hủy và mấy trăm ngàn người Công giáo bị bắt bớ…[62]

Tuy giáo hội đã thất bại trong công cuộc giảng giáo ở Trung Hoa, nhưng các giáo sĩ ít ra cũng đã thành công trong việc gây ấn tượng sâu xa vào trí não mọi người rằng Khổng giáo cũng như đạo Phật, đạo Lão đều là vô thần.

Vì thế chúng ta cũng không lấy làm lạ, khi thấy sau này những học giả như L.M. Henri Doré chuyên khảo về đạo giáo và văn hóa Trung Hoa đã đặt cho bộ sách của ông một nhan đề là: Recherches sur les Superstitions en Chine. Và chúng ta cũng không lấy làm lạ khi các giáo sĩ như Zottoli, Couvreur, Wieger sau này toàn dịch Thiên là Ciel, Thượng đế là Le Roi d’en Haut chứ không dám dịch là Dieu.

James Legge trong bài tựa quyển kinh Dịch của Ông, đã kể lại rằng vì ông dám dịch Trời là God, nên đã bị nhiều giáo sĩ giảng đạo bên Trung Hoa gửi thư về phản kháng và cho rằng dịch như vậy là sai.[63]

Phân tách lại những lời vua Khang Hi phiền trách các đức Giáo Hoàng thời ấy, ta thấy hiện rõ ra mấy điểm sau:

Các ngài đã không tin những giáo sĩ dòng Tên là những người thông hiểu tâm lý Á Châu, lại cũng là những người rất tinh tường về Hán tự, mà lại đi tin những giáo sĩ chân ướt chân ráo ở Trung Hoa, không biết gì về đạo giáo, về phong tục tập quán, về từ ngữ Trung Hoa, để rồi đưa ra những nhận định hết sức sai lầm, những quyết định hết sức tai hại.[64]

Gần đây ông Malcolm Hay cũng có những nhận xét đại loại như vậy. Ông viết: «Ferdinand Verbiest (dòng Tên) là một nhà thiên văn, một nhà toán học, một kỹ sư cơ khí, đã ở Trung Hoa 40 năm và đã gây được nhiều cảm tình với những học giả Trung Hoa. Verbiest đã gặp phải cái nạn là làm bề trên dòng Tên tại Trung Hoa thời mà Maigrot và Pallu sang tới Trung Hoa tức là vào năm 1684. Maigrot và Pallu đã dạy Verbiest cách phải làm để giảng đạo và thu phục người Trung Hoa. Ít người trong giới Công giáo ngày nay đã biết chuyện L.M. J.H.M. de Prémare (1665-1735), một học giả lỗi lạc về Trung Hoa. Ông đã dày công khảo cứu các thư tịch Trung Hoa trong vòng 30 năm trời, ấy thế mà đã bị hàng giáo phẩm La Mã vừa mới tới Trung Hoa, không hề biết chữ Hán nào, bắt ông phải thay đổi những ý nghĩa mà ông đã tìm ra. Ông chỉ được phép ở lại chức cũng với các đồng nghiệp ông, với điều kiện là tuyên thệ thay đổi quan điểm của ông.» [65]

  1. QUAN NIỆM THƯỢNG ĐẾ QUA TỨ THƯ NGŨ KINH

Lập luận của các giáo sĩ Âu Châu, khi cho rằng Khổng giáo là vô thần, đại khái có thể toát lược như sau:

Công giáo tin có một đấng Chủ tể Càn khôn và thờ phượng đấng chí tôn ấy, cho nên đạo Công giáo là đạo hữu thần.

Khổng giáo không biết đấng Chủ tể Càn khôn ấy, lại thờ trời, mà theo họ thì trời chỉ là trời mây, vô tri vô giác, vì thế Khổng giáo là vô thần, tà đạo.

Linh mục Ruggieri viết: «Trời không phải là thần minh mà là tòa của thần minh… Có thể ông Khổng đã dùng chữ trời mà chỉ một trí tuệ tối cao, nhưng tôi không biết ông Khổng đã nghĩ thế nào?» [66]

Thật là một luận điệu hết sức ngây ngô !

Ở Á Đông thì chắc không ai dám nghĩ rằng Trời là trời mây khi nói Trời xem, Trời nghe, Trời giận, Trời phạt, Trời muốn, v.v.

Ở Bắc Kinh xưa có đền thờ Trời trong đó có bốn chữ đại tự thiếp vàng: Hoàng Thiên Thượng Đế.[67]

Chẳng lẽ Hoàng Thiên Thượng Đế cũng là trời mây vô tri giác? Khảo Tứ Thư Ngũ Kinh ta thấy người xưa đã coi Trời như là một vị Chủ tể Càn khôn, một vị Thượng đế cai quản quần sinh vũ trụ.

Điều này quá rõ ràng sáng tỏ, mà bất kỳ một người nào có thiện tâm thiện chí cũng phải công nhận như vậy.

Ta chỉ cần lấy ít nhiều câu trong Tứ Thư Ngũ Kinh minh chứng điều ấy.

Khảo Tứ Thư Ngũ Kinh, ta thấy người xưa chẳng những tin Trời, kính Trời như vị Chúa tể Càn khôn mà còn ước mong có một đời sống thánh thiện như Trời.

Trong Mạnh Tử, có thuật lời đức Khổng bình về vua Nghiêu như sau: «Vua Nghiêu đức nghiệp lớn thay. Chỉ có Trời là lớn, chỉ có vua Nghiêu bắt chước Trời.» [68]

Khi vua Thuấn lên ngôi (2255) đã tế lễ Thượng đế.[69]

Vua Đại Võ, khi còn là hiền thần đã biết khuyên vua Thuấn sống đời đức hạnh «để có thể huy hoàng rước lấy Thượng đế.» [70]

Lúc trị thủy thành công trở về, Đại Võ dâng vua Thuấn một tấm ngọc huyền khuê, để báo cáo công việc hoàn thành.[71] Phó Diễn bình rằng: Võ dâng Thuấn ngọc huyền khuê là muốn nói cùng vua Thuấn: «Đức hạnh nhà vua đồng nhất với đức hạnh của Trời.» [72]

Các vua sáng lập nhà Ân (1766-1122) cũng đã biết sống cuộc đời phối kết với Thượng đế.

Kinh Thi viết:

«Thủa nhà Ân còn thời thịnh trị,

Đã từng cùng Thượng đế tất giao.» [73]

Vũ Vương (1122 tcn) đã điều động binh tướng đánh Trụ Vương với danh nghĩa «Thay Trời trừ bạo». Trong bài diễn văn quan trọng để hô hào tướng sĩ ở Mạnh Tân, sau khi đã kể tội ác của Trụ Vương thì Vũ Vương nói: «Hoàng thiên đã chấn nộ, sai cố quân tôi là Văn Vương kính cẩn ra oai Trời, nhưng đại sự chưa thành tựu. Tôi nay còn là trẻ nít, ngày đêm những cùng lo sợ. Tôi đã nhận lãnh sứ mạng do cố quân tôi, tôi đã tế lễ Thượng đế, tôi đã làm lễ nghi kính đất đai, và tôi nay hướng dẫn chúng tướng sĩ thi hành hình phạt của Trời. Trời thương dân chúng. Cái gì dân muốn, Trời cũng sẽ nghe theo. Xin các tướng sĩ hãy giúp tôi quét sạch bốn biển. Thời cơ này xin chớ để mất.» [74]

Lúc lâm trận Mục Dã, trước một đạo binh vô cùng đông đảo của Trụ Vương, để khuyến khích ba quân, Võ Vương đã kêu lên: «Thượng đế ở với ba quân, ba quân hãy vững lòng vững dạ.»

Kinh Thi viết:

Quân Thương Ân bạt ngàn Mục Dã,

Một rừng người chật cả sa tràng.

Cho ba quân thêm dạ sắt gan vàng,

Võ Vương kêu: Thượng đế ở cùng ta đó,

Ba quân hãy vững lòng vững dạ.[75]

Thượng đế trong Tứ Thư Ngũ Kinh có nhiều danh hiệu:

Đế,[76] Thượng Đế,[77] Thiên,[78] Hoàng Thiên,[79] Thượng Thiên,[80] Hoàng Thượng Đế,[81] Thiên Hoàng Thượng Đế,[82] Thượng Thiên Thần Hậu,[83] Hoàng Hoàng Hậu Đế [84]… Ấy là chưa kể đến những danh từ trừu tượng siêu hình như Dịch,[85] Thần,[86] Thái Cực,[87] v.v.

Trong Cựu Ước Công giáo, nhiều khi ta thấy Chúa mượn hình người xuống gặp gỡ các tổ phụ, ví dụ đã gặp Abraham ở gốc cây sồi Mambré (Sáng thế ký, 18-1, 23) hay Jacob (Sáng thế ký, 32-22,25) hay Moise (Exode, 32-10,11), v.v.

Trong Tứ Thư Ngũ Kinh trái lại tuyệt nhiên không có sự hiển hình theo nhân dạng đó, vì Khổng giáo chủ trương Trời không tiếng không hơi (vô thanh vô xú)[88]. Tuy nhiên, Thi, Thư cũng một đôi lần ghi chép những lời Thượng đế phán bảo cùng các vị thánh vương.

Kinh Thư, thiên Duyệt mệnh thượng ghi chép: Vua Cao Tông (Vũ Đinh, 1325 tcn) nằm mộng thấy Thượng đế ban cho một hiền thần. Vua tỉnh dậy, cho họa đồ hình, tìm tòi khắp trong nước. Quả nhiên gặp được Phó Duyệt ở đất Phó Nham đúng như trong hình vẽ. Vua bèn phong Phó Duyệt làm tể tướng và giữ luông bên cạnh mình.[89]

Kinh Thi, thiên Hoàng hĩ, có ghi những lời Thượng đế phán bảo cùng Văn Vương.[90] Kinh Thi viết:

Thượng đế gọi vua Văn phán bảo,

Ngươi chớ nên trở tráo đảo điên.

Đừng cho dục vọng tần phiền,

Đừng vì ngoại cảnh rối ren tơ lòng.[91]

Trời đôi khi cũng phẫn nộ[92] vì những lỗi lầm,[93] thất bại,[94] hay tội lệ[95] của các nhà cầm quyền; có khi cũng ra uy[96] giáng tai ách,[97] nhưng thật ra ngài thương muôn dân vô hạn,[98] đến nỗi muốn đồng hóa mình với chúng dân.[99]

Kinh Xuân Thu cũng viết: «Trời rất thương dân. Có lẽ nào Trời để cho một người trị dân theo ý mình, theo tính xấu mình mà phế bỏ tính trời đất, ắt không thể nào được.» [100]

Kinh Thi viết:

«Kìa Thượng đế muôn trùng cao cả,

Oai nghi nhìn thiên hạ chúng dân.

Nhìn quanh tứ phía hồng trần,

Tìm xem ai kẻ trị dân an bình.» [101]

Bởi vì:

«Sinh dân Trời chẳng bỏ liều,

Liệu người cai quản đến điều mới thôi.» [102]

Khảo cứu Tứ Thư Ngũ Kinh ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy dân Trung Hoa xưa đã thờ Trời, tin Trời, kính sợ Trời. Hơn thế nữa, họ còn coi Trời như cha, vì thế mà vua nhiều khi được mệnh danh là nguyên tử (con đầu của Thượng đế). Trịnh Khang Thành bình rằng: «Phàm là người ta,ai cũng là con Trời, thiên tử là con đầu, là trưởng tử.» [103]

Chính Trời cai trị chúng dân.

Kinh Thi viết:

«Trời xanh dẫn dắt chúng dân,

Như là tấu khúc nhạc huân, nhạc trì,

Trời người đôi ngọc chương khuê,

Bên cho bên lấy đề huề xiết bao.

Tay cầm tay giắt khéo sao,

Trời xanh dẫn dắt dần nào khó chi.» [104]

Như vậy các vua quan chỉ là những người đại diện, những thiên sứ, những tôi tá của Trời.[105] Một tổ chức xã hội như vậy là thiên trị (théocratie) tức là được cai trị bởi Trời qua trung gian vua chúa.

Các trang thánh hiền, các thánh quân, hiền thần đều ước ao sống cuộc đời thánh thiện, phối kết với Thượng đế.

Những chữ «phối thiên», «khắc phối Thượng đế» được đề cập nhiều lần trong Tứ Thư Ngũ Kinh.[106]

Thực là lạ lùng khi nhận thấy người xưa đã có một niềm tín ngưỡng sâu xa về Thượng đế như vậy, một lý tưởng đạo hạnh tuyệt vời như vậy. Ngày nay khảo sát lại, chúng ta chỉ có thể cúi đầu bái phục mà thôi.

Như vậy, Khổng giáo xét theo Tứ Thư Ngũ Kinh không có cách nào mà có thể cho là vô thần được.

Cho như vậy, chỉ có thể: Một là không bao giờ đọc tới Tứ Thư Ngũ Kinh; hai là đọc mà không hiểu; ba là đọc hiểu nhưng không có thiện tâm thiện chí, cố ý làm khuất lấp những dữ kiện lịch sử hiển nhiên, những chứng tích đạo giáo minh bạch. Nhưng không ai có thể mãi mãi làm khuất lấp chân lý được.

  1. QUAN NIỆM VỀ THÁI CỰC CỦA TỐNG NHO

Các giáo sĩ khi sang Trung Hoa giảng đạo thường cũng hay có lý luận như sau:

Đã đành, Tứ Thư Ngũ Kinh chấp nhận một đấng chủ tể tạo dựng vạn vật, đã đành Khổng giáo nguyên thủy không vô thần, nhưng sau này nhất là từ thời nhà Tống, do ảnh hưởng của Tống nho, Tống Triết, đã trở thành vô thần, nhất là với ảnh hưởng của Chu Hi, một học giả vô thần.

Bằng chứng là họ dám cho rằng vũ trụ này do Thái Cực xuất sinh, chứ không phải do Thượng đế tạo dựng v.v…

Như vậy nói rằng Khổng giáo vô thần không có oan.[107]

Trước hết tôi thấy rằng nói Chu Hi là vô thần và duy vật thì thật oan cho ông.

Tôi chỉ cần dẫn chứng một vài bằng cớ:

- Trong bài tựa Trung Dung, Chu Hi viết: «Đạo chi bản nguyên xuất ư Thiên nhi bất khả dịch.» mà tôi đã dịch:

«Nguồn đạo ấy phát từ Thượng đế,

Chẳng đổi thay, chẳng thể biến rời…» [108]

- Ông công nhận rằng Trung Dung là một đạo thống tương truyền của thần thánh thay Trời lập cực từ thượng cổ.[109]

- Ông cho rằng «Thánh nhân là hiện thân của Trời.» [110]

- Ông đã giải chữ Đế trong Thuyết quái của Kinh Dịch như sau: «Đế là vị chủ tể ở trên trời.» [111]

Ấy Chu Hi vô thần như vậy đó !

Thứ đến, khi các triết gia cho rằng Thái Cực là căn nguyên của vũ trụ như vậy có phải là một chủ trương vô thần không?

Du Halde rất sợ danh từ Thái Cực, tuy như ta đã thấy. Ông rất có cảm tình với Khổng giáo nguyên thủy. Du Halde cho rằng quan niệm Thái Cực và Lý dễ đưa đến vô thần.[112]

Ông cũng cho rằng danh từ Thái Cực là một danh từ rất mới, dùng để chỉ căn nguyên vạn hữu, nhưng mãi đến đời Khổng Tử mới có, và chỉ thấy dùng có một lần trong Kinh Dịch nơi Hệ Từ.[113]

Du Halde cho rằng các triết gia thế kỷ 17 bên Trung Hoa đã định nghĩa Thái Cực như là Cực điểm, như là Nóc, vì Thái Cực liên kết các phần tử của vũ trụ này y như cái mái nhà liên kết và duy trì mỗi bộ phận của cái mái nhà.

Họ cũng sánh Thái Cực với cái rễ nơi cây, với cái trục nơi bánh xe, và gọi đó là trục, là khu nữu cho vạn loài xoay quanh, là căn cơ, là cột trụ, là gốc gác vạn sự. Thái Cực không phải là cái gì hư ảo, nhưng chính là một thực thể có trước trời đất.[114]

Nhưng Lebniz, một nhà toán học và một học giả thời danh ở Âu Châu thế kỷ 17 và 18 (1646-1716), lại cho rằng quan niệm của Á Châu về Lý, về Thái Cực chẳng có gì là vô thần, mà đó chỉ là một trong những phương thức dùng để chỉ Thượng đế.[115]

Wieger sau này cũng cho rằng Thái Cực là Khu nữu, là Nguyên động lực chi phối vạn hữu.[116]

Ông cũng nhận định rằng Thái Cực chính là Đạo, là Hoàng cực là Nguyên thể. Ông cũng cho rằng tất cả những danh từ ấy đều là cưỡng ép, vì Nguyên thể bất khả tư nghị, v.v.[117]

Trong quyển THÁI CỰC LUẬN của tôi, tôi thấy Nho gia nói về Thái Cực cũng như các triết gia Âu Châu nói về Logos, các triết gia Ấn Độ nói về Atman, v.v.[118]

Và tôi đã kết luận như sau:

«Đối với các thánh hiền Trung quốc, Thái Cực sinh xuất vạn hữu. Thái Cực vừa bao quát vạn hữu, vừa lồng trong vạn hữu. Thái Cực là bản thể của vũ trụ, bất biến, bất thiên, bất sinh, bất hoại, nhưng lại vẫn chủ trì mọi biến thiên của vũ trụ và của con người.»

«Đứng về phương diện khởi nguyên của vũ trụ, Dịch kinh chủ trương Thái Cực sinh vạn hữu, Đó nhà Nhất nguyên chủ nghĩa, Thái Cực tuy là nhất, là Nguyên, nhưng lại biến hóa vô cùng tận. Và Thái Cực cũng là Vô cực, là Thần, là Thượng đế, siêu xuất trên cơ cấu âm dương, cho nên quan niệm Thái Cực có thể gọi là hoàn bị hơn quan niệm Apeiron của Anaximandre, quan niệm duy linh của Platon, quan niệm ngũ hành của Aristote.»

«Quan niệm Thái Cực tương tự như quan niệm Atman của Bà La Môn, quan niệm Logos của Au Châu, quan niệm đấng Christ vũ trụ của Teihard de Chardin.»

- «Vì chủ trương Thái Cực chẳng những là bản thể của vũ trụ, mà còn là Vô cực, là Trời, nên quan niệm Thái Cực không phải là một quan niệm triết lý thông thường mà còn là một đề tài đạo giáo hết sức quan trọng.»

- «Đối với các triết gia Trung Quốc, Thái Cực tiềm ẩn ngay trong lòng vạn hữu, trong lòng con người. Nhưng chỉ có con người mới nhận ra được chân lý ấy, mới cảm thông được với Thái Cực, mới trở về được với căn nguyên.»

- «Như vậy quan niệm Thái Cực mở lối cho một phương pháp tu thân, một phương pháp trở về với Thượng đế, với căn nguyên gốc gác của mình. Đó là con đường hướng nội, con đường nội tâm, mà xưa nay các thánh hiền khắp thế giới đã nhất luật băng qua…» [119]

Leibniz cũng cho rằng, ngay trong thời triết học kinh viện, cũng đã có một triết gia tên là David de Dinant chủ trương rằng Thượng đế là Nguyên thể của vạn hữu, Spinoza cũng có chủ trương tương tự.[120]

Ta thấy ngày nay Âu Châu cũng có những quan niệm về Thượng đế hết sức uyển chuyển, bởi vì nào có ai ở trần gian này nói được rằng chỉ có mình mới hiểu rõ về Thượng đế?

Teilard cho rằng đấng Christ chính là Thủy Chung, là Căn Cơ là Chốt Nóc, là Thực Thể và là Dung tích, v.v…[121]

Chu Liêm Khê xưa cũng đã gọi Thái Cực là Nhất, là Tuyệt đối.[122]

Chu Hi đã gọi Thái Cực là Đạo.[123]

Ngày nay các nhà bình dịch Thánh kinh Trung Hoa, đã dịch Logos bằng chữ Đạo, Phúc Âm Gia An như vậy đã được bắt đầu như sau: Thái cơ hữu Đạo, Đạo dữ Thần đồng tại.[124]

Cho nên nói rằng chủ trương Thái Cực là nguồn gốc muôn loài là vô thần, thì cũng y như nói chủ trương Logos là nguồn gốc muôn loài, là Đầu và là Cuối vạn sự là vô thần vậy.[125]

VII. TỔNG LUẬN

Thiên khảo luận này đã được trình bày một cách hết sức vô tư. Có lẽ đó cũng là một cái khuyết điểm của nó.

Ta có thể kết luận: Không có cách nào mà nói được rằng Khổng giáo là vô thần.

Trong thiên khảo luận trên chúng ta đã thấy rõ rằng người Á Đông không ai mà không chấp nhận rằng Trời hay Thiên chính là chủ tể vạn hữu, là Hóa công v.v…

Và tôi xin mạn phép kể hầu quí vị một câu chuyện:

Trong khi tôi đang chuẩn bị soạn thảo bài này thì hôm mồng 4 tết Quí Sửu tôi nhận được một thiếp mời rất đẹp đẽ lịch sự của Cha G.Lajeune, và xứ đạo Học Lạc Chợ Lớn, nội dung như sau:

Kính mời

Ông Bà…

Vui lòng đến dự buổi lễ «Tế Thiên, Tự Tổ » cử hành tại nhà thờ Phanxicô, 25 đường Học Lạc, Chợ Lớn, lúc 9 giờ sáng, ngày 04 tháng 02 năm 1973, tức ngày mùng hai tháng giêng năm Quí Sửu.

Linh mục chính xứ

G. Lajeune

Tôi rất vui mừng vì nhận chân rằng những chuyện cãi vã nhau xưa về chữ Thiên, và vấn đề kính nhớ tổ tiên thực đã là một câu chuyện huyễn, mà Thiên chính thực là Thượng đế, và đạo Khổng chính thực là hữu thần vậy.

Sau đây tôi xin mượn lời của G.Pauthier, Trong Les Livres de sacrés de l’Orient mà kết luận bài này như sau:

«Trong lịch sử, cũng như trong thi văn, trong biểu dương đạo giáo, cũng như trong suy khảo triết học, Á Đông đã đi trước Âu Châu.[126] Chúng ta cần tìm biết Á Châu để hiểu chúng ta rõ hơn… Càng biết về Á Châu rõ ràng hơn, ta càng thấy hiện ra một thế giới mới, một nền văn minh huy hoàng mà cổ thời chúng ta không ngờ tới được. Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy rõ chân tướng của tiền nhân chúng ta, đối chiếu với những dân tộc cổ Á Đông, và càng ngày chúng ta càng thấy đúng, một cách thấm thía, lời một giáo sĩ Ai cập nói với Solon (mà Platon đã ghi trong Timée): «Hỡi người thành Athène, các người chỉ là những trẻ nít ! Các người không hiểu biết được cái gì có trước các người; tưởng mình hay, tưởng nước mình giỏi, các người chẳng biết những gì về trước; các người đã tưởng rằng thế giới này bắt đầu có với các người, với thành thị các người…

«Chúng tôi không ngại quả quyết rằng sự học về các nền văn minh Á Châu là một điều tối cần thiết cho những ai muốn khảo cứu về khởi nguyên, về liên lạc dòng dõi giữa các dân tộc, ngôn ngữ, mỹ thuật, đạo giáo, luân lý, triết học, tóm lại toàn thể lịch sử nhân loại.»

«Chúng tôi cũng không ngại mà quả quyết thêm rằng, một phần lớn những sách vở đã được in từ khi phát minh ra nghề in (và hẳn là nhiều), khảo về các vấn đề có liên quan đến các bộ môn nói trên, cần phải được viết lại, bởi vì đã phát bởi từ những hệ thống không mấy đứng đắn, bởi vì chúng đã không đếm xỉa đến những nền văn minh quan trọng đó; những nền văn minh đã có, và hiện còn có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển cộng đồng của nhân loại. Thực ý thức những người muốn lập ra những hệ thống thiên văn mà đã bỏ qua hay đã không thèm đếm xỉa những vì sao sáng nhất trong hệ thống vũ trụ!» [127]

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh