Tìm Hiểu Về Lão, Trang: Chương 1

TÌM HIỂU VỀ LÃO, TRANG: CHƯƠNG 1

Song song với đạo Phật, đạo Khổng, Đạo Lão là một đạo có tầm ảnh hưởng rất lớn đến dân chúng Trung Hoa và Việt Nam.

Cho nên dành ít thì giờ để khảo sát Lão Trang, thiết tưởng không phải là một điều vô ích.

Trong bài này tôi sẽ lần lượt thuyết trình về:

  1. Cái nhìn bao quát về đạo Lão.
  2. Tinh hoa Lão Trang.
  3. Những biến thái của đạo Lão qua các thời đại.
  4. Những điều ta có thể học hỏi nơi Lão, Trang.

Sau cùng là Kết luận

  1. CÁI NHÌN BAO QUÁT VỀ LÃO TRANG

Người có công sáng lập ra đạo Lão dĩ nhiên là đức Lão Tử.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Ngài tên thật là Lý Nhĩ, người nước Sở. Ngài sinh năm nào, mất năm nào, hiện nay các học giả vẫn còn bàn cãi. Phái thì cho rằng Ngài sinh ra trước đức Khổng. Phái thì cho rằng Ngài sinh ra sau thời đức Khổng. Học giả Henri Doré cho rằng Ngài sinh khoảng năm 584 và mất vào khoảng năm 500. Và cuộc hội kiến với Khổng tử được coi là vào năm 503.

Trong thiên Dưỡng sinh chủ của Nam Hoa Kinh, Trang Tử chép Ngài đã chết. Nhưng theo đà thời gian, các tín đồ đạo Lão tin rằng Ngài bất tử. Sử gia Tư Mã Thiên sống sau Trang Tử khoảng 200 năm đã chép rằng lúc cuối đời, Ngài qua ải quan rồi không biết đã đi về đâu.

Học thuyết của Ngài sau này đã được Liệt Tử (Liệt Ngự Khấu, khoảng 430-349), Trang Tử (Trang Chu, khoảng 360-280) làm cho sáng tỏ hơn. Trang Tử có tiếng hơn Liệt Tử nhiều, vì thế mà đạo Lão sau này còn được gọi là đạo Lão Trang.

Tuy nhiên để tăng uy tín cho đạo Lão, nhiều người còn gọi đó là đạo Hoàng Lão. Tức là muốn nói đạo Lão đã được Hoàng đế (- 2697) và Lão Tử sáng lập.

Mua đá năng lượng:

Ở Việt Nam hiện nay, đạo Lão có thể được gọi bằng những danh hiệu sau đây:

- Đạo Lão

- Lão giáo

- Đạo giáo

- Hoàng Lão

- Lão Trang

Đạo lão, thoạt kỳ thủy chỉ là một triết học, một nghệ thuật sống, một phương pháp tu luyện giải thoát dành cho một vài ẩn sĩ, nhưng từ thời Hán (Tây Hán: 206 tcn-23 cn; Đông Hán: 25-220 cn) với sự canh tân của Trương Đạo Lăng (chết năm 156) thuộc dòng dõi Trương Lương, vị quân sư lỗi lạc của vua Hán Cao Tổ (206-195) và của các anh em họ Trương cùng là con cháu sau này như Trương Giác, Trương Bảo, Trương Lương, Trương Lỗ, Trương Tu thời Tam Quốc (220-280) và của Cát Huyền (229-251), Trịnh Tư Viễn (cuối thế kỷ 3), Khấu Khiêm Chi (423), Cát Hồng Bão Phác Tử (281-340), đạo Lão đã trở thành một đạo giáo phổ cập vào quần chúng với các cuộc tế lễ, kinh kệ sám hối, công cộng, bùa chú, phương thuật v.v… Trương Giác, Trương Lỗ thời Tam Quốc suýt lật đổ được triều đình, và cuộc khởi nghĩa của Trương Giác được mệnh danh là giặc Khăn Vàng.

Các vua chúa đời nhà Đường (618-907) nhận Lý Lão quân là tổ phụ vì thế nên rất trọng vọng các đạo sĩ, lập đền thờ Thái Nhất và Ngũ Đế, cùng Lý Lão quân, cố gắng đi tìm tòi thần tiên để mong tiếp xúc. Nhiều vua Đường đã uống linh dược để mong được trường sinh. Các vua Hiến Tông (806-821), Mục Tông (821-826), Vũ Tông (841- 847), Tuyên Tông (847-860) đã điên loạn, hay đã tử vong vì linh đan của các đạo sĩ.

Các vua đời nhà Tống cũng rất trọng vọng đạo Lão. Năm 1015, Tống Chân Tông phong cho Trương Chính Tùy, cháu chắt Trương Đạo Lăng làm thiên sư, và ân tứ cho cả vùng núi Long Hổ Sơn.

Con cháu Trương Đạo Lăng từ đó được kế thế làm Thiên Sư và được thừa hưởng vùng núi Long Hổ Sơn. Vùng Long Hổ Sơn mãi đến thời Trung Hoa Dân Quốc mới bị quốc hữu hóa.

Đến đời nhà Nguyên (1260-1367), Nguyên Thế Tổ năm 1275 cũng phong cho Trương Tống Diễn làm Thiên Sư, nhưng đến năm 1281, nhân vụ kiện giữa Phật giáo và Lão giáo về quyển Hóa Hồ Kinh của Vương Phù (thế kỷ IV) - Hóa Hồ Kinh cho rằng sau khi Lão Tử đi qua ải Hàm Cốc đã sang Thiên Trúc để dạy đạo cho đức Phật - Nguyên Thế Tổ đã truyền đốt hết các sách đạo Lão, ngoại trừ quyển Đạo Đức Kinh.

Nhà Minh cũng không ủng hộ đạo Lão là bao lăm. Thời vua Vũ Tông (1506-1521) và thời vua Thế Tông (1522- 1566) đạo Lão đã cho in lại bộ Đạo Tạng. Bộ Đạo Tạng tức là toàn bộ thư tịch về đạo Lão gồm tất cả là 1464 bộ lớn nhỏ. Ở Việt Nam, không thấy đâu có được toàn bộ Đạo Tạng, chỉ thấy ít nhiều quyển sách lẻ tẻ về Đạo Lão. Ngoài các quyển Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Xung Hư Chân Kinh của Liệt Tử, Nam Hoa Kinh của Trang Tử, ta còn thấy ít nhiều cuốn sách danh tiếng khác như: Tham Đồng Khế của Ngụy Bá Dương, Huỳnh Đình Kinh, Âm Phù Kinh, Thanh Tĩnh Kinh, Tính Mệnh Khuê Chỉ, v.v…

Đến đời nhà Thanh đạo Lão cũng không được hâm mộ.

Ngày nay, ở Đài Loan đạo Lão vẫn còn thịnh hành. Tất cả có 86 giáo phái, hoặc tổ chức đạo Lão được chính quyền bảo trợ, nhưng có 6 môn phái nổi bật nhất. Đó là:

  1. Phái Chính Nhấthay phái Thiên Sư thuộc Long Hổ Sơn ở Giang Tây xưa.
  2. Phái Mao Sơnvới hai loại pháp môn: nội luyện theo Huỳnh Đình Kinh và võ thuật theo Kỳ Môn Độn Giáp.
  3. Phái Thái Cựcthuộc Võ Đương Sơn xưa với pháp môn tu luyện theo truyền thống Trương Tam Phong, và pháp môn vũ thuật trừ tà ma.
  4. Phái Toàn Chântu luyện theo tôn chỉ của Vương Trùng Dương.
  5. Phái Thần Tiêu.
  6. Phái Lư Sơnthiên về bí thuật giống như phái Chân Ngôn của Phật giáo.

Ở Việt Nam ta đạo Lão thường được biết nhiều về phương diện phù thủy, pháp môn. Nhưng thời Pháp thuộc, người Pháp đã chém giết rất nhiều thày phù thủy, nên ngày nay ảnh hưởng Lão giáo không còn mấy mạnh trong dân gian. Trong mấy chục năm gần đây, ở miền Nam Việt Nam Lão giáo lại được phục hồi, và đứng vào hàng Tam Giáo trong các đạo Cao Đài, hay Tam Tông Miếu.

  1. TINH HOA LÃO TRANG

Những người đại diện chân chính cho đạo Lão vẫn là:

- Lão Tử với quyển Đạo đức Kinh.

- Liệt Tử với Xung Hư Chân Kinh.

- Trang Tử với Nam Hoa Kinh.

Vậy muốn tìm hiểu tinh hoa Đạo Lão, ta phải đọc 3 tác phẩm nói trên. Ba tác phẩm nói trên xưa nay nổi tiếng là kỳ bí, khó hiểu, nhưng nếu chúng ta có ít nhiều quan niệm then chốt dẫn lộ để đi vào những tác phẩm ấy, chúng sẽ trở nên giản dị.

Sau đây là những quan niệm then chốt ấy:

  1. Lão Trang, thay vì chấp nhận rằng vũ trụ này là một tác phẩm do Hóa Công tạo dựng nên, đã chủ trương rằng vũ trụ này do một Nguyên lý phóng phát ra.

Nguyên lý ấy siêu việt, tuyệt đối, vô biên tế, vô cùng tận, là căn nguyên vạn hữu, vừa bao dung lại vừa ẩn áo giữa lòng vạn hữu, vô thủy vô chung, không bút nào tả cho xiết, không tên nào gọi cho vừa. Lão Trang tạm gọi nguyên lý ấy là Đạo.

Nơi chương 25 của Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết:

Có một vật an nhiên tự hữu,

Trước đất trời, vĩnh cửu tự thành.

Tịch liêu vắng ngắt vắng tanh,

Một mình mình biết, một mình mình hay.

Muôn vàn chẳng chút đổi thay,

Đó đây quanh khắp đó đây chẳng chồn.

Sinh muôn vật, mẹ muôn thiên hạ,

Tính danh Ngài ta há biết sao?

Gọi liều là Đạo, xưng ào là to.

Vì quá to nên xa thăm thẳm,

Thăm thẳm xa mà vẫn gần kề.

Đạo to, to lớn muôn bề…

Nơi chương I của Đạo Đức Kinh, Lão Tử cũng đã bàn ngay về Đạo. Xin dịch thoát nghĩa như sau:

Hoá công hồ dễ đặt tên,

Khuôn thiêng hồ dễ mà đem luận bàn.

Không tên sáng tạo thế gian,

Có tên làm mẹ muôn vàn thụ sinh.

Tịch nhiên cho thấy uy linh,

Hiển dương cho thấy công trình vân vi,

Hai phương diện một Hóa Nhi,

Huyền linh khôn xiết huyền vi khôn lường,

Ngài là chúng diệu chi môn,

Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi…

Trang Tử nơi chương Đại Tông Sư đã bàn về Đạo đại khái như sau:

Đạo thời hữu tín, hữu tình,

Vô vi mà lại vô hình mới hay.

Dễ truyền, khó bắt lạ thay,

Giữ thời giữ được, trông rày hẳn không.

Tự sinh, tự bản vô cùng,

Có từ trời đất còn không có gì.

Sinh trời, đinh đất ra uy,

Quỉ thần âu cũng là tùy sở do.

Cao cao vô tận khôn đò,

Cao hơn Thái cực vẫn cho là thường.

Thẳm sâu sâu mấy ngàn muôn,

Sâu hơn vũ trụ mà nhường không hay.

Lâu lai nào kể tháng ngày,

Trước trời, trước đất, lâu này lâu chi.

Sống từ muôn thủa vẫn y,

Ngàn muôn tuổi thọ đã gì già nua…

Hi Vi, Hoàng Đế, Kiên Ngô,

Kham Phi, Chuyên Húc, đã nhờ thần thông.

Đạo trời soi sáng cõi lòng,

Mới thành thần thánh, sống cùng trời mây.

Lão Bành, Phó Duyệt nhờ tay,

Ngung Cường, Vương Mẫu may thay được Ngài,

Mới nên thần thánh tuyệt vời.

Ngự cung Thiếu Quảng, chơi nơi Ngân Hà.

Biết bao thỏ lặn ác tà,

Hai vầng nhật nguyệt khôn qua đạo Trời.

Kìa như Bắc đẩu thảnh thơi,

Cũng nhờ Đạo cả mới ngôi Cửu trùng.

Đạo trời ngẫm thật vô cùng,

Bao nhiêu quyền phép thần thông nhiệm mầu.

Để giải thích chữ Đạo rõ hơn, tôi xin mượn lời Hoài Nam Tử, trong thiên Nguyên Đạo huấn, mà trình bày như sau:

Hóa công chở đất che trời,

Mênh mông bốn hướng chơi vơi tám tầng.

Cao cao vô tận vô ngần,

Thẳm sâu sâu mấy muôn tầm đo sao.

Trùm trời mà đất cũng bao,

Vô hình vô tượng, nhẽ nào hình dung.

Nguồn tung, suối tỏa tưng bừng,

Ngỡ là sắp cạn bỗng dưng đầy tràn.

Ào ào cuồn cuộn vang vang,

Ngỡ là vẩn đục, vẫn hoàn trong veo.

Giồng lên đất ngợp trời teo,

Tung ra bốn biển có chiều mung lung.

Ra tay linh diệu khôn cùng,

Quang âm khôn cản dặm chừng vân du.

Khi tung trời đất không vừa,

Khi thu nhỏ xíu lọt vừa nắm tay.

Tuy co mà giãn như mây,

Tuy mờ mà sáng như ngày nắng chang.

Tơ non mà rất cương cường,

Mềm nhung mà rắn in tuồng thép gang.

Gồm tứ đức vai mang tuế nguyệt,

Ngất trời mây soi hết trăng sao.

Mịn màng thắm thiết biết bao,

Tế vi tiêm tất tả sao cho cùng.

Núi nhờ thế mà tung cao vút.

Vực dựa uy sâu vút ngàn trùng.

Ngài cho thú chạy trong rừng,

Chi chim tung cánh chín từng mây xanh.

Ngài tô ánh quang minh nhật nguyệt,

Ngài rong cương ruổi hết tinh huy.

Kỳ lân đùa rỡn cũng vì,

Phượng long bay bổng quyền uy không ngoài.

Đời thái cổ có hai hoàng đế,

Nhờ ơn Ngài chỉ vẽ trước sau,

Mới nên nhân đức nhiệm mầu,

Thần thông hóa đục đứng đầu muôn phương.

Quyền uy Ngài khôn lường khôn tả,

Rung cả trời lắng cả đất đai.

Quay cho trời đất vần xoay,

Xô cho nước chảy đêm ngày chẳng thôi.

Thủy chung để sánh vai muôn vật,

Thổi gió giông ủ ấp làn mây.

Việc gì cũng có dúng tay,

Ầm ầm sấm động mây bay tỏ quyền…

  1. Đạo vì phóng xuất ra muôn loài, nên Đạo ở khắp mọi nơi, tiềm ẩn ngay trong lòng vạn hữu.

Đông Quách Tử hỏi Trang Tử:

- Cái gọi là Đạo ở đâu?

- Không có chỗ nào mà không có Nó.

- Xin chỉ ra mới được.

- Trong con kiến.

- Thấp hơn nữa.

- Trong miếng sành vỡ.

- Thấp hơn nữa.

- Trong cục phẩn.

Đông Quách Tử không hỏi nữa. Trang Tử nói: Lời hỏi của ông không đi đến đâu cả. Nó giống cách người giám thị dùng để xem heo gầy béo ra sao, cứ mỗi lần đạp trên lưng heo là một lần ấn mạnh cẳng xuống thêm. Vì thế người ta mới gọi Đạo là lớn, là tuyệt luân, là toàn bích, là phổ quát, là viên mãn. Tất cả những từ ngữ ấy đều áp dụng cho một thực thể duy nhất, đó là Bản thể vũ trụ. (Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Tri Bắc Du).

  1. Nếu Đạo đã ở khắp mọi nơi, ở trong mọi vật, thì Đạo dĩ nhiên phải xui khiến cho mọi vật biến thiên, sống động một cách hoàn hảo. Như vậy, người hiểu Đạo, sẽ không dùng tiểu trí, tiểu năng của mình mà gàng quải cuộc sống hồn nhiên của muôn vật, đừng đem nhân vi, nhân tạo mà làm loạn thiên vi, thiên tạo.

Trang Tử nói: «Đừng lấy người làm hại Trời» (Vô dĩ nhân diệt thiên - Thu Thủy) chính là vì ý đó.

«Một người nước Tống lấy ngọc chạm trổ thành một lá dó, để dâng vua, ba năm mới xong. Đầu nhọn, chỗ mỏng, sống, cuống, lông, gai đều tinh vi, láng bóng, để chung với cái lá dó thật, không sao phân biệt được. Người đó nhờ tài khéo mà được vua Tống khen, cấp lương bổng cho. Liệt Tử nghe nói bảo: «Trời đất khi sinh vạn vật này mà phải mất ba năm mới thành một cái lá, thì ít cây có lá lắm! Cho nên thánh nhân trông vào cái Đạo mà cải hóa chứ không trông vào trí xảo.» (Liệt Tử VIII. - Nguyễn Hiến Lê, Liệt Tử và Dương tử, tr.126)

Trang Tử viết trong thiên Chí Lạc:

«Xưa kia có con chim biển đậu ở cửa thành nước Lỗ … Lỗ hầu ngự ra nghênh tiếp, rước về chuốc rượu ở đền Thái miếu, cho tấu nhạc Cửu thiều cho nó vui, giết trâu bò mời nó ăn. Chim ấy ngó dớn dác, bộ sầu bi không dám ăn, dám uống. Cách ba hôm thì chết. Đó là dùng cách nuôi người mà nuôi chim. Nếu như muốn dùng cách nuôi chim mà nuôi chim, thì phải để cho nó đậu ở rừng sâu, dạo ngoài gò đất, trôi nổi sông hồ, kiếm ăn lươn cá, đỗ theo hàng liệt, thích đâu ở đó. Cứ nghe người nói là nó không ưa rồi, lựa là còn đem tiếng nhạc mà làm cho nó kinh tâm…» (Nguyễn Duy Cần, Trang Tử Nam Hoa Kinh, tr. 73).

Chính vì vậy mà Lão Trang không muốn rây vào chuyện người khác, không muốn cai trị người khác.

Lão Tử viết:

Những muốn nặn, muốn nhào thiên hạ,

Suy cho cùng chẳng khá được nào.

Lòng người nghệ phẩm tối cao,

Ai cho ta nặn ta nhào tự do.

Ngao ngán kẻ mưu đồ như vậy,

Chẳng chóng chày hủy hoại lòng người.

Lòng người ai nắm giữ hoài,

Già tay nắn bóp, bao đời tiêu ma.

Người trần thế muôn hoa đua nở,

Có nhanh chân cũng có chậm chân.

Người nóng nảy, kẻ lân chần,

Người in gang thép, kẻ thuần đào tơ.

Người kiên gan, kẻ như cánh bướm,

Nên thánh hiền sùng thượng chữ khoan.

Chỉ ngăn quá lạm cực đoan,

Quá giàu, quá chướng, quá ham tiền tài. (ĐĐK, 29)

Cho nên về phương diện chính trị, Lão Trang khuyên vua chúa đừng nên nhiễu sự, quấy dân, vì “nhất tác sinh nhất tệ”, “sinh sự thì sự sinh”. Trang Tử là người ghét cay ghét đắng những điều nhân vi, nhân tạo, tù túng con người, làm hư hỏng Thiên chân nơi con người. Nơi thiên Mã đề, ông viết đại khái như sau:

Kìa thiên hạ ung dung tự tại,

Sống đơn sơ vui với muông chim.

Sống đời mộc mạc tự nhiên,

Thung dung cùng Đạo một niềm sắt son.

Vì đâu nên mỏi mòn nhớn nhác?

Vì đâu nên tan tác phân ly?

Bày ra nhân nghĩa mà chi?

Để cho thiên hạ suy vi tần phiền?

Gỗ không nát sao nên được chén,

Ngọc không tan sao vẹn chương khuê?

Đạo tan đức nát ê chề,

Mới bày ra được những bề nghĩa nhân.

Loạn năm sắc mới văn, mới vẻ,

Rối âm thanh bày vẽ đàn ca.

Ai làm đạo đức xác xơ,

Lập ra nhân nghĩa vẩn vơ hại đời.

Lập nghi lễ, hình hài trói buộc,

Lập nghĩa nhân, bày chước ủi an.

Lòng người vì thế ly tan,

Khôn ngoan càng lắm, gian ngoan càng nhiều.

Trong thiên Biền mẫu, Trang Tử lại viết đại khái như sau:

Vậy đừng có suy bì, vẽ sự,

Đừng chia phôi quân tử, tiểu nhân.

Đã cùng đánh mất Thiên chân,

Dù phân biệt hão cũng ngần ấy thôi.

Đem thiên tính làm tôi nhân nghĩa,

Giỏi Sử, Tăng ta kể như không.

Vì ăn mà tổn tấc lòng,

Du nhi có giỏi chớ hòng ta khen.

Đem nhã nhạc đảo điên tính khí,

Sư Khoáng kia nào quí chi đâu.

Tính trời lệ thuộc năm mầu.

Ly Chu ta cũng trước sau coi hèn.

Ta sau trước chỉ khen đạo đức,

Phục tính Trời chẳng phục nghĩa nhân.

Thông minh chẳng tại kiến văn,

Mà do tìm được cốt căn của mình.

Bỏ căn cốt thông minh đâu nữa?

Đạo Chích kia cũng lứa Bá Di.

Đều là đắm đuối sân si,

Đều là thiên lệch có gì khác đâu!

Nên ta chẳng tìm cầu nhân nghĩa,

Chẳng mơ mòng dâm tị đảo điên.

Cốt sao giữ vẹn căn nguyên,

Tính Trời cốt giữ tinh tuyền trước sau.

  1. Đã không gàng quải thiên nhiên, đã không kiềm chế cầm thú, đã không cai trị đồng loại, bậc chí nhân theo Lão Trang còn có gì mà làm?

Thưa: TRỊ THÂN (Trang Tử, Tại Hựu, C) để được trường cửu về phương diện tinh thần.

Muốn trị thân, con người phải:

  1. Dưỡng sinh tức là sống Khỏe.
  2. Vui theo mệnh trời tức là Sống vui, chết vui.
  3. Sống hòa đồng với Đạo tức là Sống siêu thoát.
  4. Dưỡng sinh theo Lão Trang, chỉ là sống một cuộc sống thảnh thơi, khỏe mạnh cho đến chết, chỉ là sống đủ số năm tháng trời dành cho mình.

Trang Tử viết: «Cái sống của ta đã thọ nơi trời đất hãy biết giữ gìn nó cho tới cùng tột, đừng bao giờ làm cho nó hư hoại trước giờ hạn định của nó.» (Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Đại Tông Sư, A).

Liệt Tử chống lại quan niệm muốn sống lâu quá số trời.

Ông viết: «Vua Tề Cảnh Công đi chơi núi Ngưu Sơn, khi tới phía bắc quốc đô, thì ứa lệ than thở:

- Đẹp thay nước ta! Cây cỏ tươi tốt, sum xuê, dầm dề sương mai kìa. Rồi đây ta phải chết mà bỏ nước này ư? Nếu tự cổ không ai chết, mà nếu quả nhân phải từ biệt nước này thì sẽ đi đâu?

Viên sử quan họ Khổng và Lương Khâu Cứ đi theo hầu, đều nhỏ lệ, tâu:

- Bọn hạ thần chúng tôi đội ăn đại vương mà ăn rau và thịt, thường được ngồi xe xấu, ngựa còm, mà còn không muốn chết, huống hồ đại vương.

Duy có Án Tử đứng bên là cười. Cảnh Công chùi nước mắt, quay lại hỏi Án Tử:

- Hôm nay quả nhân đi chơi mà xúc cảm sinh buồn, Khổng và Cứ đều khóc theo quả nhân, riêng ông cười là tại sao?

Án Tử đáp:

- Nếu những bậc hiền tài mà cứ sống hoài thì các đức Thái Công và Hoàn Công còn sống đến ngày nay. Nếu những người dũng cảm mà sống hoài thì đức Trang Công, Linh Công còn sống đến ngày nay. Nếu tất cả những vị đó còn sống đến ngày nay, thì nhà vua tất bận áo tơi, đội nón lá mà đứng ở giữa đồng, lo việc ruộng nương, chứ đâu được nhàn hạ mà nghĩ tới chết như vậy. Nhà vua đâu được lên ngôi như vậy? Nhờ cái lẽ thay phiên nhau kẻ ở người đi, nên ngôi vua đó mới đến đại vương. Đại vương chỉ vì vậy mà khóc thì quả là bất nhân quá. Thần thấy một ông vua bất nhân, lại thấy những bề tôi nịnh hót này, mới riêng cười thầm.

Cảnh Công xấu hổ, nâng chén rượu lên uống để tự phạt mình, rồi phạt hai người bề tôi mỗi người hai chén.» (Nguyễn Hiến Lê, Liệt Tử và Dương tử, Lá Bối, 1972, VI, 12, tr. 113- 115).

Như vậy Lão Trang chỉ mong sống cho đủ số năm trời đã hạn định cho mình, chứ không mong cho cái hình hài này được sống mãi cùng với trời đất.

Thực ra chỉ có tinh thần mới tồn tại mãi được.

Hiểu được điều này cho thấu đáo ta mới thấy tất cả các phương thuật sau này để luyện cho thân xác sống lâu muôn tuổi đều là bàng môn tả đạo, đều là huyễn vọng, ảo tưởng, và chỉ có thể đưa đến những thất bại chua cay. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này.

Chính Lão Trang cũng không tránh cái chết, vì Ngài đã hiểu thế nào là Trường sinh.

Nơi chương 33 Đạo Đức Kinh, Ngài viết:

«Tử nhi bất vong giả thọ» 死 而 不 亡 者 壽 (Chết mà không hết đó là thọ trường). Quan niệm trên thực là hết sức chính đáng. Con người sinh ra ở đời, không phải cứ chết là hết. Hãy xem các bậc thánh hiền: Các ngài chết đi nhưng ảnh hưởng các ngài vẫn còn tồn tại, và hơn thế nữa, càng ngày ảnh hưởng đó càng lan rộng. Các ngài vẫn được dân chúng sùng thượng. Như vậy đúng là: Tử nhi bất vong vậy.

- Làm thế nào để dưỡng sinh, để sống cho đủ số năm tháng trời đã hạn định.

Đại khái Lão Trang cho rằng:

- Phải biết phòng bệnh.

- Phải sống mực thước tiết độ, đừng làm hao tán khí lực tâm thần.

- Hãy sống một cuộc đời tĩnh lãng, thung dung thoải mái, đừng để cho ngoại vật khiên dẫn.

Đạo Đức Kinh nơi chương 71, viết:

«Bệnh nàn mà biết lo âu,

Rồi ra mới được trước sau khang cường.

Thánh nhân bệnh hoạn chẳng vương,

Vì hay phòng bệnh nên thường khang an.»

Đạo Đức Kinh nơi chương 46 viết:

«Nguy thay những kẻ bon chen

(Suốt đời chẳng lửng dạ thèm khát khao.)

Hại thay những kẻ vơ vào,

(Vơ vơ vét vét, biết bao giờ cùng).

Ở đời muốn được thung dung,

Nhiều no, ít đủ, ta không phàn nàn.»

Đạo Đức Kinh nơi chương 52 viết:

«Âm thầm ấp ủ tấc son,

Một đời trần cấu chẳng mòn mỏi ai.

Mặc ai đày đọa hình hài,

Một đời tất tưởi, phí hoài tâm thân.»

Và đây là chủ trương của Trang Tử:

Hoàng Đế thưa cùng Quảng Thành Tử: «Tôi nghe rằng Ngài đã đạt tới chí đạo. Dám hỏi về phép Trị thân; làm sao để có thể trường cửu?» - Quảng Thành Tử vùng dậy mà nói: «Câu hỏi rất hay, lại đây, ta sẽ chỉ dạy cho nhà ngươi cái đạo cao siêu. Cái tinh hoa của Đạo cao siêu thì mờ mờ mịt mịt, cái cực điểm của đạo cao siêu thời tối tăm, lặng lẽ. Người đừng nghe, đừng nhìn. Lấy tĩnh lãng ôm ấp cái thân thời hình hài nhiên hậu sẽ hẳn hoi. Hãy tĩnh, hãy thanh, đừng mệt cái hình, đừng động cái tinh. Như vậy thời có thể trường sinh.» (Nam Hoa Kinh, Tại Hựu XI, C).

Hoàng Đế Nội Kinh đúng theo truyền thống Lão Trang đã trình bày về phương pháp dưỡng sinh như sau:

«Hoàng đế hỏi Thiên sư rằng: Tôi nghe người đời thượng cổ đều sống tới linh trăm tuổi, mà sức khỏe không hao sút, đến người đời nay mới 50 mà sức khỏe đã kém sút. Đó là vì thời thế khác chăng? Hay là lỗi tại người chăng?

«Kỳ Bá thưa rằng: “Về đời thượng cổ, những người biết Đạo, bắt chước Âm Dương, điều hòa thuật số, uống ăn có mức, khởi cư có thường, không làm quá sức, cho nên gìn giữ được cả hình hài và tinh thần, sống trọn số trời, linh trăm tuổi mới thác.

«Người đời nay, thì không thế: lấy rượu thay làm nước uống, lấy càn bậy làm sự thường, đang lúc say lại nhập phòng: vì lòng dục làm kiệt mất tinh, hao tán mất khí chân nguyên; không biết giữ gìn cẩn thận, không biết điều dưỡng tinh thần, chỉ cốt cho được khoái tâm, không biết được cái thú dưỡng sinh, khởi cư không có điều độ … Cho nên mới độ 50 tuổi đã rất là suy yếu.

«Bậc thánh nhân đời thượng cổ đã răn dạy người dưới biết xa lánh hư tà tặc phong, trong lòng điềm đạm hư vô, chân khí thuận thủ, tinh thần bền vững, bậnh tật còn do đâu mà sinh ra được. Vì vậy nên chi sống nhàn mà ít dục, tâm yên mà không sợ, hình mệt mà không quá, chân khí điều hòa, mọi sự đều được mãn nguyện.

«Ăn đã đủ ăn, mặc đã đủ mặc, phong tục vui vẻ, trên dưới êm hòa, không hề ganh tị … Nên dân về thời kỳ đó gọi là Phác.

«Do đó những điều dâm tà không thể làm bận tâm họ, những điều ham muốn không thể làm mỏi mắt họ. Kẻ ngu, người khôn, người hay kẻ kém không phải sợ ngoại vật, nên mới hợp với đạo. Vì thế nên mới có thể sống linh trăm tuổi, mà sức khỏe vẫn không kém sút … Đó là bởi đức toàn vậy …» (Hoàng Đế Nội Kinh, Thượng cổ Thiên chân luận, Kinh Tố Vấn).

  1. Người hiểu Đạo chẳng những phải biết vui khi sống, mà lại phải vui cả khi chết, vì đó là Thiên mệnh.

«Khổng tử đi chơi núi Thái Sơn, gặp Vinh Khải Kì bận cái áo lông bằng da hươu, quần dây lưng bằng thừng vừa gảy đàn cầm vừa hát lang thang trên cánh đồng Choanh.

Khổng Tử hỏi cụ: Cụ có cái gì mà vui vậy?

Đáp: Ta có nhiều cái vui lắm. Trời sinh ra muôn loài, chỉ có người là quí, mà ta được làm người, đó là một cái vui. Đàn Ông so với đàn bà, đàn ông được trọng, đàn bà bị khinh, vậy đàn Ông là quí, mà ta lại là đàn ông, đó là hai cái vui. Có những kẻ sinh ra không được thấy mặt trời mặt trăng, còn bọc trong cái tả đã chết rồi, nay ta đã được chín chục tuổi, đó là ba cái vui. Nghèo là cảnh thường của kẻ sĩ, và chết là số phận của mọi người. Ở vào cảnh thường mà được số phận của mọi người, có gì mà buồn?

Khổng Tử bảo: Đạt quan như vậy sáng suốt thay!» (Nguyễn Hiến Lê, Liệt Tử và Dương Tử, tr. 100. Liệt Tử, 1,5).

«Tử Lai có bệnh, hơi thở mạnh, sắp chết. Vợ con bao chung quanh mà khóc ré lên. Tử Lê đến thăm, thấy vậy nói: “Đừng có khóc. Ra hết đi. Chớ làm kinh động người gần chết”. Rồi đứng dựa cửa nói với Tử Lai: Lạ thay Tạo hóa! Rồi đây không biết buộc anh làm gì, bắt anh đi chỗ nào? Bắt anh làm gan chuột, hay bắt anh làm cánh trùng? Tử Lai nói: Cha mẹ sai con đi đông tây nam bắc, thời con phải vâng mạng. Đối với người, âm dương còn hơn cha mẹ. Đó bắt ta chết, mà ta không vưng, là ta nghịch mạng. Vả trời đất lấy hình chở ta, lấy sống làm nhọc ta, lấy già làm khỏe ta, lấy chết làm yên ta. Trời đất tốt với ta lúc sống, thì cũng tốt với ta lúc chết.

Tỉ như thợ đúc nấu kim khí. Nếu kim khí đòi: Tôi chỉ muốn thành cây kiếm Mạc Gia mà thôi, ắt thợ đúc cho nó là kim khí bất tường. Cũng như một người kia lúc chết nói: Tôi chỉ muốn trở lại làm người mà thôi, ắt Tạo Hóa sẽ cho nó là người bất tường. Trời đất là lò lớn. Tạo Hóa là thợ đúc. Tạo Hóa đúc ra hình nào, ta phải chịu lấy.» (Nam Hoa Kinh, Đại Tông Sư - Nguyễn Duy Cần, Trang Tử tinh hoa, tr. 171).

Chết chẳng qua là từ một cảnh này đổi qua một cảnh khác. Từ cảnh này đổi qua cảnh khác mà lo sợ, thì là một việc lo sợ hão như cảnh nàng Lệ Cơ… «Nàng Lệ Cơ, con một vị quan trấn thủ phong cương xứ Ngại, gả về cho vua nước Tấn. Lúc xuất giá rơi lụy đâm bâu. Khi tới hoàng cung, cùng vua đồng sàng, nếm mùi sô hoạn, rồi nàng lại hối hận giọt lệ ngày xưa…» (Tề Vật luận - Nguyễn Duy Cần, Trang Tử Nam Hoa Kinh, tr.79).

Với một quan niệm lành mạnh về sống chết như vậy, nên nơi thiên Dưỡng sinh chủ, Trang Tử đã thẳng thắn nói là Lão Tử đã chết, trong khi những người theo đạo Lão sao này thường đưa ra luận điệu rằng Lão Tử đã trở nên bất tử.

Và như vầy thì những chuyện bạch nhật thăng thiên sau này của đạo Lão chỉ là những huyền thoại không hơn không kém.

Sách Tính Mệnh Khuê Chỉ, nơi cuối quyển I đã cho biết là từ trước đến nay đạo Lão đã có tất cả 10.000 tiên lên trời giữa ban ngày, người thì cưỡi rồng, người thì cưỡi hạc, người thì cưỡi cá, người thì cưỡi gió mà lên tiên. Trong số đó, còn có 8000 lên trời cùng với cả nhà cửa.

Rất tiếc là vào thời ta, chẳng ai được diễm phúc bạch nhật thăng thiên, cũng như được chứng kiến những vụ bạch nhật thăng thiên. Suốt ngày nhìn lên trời, chẳng thấy chân nhân đâu, mà chỉ thấy chim chóc bay lượn, mà chỉ thấy phi cơ các loại tung bay trên nền trời.

  1. Nhưng đối với Lão Trang, sống khỏe chưa đủ, sống vui chưa đủ, còn phải sống cho siêu thoát, còn phải tìm cho ra Đạo, còn phải trở về với Đạo, còn phải sống phối kết với Đạo.

Lão Tử viết:

«Muôn loài sinh hóa đa đoan,

Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên

Hoàn bản nguyên an nhiên phục mệnh,

Phục mệnh rồi trường vĩnh vô cùng.

Biết trường tồn mới là thông,

Trường tồn không biết ra lòng tác yêu.

Biết trường tồn muôn điều thư thái,

Lòng ung dung hưởng khoái công hầu.

Công hầu vương tước xa đâu,

Vượt thanh thần thánh lên bầu trời cao.

Lên trời thẳm hòa vào Đạo cả

Cùng đất trời muôn thủa trường sinh,

Xác tan chẳng hại chi mình.» (ĐĐK, ch.16)

Chương 10 Đạo Đức Kinh viết:

«Làm sao đem hết xác hồn

Hòa mình với Đạo chẳng còn lìa xa

Làm giữ vẹn tinh hoa,

Sống đời thanh thản như là Anh Nhi

Làm sao rũ sạch hà tì,

Gương lòng vằng vặc quang huy vẹn tuyền.

Thương dân trị nước cho yên,

Làm sao trong ấm ngoài êm mới là.

Cửa trời mở đóng lại qua,

Thuận theo chẳng dám phôi pha mệnh trời.

Muôn điều thông suốt khúc nhôi,

Ở sao vẫn tựa như người vô tri.

Những người đức hạnh huyền vi,

Dưỡng sinh muôn vật chẳng hề tâng công.

Sống đời vẫn tựa như không,

Cần cù lao tác chẳng mong đáp đền.

Giúp dân nhưng chẳng tranh quyền,

Ấy là đức hạnh nhiệm huyền siêu vi.»

Liệt Tử cho rằng: Muốn tìm được Đạo phải Hư Tâm. (Xem Liệt Tử, IV, 5. Nguyễn Hiến Lê, Liệt Tử và Dương Tử, tr. 145).

Và đây là sống Đạo theo Trang Tử:

«Tìm Trời phải quên đời, quên cảnh,

Quên phù sinh ảo ảnh bên ngoài.

Tâm hồn khi hết pha phôi,

Mới mong rực rỡ ảnh Trời hiện ra.

Đã thấy Đạo đâu là kim cổ,

Hết cổ kim vào chỗ trường sinh.

Ham sinh thời lại liêu linh,

Phù sinh chẳng chuộng, thần minh ấy là.

Hãy cố gắng vượt qua nhân nghĩa,

Hay quên đi nghi lễ của đời.

Quên mình quên cả hình hài,

Thông minh trí tuệ gác ngoài tâm linh.

Hãy hợp với vô hình vô tượng,

Cùng Đại Thông vô lượng sánh đôi.

Thế là được Đạo được Trời,

Thoát vòng biến hóa muôn đời trường sinh.

Ai chỉ vẽ sự tình sau trước,

Ấy Thày ta đại lược cho ta.

Thày ta muôn vậy điều hòa,

Mà nào kể nghĩa với là kể ơn,

Ban phúc trạch cho muôn thế hệ,

Mà chưa hề lấy thế làm nhân.

Trường tồn đã mấy muôn năm,

Mà chưa hề thấy có phần già nua.

Thày ta chở cùng che trời đất,

Lại ra tay điêu khắc muôn loài,

Thế mà một mực thảnh thơi,

Chưa hề có bảo là tài là hay.»

(Nam Hoa Kinh, Đại Tông Sư, các đoạn G. H. I. K.)

Các nhà bình giải đạo Lão trên thế giới ngày nay đều công nhận rằng: Tinh hoa Lão Trang cốt tại sự sống phối hợp với Đạo với Trời. Ngày nay người ta gọi thế là Đời sống huyền đồng, đời sống lý tưởng của các bậc thánh hiền trên thế giới không phân đạo giáo.

Đời sống Huyền đồng gồm ba giai đoạn:

  1. Tẩy tâm(Vie purgative)
  2. Viên giác(Vie illuminative)
  3. Phối thiên(Vie unitive)

Trang Tử đã mô tả rất kỹ lưỡng về các giai đoạn của con đường Phối kết với Trời với Đạo ấy:

  1. Trước hết là giai đoạn Hồi phục: Đừng để cho các công việc vụn vặt hằng ngày làm mình quên lãng mất bổn phận và mục phiêu tối hậu của cuộc đời. (Nam Hoa Kinh, Sơn Mộc XX, H)
  2. Thoát vòng kiềm tỏa của ngoại cảnh, bế tỏa giác quan (Nam Hoa Kinh, Tại Hữu XI, C), siêu xuất khỏi tầm tri thức, và hình tượng thông thường (Nam Hoa Kinh, Thiên Địa, XII, D) gạn đục khơi trong tâm hồn, mà Trang Tử gọi là Tầm trai, hay Hư Tâm (Nam Hoa Kinh, Nhân Gian Thế IV, A. Liệt Tử, IV, N)
  3. Tập trung tinh thần, xuất thần nhập định. Trang Tử gọi thế là Tọa Vong (Tề Vật luận, Đại tông sư, J).
  4. Cuối cùng là sống hòa đồng với Đạo.

Nơi Thiên Tri Bắc Du (XXII, C) Nam Hoa Kinh, Trang Tử viết:

«Khiết Khuyết hỏi Bị Y về Đạo. Bị Y bảo: «Hãy giữ thân hình cho ngay ngắn, hãy tập trung tinh thần vào Duy Nhất, Trời sẽ hòa điệu với bạn. Hãy thu nhiếp trí lự, hãy hợp nhất với Tuyệt đối, Thần sẽ giáng xuống lòng bạn, đức sẽ trở nên vẻ đẹp của bạn, Đạo sẽ là nhà của bạn. Bạn hãy sống hồn nhiên ngây thơ như con nghé mới sinh, đừng tìm duyên cơ mà chi.» Nói chưa dứt lời, Khiết khuyết đã ngủ say (nhập định). Bị Y rất đẹp lòng, vừa đi vừa hát: «Xác như xương khô, Lòng như tro nguội, đã có chân tri, sá gì duyên cớ… Mịt mịt mờ mờ, vô tâm khinh khoát, người ấy là ai?»

Chuyện này có mục đích cho ta thấy con người có siêu xuất lên trên tâm tình, trí lự, có định tĩnh, vô vi, thì mới có thể tiến được vào cõi tâm linh siêu việt.

- Sống hòa mình với Đạo, Lão cũng như Trang gọi thế là Vô vi. Vô vi đây không phải là không làm, nhưng là một thứ hành động trác tuyệt, một đời sống siêu phàm, làm cho con người sống hợp nhất với Thượng đế. Chính vì vậy mà Đại sư Cưu Ma La Thập xưa đã dùng hai chữ Vô vi để dịch chữ Niết Bàn của Phật giáo. Lão Tử còn gọi đời sống này là Phối Thiên (ĐĐK 68), là Bảo Nhất (ĐĐK, 10). Trang Tử gọi thế là Đắc Nhất (Nam Hoa Kinh, Thiên Địa XII, A) là Hưu hồ Thiên quân (An nghỉ trong Thượng đế. Tề vật luận II, C), là Đắc kỳ hoàn trung (Nắm được điểm Trung của vòng tròn. (Tề vật luận II, C). Con người hoàn hảo như vậy Lão Trang gọi là Chân nhân (Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Đại Tông Sư VI, A), hay Thiên Tử (Con Trời. Canh tang Sở, XXII, B).

Trang Tử viết: «Con người giác ngộ sẽ phát huệ, sẽ rũ bỏ hết những gì nhân tạo, chỉ còn thuần những gì thiên tạo. Ai mà đạt tới mức độ đó mới được gọi là dân trời (Thiên dân) hay con Trời (Thiên tử).» (Canh Tang Sở XXII, D. Nhân gian thế IV, A).

III. NHỮNG BIẾN THÁI CỦA ĐẠO LÃO QUA CÁC THỜI ĐẠI

Đạo Lão theo đà thời gian đã khoác nhiều bộ mặt khác nhau:

- Biến thái thứ 1 là từ một triết thuyết, một nghệ thuật sống, một đạo huyền đồng siêu việt, dành cho một ít ẩn sĩ siêu phàm, đạo Lão đã trở thành một tôn giáo ẩn sâu vào lòng quần chúng với những tín ngưỡng, những phù chú ma thuật, những đền miếu, những lễ nghi thờ phụng.

Đạo, hay Nguyên lý tối cao lúc ban đầu dần dần được hình dung hóa, nhân cách hóa thành Thái Nhất, Nguyên Thủy Thiên Tôn hay Ngọc Hoàng Thượng đế. Lão Tử được suy tôn thành Thái Thượng Lão Quân và được tôn sùng như là hiện thân của Thượng đế từ đời nhà Hán.

Đó là công trình của các vua nhà Hán như Hán Văn Đế (179-156) Hán Vũ Đế (140-86) các vua nhà Đường như Đường Cao Tổ Lý Uyên (620-627), Đường Huyền Tông (713-756), Hiến Tông (806-820), Mục Tông (821-825), Vũ Tông (841- 847), các vua nhà Tống như Tống Chân Tông (998-1023), Tống Huy Tông (1101-1126), các vị Thiên sư, cái vị đạo sĩ như Trương Đạo Lăng, Trương Giác, Trương Lỗ, Trương Tu, Trịnh Tư Viễn, Khấu Khiêm Chi, Bão Phác Tử v.v… Về phương diện đạo giáo, đạo Lão đã đặt nặng vấn đề giao tiếp với thần tiên, cầu trường sinh bất tử.

- Biến thái thứ 2 của đạo lão là bùa chú, phù thủy môn, hô phong, hoán võ, hô thần, trừ quỉ v.v… Đó là những bí thuật của các thầy phù thủy pháp môn, mà ngày nay rất ít người biết được.

- Biến thái thứ 3 của đạo Lão là các phương thuật dưỡng hình, dưỡng sinh với của thủ thuật, công phu như:

. Đạo dẫn, ma sát.

. Võ công như Bát đoạn cẩm, Lục đoạn cẩm, Thái cực quyền.

. Khí công tức là vận khí điều tức.

. Tĩnh công tức là đặt nặng vấn đề giữ yên tâm thần, định hồn phách.

- Biến thái thứ 4 là đi tìm các phương dược để bổ dưỡng thân tâm.

Chính vì thế mà đã có một số đạo sĩ đã trở thành những y sư danh tiếng như Đào Hoằng Cảnh (452-536), Cát Hồng (281-340), Tôn Tư Mạc (581-682) v.v…

- Biến thái thứ 5 của đạo lão là chủ trương sống thoát vòng cương tỏa của xã hội, sống tùy ý, tùy thích. Đó là chủ trương của Trúc Lâm thất hiền thời Tam quốc gồm các nhân vật như Nguyễn Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàm, Sơn Đạo, Hướng Tú, Vương Nhung…

- Biến thái thứ 6 của đạo Lão là luyện nội đan để cầu Trường sinh bất tử mà người chủ xướng là Ngụy Bá Dương thời Hán (thế kỷ 2) tác giả bộ Tham Đồng Khế.

Phương pháp luyện nội đơn này chẳng qua là vận khí, điều tức, tập trung tâm thần để đi đến chỗ xuất thần huyền hóa. Cho nên, tuy dùng những thuật ngữ đặc biệt, nhưng bộ mặt thực của khoa luyện nội đơn cũng chỉ là tu luyện tâm thần để đi đến chỗ phối kết với Trời với Đạo, mà ta đã đề cập đến rất nhiều ở bên trên.

- Biến thái thứ 7 của đạo Lão là những phương thuật luyện ngoại đơn, gồm tất cả các phương thức làm cho thân xác trở nên khinh phiêu bất tử.

Từ thế kỷ thứ 4 trước Tây lịch, Tống Vô Kỵ học trò Tiện Môn Tử Cao đã có chủ trương rằng con người có thể thoát xác để trường sinh. Rồi tiếp đến có Bão Phác Tử một người đã dùng cả đời để luyện thuốc trường sinh. Công cuộc cầu trường sinh này gồm:

- Phương pháp Tịch cốc để cho cơ thể trở nên nhẹ nhàng, tinh khiết.

- Hấp thụ khí âm dương tinh hoa của trời đất. Tắm ánh sáng mặt trời để hấp thụ khí dương. Uống sương móc hứng giữa thinh không lúc ban đêm để hấp thụ tinh hoa của khí Âm.

- Dùng những loại kim thạch, tinh hoa của âm dương để luyện thành kim đơn mà uống.

Người xưa cho rằng Lưu Hoàng (Soufre) và Vàng là tinh hoa của Dương. Những chất liệu trên không thể dùng thẳng được nên cần phải chuyển biến tinh luyện.

Muốn ăn Lưu Hoàng người ta dùng Đơn Sa hay Chu Sa hay Thần Sa (Cinabre) tức là một hợp chất gồm Thủy ngân và Lưu Hoàng (S2Hg).

Muốn điều chế vàng nhân tạo người ta dùng Chì có pha bạc hay Thạch tín (Plomb argentifère hay arsénifère). Điều chế chất chì này người ta được Hùng hoàng (Sulfure d’arsenic rouge) hay Thư Hoàng (Sulfure d’arsenic jaune) mà người ta coi như là vàng nhân tạo.

Đơn Sa, Chu Sa, Thần Sa và Hùng Hoàng, Thư Hoàng sau này được coi là linh đơn, hay ít nữa là được coi là những chất liệu chính dùng để chế linh đơn.

Đọc những thành phần các chất liệu dùng để luyện linh đơn như thấy trong bài Bát quỳnh đơn hay Cửu chuyển hoàn đơn, ta thấy chúng toàn là những loại kim thạch tối độc cho cơ thể con người. Hậu quả là các vua chúa đã uống qua linh đơn đều trở nên điên cuồng hay chết non ví dụ:

- Ai Đế nhà Đông Tấn (361-366)

- Đường Hiến Tông (805-820)

- Đường Mục Tông (820-824)

- Đường Vũ Tông (840-847)

Vị tiên ông chuyên luyện thuốc trường sinh là Cát Hồng Bão Phác tử cũng chỉ hưởng thọ có 61 tuổi.

Sau khi thấy các linh đơn rất là nguy hiểm, các vua chúa đã có những phản ứng khác nhau như sau:

  1. Ra lệnh hành quyết hết các thầy luyện đan như đời vua Đường Y Tông (860).
  2. Nhận thuốc trường sinh, nhưng chỉ sẽ uống lúc hấp hối như vua Văn Tuyên Đế nhà Bắc Tề (550-559).
  3. Bắt các tử tội phải thí nghiệm thuốc trường sinh như trường hợp vua nước Ngụy là Đạo Vũ Đế đã làm năm 400.

Nhà văn hào Tô Đông Pha được biếu thuốc trường sinh, đã viết thư cho bạn như sau: “Mới đây đệ có nhận được một ít chu sa thần dược màu tuyệt đẹp, nhưng đệ không đủ can đảm dùng linh đan ấy.” (Xem Trần Văn Tích, Tư tưởng Lão Trang trong Y thuật đông phương, tr. 141).

  1. NHỮNG ĐIỀU CHÚNG TA CÓ THỂ HỌC NƠI LÃO TRANG

Những trình bày và nhận xét trên đã cho chúng ta thấy:

- Phương pháp luyện ngoại đơn đã hoàn toàn thất bại.

- Chủ trương xác thân con người có thể nhờ dược liệu, nhờ công phu tu luyện mà trở nên bất tử được chỉ là một ảo vọng, vì hễ là hợp chất, tạp chất thời trước sau cũng phải ly tan. Mà Á Đông vẫn cho thân này là Tứ đại giả hợp thì làm sao mà trường cửu được cho cam?

- Những chuyện con người có thể bạch nhật thăng thiên cũng là những chuyện huyền thoại hoang đường.

- Những ma thuật phù chú sẽ dần dần đưa dân chúng vào một thế giới nghi kỵ lẫn nhau, và sợ hãi lẫn nhau. Đời xưa khi vua Hán Vũ Đế lâm bệnh, triều đình đã giết trước sau cả vạn người vì nghi là đã trù ếm vua.

- Chủ trương con người có thể tịch cốc để cho xác thân trở nên phiêu bồng bất tử cũng đi ngược lại với định luật thiên nhiên.

- Còn như nói rằng con người cần phải dưỡng sinh, cần phải phòng bệnh, ăn ở cho sạch sẽ, ăn uống cho có tiết độ, lao tác sống động cho có chừng mực, đừng quá lao tâm lao lực, giữ cho lòng mình ung dung thoải mái, hồn nhiên khinh khoát, để sống cho khỏe mạnh, để sống cho trọn tuổi đời thì là những bài học hết sức là khôn ngoan và hữu lý, rất đáng cho chúng ta theo.

- Quan niệm vui sống, vui chết là một quan niệm hết sức là hào sảng. Thái độ này sẽ làm cho chúng ta sống bình thản hồn nhiên hết mọi lo âu, sợ hãi.

- Lão Trang lại còn chủ trương sống theo thiên nhiên, rũ bỏ nhân tạo. Đó là một chủ trương hết sức đẹp đẽ, cao siêu, nếu hiểu và áp dụng cho đúng đắn, nhất là vào thời buổi văn minh này, con người đang bị đủ mọi thứ gông cùm ngoại cảnh, lý thuyết, xã hội, tập quán, chính trị, văn minh vật chất buộc ràng, những bậc thức giả cũng nên rũ bỏ bớt những gì nhân vi, nhân tạo, rũ bỏ những gì giả tạo, bôi bác mà sống một cuộc sống đơn thuần, thành khẩn, an nhiên.

- Cao siêu nhất là lời kêu gọi của Lão Trang khuyên ta tìm về với Thiên Chân, trở về với Đạo với Trời.

Thiết tưởng chúng ta nên nghe theo lời kêu gọi đó mà rũ bỏ bớt những kiến thức đa đoan phù phiếm của tiểu trí để mà có cái nhìn bao quát của những bậc đại trí, đại huệ, thấy rằng mình hồn dung liên kết với Đạo, với Trời với vũ trụ vạn hữu, để mà sống cho khinh phiêu siêu thoát, tẩy rửa tâm tư cho sạch những tà tâm tà niệm, trở nên thuần nhất, tinh toàn, dữ Đạo hợp chân, dữ Thiên tương phối …

KẾT LUẬN

Như vậy Lão Trang đã cho chúng ta thấy rõ rằng mục đích của đời người là thực hiện thiên chân, thực hiện Đạo thể.

Con người chúng ta sinh ra ở đời có Tiểu dụng, có Đại dụng mà cũng có Vô dụng. Tiểu dụng là phao phí cuộc đời mình vào những mục phiêu, và những công cuộc hèn hạ.

Đại dụng là dùng cuộc đời mình vào những mục tiêu những công cuộc cao đại.

Còn Vô dụng theo Lão Trang là dùng cuộc đời mình để siêu xuất quần sinh, sống huyền hóa với Đạo với Trời.

Trong đường lối tư tưởng đó, tôi xin mạn phép dùng lời lẽ thiên Tiêu Diêu Du của Trang Tử mà kết luận như sau:

«Hồn ta hỡi hãy phiêu diêu,

Tung đôi cánh rộng khinh phiêu chín tầng.

Hãy tung cánh chim bằng muôn dặm,

Cưỡi gió mây bay thẳng về Nam.

Bay về quê cũ giang san,

Hồ Trời vùng vẫy miên man thỏa tình.

Mặc nhân thế rẻ khinh đàm tiếu,

Óc phàm phu sao hiểu chí nhân…

Vùi thân trong chốn gian trần,

Họ như ve sẻ qua lần tháng năm,

Tầm mắt hẹp mà tâm ti tiểu,

Kiếp phù du nào hiểu chi đâu.

Thân lươn bao quản lấm đầu,

Cốt sao cho khỏi co cầu thì thôi.

Phận sâu bọ đành rồi sâu bọ,

Thân nấm rêu nào rõ tuần trăng.

Ve sầu nào biết thu xuân,

Minh linh ngoài mấy, vạn năm hay gì.

Như Bành Tô có chi là thọ,

Mà chúng nhân quá cỡ tan dương.

Người vui tước phận lý hương,

Người vui mũ áo xênh xang trị vì.

Kìa Liệt Tử thích đi mây gió,

Cưỡi gió mây đây đỡ thỏa lòng.

Còn ta khinh khoát vô cùng,

Sánh vai nhật nguyệt vẫy vùng khinh phiêu.

Quên mình quên hết mọi điều,

Quên tên quên cả bao nhiêu công trình.

Sống đời sống thần linh sảng khoái,

Như Hứa Đô chẳng đoái công hầu.

Sống ăn nào có chi đâu,

Mà lo với lắng cho rầu lòng ai.

Ta chẳng nói những bài phách lối,

Lời của ta đâu nỗi hoang đường.

Lời ta minh chính đàng hoàng,

Vì người không hiểu trách quàng trách xiêu.

Kẻ mù tối sao xem màu sắc,

Người điếc tai sao bắt âm thanh.

Cho nên những kẻ vô minh,

Tối tăm ù cạc ngọn ngành hiểu chi.

Sao biết được uy nghi sang cả,

Của những người huyền hóa siêu linh.

Đất trời gom tóm trong mình,

Lồng vào muôn vật sự tình nào hai.

Dầu sóng cả ngất trời không đắm,

Dầu nóng nung cũng chẳng làm sao.

Trời mây mặc sức tiêu dao,

Cho dù Nghiêu Thuấn dễ nào sánh vai.

Kiếp sống nọ mấy ai biết dùng,

Biết cách dùng cho đúng cho hay.

Có dưa năm hạch trong tay,

Bổ ra năm bảy, dưa nào vứt đi.

Nhưng nếu biết để y như trước,

Dùng làm phao sống nước nó băng.

Đổi “bất qui thủ” lấy vàng,

Ngỡ là đã khéo tính toán lãi lời.

Ai ngờ nó giúp Ngô thắng Việt,

Giúp chủ nhân mãn kiếp vinh quang.

Biết dùng thời thực mênh mang,

Dùng sai dùng dở oán than nỗi gì.

Nhưng hay nhất là khi vô dụng,

Thoát vòng đời tù túng lợi danh.

Sống trong Vô cực siêu linh,

Xa bể khổ ải mặc tình nhởn nhơ…»

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh