Ít Nhiều Cảm Nghĩ Về Văn Hoá Dân Tộc

ÍT NHIỀU CẢM NGHĨ VỀ VĂN HOÁ DÂN TỘC

Cách đây chừng hơn hai tháng cụ Chân Thiện Minh, văn hóa vụ trưởng có ý ngỏ nhờ tôi thuyết trình về VĂN HOÁ DÂN TỘC.

Tôi tuy nhận lời, nhưng thú thật tôi rất ngại nói về đề tài này vì thấy nó khô khan như sa mạc, mơ hồ như sương thu, và hiểm hóc như con đường vào Ba Thục, cho nên, cứ lần lữa «nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng» tôi để ngày tháng qua đi mà vẫn chưa làm được gì cụ thể.

Thế nhưng kiếp tằm rồi ra cũng phải nhả tơ, rút cuộc tôi cũng phải bắt tay vào việc để viết nên bài thuyết trình khiêm tốn này với nhan đề:

ÍT NHIỀU CẢM NGHĨ VỀ VĂN HOÁ DÂN TỘC.

Với nhan đề khiêm tốn đó, quí vị sẽ thấy ngay là tôi không có tham vọng cầu toàn trách bị về văn hoá, nhất là về văn hóa dân tộc, mà chỉ muốn mạn đàm cùng một số thân hữu, mà chỉ muốn dùng những lời lẽ mộc mạc, chân thành đơn giản để trình bày vấn đề.

Tôi sẽ lần lượt trình bày :

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

1) Thử phân tách hai chữ Văn Hoá và chữ Culture

2) Ít nhiều định nghĩa về Văn Hoá

3) Văn Hoá Dân Tộc là gì

4) Ít nhiều đóng góp tôi vào nền văn hóa dân tộc

5) Người giáo hữu Cao Đài có thể đóng góp gì cho nền văn hoá dân tộc

Tổng kết

  1. THỬ PHÂN TÁCH HAI CHỮ VĂN HOÁ VÀ CULTURE.

Có thể nói được rằng khoảng sau thế chiến I, Đông Phương mới dùng hai chữ Văn Hoá để dịch chữ culture của Tây phương. Ở Việt Nam. thì tuy tạp chí Nam Phong mới bắt xuất bản từ 1917, nhưng mãi đến 1924, trong số 84 mới thấy Thượng Chi viết một bài nhan đề là Bàn phiếm về văn hoá Đông Tây (xem các trang 447 - 453 số báo trích dẫn). Trước kia người ta thường chỉ dùng chữ VĂN. Kinh Thư chẳng hạn đã dùng chữ VĂN, chữ Văn Giáo thay vì chữ Văn Hoá, trong các thiên Vũ Cống hạ, Đại Vũ Mô, và Vũ Thành.

Kinh Dịch nơi quẻ Bí đã cắt nghĩa thế nào là Văn và có đề cập đến Thiên Văn và Nhân Văn.

Dịch kinh viết: «Cương nhu giao thác, thiên văn dã. Văn minh dĩ chỉ nhân văn dã.» 剛 柔 交 錯 天 文 也. 文 明 以 止 人 文 也. Nương theo ý đó, chúng ta có thể giải rộng như sau :

Văn là văn vẻ, là vẻ đẹp. Mà văn vẻ là do những cặp mâu thuẫn: cương- nhu, âm- dương pha phách hoà hài với nhau mà sinh ra .

Ví dụ gọi là Thiên Văn, vì trên trời có mặt trăng mặt trời, sao to, sao nhỏ, sao sáng, sao mờ, sao đứng, sao chạy, có mây, có gió, có sấm, có chớp, tất cả những cái đó hoà hài pha trộn với nhau thành Thiên Văn.

Ví dụ gọi là Nhân Văn, vì ở trần gian này, có ngưòi hay, kẻ dở, người đẹp, kẻ xấu, người hướng ngoại, kẻ hướng nội, người ưa văn, kẻ trọng võ, người ưa lý tưởng, kẻ ưa thực tại, lúc sinh, lúc tử, lúc vui, lúc buồn, lúc sướng, lúc khổ, tất cả những cái đó pha trộn với nhau thành nhân văn. Và cảnh đời cứ thăng trầm, rò rẫm, diễn biến như vậy cho đến khi này tới mức huy hoàng, sán lạn mới thôi. Đó là nhân văn.

Ví dụ như một bức vẽ, thì cái vẻ đẹp là do sự khéo léo pha trộn giữa ánh sáng và bóng tối, giữa các màu sắc với nhau

Trước kia, tôi có một con phượng bằng trầm . Thay vì để con phượng đó có một màu đỏ của trầm mà thôi, thợ lại đem đốt nhiều chỗ cho trầm chảy nhựa ra thành ra mình phượng, cánh phượng có chỗ thì đen, có chỗ thì đỏ. Cụ Vương Hồng Sển đến chơi. nhận định rằng: Màu trầm đỏ cũng ví như là Dương, có Dương không chưa đủ, nên thợ lại phải tạo ra những vết đen, vết đen đó là Âm. Có Âm, có Dương, con phượng mới đẹp.

Hoá là gì? Hóa là cảm hóa, là thay đổi, là làm cho biến đổi. Đem cái hay cái đẹp truyền thụ cho người, mong biến đổi con người thành một ngưòi mới. đó chính là Văn Hóa.

Nói rằng trong con nguời có Phật tính, có Thiên tính chưa đủ, phải nói làm sao cho say sưa, cho khẩn thiết, cho mãnh liệt, để người nghe bị ánh mắt mình, bị cử chỉ mình, bị ngôn từ mình, bị tâm thần mình làm cho rung động, để cho họ thấy như có một luồng nhân điện chạy rạt rào trong người họ, để họ cảm kích nước mắt như muốn trào ra, để rồi lập tâm sống một cuộc đời mới hiên ngang hơn, đẹp đẽ hơn, ý nghĩa hơn, hòan hảo hơn, được như vậy mới gọi là làm Văn Hóa, được như vậy mới nói được là đã biết dùng vẻ đẹp của tâm linh , của tư tưởng, của ngôn từ, của điệu bộ mà cảm hóa được người khác.

Đến như chữ Culture thì nguyên có nghĩa là vun trồng, là tu sửa.

Và vì con người có xác, nên phải vun trồng ruộng đất, tu sửa ruộng đất , để có cái mà ăn. Cho nên chữ Agriculture có thể hiểu được là vun trồng ruộng đất, tu sửa ruộng đất, hay nói nôm na hơn là làm ruộng, là làm ăn.

Thứ đến vì con người có Hồn, cho nên lại có chữ animi cultura hay animi cultus tức là trau dồi, mài giũa, tu sửa Tâm Hồn, cho ngày một nên thanh lịch, tế nhị. Sau hết vì con người có Thần, nên lại có chữ dei cultura hay dei cultus. Đó tức là tu sửa Thần Linh của mình.

Nếu sửa sang ruộng đất được gọi là làm ăn, thì sửa sang tâm hồn được gọi là làm người, trau chuốt thần linh được gọi là làm Thần.

Hiểu thế thì Văn Hóa có mục đích giúp con người trở nên toàn thiện về mọi mặt.

Làm Ăn, nhưng không phải thứ làm lam lũ như súc vật, mà thứ làm thông minh nghệ thuật, làm mà vẫn vui, vẫn sướng, vẫn thấy thoải mái. ĂN nhưng không phải thứ ăn bốc bải dần sàng, mà ăn uống với những mâm son, bát sứ, với những món ăn ngon lành, với những kiểu điệu thanh lịch.

Làm Người không phải là làm những hạng người TẦM THƯỜNG, ngu si, dốt nát, cúi đầu cam chịu số phận khốn nạn hẩm hiu, mà làm con người cho sướng đáng, thông minh, tinh tế, lễ độ, nhân từ, khoan quáng…

Làm Thần không phải là làm những thứ thần hạ đẳng, mà là trở nên những con người toàn diện, có tầm kích vũ trụ.

  1. ÍT NHIỀU ĐỊNH NGHĨA VỀ VĂN HÓA

Khảo sát chữ văn hóa và culture xong, ta thấy phạm vi Văn Hóa thật là rộng rãi, chính vì vậy mà trên phương diện thực tế, rất có nhiều định nghĩa về văn hóa. Nơi đây chỉ xin đơn cử ít nhiều định nghĩa mà thôi.

  1. Có người cho rằng VĂN HÓA là trình độ kiến thức kiến văn của mỗi người . Cho nên nói: Người này có trình độ văn hóa cao, người kia có trình độ văn hóa thấp. Chính vì thế mà mới có những lớp bổ túc văn hóa.
  2. Có người cho rằng: Văn hóa là sự đào luyện con người để họ trở nên thanh lịch. Như vậy những người có văn hóa là những con người có tác phong thanh lịch, có giáo dục, có học vấn , nhưng người mà con tim khối óc đã đượ trau chuốt, rũa mài, những tao nhân, mặc khách mà Kinh Thi đã khen tặng như sau

Kìa xem bên khuỷu sông Kỳ,

Tre non mới mọc xanh rì vườn ai,

Người đâu văn vẻ hỡi người,

Nhường như cắt đành rũa mài bấy nay,

Lẫm liệt thay, rực rỡ thay,

Hỡi người quân tử biết ngày nào quên. (Kinh Thi, Tản Đà, tr. 168)

  1. Có người cho rằng Văn hóa là công trình giáo hóa con người. Chữ Culture trong tiếng pháp ngoài nghĩa văn hóa còn có nghĩa là dạy dỗ. Chính vì thế mà thường khi hai chữ Văn Hóa, Giáo Dục đã đi kèm với nhau.
  2. Cũng có người hiểu Văn hóa là văn chương, nghệ thuật , là văn nghệ. Hiểu như vậy là hết sức thu hẹp phạm vi Văn hóa, coi văn hóa như là một cái thú tiêu khiển trong những lúc trà dư, tửu hậu.
  3. Có nhiều người định nghĩa văn hóa là sinh họat tinh thần, đối nghịch với văn minh là sinh họat trên bình diện vật chất. Họ cho rằng cái gì thuộc về đạo đức, văn nghệ là văn hóa, cái gì thuộc về kỹ thuật là văn minh, cái gì hay cái gì đẹp là văn hóa, cái gì ích, cái gì lợi là văn minh.

Nhưng thực tế không giản dị như vậy. Và kỳ quặc nhất là trong cuộc hội thảo về văn minh, văn hóa tại Salzburg, từ 8 đến 15 tháng 10, 1961, gồm rất nhiều học giả trứ danh như Sorokin, Toynbee, Spengher, Northrop… người ta đã dùng hai chữ văn minh và văn hóa lẫn lộn nhau, đồng nghĩa với nhau.

  1. Cũng có người cho rằng Văn Hóa là tất cả những gì làm cho đời thêm đẹp, thêm tươi, thêm hương vị, thêm màu sắc, thêm thích thú. Tóm lại tất cả những gì làm cho cuộc trở nên thi vị và đáng sống.

Theo chủ trương này thì những bài dân ca nỉ non trong khóm lúa, những câu hò, thánh thót trên dòng sông, những căn nhà tre trúc chơi vơi, nơi suờn non, giữa những bách tùng, đào liễu, ẩn ước trong khói mây, hoặc rực rỡ dưới ánh tà huy, những lễ tết, những hội hè, đình đám, những tà áo thêu hoa, thêu phượng phất phơ trước gió, đều là những biểu dương văn hóa, chứ không phải riêng gì những lời giáo huấn trang nghiêm nơi giáo đường hay trường học, hay những lâu đài, những kiến trúc hoặc cổ kính hoặc tân kỳ ngạo nghễ vươn mình lên như muốn tranh hùng với phong sương tuế nguyệt mới là những công trình văn hóa.

  1. Cũng có người hiểu văn hóa là đà tiến của nhân lọai từ thô đến tinh, là nỗ lực của nhân lọai để tiến tới một đời sống lý tưởng và tất cả những thành quả đã thực hiện được trong công trình hướng thượng ấy.

Cụ Nguyễn Đăng Thục đã gắn liền văn hóa với tiến hóa. Tiên sinh viết: «Văn hóa có nghĩa là tiến hóa, tiến từ trình độ thô sơ đến trình độ văn vẻ, từ thấp đến cao, từ vật chất hữu hình lên tin thần vô hình.» (Xem Văn Hóa Á Châu tập VI 3.3. 1961, tr. 1, nơi bài Văn hóa kinh tế của Nguyễn Đăng Thục).

  1. Các nhà xã hội học, nhân chủng học hiện nay thường tránh những chữ tinh thần, những ý niệm chủ quan, những mục đích thâm viễn, nên chỉ định nghĩa văn hóa là lề lối sống của một dân tộc, của một xã hội lòai người.

Malinowski chẳng hạn cho rằng học về văn hóa tức là học về tất cả lề lối sống của một xã hội.

Henri de Man chủ trương «văn hóa» là một lề lối sống dựa trên một niềm tin,công cộng, vào một hệ thống và một tôn ti, trật tự, thứ bực giá trị, làm cho đời sống có một ý nghĩa nhất định. (Heni de Man L’ide’e socialiste, p.35) Linton cũng chủ trương tương tự. Ông viết : «Văn hóa» của một xã hội là lề lối sống của các phần tử trong xã hội ấy. Đó là toàn bộ những ý tưởng và tập tục mà họ đã thâu lượm, chia sẻ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. «Văn hóa» đem lại cho mọi người của mỗi thế hệ những cách giải quyết hữu hiệu và lập thành vê tất cả các vấn đề mà họ sẽ gặp phải. Những vấn đề này được nêu lên vì những nhu cầu của cá nhân sống trong một đoàn thể có tổ chức.

Như vậy văn hóa không phải là một lề lối sống suông. Nó còn là một quan niệm về đời sống (une conception de vie) và một lề lối sống (manière de vie) phù hợp với quan niệm sống ấy…

Để đúc kết lại chúng ta có thể nhận định về Văn Hóa như sau:

Văn Hóa là lề lối sống riêng biệt của cá nhân, đoàn thể, xã hội hay dân tộc đã được phát sinh nhờ những ý niệm tình cảm, khuynh hướng đặc biệt làm nòng cốt và dẫn đạo, đã được phát huy, thể hiện qua những công trình văn chương, nghệ thuật, đạo giáo, chính trị xã hội đã được lồng vào trong nếp sống hằng ngày, nhờ những phong tục, luật lệ, tổ chức, y phục, dụng cụ điển hình, đã được truyền thụ, lưu lai nhờ ngôn ngữ và giáo dục.

Văn hóa là tất cả những cố gắng của con người để cải thiện nội tâm, gia đình, quốc gia, xã hội và hòan cảnh, để con người có thể sống một cuộc đời khác biệt với muôn thú, một cuộc đời thanh cao, đầy đủ nhân cách, nhân vị và nếu có thể, một đời sống tự do, tự tại, khinh khoát, thần tiên.

Văn hóa nảy sinh do những ước mơ về Chân, Thiện, Mỹ và là nỗ lực của con người để vươn lên cho tới Chân Thiện Mỹ, để thực hiện Chân Thiện Mỹ.

III. THẾ NÀO LÀ VĂN HÓA DÂN TỘC

Muốn nhận định cho khách quan và chính xác về vấn đề Văn Hóa Dân tộc Việt Nam, chúng ta phải lưu tâm đến những yếu tố sau đây:

  1. a) Về phương diện lịch sử, nước ta là một nước đã lập quốc từ rất lâu đời. Theo Hòang Việt giáp tý niên biểu , thì Hồng Bàng nguyên niên là năm Nhâm tuất - 2879, như vậy là không thua sút Trung Hoa.

- Nước ta cũng là một nước bị ngoại bang đô hộ hết sức lâu:

* 6 lần Bắc thuộc: 1053 năm.

* 1 lần Pháp thuộc: 1864 - 1945 ngót một thế kỷ.

- Nhưng cũng là một nước luôn luôn triển dương lớn mạnh. Năm III trước Công nguyên nước ta mới vẻn vẹn có miền Bắc việt cho tới Quảng Bình, mà tới thời Nguyên, tức là tới đầu thế kỷ XIX, đã gồm cả ba kỳ Nam, Trung, Bắc như hiện nay.

  1. b) Về phương diện địa dư văn hóa, nước ta nằm giữa Trung Hoa Ấn Độ, và nằm trong vùng các nước Đông Nam Á, như Nam Dương, Lào, Campuchia, Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Đông Ấn, Tích Lan, Phi Luật Tân, Tân Ghi Nê, và Malaysia….
  2. c) Về phương diện tâm lý, dân tộc ta là một dân tộc hết sức cần cù, nhẫn nại, hết sức kiên nhẫn, hết sức anh dũng, hết sừc khoan dung, cởi mở và hết sừc sáng tạo.

Những yếu tố trên cho ta thấy ngay nền văn hóa dân tộc ta là một nền văn hóa đã được cấu tạo nên bằng tinh hoa mọi nền văn minh khác trên thế giới nhưng sâu đậm nhất, quan trọng nhất là ba nguồn văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, và Đông Nam Á. Tuy nhiên tất cả những nguyên liệu văn hóa xa gần ấy một khi đã vào trong lò cừ biến hóa, sáng tạo văn hóa Việt Nam, lập tức nó có một phong thái khác biệt.

Vay mượn lẽ dĩ nhiên là cũng nhiều :

Ví dụ, các vua chúa Việt Nam xưa đã rập khuôn hoàn toàn cơ cấu chính trị, luật pháp và luân lý Trung Quốc.

Về phương diện tôn giáo, thì chúng ta cũng đã nhập cảng các đạo ngoại lai như Phật, Khổng, Lão và Thiên Chúa Giáo …

Về phương diện phong tục, có nhiều phong tục mới xem tưởng chừng là thuần túy Việt Nam, như xâm mình, búi tóc củ hành, ăn trầu, ăn nước mắm, nhuộm răng đen, thả diều, đúc trống đồng, thờ thổ công…. Truy nguyên thì lại là những phong tục chung cho cả vùng Đông Nam Á, từ thủa rất xa xưa.[2]

Nói thế không phải là nói dân tộc ta không có một nền văn hóa riêng biệt đặc thù và phong phú.

Muốn thấy những nét đặc thù dân tộc riêng biệt của nền văn hóa Việt Nam, chúng ta hãy hỏi những người Việt Nam tha hương ở các nước ngoài. Có nhiều người đã nhập các quốc tịch khác nhau nhưng đến ngày tết cũng cố sắm cho được một cành đào, mua được vài chiếc bánh chưng, một ít giò chả lụa để ăn tết, lại cũng cố sắm cho được những bộ quốc phục để trưng diện trong những dịp tiệc tùng cưới hỏi …

Có một lần tôi dạo chơi trong khu Quartier Latin ở Paris, tôi rất ngạc nhiên vì thấy có một hiệu sách nhỏ bán lèo tèo vài ba truyện Việt Nam và ít nhiều tranh lợn tranh gà khắc một bản y thức như ở Việt Nam. Lúc ấy tôi mới thấy thắm thía rằng những gì mang màu sắc quê hương đất nước cũng có thể kích động lòng người, cũng sưởi ấm lòng người. Mà càng xa quê hương lâu ngày thì sự kích động càng mãnh liệt.

Eliot cũng đã viết : Đối với xã hội, văn hóa bao gồm tất cã những hoạt động đặc biệt của một dân tộc, như đối với dân tộc Anh là ngày đua ngựa ở Derby, đua thuyền ở Henley, hoặc du thuyền ở Cowes, cuộc đua chó, trò chơi phóng tên hoặc là ăn phó mát Wnesleydale, ăn bắp cải luộc xắt thành miếng, ăn củ cải đỏ ngâm dấm, đi nhà thờ làm theo kiểu Gothic thế kỷ XIX, nghe âm nhạc của Elgar …[3]

Vả vay mượn nhau thì nước nào trên thế giới mà chẳng đi vay mượn, nhưng cái hay là làm sao cho cái vay mượn trở thành cái độc đáo của mình.

Ví dụ Yoga An Độ với các tư thế vặn vẹo, uốn éo kỳ quái, kinh khủng sang đến Trung Hoa đã trở thành một thứ Thiền giản dị, ngồi thở thầm lặng trong tư thế ngồi kiết già hay bán kiết già.

Thiền Trung Hoa truyền sang Nhật Bản lại khóac thêm màu sắc Phù Tang, thi ca nghệ thuật và tạo nên môn phái ZEN Nhật Bản.

Cái cơ cấu vĩ đại nhất, đồ sộ nhất, lâu đời nhất, mang nhiều đặc tính văn hóa dân tộc nhất chính là tiếng VIỆT.

Thực vậy, sau cả ngàn năm đô hộ giặc Tàu, sau cả ngót thế kỷ đô hộ Pháp, mà tiếng Việt vẫn mãi là tiếng Việt, chẳng những thế lại còn càng ngày càng thêm phong phú, thêm tinh vi, thêm điêu luyện, thêm trong sáng.

Dẫu vay mượn nguyên liệu gì của tiếng nước ngoài chăng nữa, nhưng khi đã đổ vào lò Việt, vào khuôn Việt, nó trở thành hoàn toàn Việt Nam.

Ví như hai chữ Gia Đình là mượn tiếng Trung Hoa, nhưng người Quảng Đông đọc là cá thình, tiếng quan hỏa đọc là chi-a thỉnh, tiếng Phúc Kiến đọc là ca tiểng, tiếng Triều Châu đọc là kê tiếng như vậy là đã:

Anh đi đường anh, tôi đường tôi rồi.

Tiếng Pháp nói: beurre, gare, boulon, saucisse, madame.

Tiếng Việt nói: bơ, ga, bù-loong, súc-xích, bà đầm.

Tiếng Pháp nói café, mình cũng nói cà fê, nhưng đôi khi còn nói càfê cà fáo.

Hơn thế nữa, trong tiếng Việt, có những vần, có những âm mà ngay tiếng Hán Việt cũng không chen được chân vào. Ví dụ như vần G:

- với các chữ gà, gấu, gờ, ghe, gò gẫm, gù ghì, gầm gừ…thì hỏi còn gì là Việt Nam hơn.

- lại như vần E , với các tiếng như e dè, le te, lè nhè, le le thì hỏi còn gì Việt Nam hơn?

Tôi hết sức yêu những tiếng đôi, tiếng kép Việt Nam như: ríu rít, tê mê, thoăn thoắt, liếng thoắng, đủng đỉnh,

Rồi lại có những lọai tiếng kép gợi hình, gợi ảnh như:

kềnh càng, khệnh khạng, ngênh ngang, lồm cồm, lổ ngổ, lỉnh kỉnh, lủng củng, lẳng cẳng …

Rồi thay vì nói ngọt không, còn có ngọt xớt, ngọt lịm, ngọt như đường cát, ngọt như mía lùi. Thay vì nói đỏ không, còn có đỏ cạch, đỏ tươi, đỏ hỏn, đỏ hon hỏn, đỏ hoen hoét, đỏ thắm, đỏ chót, đỏ rực, đỏ hồng.

Cũng chỉ là mang, nhưng ta còn vô số danh từ khác như gánh, như gồng, như khiêng, như vác, như khuân, như đội, như xách, như đèo, như cặp, như kè, ấy là chưa kể đến những lối nói lặp đi lặp lại như:

Nói nhăng, nói nhít,

Nói xằng, nói xịt

Làm việc làm viếc,

Tiêu tiêu tiệc,

Làm dáng làm diếc

Thật là vô cùng phong phú.

Một công trình văn hóa đồ sộ khác đượm màu sắc dân tộc khác chính là chữ NÔM.

Tuy là nói mượn chữ Hán để tạo thành, nhưng rồi ghép ngang ghép dọc, hoặc trại đi, thấy chữ lại đọc nghĩa mà bỏ âm, học chỉ để lấy âm mà bỏ nghĩa, khiến người Trung Hoa đọc vào không hiểu mô tê mù tịt gì cả, trái lại người Việt đọc vào thấy hết sức thích thú.

Nhiều người nói: «Nôm na là cha mách qué», nhưng thiết nghĩ nó chẳng mách qué tí nào, và đã được cấu tạo nên một cách rất hữu lý, quy cũ.

Để quý vị thưởng thức cái tài tình của chữ Nôm, tôi đan cử bài thơ Phong Hoa Tuyết Nguyệt của viên Bảng Kim Bồng, Vũ Duy Thanh (1806 - 1861) theo thế thuận nghịch độc. Bài này tài tình ở chỗ đọc xuôi la thơ chữ Hán đọc ngược lại từ dưới lên trên theo lối đọc chữ Nôm, thì lại thành thơ quốc văn.

Thi đàn tế liễu lộng hoa hài,

詩 檀 細 柳 弄 花 鞋

Khách bộ tùy sương, ấn bích đài.

客 步 隨 霜 印 碧 苔

Kỳ cục đả phong thanh áp trận,

棋 局 打 風 清 壓 陣

Tửu biều nghinh tuyết bạch hòa bôi.

酒 瓢 迎 雪 白 和 杯

Sơ liêm thấu nguyệt hương ly cúc,

疏 簾 透 月 香 離 菊

Yến tịch lăng hoa vị át mai.

燕 席 陵 花 味 喝 梅

Phi phất lĩnh đầu chiêm tĩnh điếm,

披 拂 嶺 頭 瞻 靜 店

Thi đàn tế liễu lộng hoa hài.

詩 檀 細 柳 弄 花 鞋

Đọc ngược từ dưới lên theo kiểu chữ Nôm ta có:

Giày hoa lỏng lẻo tới đàn thơ

Điếm tạnh xem đầu núi phất phơ,

Mai át mùi hoa lồng tiệc yến

Cúc lìa hương nguyệt thấu rèm thưa

Chén hòa bạch tuyết nghiêng bàn rượu,

Trận áp thanh phong đánh cuộc cờ,

Rêu biếc in sương theo bước khách,

Giày hoa lỏng lẻo tới đàn thơ.

Bài thơ nôm vừa là bài thơ mới lại vừa dịch lại được đại ý bào thơ chữ Hán thực là tuyệt diệu.[4]

Càng đi sâu vào vấn đề văn hóa dân tộc, càng thấy nó mênh mông bát ngát. Giáo sư Trần Văn Khê đã để cả đời mình để nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Hùng Lân từ nhiều năm nay cũng đã để tâm nghiên cứu rất nhiều về dân ca Việt Nam.

Về kiến trúc ta thấy có Chùa Một Cột là cái gì độc đáo.

Về các thể văn thơ, ta có: lục bát, song thất lục bát là các thể thơ thuần túy Việt Nam.

Về võ thuật ta có môn võ Vovinam mà trong vòng mấy chục năm nay rất thịnh hành. Rồi ngày nay lại còn một phong trào hết sức là rầm rộ: Đó là vấn đề thuốc dân tộc.

Trong các lãnh vực này có những cố gắng rất đáng ca ngợi. Chẳn hạn L.M. Vũ Đình Trác, đã nghiên cứu, đã bào chế được hơn 150 vị thuốc ta, mùi vị cũng rất là thơm tho, trình hbày cũng đẹp mắt. Các vị lương y như Việt Cúc, Định Ninh … cũng đã khéo biến chế dùng các vị thuốc Nam thay thế thuốc Bắc hết sức tài tình.

Khi cụ Nguyễn Văn Ba, chủ hiệu thuốc Kim Điền, còn sinh tiền, tôi có lần xuống chơi. Tôi con nhớ hồi đó là khoảng năm 1976. Tôi hỏi cụ: Cụ pha chế thuốc Đông Y làm sao mà cụ có đủ nguyên liệu mà làm. Cụ trả lời: «Các nguyên liệu của tôi từ trước tới nay hoàn tòan là cây cỏ miền Nam. Vậy chỉ có khi nào giang sơn Việt Nam không còn, tôi mới hết nguyên liệu làm thuốc.» Tôi ra về mà trong lòng hết sức thán phục cụ …

Về phương diện đạo giáo, tuy nước ta từ thời Lý Trần theo Phật, và đa số dân chúng theo phật, nhưng tinh thần hòa đồng tam giáo đời nào cũng hết sức mãnh liệt. Đó là một nét rất đặc thù về văn hóa dân tộc.

Gần đây khảo cứu một số sách vở Phật vừa bằng chữ Hán, vừa bằng chữ Nôm như :

Thơ văn Lý Trần (Nhà xuất bản Khoa Học Hà Nội 1972).

Thiền tông bản Hạnh, Chân Nguyên thiền sư viết (1646- 1726) khoảng thế kỷ XVII, Thanh Hanh xuất bản lại năm 1932. Sách này tiêu biểu cho Thiền học đời Trần, phái Thiền Lâm Tế, và Thiền học thế kỷ XVII

Thơ văn Ngô Thời Nhiệm (1764- 1803) (Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1978) tiêu biểu cho Thiền học cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.

Hồng Mông Hạnh mà tác giả là tỳ kheo Giác Lâm ở Chùa Hồng Đức, Phường Hòe Nhai, phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông, và đã khắc thời vua Minh Mệnh (tiêu biểu cho Phật giáo thế kỷ XIX)

Tu Chân Yếu Chỉ Quốc Âm, khắc in năm 1930, tiêu biểu cho Thiền học cuối thế kỷ XIX và đầu XX.

Tôi nhận thấy khuynh hướng Phật giáo trước sau cũng là khuynh hướng hòa đồng Tam giáo, lấy thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể làm tư tưởng chính yếu, nhân đó suy ra các quan điểm khác về vũ trụ, nhân sinh, tu trì, đắc đạo, và lấy đủ các danh từ trong Tam Giáo để suy diễn và trình bày học thuyết ấy. Ta thấy những danh từ như TỲ LƯ NHẤT THÍCH, như HI DI, như HƯ VÔ DIỆU THẾ, như CHÂN NHƯ, như BẤN LAI DIỆN MỤC, như THÁI CỰC NHẤT KHÍ CHÂN NGUYÊN được dùng song song với nhau, thay thế cho nhau, bổ túc, giải thích lẫn cho nhau. Cái THỂ trước sau vẫn là ĐỒNG, cái GỐC trước sau cũng vẫn chỉ có một, chỉ có cái ngọn mới khác nhau, chỉ có cái DỤNG mới là DỊ.

Chỉ bấy nhiêu, mà tôi thấy các ngài đã đi từ cái Tạp thù, trở về được với cái Thuần nhất, từ cái Đạo tại Sách vở, kinh kệ, từ cái Phật tại Chùa, tại Tây thiên mà tìm ra được cái đạo tại Tâm, cái Phật tại Tâm, cái Giác ngộ tại tâm, cái giải thóat tại tâm, cái giải thóat tại tiền, không phải đợi tới lai sinh, tới vãng cảnh. Tôi mới cảm phục các ngài, vì đã đem được những gì từ những xứ xa xôi, cách trở, đem về được nước mình, gắn vào được lòng mình, cho nó nhập vào được tâm linh mình, rồi lại từ nguồn suối tâm linh ấy tung tỏa lại ra thành nững tư tưởng mới, sống động, hồn nhiên, đượm màu sắc Việt Nam, và dân tộc Việt Nam. Và cũng chính là để nói lên lòng ngưỡng mộ của tôi đến với các vị đắc đạo tiền bối ấy, tôi đã viết bài:

Ít nhiều cảm nghĩ suy tư về Thiền Học Việt Nam, đăng trong Cao Đài Giáo Lý Rằm tháng hai năm Kỷ Mùi …

Từ mấy chục năm gần đây, Cao Đài rồi Tam Tông Miếu cũng đã ra công phát huy, ra công thừa kế cái tinh thần đạo giáo dân tộc ấy.

Thay vì theo một đạo giáo nào mà thôi, hoặc Phật, hoặc Lão, hoặc Khổng một khuôn, gạn lọc lấy tinh hoa, loại trừ những gì phù phiếm.

Như vậy thiết tưởng Cao Đài chính đã đại diện cho Việt Nam về phương diện tôn giáo. Thế giới ngày nay nếu nói:

Bà La Môn giáo là của Ấn

Phật giáo là của Ấn

Khổng Lão là của Trung Hoa,

Gia tô giáo, Thiên chúa giáo là của Tây Phương,

Hồi giáo là của các nước Ả Rập

thì cũng phải nói:

Cao Đài giáo là của Việt Nam.

Cao Đài lại dùng cơ bút như là một phương tiện truyền đạo giảng đạo, dạy đạo. Và nền văn chương, thi phú cơ bút này đã đóng góp không ít vào nền văn học thi ca, và tư tưởng của nước nhà.

Tôi không dự cơ, nhưng đã khảo cứu rất nhiều cơ bút của Cao Đài, và nhận thấy hết sức là phong phú và có nhiều đoạn hết sức là sâu sắc, thâm thúy. Đó là một hiện tượng văn hóa hết sức là ly kỳ.

Về phía Công giáo, chúng ta cũng đang thấy có nỗ lực lấy các hình thức lễ nghi dân tộc để trang sức, để phục sức cho Công giáo có bộ mặt dân tộc.

Các câu kinh lời hát ngày nay, hoàn toàn bằng tiếng Việt Nam không còn bằng La Tinh hay Pháp ngữ như mấy chục năm gần đây. Rồi cũng hương nhang, rồi cũng chiêng trống, rồi cũng áo mão, nhang đèn, theo kiểu Việt Nam.

Các nhà Công giáo ngày nay cũng thấy bày ảnh cha mẹ, ông bà với hương hoa, đèn nến, cái mà mấy chục năm trước đây được Công giáo liệt vào hàng đại cấm kỵ. Thế mới hay chạy theo bên ngoài mãi, cuối cùng mới lại thấy theo tổ tiên, theo dân tộc là cái gì tự nhiên nhất, cái gì thích hợp với lòng con người nhất. Và rút cuộc vẫn là:

Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn …

Suy cho đến kỳ cùng , thì lạ lùng nhất là thấy ai ai trong một nước chẳng ít thì nhiều cũng đã đóng góp vào nền văn hóa dân tộc. Người cao thì đóng góp bằng tư tưởng, bằng phát minh, sáng kiến, người thấp thì đóng góp bằng văn nghệ hình thức, người thấp hơn nữa thì đóng góp vào văn hóa mỗi khi có ý gì hay, hành vi gì tốt. Tạo văn hóa, làm văn hóa, sống văn hóa đều là góp phần vào công trình văn hóa thay thảy.

Cũng có thể nói được rằng : những người đóng góp nhiều nhất vào văn hóa dân tộc nhiều nhất chính lại là quảng đại thần chúng. Họ chẳng cần bằng sắc, họ không có quyền thế, địa vị, họ chẳng theo Tàu, chẳng theo Tây, mà chỉ sống hồn nhiên cởi mở, ngẫm nghĩ sao nói năng vậy, vui buồn sao, hò hát vậy. Ay chính vì tự nhiên thế mà lại có năng lực cảm động lòng người. Cái không cầu kỳ nhất lại trở thành cái cao siêu nhất, cái giản dị nhất lại là cái đẹp đẽ nhất.

Ví như câu:

Hỡi cô tác nước bên đàng

Sao cô múc trăng vàng đổ đi?

Không cần biết câu đó là của ai làm, nhưng chỉ thấy nó mộc mạc làm sao mà cũng duyên dáng làm sao, đẹp đẽ làm sao. Trông vào gàu nước đục, không thấy nước đục mà toàn thấy có ánh trăng vàng …

Tóm lại nói đến Văn Hoá Dân Tộc tức là mặc nhiên nói đến sức sáng tạo của dân tộc.

  1. ÍT NHIỀU ĐÓNG GÓP CỦA TÔI VÀO NỀN VĂN HÓA DÂN TỘC

Nếu nền văn hóa dân tộc đã được gắn liền với sức sáng tạo, nếu mỗi người dân nước chẳng bằng cách thức này, thì cũng bằng cách thức kia đã đóng góp vào nền văn hóa dân tộc, thì thiết tưởng quý vị cũng chẳng hẹp lượng gì mà chẳng chấp thuận cho tôi được nói lên được trình bày cùng quý vị ít nhiều đóng góp của tôi vào nền văn hóa dân tộc.

Trước hết là những đóng góp về phương diện văn chương thi phú:

Trong mấy chục năm nay tôi dịch rất nhiều, như dịch Trung Dung, dịch Đạo Đức Kinh, dịch Kinh Dịch ra thành thơ, và cũng đã đăng tải ít nhiều bài thơ đã phóng tác trong Báo Văn Đàn cách đây ngót hai mươi năm. Dẫu dịch dài hay vắn, tôi bao giờ cũng chỉ có ước nguyện là cống hiến sao cho độc giả những áng văn óng ả mỹ miều, chứa đựng những ý tưởng cao đẹp đúng theo chủ trương: VĂN DĨ TÁI ĐẠO. Tuy là dịch nhưng không phải dịch ngô nghê, vô duyên, vô hồn, vô nghĩa, vụng về mờ mịt, nhưng mà là những bản dịch sống động vừa là thơ, vừa là nhạc, vừa là họa vừa có ý nghĩa, vừa có hồn thiêng sống động.

Dưới đây tôi xin đại loại so sánh một vài bản dịch của tôi với những bản dịch của các dịch giả khác.

Ví dụ như bài Tiền Xích Bích Phú của Tô Đông Pha.

Dịch giả khuyết danh đã dịch như sau, và đã được đăng tải trong Văn Đàn Bảo Giám Tần Trung Viên - sưu tập - Hư Chu hiệu chính, Nam Ký 1932 - Mặc Lâm 1968, tập 3, trang 112 như sau:

Thu nhâm tuất qua rằm tháng bảy,

Ông Đông Pha cùng mấy người quen.

Lửng lơ nổi một con thuyền,

Ra chơi Xích Bích thuận miền xuôi sông.

Gió hây hẩy mặc dòng chẳng gợn,

Dang tay tiên chuốc chén tương phùng.

Hát bài MINH NGUYỆT, THANH PHONG,

Ca chương YỂU ĐIỆU dãi lòng tôi con.

Trăng phút chốc sườn non dựng dấu,

Lửng lơ chừng sao Đẩu sao Ngưu.

Ngang sông sương trắng một màu,

Mênh mông sương trắng liền theo vẻ trời.

Một lá cỏ dong chơi chẳng bận,

Muôn tầm sông cũng sấn đi qua.

Mênh mông nào biết đâu là,

Tay không cưỡi gió ấy là thế chăng.

Tưởng phất phới lạc chừng đứng một,

Mọc cánh lông mà vút lên tiên.

Chén vui vui với bạn hiền,

Nhân vui lại gõ mạn thuyền ca ngâm.

Rằng : Lan quế làm dầm bánh lái,

Vỗ không minh mà rối lưu quang.

Lòng ta dằng dặc nhớ thương,

Nhớ trông người đẹp một phương xa vời …

Cũng đoạn ấy tôi đã dịch như sau ( Xem Văn Đàn số 41 - tuần lễ từ 9 đến 15/8/62 tr. 6- 7):

Năm Nhâm tuất mùa thu tháng bảy,

Rằm đã qua chiều lại bâng khuâng

Dưới chân Xích Bích chập chùng,

Khách cùng TÔ TỬ thuận giòng chơi trăng.

Gió thu nhẹ lung linh sẽ thổi,

Sông như gương chẳng nổi sóng hoa,

Rượu ngon chuốc chén năm ba,

Hát cung YỂU ĐIỆU, ngâm thơ TRĂNG VÀNG,

Chẳng mấy chốc Đông ngàn trăng ló,

Rẽ Đẩu Ngưu bỡ ngỡ đường mây.

Sương vương mặt nước tỉnh say,

Giòng sông trong vắt in mây lông trời.

Thuyền một lá chơi vơi thỏa thích,

Nước muôn đầm xa tít mênh mông,

Nhẹ nhàng cưỡi gió tầng không,

Thuyền trôi nào biết vân mòng về đâu,

Lòng phơi phới ngỡ hầu thoát tục,

Tung cánh mơ phơ phất lên tiên,

Rượu ngon chuếnh choáng hơi men,

Nhịp nhàng ta gõ mạn thuyền ta ca,

«Chèo lan nhẹ đẩy đưa thuyền quế,

Khua ánh trăng ta rẽ nước mây.

Nhớ ai canh cánh khôn khuây,

Nhớ người má phấn đó đây cách trùng»…

Sở dĩ tôi dịch bài Xích Bích Phú vì thấy Tô Đông Pha đã tìm ra 2 chiều, 2 mặt hằngbiến của vũ trụ.

Khuyết danh dịch :

«Thử đem lý biến mà bàn,

Có khi chớp mắt dài hơn cao dầy.

Ví chẳng biến thế này cũng có,

Vật với ta thiên cổ chẳng cùng.»

Tôi dịch:

«Từ biến chuyển nhìn ra trời đất,

Thì đất trời phút chốc đã qua.

Từ trong vinh cửa nhìn ra,

Muôn loài muôn vật như ta vô cùng.»

Bài Chính Khí Ca của Văn Thiên Tường cũng đã có nhiều người dịch. Dưới đây xin trích một đoạn của Trần Trọng San đã dịch và đăng trong Nguyệt san Phương Đông, tháng 2, tháng 3/72 : nơi trang 139:

«Trong trời đất một bầu chính khí,

Hóa thành ra ngàn thế muôn hình,

Dưới là nước tú non linh,

Trên là nhật nguyệt, thần tinh sáng ngời.

«Hạo nhiên» ở nơi người cao cả,

Khí đại dương ngút tỏa mù xanh,

Đường vua gặp lúc thanh bình,

Êm đềm vào chốn triều đình mà bay.

Lúc khốn quẫn tiết ngay mới tỏ

Gác Lân treo rực rỡ đan thanh …»

Cũng đoạn ấy tôi dịch như sau, và đã đăng trong Văn Đàn, số 37 - 38 từ 12 đến 25 tháng 7- 1962, nơi tr. 22:

«Anh hoa chính khí đất trời,

Khoác hình vật chất khắp nơi vẫy vùng.

Tràn mặt đất tuôn sông kết núi,

Vút trời mây chói lói trăng sao.

Trần ai lẫn bóng anh hào,

Muôn nghìn khí phách rạt rào tầng xanh,

Thủa non nước thanh bình khắp chốn,

Nét đan thanh choáng lộn bệ rồng.

Sơn hà gặp buổi lao lung,

Càng cao tiết ngọc, càng bừng vẻ son …»

Một hôm tôi nhân đọc bài Improvisation của Adam Mickiewicz (1798-1855), mà Charles Dobzynski đã dịch ra Pháp văn và đăng trong quyển L’Art poétique của Jacques Charpier và Pierre Seghers, nơi các tr. 395, 396, 397. Tôi thhấy bài đó lời hay ý đẹp tứ cao siêu. Tôi đã phóng tác lại và đăng trong văn đàn số xuân Quý Mão, nơi các trang 44, 45 (Quý Mão, 1963). Đây là một đọan trong bài thơ đó:

«Trời đất hỡi, hỡi trăng sao vạn thủa,

Hãy nghe ta ca thơ mây thơ gió,

Hãy lắng tai nghe nhạc sĩ trứ danh,

Đang trổ tài rung các phím sao xanh,

Để độc tấu khúc ca muôn thời đại,

Muôn phím sao theo ta rung phấp phới,

Góp âm thanh mà tạo khúc hòa ca:

Mỗi vì sao là một điệu say sưa,

Hòa tấu nhạc theo tay ta điều khiển.

Ta vung sao thành cầu vòng uyển chuyển,

Ta gom sao thành một khúc trường ca,

Ta rung sao thành tiếng nhạc say sưa,

Rồi ta ngắm ánh sao rơi lấp lánh,…

Nhưng hoàn võ bỗng trầm ngâm hiu quạnh,

Vì tay ta thôi tấu khúc đàn trời.

Hai tay ta vin hái giác thiên nhai,

Và ta hát những lời trong như gió.

Ta ca lên tiếng nước mây than thở,

Làm rộn trời vang cả chín tầng không.

Lúc lâm ly thánh thót não muôn lòng,

Lúc dồn dập oai phong như bão tố.

Muôn thời đại hòa theo ta bỡ ngỡ,

Lời ta rung lan tỏa ánh hào quang,

Lời ta bay, bay uyển chuyển rỡ ràng

Lời ta phát muôn âm thanh huyền diệu,

Như gió gấm rung sóng mây phiểu diểu,

Bay ngang trời làm vi vút thinh không.

Ao xiêm mây kìa gió cuốn mơ mòng,

Ta biết gió là nhờ mây đưa lối …

Lời thơ ta đất trời nghe mới nổi,

Lời thơ ta bát ngát thấu cửu trùng.

Lời thơ ta lời khí phách hào hùng,

Lời thơ ta là lời thơ bất diệt …

Ta tung mây ta lên hỏi thinh không ,

Xem trời đất có gì hơn thế nữa.

Ý thơ ta rút đáy lòng muôn thủa,

Cho giáng trần cho khóac áo văn chương.

Lời thơ ta tung bay vạn nẻo đường,

Bay lên trời sống với muôn tinh tú.

Lời thơ ta hào quang bay tở mở,

Xa ngàn tầm mà vẫn thấy sáng linh lung.

Lời thơ ta dầu cách trở muôn trùng,

Mà ta vẫn hình dung nên dáng dấp,

Theo lời thơ hồn ta bay tít tắp …»

Tôi nghĩ rằng có lẽ đã góp được vài ba bài thơ đẹp thêm vào cho nền văn chương nước nhà.

Về các bản dịch Đạo Đức Kinh, Trung Dung hay Dịch kinh cũng vậy, tôi cố gắng suy tư tìm hiểu xem mỗi câu mỗi đoạn có ý gì, nghĩa gì. Sau khi đã hiểu rõ ý, mới dịch cho thật thoát, thật văn chương.

Ví dụ Chương I Đạo Đức Kinh, tôi hiểu đức Lão muốn bàn tới Đạo, tới Bản Thể uyên nguyên đã sinh xuất ra vạn hữu đất trời. Và tôi đã dịch như sau:

Hóa công hồ dễ đặt tên,

Khuôn thiêng hồ dễ mà đem luận bàn.

Không tên sáng tạo thế gian,

Có tên là mẹ muôn vàn thụ sinh.

Tịch nhiên cho thấy uy linh,

Hiển dương cho thấy công trình vân vi.

Hai phương diện một Hóa Nhi,

Huyền linh khôn xiết huyền vi khôn lường.

Đó là «Chúng diệu chi môn»,

Cửa thiên xuất phát mọi nguồn huyền vi.

Ví dụ như tôi đã dịch Thoán truyện quẻ KIỀN như sau:

Lớn thay là cái góc trời,

Làm cho vạn vật vạn loài sinh sôi.

Hiền Nguyên tóm hết đạo trời,

Tóm thâu thiên đạo khúc nhôi sinh thành.

Rồi ra vũ khí vân hành,

Làm cho vạn vật hình thành đòi nơi.

Thánh nhân thấu suốt đầu đuôi,

Biết sáu giai đoạn cơ trời biến thiên.

Thế là cưỡi sáu rồng thiêng,

Vượt muôn biến hóa vần xoay.

Làm cho vạn vật thêm hay thêm tình,

Kiện toàn tính mệnh của mình.

Giữ gìn toàn vẹn tính lành Trời cho,

Thế là ích lợi không bờ.

Thế là vĩnh cửu, thế là lợi trinh,

Thánh nhân vượt trôi chúng sinh.

Làm cho muôn nước an bình khắp nơi …

Có người hỏi tôi tại sao cứ dịch thành thơ mà không dịch ra văn xuôi, có phải rõ nghĩa không ? Tôi trả lời: «Ấy là vì từ trước đến nay các bản dịch văn xuôi tối tăm mù mịt, càng dịch càng mờ, càng giải càng rối, cho nên tôi mới dịch bằng thơ. Vì nếu muốn dịch ra thơ mà không hiểu rõ ý thì không sao mà làm thơ cho được.»

  1. b) Thứ đến là những đóng góp về tư tưởng. Tôi nghĩ đó mới là những đóng góp quan trọng.
  2. Cái ngày mà tôi trực giác được rằng dưới lớp Nhân Tâm, còn có lớp Thiên Tâm, tôi liền biết sẽ đóng góp gì cho nền Văn hóa dân tộc.

Thực vậy, ngay từ giây phút ấy, tôi thấy được ý nghĩa và nhiệm vụ các tôn giáo là đưa con người từ Nhân Tâm trở về Thiên Tâm, biến Nhân Tâm thành Thiên Tâm. Như vậy là xác định được được hướng đi chung các đạo giáo.

  1. Rồi nhân tìm hiểu Trung Dung, tôi đã phát minh ra được một phương pháp tân kỳ để lý giải Trung Dung. Đó là dùngTâm ĐiểmVòng Tròn để lý giải Trung Dung.

Nếu chấp nhận Tâm điểm là duy nhất, bất biến, là căn nguyên vạn hữu, và vòng tròn bên ngoài là các hình tướng biến thiên, chúng ta sẽ nhận thấy ngay rằng mục đích Trung Dung cũng như Dịch Kinh chính là dạy con người tìm cho ra được tâm Vũ TrụTrung Tâm Hằng Cửu giữa lòng biến thiên của vũ trụ và của con người.

Nhân đó thâu tóm được tất cả cái triết lý cao siêu thâm viễn của người xưa, và có thể trình diễn nó bằng một đồ hình giản dị: Đó là Tâm điểm và vòng tròn.

Tâm điểm, tượng trưng cho Bản thể thì duy nhất, bất biến. Vòng tròn, tượng trưng cho vạn tượng, vạn hữu, thì tạp thù, biến thiên.

Nhưng biến hóa không phải là không có định luật, không có chiều hướng, mà chính là biến hóa từ TÂM ra BIÊN, từ tinh thần ra vật chất, rồi lại biến hóa từ BIÊN về TÂM, từ vật chất trở về tinh thần, về BẢN THỂ. Tất cả vẽ thành một chu kỳ, để chung cuộc mọi sự trở nên toàn vẹn.

Tâm điểm và vòng tròn, với thuyết THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ cũng đã giúp tôi nhận định được về vũ trụ, nhân sinh, lịch sử như nhau:

Vũ trụ quan: Từ một Bản thể biến hóa ra muôn ngàn hiện tượng. Muôn vàn hiện tượng biến hóa để trở về với BẢN THỂ DUY NHẤT.

Nhân sinh quan:

Như vậy, con người lý tưởng, cuộc đời sẽ có hai chiều. Còn trẻ thì hướng ngoại mưu sinh, tìm cầu địa vị, xây dựng đất nước, tô điểm giang sơn ngoại cảnh.

Nửa đời sau, tu luyện tâm thần, hồi tâm, phản tỉnh, để đi sâu về phía tâm linh vượt TIỂU NGÃ lên tới ĐẠI NGÃ.

Sử quan:

Lịch sử nhân loại cũng có hai chiều. Chiều vật chất và chiều tinh thần. Hiện nay, nhân loại còn trẻ, nên đang đi chiều vãng, chiều hướng ngoại, củng cố văn minh vật chất.

Trong tương lai sẽ dần dà xoay chiều đổi hướng, để tìm về những giá trị tinh thần, để lúc chung cuộc sẽ trở thành thần minh, những mẫu người hòan hảo sống trong lạc cảnh.

  1. Ngoài ra, có một khám phá mà tôi thích thú nhất: Đó là tìm ra được rằng trung tâm NÃO BỘ, hay NÃO THẤT BA, là TRUNG TÂM VŨ TRU và TRUNG TÂM con người, và thấy rằng đó cũng chính là NIẾT BÀN theo danh từ Phật giáo, chính là NÊ HOÀN theo danh từ LÃO GIÁO.
  2. Sau hết cái sáng kiến cuối cùng của tôi là:

Gắn liền thuyết THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ với THUYẾT PHÓNG PHÁT TÁN PHÂN, rồi lấy đó mà suy diễn ra căn cơ cốt cách con người, đường hướng tu trì, cứu cánh tu trì, cũng như những nét chính yếu, những điểm tương đồng giữa các tôn giáo.

Tôi nhận định rằng : Từ muôn thuở, có một BẢN THỂ vô ngã bao quát vũ trụ, mà nhân loại xưa nay gọi bằng nhiều tên như Thái Hư, Chân Như, Brahman, Đại ngã, Đại Linh Quang, Thượng đế Vô Ngã …

Và Bản thể ấy, Đại Linh Quang ấy đã sinh ra muôn loài bằng lối phóng phát tán phân.

Vì chúng ta đều từ Đại Linh Quang ấy phóng phát ra, cho nên từ phía hiện tượng mà nhìn vào, thì chúng ta cũng chỉ là Tiểu Linh Quang, nhưng nếu nhận định từ phía Đại Linh Quang, từ phía Bản Thể, thì chúng ta vốn chính là Đại Linh Quang, vì có bao giờ Đại Linh Quang lìa khỏi Tiểu Linh Quang đâu?

Lại nữa, nếu nói phóng phát tán phân, thì tất phải nói đến qui hoàn, hội tụ, và như vậy xác định được hai chiều: RA ĐỜI, VÀO ĐẠO của bất kỳ tôn giáo nào.

Mê chẳng qua là tưởng mình chỉ là một chuỗi hiện tượng phiêu lưu, Ngộ là khi hồi quang quán chiếu, tìm ra được CĂN BẢN ĐẠI LINH QUANG của mình.

Và thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể cũng cho thấy những đường nét chính yếu của các đạo giáo là như sau:

Nếu Nhất thể đã sinh vạn tượng, vạn hữu, thì dĩ nhiên các thánh hiền bất kỳ đạo giáo nào cũng trực giác được rằng mình vốn có Thiên Thể, Thiên Tính, Phật Tính …

Cái Tiểu Ngã biến thiên bên ngoài chẳng qua chỉ là những áng mây mờ che phủ cái THINH KHÔNG BẢN THỂ, CÁI THINH KHÔNG ĐẠI NGÃ bao la ở bên trong mà thôi.

Và như vậy chỉ có Đại Ngã là trọng, chỉ có Thiên Tâm là trọng, chỉ có Bản thể, chỉ có Thần là trọng. Tất cả những gì thuộc hình thức sắc tướng bên ngoài, chỉ là bì phu, chỉ là phụ thuộc. Và như vậy trong cái hữu hạn, có tàng trữ cái vô cùng, trong giữa cái óc não hữu hình hữu tướng của mỗi người chúng ta, đều có sẵn THÁI HƯ vô tận.

Và vì chúng ta đều cũng cùng một bản thể với nhau cho nên mới có thể nói được rằng: TỨ HẢI GIAI HUYNH ĐỆ.

Đó là đại cương những đóng của tôi vào nền văn hoá dân tộc nước nhà.

  1. NGƯỜI GIÁO HỮU CAO ĐÀI CÓ THỂ ĐÓNG GÓP GÌ CHO NỀN VĂN HÓA NƯỚC NHÀ

Muốn hiểu biết xem nhiệm vụ người giáo hữu Cao Đài như thế nào đối với nền văn hóa dân tộc, trước hết ta phải xét xem sứ mạng đạo Cao Đài là gì?

Đạo Cao Đài, vì đã là một tôn giáo dân tộc, cho nên nó phải trường tồn với nước non. Sứ mạng của đạo Cao Đài thật là rõ ràng:

Nếu về phương diện đạo giáo, Cao Đài có sứ mạng thu thập tinh hoa các đạo giáo thiên hạ, để đúc kết lại cho nên một đại đạo phổ độ cho nhân quần, thì về phương diện văn hóa, sứ mạng người giáo hữu Cao Đài cũng phải thu thập tinh hoa các nền văn hóa nhân loại để đúc kết nên một nền văn hóa toàn diện, vừa đượm màu sắc dân tộc và màu sắc thế giới.

Thế nào là một nền văn hóa toàn diện, toàn bích?

Thưa: Một nền văn hóa toàn diện toàn bích phải gồm đủ cả ba phần:

Thiên đạo có mục đích dạy con người trở thành thần thánh.

Nhân đạo có mục đích dạy con người tu tâm, luyện tính, ăn ở cho xứng đáng với danh hiệu con người.

Địa đạo có mục đích dạy con người biết cáchh làm ăn sinh sống, ăn ở cho sung sướng thoải mái, có tiện nghi.

Nền văn hóa toàn diện có mục đích phát huy mọi giá trị, mọi khả năng trong con người, trên mọi bình diện, tạo cho mọi người những điều kiện tinh thần vật chất thuận tiện, để họ được nâng đỡ, được hướng dẫn, ngõ hầu có thể phát triển mọi khả năng của mọi người, kiến tạo một xã hội tương dung tương trợ, hạnh phúc công chính, vì giúp con người có những điều kiện thuận tiện, những môi trường thuận tiện để sống một cuộc đời ung dung sung sướng, thoát được mọi cảnh lầm than, đói khồ, ốm đau, tật nguyền và cuối cùng có thể thần thánh hóa mình.

Đó là một công trình thiên thu, xứng đáng với tầm kích của một đạo giáo. Để xây dựng, để tiến tới một nền văn hóa toàn diện, chúng ta có thể nêu ra ít nhiều nguyên tắc sau đây:

1) Nguyên tắc thứ nhất là nhận thức rằng con người có thiên tính, thiên căn, và vì thế có khả năng tiến hóa vô cùng tận. Cho nên tất cả các tổ chức đạo giáo cũng như xã hội phải giúp con người phát huy đến cùng cực mọi khả năng của mình.

2) Nguyên tắc thứ hai, là nhận thấy rằng : mọi sự tốt đẹp đã tiềm ẩn sẵn trong lòng mọi người, và các đạo giáo, các tổ chức xã hội chỉ có bổn phận là tài bồi, là làm cho nảy nở, làm triển dương những mầm mộng chân thiện mỹ đã tiềm ẩn sẵn trong lòng ta mà thôi.

Chủ trương này đưa đến những kết quả thực tế hết sức quan trọng, tức là:

- Tôn trọng phẩm giá con người.

- Đề cao tinh thần tương dung, tương trợ và thông cảm lẫn nhau.

- Giải phóng thực sự con người, vì chủ trương, khi đã giác ngộ, khi đã đạt đạo con người sẽ vượt khỏi khuôn khổ đạo giáo. Con người rốt cuộc vẫn là chủ tể, các đạo giáo chỉ là công cụ nhất thời. Con người phải biết dùng đạo giáo như là phương tiện để tiến thân, như là phương thức để thần thánh hóa mình, chứ không coi mình như là nô lệ của đạo giáo, hay của hàng giáo phẩm của bất kỳ đạo giáo nào.

3) Nguyên tắc thứ ba là nhận thức rằng: tiền nhân đã dày công mới tìm ra được những đức tính cao siêu của tâm hồn như NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ, TÍN, như CÔNG, CHÍNH, LIÊM KHIẾT, THANH CAO …. Những đức tính cao quý ấy của con người cần được bảo vệ, khuyến khích tài bồi bằng mọi phương cách thanh tao như văn chương, kịch nghệ, âm nhạc … Một nước có nhiều tâm hồn đẹp cũng y như một nhà có nhiều châu báu, một vườn có nhiều hoa thơm. Tâm hồn mọi người mà thanh cao đẹp đẽ cả thì làm gì còn loạn lạc, làm gì còn đấu tranh, tranh chấp.

4) Nguyên tắc thứ tư là nhận thức rằng con người không thể sống xa lìa xác thân, hoàn cảnh xã hội, cho nên những vấn đề kinh tế, áo cơm, vật chất, chính trị, xã hội, đều là những vấn đề khẩn yếu, cần phải giải quyết cho thỏa đáng.

Tuy nhiên con người cũng không phải là sản phẩm thuần túy của hoàn cảnh xã hội, cũng không phải là công cụ thuần túy của quốc gia dân tộc. Con người vẫn có quyền vượt lên trên những khung cảnh lịch sử quốc gia, xã hội. Suy cho cùng thì xã hội và lịch sử cũng vẫn chỉ là những môi trường, những công cụ cho con người dùng để tiến thân …

5) Nguyyên tắc thứ năm là nhận thức rằng bất kỳ chếch mác dở dang nào, bất kỳ tệ đoan, hủ bại gì, nếu mình thật tâm muốn trừ khử, cũng có thể trừ khử được.

Lịch sử đã chứng minh rằng: nếu con người chịu suy, chịu nghĩ, chịu tìm kiếm, sẽ có thể lướt thắng được đói khổ, bệnh hoạn, cải tạo được đời sống, gia tăng được tiện nghi, giảm bớt được sự lầm than, lam lũ, bằng cách sử dụng kỹ thuật và khoa học , máy móc.

Những tệ đoan xã hội cũng có thể giải trừ được hết, nếu chính quyền có thiện chí,nếu dân chúng ý thức được quyền hạn mình, giá trị và sứ mạng mình, và biết đoàn kết chặt chẽ để cải thiện đời sống mình.

6) Nguyên tắc thứ sáu là nhận thức được rằng con người có một khả năng tiến hóa vô hạn định, có thể tiến từ thú đến thần, nên cần được giáo hóa, được hướng dẫn hẳn hoi, cần phải cố gắng tiến tới mãi mãi.

Nếu vậy thì sinh ra ở trên đời này không phải là để cầu an, để hưởng thụ, mà chính là để tranh đấu, để cố gắng, để vươn lên. Muốn sống động muốn hào hùng húng ta cần phải có những mộng tưởng lớn lao, cần phải có những lý tưởng cao đại.

Vươn cho cao , hãy ngưởng mặt lên cao,

Lý tưởng có cao , nguồn sống mới rạt rào,

Sống tầm thường lấy gì hun chí cả,

Đời an nhàn là đời đang tan rã,

Đứng nhìn đời là thái độ một trẻ thơ,

Hãy ra công vì đồng lọai mong chờ,

Hãy cố gắng vì giang sơn cần tuấn kiệt,

Non sông đang chờ ta đem gấm hoa thêu dệt

Đời vinh quang tatạo lấy cho ta,

Sống làm sao cho rạng vẻ quốc gia,

Muôn gian lao không làm sờn chí cả …

«Dẫu đất chuyển, trời long, biển vơi núi lả

Tấm lòng vàng tạc đá vẫn chưa mòn …»

(2 câu cuối của cụ Hùynh Thúc Kháng - Mã thượng số II )

7) Nguyên tắc thứ bảy là nhận thức rằng: thực tại bao giờ cũng không được hoàn mỹ nó mới chỉ là nấc thang cho ta tiến tới lý tưởng. Ôm ấp thực tại, tán dương thực tại, tán dương lề lối sống hiện tại là một lỗi lầm. Nhiệm vụ con người là phải luôn luôn phê phán, kiểm điểm lại quan điểm của mình, đường lối của mình luôn luôn phải cố gắng cải tiến không ngừng. “Nhận tân, nhật tân, hựu nhật tân.”

8) Nguyên tắc thứ tám là nhận định rằng: Con người không phải nguyên có tinh thần mà cũng chẳng phải nguyên có vật chất, nên không thể nhất thiết khinh bên nào trọng bên nào.

Lúc còn thiếu thốn đói khổ, thì phải lo miếng cơm, manh áo. Khi đã no đủ thì phải đặt các vấn đề lý trrí, tâm thần lên hàng đầu.

9) Nguyên tắc thứ chín là phải có một tinh thần luôn luôn cởi mở, thức thời luôn luôn cầu tiến biết tìm ra những ưu điểm của người, nhược điểm của mình ngỏ hầu có thể thích ứng với mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, tiến tới không ngừng.

10) Nguyên tắc thứ mười là nhận định rằng: Con người luôn khao khát tự do, khao khát chân lý, khao khát lý tưởng, khao khát tiến bộ.

Một nền văn hóa toàn bích phải đáp ứng được với những niềm khát vọng ấy. Nó phải là một nền văn hóa mở rộng, chứ không phải là một nền văn hóa khép kín. Nó phải dành những lối thoát cho những người tiền tiến, có thiện chí, có nhiệt huyết muốn vươn lên cho tới cao đại muốn sống vượt tầm, vượt mức thường nhân.Văn hóa phải là phương tiện cho con người tiến tới ,chứ không phải là công cụ kìm hãm, ngăn chặn con người.

11) Nguyên tắc thứ mười một là nhận định rằng tư tưởng cốt để hướng dân hành động, lý tưởng đề ra cốt là để cải tạo thực tại, là cho thực tại trở thành lý tưởng. Nếu tư tưởng mà không được đem ra thi hành, nếu lý tưởng mà không được lồng vào cuộc sống thì tư tưởng trở thành không tưởng, lý tưởng trở thành huyễn tưởng, vọng tưởng.

12) Nguyên tắc thứ mười hai là trên phương diện lý thuyết cũng như thực hành tất cả nỗ lực con người sẽ được tận dụng để:

- Biến cải vật chất, hoàn cảnh vật chất

- Cải thiện xã hội

- Phát triển tâm lý tài năng con người

- Cải thiện tâm hồn con người.

- Giúp cho tâm linh con người triển dương tới mức siêu phàm nhập thánh …

Thực thi áp dụng vào cuộc đời, chúng ta sẽ đi tới những nhận định, những đương lối sau:

- Hiện nay lịch sử và khoa học đã cho ta thấy rằng nhân loại có đầy đủ khả năng để giải quyết và thỏa mãn được các nhu cầu vật chất con người và giúp con người chiến thắng được thiên nhiên và hoàn cảnh. Như vậy ta không còn lý do gì mà không tận dụng mọi phát minh của khoa học, mọi khả năng của kỹ thuật để:

+ Triệt để khai thác tài nguyên của đất nước.

+ Kỹ nghệ hóa quốc gia.

+ Điện lực hóa nông thôn.

+ Cơ giới hóa ngành canh tác.

+ Phát triển các trục lộ giao thông, các phương tiện vận chuyển.

+ Chỉnh trang thành thị.

Song song với các vấn đề vật chất ấy, các vấn đề xã hội cũng cần được kiểm điểm lại, chấn chỉnh lại để cho mọi người đều được sống trong tình thương yêu công bằng và danh dự, và cũng cần đặt nặng vấn đề rèn luyện nhân tài, giáo dục quần chúng, đào luyện chính nhân quân tử ….

- Về phương diện siêu nhiên, đạo giáo không nên đặt nặng vấn đề lễ nghi, hình thức bên ngoài, mà cần phải đặt nặng vấn đề nghiên cứu, bàn bạc thảo luận, học hỏi, đặt nặng vấn đề thanh lịch hóa, siêu thăng con hóa người …

Như vậy một nền văn hóa toàn bích bao gồm hết mọi nỗ lực của con người để tiến tới một đời sống lý tưởng, và tất cả những thành quả nỗ lực ấy sáng tạo nên.

+ Lý tưởng vì thiên nhiên hoàn toàn phục vụ con người, hết còn là chướng ngại vật và là thù địch.

+ Lý tưởng vì xác thân hùng tráng, đủ ăn, đủ mặc, không còn phải lam lũ vất vả khổ sở, để kiếm ăn, vì đã có những phương pháp khoa học, những máy móc đỡ đần trong mọi công việc.

+ Lý tưởng vì đời sống xã hội được tổ chức một cách công bằng, hợp lý, nhân cách con người được bảo đảm.

+ Lý tưởng vì đời sống nội tâm và siêu nhiên con người được hướng dẫn và được phát huy tới mức tối đa cho mỗi một con người.

Như vậy làm văn hóa tức là cố gắng chiến đấu chống lại với mọi khuyết điểm, mọi chếch mác dở dang để cho mình và cho người có một đời sống đẹp đẽ hơn, sáng sủa hơn thanh lịch hơn hoàn hảo hơn mãi mãi …

Viễn tượng tương lai ấy, ta lấy ở đâu ra? Thưa từ tâm linh chúng ta.

Phương pháp thực thi tương lai ấy ta lấy ở đâu? Thưa từ tâm tư, trí não, từ ở tay chân ta, và sự đồng lao cộng tác của chúng ta.

Viễn tượng tương lai ấy có thể thực hiện được nếu mọi người đều cố gắng, hoạt động cho có phương pháp, có tổ chức, có hướng dẫn.

Nếu mọi người chúng ta đều có ý thức được sứ mạng mình, nỗ lực cải tiến không ngừng thì ta sẽ lèo lái chẳng những con thuyền quốc gia mà cả con thuyền nhân loại về hướng thần tiên sang cả như viễn tượng của Victor Hugo …

«Thuyền nhân loại hướng về đâu tá?

Thuyền quang hoa băng ngả thần tiên.

Tiến về mai hậu siêu nhiên,

Tiến về đức hạnh nguyên tuyền tinh hoa.

Ánh khoa học trời xa lóng lánh,

Thuyền quang hoa băng cảnh thần tiên,

Tiến về đẹp đẽ tinh tuyền,

Tiến về thượng giới về miền muôn sao.»

(Òu va- t- il ce navire? Il va, de jour vêtu,

À l’avenir pin et pur, à la vertu,

À la science qu’on voit luire,

Il va, glorieux navire,

Au juste, au grand, au loin, au beau, vous voyez bien,

Qu’en effet, il monte aux étoiles. (Victor Hugo. - Plein Ciel)

Một khi đã biết rõ sứ mạng mình, đã thấy rõ công trình mình, nhiệm vụ mình, đã có những nguyên tắc hướng dẫn hành động người giáo hữu Cao Đài sẽ phóng tâm đóng góp hàng ngày vào công trình xây dựng văn hóa dân tộc, bởi vì làm bất cứ cái gì hay, cái gì đẹp, cái gì lợi, cái gì ích cho mình, cho người, cho nhà, cho nước đều là làm văn hóa dân tộc, bởi vì làm bất cứ cái gì mà hướng về chân, thiện, mỹ, đều là làm văn hóa cho dân tộc cả …

.TỔNG KẾT.

Để tổng kết lại, bàn về văn hóa, tức là xét xem xưa nay con người đã nghĩ gì về Chân, Thiện, Mỹ đã quan niệm thế nào về Chân, Thiện, Mỹ, đã thực hiện được những gì, đã cố gắng ra sao để hướng về Chân Thiện, Mỹ, để thực hiện Chân Thiện, Mỹ.

Bàn về văn hóa dân tộc tức là sống lại đời sống của tiền nhân cảm thông những nỗi lo âu, hồi hộp của muôn thế hệ, cũng như chia vui với nững niềm vui của trần hoàn, tức là dùng gương xưa tích cũ làm những bài học cho hiện đại và tương lai, tránh những lỗi lầm mà người xưa đã mắc, bắt chước cái hay mà người xưa đã có, tiếp tục công trình dang dở của người xưa đã làm, ngõ hầu cải thiện đời sống mình và người cho trần gian sớm trở thành nơi hoan lạc cho mọi người được sống một cuộc sống xứng đáng một lý tưởng đáng theo, là học để biết sống cho chân thực, biết nhìn, biết nghĩ, biết suy, biết bắc cân nặng nhẹ, phải trái, không để cho người biến mình thành máy móc, công cụ, không để cho trần hoàn lôi cuốn mình như chiếc lákhô trong cơn gió lốc.

Làm văn hóa dân tộc, tức là tận dụng thời gian và khả năng để đắp xây cho tương lai xứ sở, bảo vệ những gì gọi là tinh hoa nhân lọai.

Làm văn hóa dân tộc tức là khai thác, là làm tăng trưởng mọi khả năng thể chất, não cân và tâm thần ta để trở nên những phần tử ưu tú của đất nước, những chiến sĩ tiền phong của non sông, là tạo cho chúng ta một lý tưởng cao cả.

Tất cả những công trình văn hóa, từ văn chương, kịch nghệ, cho tới mỹ thuật, kiến trúc, cho tới những tổ chức pháp lý, luân lý, đạo giáo của dân tộc cũng như của nhân quân đều như muốn khuyến dụ ta trở thành những con người xứng đáng, nhửng con người hoàn thiện, hấp thụ lấy tinh hoa của muôn nghìn thế hệ, của muôn nghìn đất nước, để mà tô điểm cho tâm thần ta thêm thánh thiện, cho đồng bào đồng chủng, cho nhân quần thêm hạnh phúc cho giang sơn chúng ta và trần hoàn thêm đẹp tươi, cho thế giới thêm an bình, cho mọi người được sống những ngày thái thịnh hoan lạc trong đạo lý và nhân luân, sử dụng kỹ thuật và khoa học đến triệt để, và hoàn toàn chế ngự được hoàn cảnh …

Tất cả những viễn tượng đẹp đẽ ấy chính là những lời cầu chúc và ước nguyện của tôi gửi đến quý vị trước khi chấm dứt buổi nói chuyện hôm nay về văn hóa dân tộc …

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh