Trung Dung Tân Khảo: Chương 31. Thánh Nhân Là Hiện Thân Của Thượng Đế

TRUNG DUNG TÂN KHẢO: CHƯƠNG 31. THÁNH NHÂN LÀ HIỆN THÂN CỦA THƯỢNG ĐẾ

第 三 十 一 章

唯 天 下 至 聖, 為 能 聰, 明, 睿, 知, 足 以 有 臨 也; 寬, 裕, 溫, 柔, 足 以 有 容 也; 發, 強, 剛, 毅, 足 以 有 執 也; 齊, 莊, 中 正 足 以 有 敬 也; 文, 理, 密, 察, 足 以 有 別 也. 溥 博, 淵 泉, 而 時 出 之. 溥博 如 天, 淵 泉 如 淵; 見 而 民 莫 不 敬; 言 而 民 莫 不 信; 行 而 民 莫 不 說. 是 以 聲 名 洋 溢 乎 中 國, 施 及 蠻 貊. 舟 車 所 至, 人 力 所 通, 天 之 所 覆, 地 之所 載 日 月 所 照, 霜 露 所 隊, 凡 有 血 氣 者, 莫 不 尊 親, 故 曰 配 天.

PHIÊN ÂM

Duy thiên hạ chí thánh, vi năng thông, minh, duệ, trí, túc dĩ hữu lâm dã; khoan, dụ, ôn, nhu, túc dĩ hữu dung dã; phát, cường, cương, nghị, túc dĩ hữu chấp dã; tề, trang, trung chính túc dĩ hữu kính dã; văn, lý, mật, sát, túc dĩ hữu biệt dã. Phổ bác, uyên tuyền, nhi thời xuất chi. Phổ bác như thiên, uyên tuyền như uyên; hiện nhi nhân mạc bất kính; ngôn nhi dân mạc bất tín; hành nhi nhân mạc bất duyệt. Thị dĩ thanh danh dương dật hồ Trung quốc, thi cập Man Mạch. Chu xa sở chí, nhân lực sở thông, thiên chi sở phú, địa chi sở tải, nhật nguyệt sở chiếu, sương lộ sở trụy, phàm hữu huyết khí giả, mạc bất tôn thân, cố viết phối Thiên.

CHÚ THÍCH

- Duệ 睿 = thông minh, sâu sắc. - Dụ 裕 = rộng rãi, giàu có, khoan thai. - Cường 強 = mạnh. - Cương 剛 = cứng. - Chấp 執 = cầm giữ. - Trang 莊= trang nghiêm. - Phổ 溥 = khắp. - Bác 博 = rộng. - Uyên 淵 = sâu. - Uyên tuyền 淵 泉 = sâu như suối sâu. - Duyệt 說 = thích. - Dương 洋 = mênh mang. - Man 蠻 = mọi rợ phía Nam. - Chu 舟 = thuyền. - Tải 載 = chở. - Phối thiên 配 天 = kết hợp với trời. - Dật 溢= dầy. - Mạch 貊 = mọi rợ phía Bắc. - Phú 覆 = che. - Trụy 墜= rơi.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

DỊCH CHƯƠNG 31

Thiên nhân nhất quán

Chỉ có đấng chí thánh trong trần thế,

Mới có đầy đủ thông minh trí tuệ.

Y như thể có trời ẩn áo giáng lâm,

Mới khoan dung, hòa nhã, ôn thuần.

Y như có dung nhan Trời phất phưởng,

Phấn phát, tự cường, kiên cương, hùng dũng.

Y như là đã cầm giữ được sức thiêng;

Trang trọng, khiết tinh, trung chính, triền miên,

Y như thừa hưởng được đôi phần kính cẩn.

Nói năng văn vẻ rõ ràng, tường tận,

Y như là chia được phần thông suốt tinh vi.[1]

Mênh mang sâu thẳm, ứng hiện phải thì,

Mênh mang như khung trời bao la vô hạn,

Sâu thẳm như vực muôn trùng thăm thẳm.

Thấy bóng ngài, dân một dạ kính tôn,

Nghe lời ngài, dân tin tưởng trọn niềm,

Ngài hành động: muôn dân đều hoan lạc.[2]

Nên thanh danh ngài vang lừng Trung Quốc,

Vượt biên cương lan tới các nước ngoài.

Đâu xe có thể đi, người có thể tới lui,

Đâu có được trời che và đất chở.

Đâu còn nhật nguyệt hai vầng tở mở,

Đâu có móc đọng đâu có sương rơi.

Đâu còn có dòng máu nóng con người,

Ở nơi đó ngài vẫn được tôn sùng quí báu.

Thế nên gọi là «cùng trời phối ngẫu».[3]

BÌNH LUẬN

Chương này luận về thánh nhân phối thiên. Vì phối thiên nên đầy đủ thông minh, trí tuệ, ôn hòa, nhu thuận, phấn phát, tự cường, nghiêm trang, cung kính, lý sự khúc chiết, y như đã thông phần bản tính Trời, và là hiện thân của Trời.

Cũng vì thế mà thánh nhân được trọng vọng tin theo. Thanh danh ngài sẽ truyền ra khắp các nước và sẽ bền vững với núi sông.

Đoạn đầu chương này xưa nay thường được dịch đại khái như sau: «Trong thiên hạ chỉ có bậc chí thánh mới [có đủ năm đức hạnh này]: (1) [về trí thức thì] tai thông mắt tỏ, độ suốt, hiểu làu, như vậy đủ mà cai trị trăm họ; (2) [về bụng dạ thì] rộng rãi, dũ hòa, ôn nhã, nhu thuận, như vậy đủ mà bao dung chúng dân; (3) [về tính tình thì] phấn phát tự cường, cang dũng, quyết nghị, như vậy đủ mà giữ gìn phận sự; (4) [về nết hạnh thì] trai giới, nghiêm trang, trung thành, chính trực, như vậy đủ mà giữ niềm cung kính trong mọi việc; (5) [về ngôn ngữ thì] có văn, có lý, cặn kẽ, minh bạch, như vậy đủ mà phân biệt sự lý.» [4]

Dịch như vậy thiết tưởng không lột được ý thánh nhân phối thiên của chương sách.

Vì thế tôi mới dịch lại như trên. Lối dịch này làm sáng tỏ đường lối Nho giáo nói riêng và chủ trương của thánh hiền Âu Á cổ kim nói chung, cho rằng thánh nhân hợp nhất với Trời.

Chủ trương thánh nhân phối thiên, thánh nhân là hiện thân của Thượng Đế đã được thấy trong Kinh Thi, Kinh Thư, Tứ Thư, cũng như ở các hiền triết Nho giáo.

Kinh Thi viết:

«Việc Trời chẳng tiếng chẳng tăm,

Nên dùng dạng thức vua Văn hiển hình.

Cho muôn dân thấy mà tin...» [5]

Lại viết:

«Thuở nhà Ân còn thời thịnh trị,

Đã từng cùng Thượng Đế tất giao.» [6]

Trung Dung cũng nhiều lần đề cập tới sự phối hợp của Thượng Đế.[7] Đại Học (ch.10) cũng nhắc đến sự phối thiên bằng cách đan cử câu Kinh Thư: «Ân chi vị táng sư, khắc phối Thượng Đế.» Đối với Trung Dung ta thấy đó là đề tài chính yếu.[8]

Liêm Khê viết: «Hiểu đến nguồn gốc của tính mệnh, ắt sẽ lấy sự hợp nhất với Trời làm căn bản cho sự học vấn.» [9]

Thượng Thái (1050-?) nói: «Người học đạo phải nên cùng lý. Muôn vật đều có lý. Cùng lý hẳn biết được sở vi của Trời. Biết được sở vi của Trời hẳn cùng Trời làm một.» [10]

Hoành Cừ viết: «Nho gia từ minh giác tiến tới toàn thiện, lại từ toàn thiện tiến tới minh giác hoàn toàn. Cho nên Trời người hợp nhất, học đến cùng tột để nên thánh nhân.» [11]

Nhìn sang đạo Lão, ta thấy Đạo Đức Kinh (ch.68) viết: «Sống kết hợp với Trời là lý tưởng cao siêu nhất của người xưa.»

Trương Kỳ Quân, một học giả Trung Hoa lỗi lạc hiện nay, đã viết trong tạp chí Trung Quốc nhất chu và trong bộ Trung Hoa ngũ thiên niên sử của ông như sau: «Trung Hoa từ thời Đường, Ngu (Nghiêu, Thuấn) đến nay đều có chủ trường Trời người kết hợp. Kính Trời cốt để yêu người, yêu người cốt để kính Trời.» [12]

Tư tưởng ‘thánh nhân là hiện thân của Thượng Đế’ thực ra là tư tưởng chung của hoàn vũ. Bergson viết: »… Bây giờ thì Thượng Đế hoạt động bởi tâm hồn; sự phối hợp đã hoàn toàn, và vì thế vĩnh cửu.» [13]

Abu Yazid, một vị thánh Hồi giáo, viết: «Một hôm Thượng Đế đem tôi lên đặt trước mặt ngài và phán: ‘Hỡi Abu Yazid, tạo vật ta muốn thấy con.’ Tôi liền thưa: ‘Xin Chúa trang điểm con bằng sự duy nhất Chúa, xin hãy mặc cho con cá tính Chúa, để hễ thấy con, tạo vật sẽ nói: Ta đã thấy Chúa. Và đó là Chúa chẳng còn có con nữa.’» [14]

Al Hallag, một vị đại thánh Hồi giáo khác, cũng viết: «Ta là đấng ta yêu. Đấng ta yêu là ta. Chúng ta là hai thần trong một xác. Nếu bạn thấy ta, bạn sẽ thấy ngài. Nếu bạn thấy ngài, bạn sẽ thấy ta.» [15]

Tạm dịch ra thơ:

«Ta cùng với đấng ta yêu,

Hai đàng là một, khôn chiều qua phân.

Một thân mà có hai thần,

Thấy ta, thấy Chúa, cũng ngần ấy thôi.»

Những lời lẽ này làm ta liên tưởng đến lời Chúa Cơ Đốc phán trong Phúc âm thánh Jean: »Ai đã thấy ta tức là thấy Cha. Sao ngươi lại nói rằng: ‘Xin chỉ Cha cho chúng tôi?’ Ngươi há không tin rằng ta ở trong Cha và Cha ở trong ta hay sao?» [16]

Chương 31 này của Trung Dung còn có một điểm lạ lùng là có những âm hưởng tương tự như thánh kinh Cựu Ước của Công giáo. Để minh chứng, xin viện dẫn một đoạn trong Thánh Vịnh David, là một đoạn minh triết.

Trung Dung cho rằng danh tiếng của thánh nhân sẽ lâu bền với tinh cầu, nhật nguyệt, thì Thánh Vịnh David cũng viết:

«Danh người sẽ muôn đời sáng tỏ,

Cùng vầng dương muôn thuở lưu lai.

Muôn dân diễm phúc nhờ Người,

Phúc Người truyền tụng muôn đời dài lâu.» [17]

Minh Triết viết:

«Nhờ minh triết, tiếng ta vang dậy,

Trẻ như ta già thảy kính tôn.

Ngồi tòa thiên hạ khen khôn,

Gặp ta vương tướng cũng còn ngạc nhiên.

Ta nín lặng người thêm mong đợi,

Ta nói năng người vội lắng nghe.

Lời ta nhả ngọc phun huê,

Làm cho thiên hạ say mê nghe hoài.

Nhờ minh triết muôn đời trường thọ,

Ta lưu danh vạn cổ hậu lai.

Muôn dân ta quản ta coi,

Muôn dân muôn nước trong ngoài phục ta.» [18]

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh