Trung Dung Tân Khảo: Chương 28. Đạo Thánh Hiền Phải Hợp Với Đạo Cổ Nhân

TRUNG DUNG TÂN KHẢO: CHƯƠNG 28. ĐẠO THÁNH HIỀN PHẢI HỢP VỚI ĐẠO CỔ NHÂN

第 二 十 八 章

子 曰 : 愚 而 好 自 用, 賤 而 好 字 專; 生 乎 今 之 世, 反 古 之 道; 如此 者, 災 及 其 身 者 也. 非 天 子, 不 議 禮, 不 制 度, 不考 文. 今 天 下, 車 同 軌, 書 同 文, 行 同 倫. 雖 有 其 位, 苟 無 其 德 , 不 敢 作 禮 樂 焉. 雖 有 其 德, 苟 無 其 位, 亦 不敢 作 禮 樂 焉. 子 曰 : 吾 說 夏 禮, 杞不 足 征 也. 吾 學 殷 禮, 有 宋 存 焉. 吾 學 周 禮, 今 用之; 吾 從 周.

PHIÊN ÂM

Tử viết: Ngu nhi hiếu tự dụng, tiện nhi hiếu tự chuyên; sinh hồ kim chi thế, phản cổ chi đạo; như thử giả, tai cập kỳ thân giả dã. Phi Thiên Tử, bất nghị lễ, bất chế độ, bất khảo văn. Kim thiên hạ, xa đồng quỹ, thư đồng văn, hạnh đồng luân. Tuy hữu kỳ vị, cẩu vô kỳ đức, bất cảm tác lễ nhạc yên. Tuy hữu kỳ đức, cẩu vô kỳ vị, diệc bất cảm tác lễ nhạc yên. Tử viết: Ngô thuyết Hạ lễ, Kỷ bất túc trưng dã. Ngô học Ân lễ, hữu Tống tồn yên. Ngô học Chu lễ; kim dụng chi; ngô tùng Chu.

CHÚ THÍCH

- Phản 反 = (1) trở về với;[1] (2) phản lại, vi phản 違 反.[2] (Dịch giả cũng theo nghĩa (2), vì thấy hợp lý hơn. Hơn nữa, ông Tử Tư cũng như Đức Khổng muốn đem đạo Nghiêu Thuấn mà truyền bá, tức là một đạo có từ xưa. Dĩ nhiên chủ trương không được phản lại đạo lý cổ truyền). - Tai 災 = tai ương 災 殃.- Nghị 議 = bàn. - Chế 制 = làm. - Độ 度 = phẩm chế như luật pháp, cân lượng, thước tấc, v.v. - Quĩ 軌 = trục xe, vết xe cách nhau, phép tắc. - Cẩu 苟= nếu.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

DỊCH CHƯƠNG 28

Ôn cố tri tân (Đạo Thánh hiền phải hợp với cổ nhân)

Ngu si, mà ỷ tài ỷ sức,

Đã đớn hèn mà thích tự chuyên.[3]

Sinh vào thời buổi hiện kim,

Dám điều trái đạo tiên hiền cổ nhân.[4]

Làm những chuyện oái oăm như vậy,

Chẳng chóng chày hứng lấy tai ương.

Trừ phi là đấng thánh vương,

Chẳng ai mà được lạm bàn lễ nghi,

Chẳng ai được sân si chế độ,

Chẳng ai được tu bổ văn từ.

Nên nay xe một vết xe,

Văn từ, luân lý nhất tề như nhau.

Ngôi cao dẫn đứng đầu bách tính.

Chẳng thánh nhân chẳng định lễ nghi.

Dẫu rằng đức độ siêu vi,

Không ngôi cao cả lễ nghi chẳng bàn.[5]

Đem Hạ lễ ra suy gốc rễ,

Nước Kỷ không đủ lẽ chứng minh.

Ân triều lễ nhạc tuy tinh,

Nhưng nay chỉ có một mình Tống theo.

Nhận thấy lễ Châu triều thông dụng,

Nên ta đây, ta cũng theo Châu.[6]

BÌNH LUẬN

  1. Ngu nhi hiếu tự dụng... bất khảo văn.

Trình Tử cho rằng ngu là người không có đức, tiện là người không có địa vị. Không có đức mà làm lễ nhạc, thế là ngu mà thích tự dụng. Có đức nhưng không có địa vị mà làm lễ nhạc, thế là tiện mà thích tự chuyên. Sinh đời Chu mà muốn theo nghi lễ của đời Hạ, đời Ân; thế là sống thời nay mà muốn theo đạo thời xưa; trong ba điều ấy nếu phạm một, là chiêu tai vạ cho mình.[7]

Các dịch giả Legge, Couvreur, Phan Bội Châu, Phan Khoang, v.v. đều dịch câu ‘sinh hồ kim thế, phản cổ chi đạo’ theo ý của Trình Tử là: sinh thời nay

mà theo đạo thời xưa. Dịch như vậy có thể hợp với chương này, vì Đức Khổng không theo Hạ lễ, Ân lễ, mà theo Chu lễ.

Duy có Trung Dung văn ngôn đối chiếu bình rằng: «Sinh vào thời nay mà vi phản lại những nguyên lý đã được thánh hiền xưa minh định.» [8]

Trên đây cũng đã dịch theo lối Trung Dung kim thích là: sống thời nay mà làm điều trái đạo tiên hiền thuở xưa. Dịch như vậy có nhiều lý do:

* Vì lễ nghi là những hình thức bên ngoài, chứ không phải là đạo. Lễ nghi có thể tùy thời biến đổi, tập tục có thể tùy thời biến đổi, nhưng đạo thánh hiền không biến đổi.

* Vì nếu đức Khổng và Tử Tư chủ trương không theo đạo người xưa, thì tại sao chương 30 của Trung Dung lại nói: «Trọng Ni tổ thuật Nghiêu, Thuấn, hiến chương Văn, Võ.» ?

Ta nên nhớ, vua Nghiêu tức vị năm 2356 tcn, vua Thuấn tức vị năm 2255 tcn, trước nhà Hạ (2205-1766), nhà Ân (1766-1122); như vậy chứng tỏ đức Khổng không hề chủ trương đi ngược lại đạo của tiên thánh, tiên hiền.

Hơn nữa, trong Luận Ngữ, đức Khổng cũng nói: «Ta đem kinh sách thánh hiền mà truyền lại cho đời sau, chứ ta chẳng có làm ra. Ta tin tưởng và mộ đạo người xưa. Ta trộm ví ta với ông Lão Bành.» [9]

Mạnh Tử cũng chê học thuyết của Hứa Hành là ngược với đạo lý của tiên vương.[10]

Hơn nữa, đọc Mạnh Tử ta cũng thấy rằng đệ tử của đức Khổng là những người mê say đạo lý của thánh hiền thiên cổ.[11]

Như vậy đủ chứng tỏ đức Khổng cũng như Trung Dung không hề chủ trương: sinh vào thời nay mà theo đạo thời xưa là điều họa hại.

Tuy nhiên, nhận định của Trình Tử không phải là không có lý do. Thực ra những lễ nghi, hình thức bên ngoài là các thức để tập hợp quần chúng, để cho quần chúng cảm thông nhau dễ dàng, và cũng là những phương tiện cho họ biểu lộ tâm tình, cho nên càng thống nhất được càng hay, và những lễ nghi thịnh hành nhất, phổ thông nhất cần được bảo tồn.

Quần chúng thường đặt nặng vấn đề lễ nghi, hình thức bên ngoài. Họ giống như những con trẻ mô tả trong Phúc Âm, thường hay hạch hỏi: «Ta đã thổi sáo, sao bay không nhảy múa? Ta đã hát những bài lâm khốc bi ai, sao bay không khóc lóc?» [12] Cho nên nếu mình không theo lễ nghi hình thức bên ngoài hiện đang thịnh hành, đôi khi cũng có thể chiêu hại vào thân.

  1. Xa đồng quỹ, thư đồng văn, hạnh đồng luân.

Lập lễ nghi, chế độ, phép tắc, làm cho chúng được phổ biến, phổ cập khắp nơi, thi hành nhất luật khắp chốn là phận sự của thiên tử. Nhờ vậy mà khắp nước đều cùng một phép tắc, chế độ, xe cùng một thứ vết, sách cùng một thứ chữ, phong hóa cùng một lề lối.

Mấy chữ xa đồng quỹ, thư đồng văn, hạnh đồng luân đã gây nên giả thuyết rằng Trung Dung không phải do Tử Tư viết, mà đã được viết sau này vào thời Hán, khi Tần Thủy Hoàng đã thống nhất được đất nước, văn tự, chế độ, cân lượng. Lý lẽ viện dẫn là: Sử Ký (Tần Thủy Hoàng bản kỷ) có ghi: «Năm 26, ... một pháp độ, một cân lượng, một thước trượng, xe cùng một thứ vết, sách cùng một thứ chữ.» [13]

Tuy nhiên thuyết này chẳng có gì là vững chãi. Thực vậy, đọc Kinh Thư, ta đã thấy ngay các vị thiên tử như Nghiêu và Thuấn đã ra công thống nhất thể chế, cân lượng, lễ nghi.[14]

  1. Ngô thuyết Hạ lễ ... ngô tùng Chu.

Đức Khổng đã theo Chu lễ, vì thời ấy Chu lễ phổ cập khắp nơi, còn Ân lễ, Hạ lễ chỉ còn nước Kỷ, nước Tống theo mà thôi.

Ta thấy rõ ràng Trung Dung phân biệt hai phương diện: đạo lý và nghi lễ (hình thức bên ngoài).

Tinh hoa đạo giáo của thánh hiền thì muôn đời không thay đổi. Vì thế chương 29 của Trung Dung viết: «Khảo chư tam vương [Đại Vũ, Thành Thang, Vũ Vương], nhi bất mậu; kiến chư thiên địa nhi bất bội; chất chư quỷ thần, nhi vô nghi, bá thế dĩ sĩ Thánh nhân, nhi bất hoặc.»

Mạnh Tử cũng viết: «Tiên thánh hậu thánh kỳ quỹ nhất dã.» [15]

Còn lễ nghi hình thức là những lề lối thi hành,

áp dụng, phát lộ ra bên ngoài, thì có thể biến dịch tùy thời. cái gì phổ thông tiện lợi thì theo, vì thế đức Khổng mới nói ‘Ngô tòng Chu’.

Đoạn này chứng minh ngược lại rằng Trung Dung đã được viết trước thời Tần Thủy Hoàng vì ta thấy còn ba loại nghi lễ:

- Hạ lễ còn được thi hành ở nước Kỷ.

- Ân lễ còn được thi hành ở nước Tống.

- Chu lễ còn phổ cập thực thi ở khắp các nơi khác trong nước.

Nếu Trung Dung đã được viết sau thời Tần Thủy Hoàng thì cả chương này vô nghĩa, vì dĩ nhiên, Tần Thủy Hoàng đã hủy bỏ ba loại nghi lễ Hạ, Thương, Chu.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh