Trung Dung Tân Khảo: Chương 11. Vũ Trụ Quan Theo Trung Dung Và Dịch Lý

TRUNG DUNG TÂN KHẢO: CHƯƠNG 11. VŨ TRỤ QUAN THEO TRUNG DUNG VÀ DỊCH LÝ

Đặt Trung Dung, Trung điểm vào giữa vòng Dịch, đem hằng cửu lồng vào tâm khảm mọi di động biến thiên, ta có thể suy ra:

  1. Một vũ trụ quan
  2. Một nhân sinh quan
  3. Một sử quan
  4. Những định luật chính chi phối hoàn võ và con người.

Trong những trang sau, chúng ta sẽ dùng chữ Trung, chữ Dịch, dùng tâm điểm và vòng tròn, tung lên khung Trời vô hạn, cho thành Thái cực và vòng càn khôn, cho bao quát không gian vô tận và thời gian vô cùng, để nhìn cho thấu các lớp lang tiết tấu sinh sinh hóa hóa của đất Trời.

Chúng ta sẽ quay cho vòng Càn Khôn di động để phơi bày ra toàn thể lịch sử nhân loại, từ lúc con người khoác xác phàm phu luân lạc trong cỗi hồng trần, cho tới khi giải thoát hiển vinh, trở thành thần thánh cùng đất Trời trường sinh bất tử, nhân đó chúng ta có thể tìm ra huyền cơ Tạo hóa và những định luật bất biến chi phối trào lưu thăng trầm, tiến thoái của nhân quần ...

Nho giáo chủ trương: «Thiên địa vạn vật nhất thể.» [1]

Bản thể đất Trời «duy nhất», nhưng hình tướng công dụng bên ngoài thì biến ảo muôn ngàn (Thể duy nhất, dụng vạn thù).

Đà diễn tiến của vũ trụ như sau: Vô cực [2] sinh Thái cực, Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, và cứ đà tiến ấy tạo dựng quần sinh vũ trụ. [3]

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Nói cách khác: Trời sinh ánh sáng, ánh sáng sinh từ lực; từ lực tức nhị khí âm dương, sẽ tác dụng phối hợp nhau theo những phương thức khác nhau để sinh mây gió, nước lửa, núi non, Trời đất...

Theo quan niệm trên, thì vô hình dần dần dà cô đọng thành hữu hình, ánh sáng dần dần biến hóa thành thiên hình vạn trạng.

Ngược lại với giáo lý các đạo độc thần (Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Do thái giáo), Nho giáo chủ trương thuyết sinh hóa (émanation et transformation), một thuyết sinh hóa đặc biệt vì hết chu kỳ (cycle) biến dịch, lại trở về nguyên bản (Thiên địa tuần hoàn chung nhi phục thủy. Nguyên thủy phản chung). [4]

Thái cực hay Ánh sáng chí tôn ấy như vừng dương ngự giữa hoàn võ tung tỏa hào quang khắp nơi để duy trì sinh hóa. Đâu có sinh hóa đấy có Thái cực, trong mỗi vi trần đều có Thái cực, trong mỗi nhân thần đều có thái cực.[5]

Mua đá năng lượng:

Thái cực còn gọi là Trung, vì bất biến, làm khu nữu cho vũ trụ; gọi là Dịch vì làm cho vạn hữu biến hóa, gọi là Đạo, vì là nguyên động lực muôn loài...

Từ trước đến nay, ít người hiểu hai chữ Vô cực, Thái cực của cổ nhân, nên từ ngữ đã làm chết nghẹt tư tưởng, và vì vậy không sao tìm được điểm tương đồng giữa các học thuyết Âu Á.

Nhưng nếu hiểu vô cực là «Trời ẩn», Thái cực là «Trời hiện», thì ta sẽ biết ngay Thái cực là Đạo, là Hóa công, là Tạo hóa, như vậy Vô cực, Thái cực chỉ là hai phương diện ẩn, hiện (non-manifestation et manifestation) của Hóa Công.

Hai phương diện này là ta liên tưởng đến Brahman (Vô) và, Isvara (Hữu), Nirguna (vô tướng= sans qualité) và Saguna (Hữu tướng= avec qualité) trong kinh Vệ Đà. [6]

Đó cũng là quan điểm của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh.

«Hóa công hồ dễ đặt tên,

Khuôn thiêng hồ mà đem luận bàn,

Không tên, sáng tạo thế gian,

Có tên, là mẹ muôn vàn thụ sinh.

Tịch nhiên cho thấy uy linh,

Hiển dương cho thấy công trình vân vi.

Hai phương diện một Hóa nhi,

Huyền linh khôn xiết huyền vi khôn lường...

Người là «chúng diệu chi môn»,

Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi.» [7]

«Thiên địa vạn vật nhất thể» là một học thuyết chung cho nhiều đạo giáo Âu Á. [8]

Theo Thuyết này, thì chỉ tâm điểm là trường cửu, là duy nhất, còn vạn vật vạn hữu bên ngoài thì dị biệt, biến thiên. Cho nên nếu nhìn hẹp từng tầng, từng vật, thì thấy mọi sự đều chia phôi xa lạ, còn nếu nhìn bao quát cả toàn thể, thì thấy mọi sự đều như lá, như cành, như hoa, như quả cùng chung một gốc, và trong những lớp màng, lớp áo, lớp vỏ biến thiên bên ngoài, còn có một tinh hoa trường tồn vĩnh cửu.

Với tầm nhìn bao quát ấy Trang Tử đã nói:

«Ta và Trời đất cùng sinh,

Ta cùng muôn vật sự tình chẳng hai.» [9]

Trang Tử còn chủ trương: Nếu nhìn chỗ «dị biệt» thì thấy gan, mật như Sở, Việt chia phôi, nếu biết nhìn điểm tương đồng thì vạn vật đều là một. [10]

Càng đi ra bên ngoài, càng thấy tôn ti, quí tiện đôi đường cách trở; càng tiến vào bên trong, càng tiến tới chỗ tương đồng, vào đến tâm điểm, đến Đạo, đến Thái cực thì hết phân quí tiện, vì vạn vật đều mang Thái cực. [11] Đó chính là chỗ «Tề vật» của Trang Tử.

Theo Alfarabi, một triết gia Ả Rạp thời Trung cổ, thì trong tác phẩm thần học (Théologie), Aristote cũng chứng minh sự hiện diện của Duy nhất trong lòng mọi tạp thù, dị biệt. [12]

Áo Nghĩa Thư (Upanishad) chủ trương: dưới lớp ảo hóa, biến thiên, dị biệt bên ngoài của vũ trụ, có một bản thể duy nhất, đó là tuyệt đối thể, là Brahman hay Atman, căn nguyên của vũ trụ, và chân tâm con người... [13]

... ‘như nhện giăng tơ, như lửa sinh tàn, từ chân tâm cũng phát xuất ra mọi nguồn sinh lực, mọi vũ trụ, mọi thần minh và vạn hữu...» [14]

Sách Zohar (huyền học Do Thái) cũng đồng quan điểm khi chủ trương: Thượng đế là Trung điểm, vạn hữu bao bọc chung quanh thành nhiều vòng hay nhiều thế giới đồng tâm.

Thượng đế phát huy ra vũ trụ nên sự phát triển của vũ trụ tiến từ tầng trong ra tới tầng ngoài, và vô hạn giáng phàm dần xuống tới hữu hạn... Trong là thượng giới, ngoài là hạ giới, trong cùng là tinh thần, ngoài cùng là vật chất, vòng ngoài bao bọc hỗ trợ vòng trong như vỏ, như cùi bảo vệ cho nhân cho hạt. [15]

Kinh Hoa Nghiêm, theo Đào Hư Tử, cũng chủ trương: Vạn lý đều do một tính mà phát xuất ra. [16]

Kinh Lăng Nghiêm viết: các pháp đều do tâm biến hiện. [17]

Vũ trụ quan này đưa đến những kết luận sau:

  1. Trời người tương quan mật thiết với nhau: Trời là nhân, người là quả, là vỏ bọc.[18]
  2. Trời bất biến, người biến thiên. Đã biến thiên thì không vĩnh cửu. Vậy con người muốn vĩnh cửu, muốn trường sinh bất tử, phải kết hợp với Trời, nhân tâm phải kết hợp với Đạo tâm. Trường sinh bất tử không phải là một dữ kiện (fait donné) mà là một công trình (Oeuvre à réaliser).

Thực ra Cựu Ước cũng chủ trương: «Sự kết hợp với đức Minh Triết đưa ta đến chỗ bất diệt.» [19]

Thế là:

Dục cầu nhân bất tử,

Tu tầm bất tử nhân. [20]

(Muốn cho người được trường sinh,

Phải tìm ra đấng huyền linh, trường tồn.)

  1. Trời ví như căn bản, nguồn gốc; nhân loại quần sinh ví như những cành lá (mạt末), Những dòng sông (lưu 流), Trời là thể 體 (essence), nhân loại quần sinh là những ứng dụng bên ngoài (dụng 用 : service); Trời thì vi ẩn, nhân loại quần sinh thì hiển hiện, nhưng đôi bên đều mật thiết tương quan với nhau.

Chu Hi viết: «Thể dụng nhất nguyên, hiển vi vô gián.» 體 用 一 源 顯 微 無 間.

«Thể với dụng đều chung gốc rễ,

Hiển cùng vi khôn lẽ chia phôi.»

  1. Đi từ Trời xuống quần sinh, vũ trụ, từ tinh thần ra vật chất là trụy lạc là thoái hóa nhưng cũng là tạo tác; đi từ quần sinh vũ trụ lên tới Trời, từ vật chất về tinh thần là siêu thoát là tiến hóa, là thần thánh hóa bản thân. Đó là bí quyết: «Qui nguyên phản bản»,[21]«Trở về gốc quay về nguồn», [22] «Âm dương điên đảo» của người xưa. [23]
  2. Như vậy, sự tạo dựng trong vũ trụ chưa chấm dứt. Bao lâu còn biến thiên, bấy lâu còn tạo dựng. Bao lâu con người còn cần tu luyện, thì lò cừ tạo hóa chưa ngừng công việc được.
  3. Vũ trụ quan trên xây nền tảng cho cả hệ thống đạo lý và siêu hình học:

Chỉ có Thái cực, có Đạo, có tuyệt đối mới là nguồn mạch sự sống, là chân lý bất biến, là điểm hội tụ tối hậu cho nhân loại; còn các hiện tượng hình sắc bên ngoài đều như tuồng ảo hóa.

Muốn trở nên thánh, hiền, tiên, phật, muốn trường sinh bất tử, điều kiện tiên quyết là phải biết «võng tượng», Lìa bỏ các hiện tượng, các hình ảnh, theo Trung đạo, «dữ Đạo hợp chân», cho tâm thần đạt tới, và sống trong Tuyệt đối thể.[24]

Các hiền thánh xưa đều muốn qui vạn thù về một mối, cho các trào lưu tư tưởng, ước mơ chảy ngược dòng để đổ về lại căn nguyên, đều muốn sống hòa đồng với Tuyệt đối thể, đến mực không còn cái «mình», cái «ta» nhỏ nhoi ti tiện nữa, lấy phương châm «vô ngã» làm mục đích tối hậu cho công phu tu luyện. [25]

  1. Vũ trụ quan trên cho thấy tại sao con người phải tiến tới vô ngã phải hòa đồng với Đạo với Trời mới được trường sinh bất tử, mới mong tiến tới đại đồng (universalité).[26]

Lý do rất là giản dị: thì chỉ có Bản thể mới vĩnh cửu, còn ứng dụng thì biến thiên, theo thời, khi còn, khi mất, thăng trầm, chất chưởng. Đàng khác, Thái cực là toàn thể, quần sinh là phân số, là bộ phận; cho nên muốn tiến tới Đại đồng (universalité) phải tiến tới toàn thể. Theo Nho giáo, Thánh nhân cần phải có độ lượng tâm hồn mênh mông bằng tầm thước vũ trụ, nghĩa là cần phải trút bỏ hết mọi giới hạn, màu da, sắc áo, lối đường tư tưởng riêng biệt, gạt bỏ hết mọi nhỏ nhen ti tiện để tiến tới công chính cao đại, tôn quí... [27]

  1. Tìm Trời tìm Đạo phải tìm trong đáy lòng.

Cổ nhân gọi đó là:

«Hồi tâm phản tỉnh»

«Phản thân nhi thành.» (Mạnh Tử)

Và các phương pháp tham thiền, nhập định (contemplation, concentration et extase) cũng cốt là để kết hợp với đấng Tối Cao. [28]

  1. Biết được Trời lòng ngay trong tâm khảm để làm khuôn phép mẫu mực, là căn cốt cho tâm hồn, tức là thấu triệt nghĩa lý, là hiểu biết tới căn để. Đó là «Cách vật trí tri» trong Đại học.

«... Dày công học vấn mới hay khuôn Trời;

Hay khuôn Trời thoắt thôi thấu triệt

Thấu triệt rồi ý thiệt lòng ngay

Lòng ngay ta sẽ hóa hay...» [29]

Đó là cái hiểu biết cao siêu nhất của nhân loại. [30]

  1. Trở về với Trời, với Đạo,[31]với Thái cực tức là thông suốt lẽ huyền vi: «Tạo hóa qui trung chi diệu.»

Công trình này người xưa gọi là:

- Kiến tố, bão phác. [32] 見 素 抱 朴

- Qui nguyên, phục mệnh 歸 元 復 命

- Phục qui Đạo [33] 復 歸 道

- Phục qui Anh nhi [34] 復 歸 嬰 兒

- Phục qui Vô cực [35] 復 歸 無 極

- Phản kỳ chân [36] 復 其 真

- Phục kỳ bản 復 其 本

- Hoàn nguyên phản bản [37] 還 原 返 本

- Dữ đạo hợp chân 與 道 合 真

- Toàn thốc ngũ hành 攢 簇 五 行

- Hội hợp bát quái 會 合 八 卦

- Tam hoa qui đỉnh, 三 華 歸 頂

- Ngũ khí triều nguyên [38] 五 氣 朝 元

- Minh bạch nhập tố 明 白 入 素

- Vô vi phục phác 無 為 復 朴

- Thể tính, bão thần, v.v. [39] 體 性 抱 神

Trở về với Trời, kết hợp với Trời, là đạt đạo, đạt đích (chí nhân 至 人 ) là trở thành «con người thật» (chân nhân 真 人). Đó là «Trung Dung trung đạo». [40]

Theo vũ trụ quan trên, thì vạn vật do Trời sinh, dù phiêu lãng mấy trên trùng dương thời khắc, chung qui cũng phải trở về với Trời, với đạo. [41]

Con người theo một qui luật như vũ trụ, nên trước sau cũng phải trở về với đấng tối cao. [42]

Trung Dung là cứu cánh của con đường đó. Đạt đạo Trung Dung sẽ trường sinh vĩnh cửu. Thanh Tĩnh Kinh giải thích vĩnh cửu trường tồn là Trung Dung (thường giả Trung Dung dã 常 者 中 庸 也). [43]

Người Âu thường công kích quan niệm trên và cho là «phiếm thần chủ nghĩa». Nhưng thay vì bàn cãi suông, nếu ta giở Thánh kinh, nếu ta khảo sát giáo lý hay nghiên cứu tư tưởng các thánh hiền Thiên chúa giáo, ta sẽ thấy những chủ trương tương tự. Các hiền thánh Thiên Chúa giáo cũng tin:

  1. Thượng đế ở khắp nơi (omniprésence de Dieu)
  2. Vạn vật đều do Ngôi hai sáng tạo.[44]
  3. Con người là dòng dõi Thượng đế[45]có thể thông phần bản thể Thượng đế.[46]
  4. Nước Trời ở đáy lòng.[47]
  5. Vinh quang Trời ở trong lòng nhân loại.[48]

Hơn thế nữa, vài vị đại thánh còn nhận:

  1. Trời là bản thể của muôn loài...[49]

Vả lại, nếu đã chấp nhận Thượng đế ở khắp nơi, sao lại không dám nghĩ rằng Thượng đế có ở đáy lòng nhân loại?

... Nếu đã chấp nhận nước Trời ở đáy lòng, thì Trời ở đâu, nếu không phải ở trong lòng nhân loại ?

Nếu Trời ở ngay trong thâm tâm nhân loại thì tìm Đạo, tìm Trời phải tìm ở đáy lòng, tìm trong suy tư thầm lặng, hay phải tìm Trời, tìm Đạo trong những tiếng kèn, tiếng trống, tiếng đàn, tiếng hát bên ngoài?

Và thế nào là người đạo hạnh, nếu không phải là người có Thiên Chúa hiện diện đáy lòng, và không còn ước mơ ngoại cảnh. [50]

Khi đã xác định Trời ở đáy lòng, nước Trời ở trong lòng, thì sự siêu thoát chắc chắn phải được thực hiện bằng sự thông suốt điều huyền nhiệm đó, và bằng những công cuộc tu luyện tâm thần, tham thiền nhập định, diệt dục, vong ngã để kết hợp với đấng Tối cao. Suy ra thì thượng giới ở ngay trong tâm hồn ta, mà hạ giới chính là thế gian ở ngoài ta.

Càng tiến ra bên ngoài, là càng đi vào tục lụy, càng bị lệ thuộc vào hoàn cảnh, không gian và thời gian. Càng tiến vào bên trong, càng thoát vòng cương tỏa của vật chất, của ngoại cảnh... cho nên muốn khinh thoát tự do, cần phải có một đời sống nội tâm dồi dào phong phú ... [51]

Từ Vô cực, Thái cực tiến hóa xuống dần tới vạn hữu, là từ cao siêu đi dần xuống ti tiện, là bước dần xuống các nấc thang giá trị, cho tới kỳ cùng. Đi từ Vạn hữu trở về Thái cực, Vô cực, là tiến từ ti tiểu tới cao đại là bước lần lên các bậc thang giá trị, cho tới hoàn hảo siêu việt. [52] Đó là lẽ tồn vong, thăng trầm của vũ trụ ...

Nhưng vì Vô cực, Thái cực ở ngay trong đáy lòng con người, nên nếu cứ để cho tâm hồn tản lạc phá tán theo các hiện tượng bên ngoài, thì sẽ đi đến chỗ trụy lạc tan rã; còn nếu biết đi trở ngược, từ hiện tượng, nhận ra tâm hồn, thần trí, Thái cực, Vô cực tìm ẩn trong đáy lòng thì sẽ tìm ra được con đường siêu thoát.[53]

Vũ trụ quan trên, cũng như toàn bộ Trung Dung, và Kinh Dịch chẳng qua cốt dạy con người đâu là nguồn mạch của mình, cũng như đâu là quê hương, cùng đích của mình ...

Theo vũ trụ quan trên, thì không gian và thời gian cũng biến động, cũng có giãn khôn lường. Càng đi vô nội tâm, càng đi sâu vào tầng trong, thì không gian và thời gian càng co lại, tưởng chừng đi đến không điểm, [54] mà kỳ thực lại tiến tới vĩnh cửu trường tồn, càng tiến ra bên ngoài thì không gian và thời gian càng giãn ra, dài ra, tưởng chừng tiến tới vô cùng mà kỳ thực lại tiến tới phù du hư ảo; cho nên một giây phút trong tâm thần tương đương mấy nghìn vạn năm bên ngoài. Tinh thần cũng vì thế có thể nói được không tương lai và dĩ vãng, hằng cửu bất biến. Cho nên một cuộc đời vật chất bên ngoài nghĩ đi nghĩ lại cũng chỉ nhanh như một giấc mộng ...

«Bôn ba đời nghĩ buồn rầu,

Hư không giấc mộng đêm thâu thấy gì.

Vô thường muôn việc bỏ đi,

Kíp hồi đầu lại kẻo khi lỡ làng.» [55]

Vũ trụ quan trên có thể nói là một quan niệm chính xác về vũ trụ, vì nó bộc lộ huyền cơ tạo hóa, quán thâu lẽ biến hằng của đất Trời; toát lược lịch sử nhân quần vũ trụ, cũng như phác họa cơ cấu nhân quần vũ trụ bằng một tâm điểm và một vòng tròn, bằng một chữ Trung và một chữ Dịch ...

Mới hay Trung Dung và Kinh Dịch chủ trương dạy người một môn học cao siêu, có mục phiêu là «thấu suốt bản tính» và định mệnh mình để chung cuộc sẽ được kết hợp với Trời với Đạo. [56]

Thâm ý của thánh nhân là làm sao cho mọi người, kẻ trước người sau, ai ai cũng có thể đạt được trung điểm, đạt được «Thái cực», «Chí cực», «vô danh khả danh». [57]

Theo Dịch Kinh, khi người quân tử đã am tường Trung cung, Trung điểm khi Bản Thể đã ở đúng ngôi vị của nó - nói cách khác: khi con người đã đạt được Thiên vị, kết hợp được với Trời [58] thì bao nhiêu sự tốt tươi đẹp đẽ từ đáy thẳm lòng sâu tâm hồn sẽ tung tỏa ra khắp cơ thể, sẽ thấm nhuần khắp tứ chi, sẽ chói lọi trong sự nghiệp, thật là đẹp đẽ đến tuyệt vời vậy. [59]

Nhưng con người muốn trở về Trung cung Trung điểm, muốn được thông tuệ, diệu minh, cần biết suy tư, vì có suy tư mới biết huyền cơ Tạo hóa, mới có thể thần thánh hóa mình, và trở nên hoàn thiện được. [60]

Cao đại thay là căn nguyên con người, trọng vọng thay là định mệnh con người! Đẹp đẽ thay là mục phiêu công phu tu luyện của con người!

Còn gì là cho ta sung sướng hơn là cảm thấy Trời ở ngay trong lòng, là nguồn sống, và là cùng đích mình; có thần trí thông minh để nhận ra chân lý đó, có thời gian không gian vạn hữu làm phương tiện cho công phu tu luyện; để nên hoàn thiện như Trời, để rồi ra được kết hợp với Trời, thông phần bản tính và vinh quang Trời, trường sinh vĩnh cửu cùng Trời đất ... [61]

Tóm lại, vũ trụ quan trên đây là kết tinh của một nền học vấn cao siêu tương truyền từ Đông sang Tây.

Nhờ vũ trụ quan này mà các hiền thánh muôn đời đã được «khai quang, điểm nhãn» [62] dùng mắt tinh thần nhìn nhận ra được Thượng đế ở khắp nơi, và thấy mình sống trong vinh quang Thượng đế. [63]

Gẫm cho cùng thì:

«Muôn loài sinh hóa đa đoan

Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên.

Hoàn bản nguyên, an nhiên phục mệnh,

Phục mệnh rồi, trường vĩnh vô cùng.» [64]

Cổ nhân vì vậy dùng tâm điểm của vòng Dịch để tượng trưng cho Trời vừa là căn bản cho vũ trụ, vừa là mục đích tối hậu cho công cuộc tu luyện, tiến hóa của quần sinh vũ trụ.

Cho nên Trung Dung, chí cao chí đại vì đưa com người đến vinh quang tuyệt đối. Phải mở tầm mắt, phải mở tầm tâm hồn cho rộng rãi vô biên thì mới tìm ra được điểm Trung ... [65]

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh