Tinh Hoa Giáo Dục. Chương 20: Khơi Gợi Khả Năng Quan Sát Là Chìa Khoá Dẫn Đến Trí Tuệ Đỉnh Cao

TINH HOA GIÁO DỤC. CHƯƠNG 20: KHƠI GỢI KHẢ NĂNG QUAN SÁT LÀ CHÌA KHOÁ DẪN ĐẾN TRÍ TUỆ ĐỈNH CAO

Một con báo khi lao vào tấn công sơn dương trong đàn, trước tiên nó sẽ quan sát thật kỹ và phân tích vấn đề ở nhiều khía cạnh về con mồi như: “Con này đã già hay là còn nhỏ, có vẻ như đang bị thương, đang hăng say ăn cỏ mà mất cảnh giác so với những con khác, hay cự ly giữa nó với đàn tương đối xa”. Trong lúc quan sát mắt nó không rời khỏi con mồi, rồi chầm chậm tiến tới gần hơn, khi đã đủ gần, con báo lao vào tấn công và chỉ duy nhất một con mồi đó, cho dù xung quanh có xuất hiện nhiều con mồi khác, nhưng nó chẳng chú ý đến, vậy là thành công, ngược lại phân tán sự chú ý đến những mục tiêu khác có thể sẽ thất bại. Đó là nét đặc trưng cơ bản của quan sát, tập trung vào một việc thay vì nhiều việc, có mục đích rõ ràng, quan sát và đánh giá tổng thể thay vì đơn lẻ mà không bị sao lãng bởi các yếu tố ngoại cảnh.

Quan sát là hành vi thuộc bản năng. Tuy nhiên với người được tinh luyện có chủ đích thì đến một lúc nào đó sẽ thăng hoa thành năng lực phi thường. Mỗi người, dù lớn hay nhỏ đều sử dụng nhiều hay ít bản năng quan sát trong đời sống, công việc, nghiên cứu,… nhưng thường sử dụng chúng một cách ngẫu nhiên và vô thức. Chỉ một số ít các thiên tài, doanh nhân, nhà khoa học, tuyển thủ ý thức được vai trò của trí quan sát, để vận dụng tối ưu vào trong đời sống hằng ngày, mang đến thành công, hạnh phúc, cũng như thịnh vượng cho chính họ và người xung quanh.

Trí quan sát có thể giúp bạn nhận biết, đánh giá, thu thập thông tin, phán đoán tình hình nhanh chóng và chính xác nhất có thể. Trí quan sát là khí cụ cơ bản cần có ở con người, giúp bạn hoàn thiện bản thân. Thiếu nó những quan năng đặc biệt của tinh thần như trí nhớ, trí phán đoán, hay khả năng suy luận sẽ không phát triển được. Thiếu nó sự hiểu biết của bạn đối với các sự vật, sự việc rất lờ mờ, nhất là không ứng dụng được vào đâu cả.

Luyện tinh thần, bản lĩnh con người cần lấy quan sát làm gốc. Nhưng tiếc thay, cũng như trực giác bạn thường đánh giá và phán đoán sai tình hình. Nguyên nhân là từ lúc nhỏ đến lớn, bạn không được luyện tập quan sát đúng đắn. Khi quan sát đánh giá một vấn đề nào đó thường mang ý kiến chủ quan, thành kiến riêng của bản thân. Bạn còn xem xét sự vật sự việc xảy ra theo cách mà bạn muốn nhìn nhận, chứ chưa xem xét sự vật sự việc y như nó đang xảy ra. Dẫn đến một phần đông vẫn dùng trí quan sát theo một cách vô thức của bản năng, nên kém hiệu quả và thường dễ phạm phải sai lầm.

Muốn đo lường tinh thần khám phá tri thức, người ta thường căn cứ vào khả năng chú ý quan sát mạnh yếu của mỗi người mà ước định. Câu chuyện về người huấn luyện khỉ, có thể giải thích rõ hơn cho ý nghĩa câu nói ở trên.

Một người nọ muốn mua khỉ về nuôi, mỗi con có giá ứng với một số tiền nhất định. Trước khi mua người ấy có hứa với chủ bán: “Nếu ông để tôi giữ lại trong vài ngày và sau đó lựa chọn theo ý muốn, tôi sẽ chịu trả giá bằng hai.”

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Người bán mới hỏi: “Bằng cách nào mà trong thời gian ngắn như vậy anh có thể phân biệt được con nào khôn, con nào ngốc.”

Anh trả lời: “Chỉ cần xem sức chú ý của nó là biết ngay. Nếu trong khi mình nói hay cắt nghĩa gì cho nó, mà sự chú ý của nó bị sao lãng vì bị một con ruồi trên vách hoặc vì một cái cớ nhảm nhí nào đó. Như vậy con này đáng nản lắm, dẫu có sửa hay trị thì nó sẽ càng bướng bỉnh, khó dạy, thì không ích gì. Trái lại con nào biết chú ý thì dễ tập lắm.”

Con người cũng như vậy, Albert Einstein trong một lần đến dự sinh nhật bạn đã mải tập trung quan sát đàn kiến đến nỗi quên đi sự náo nhiệt và tiếng cười nói vui đùa của bạn bè. Thomas Edison lúc còn nhỏ đã nằm hàng giờ liền, để tận mắt quan sát mầm cây sinh trưởng lớn lên. Charles Darwin sinh thời cũng chẳng khác gì, lúc còn nhỏ ông ấy thích khám phá ngoài thiên nhiên, quan sát và thu thập hết côn trùng này đến “hóa thạch” nọ, họ là những ví dụ điển hình về khả năng chú ý quan sát thiên bẩm.

Mỗi đứa trẻ đều có bản năng quan sát, nhờ thế mà chúng có khả năng tự học hỏi, khám phá thế giới. Dễ nhận thấy nhất là trẻ thường bắt chước những hành vi, cử chỉ, lời nói, dáng đi, tính cách của bố mẹ,… Sau đó sự quan sát của trẻ hướng đến mọi sự vật sự việc xung quanh. Nhìn con bướm, đàn kiến, cái chong chóng, chiếc lá, những sự vật sự việc mà chúng có hứng thú quan tâm. Đây cũng là thời điểm nhạy cảm để giúp trẻ phát triển trí quan sát hoặc là lãng quên. Tuy nhiên chúng ta chưa ý thức để nhận biết được vấn đề này, nhằm giúp trẻ rèn luyện phát triển.

Mua đá năng lượng:

Trí quan sát tinh vi là khi bạn biết tập trung tư tưởng, tập trung tinh thần và biết để hết tâm tư vào một sự vật hay sự việc nhất định nào đó. Đứa trẻ sau này lớn lên trí quan sát trở nên tinh tường hay không, đều được quyết định một phần bởi thiên bẩm trong mỗi em và một phần nằm ở cách bạn tương tác với trẻ, tạo môi trường có chủ đích để trẻ có thể học hỏi và phát triển ngay trong đời sống hằng ngày. Vì vậy, dưới đây là những gợi ý nhằm giúp bạn khai thác tiềm năng của trí quan sát cho đứa trẻ, phù hợp qua từng giai đoạn phát triển.

Chúng ta đến với thế giới này để học hỏi và trải nghiệm. Chỉ nên quan sát mà không đi kèm theo bất kỳ đánh giá hay phán xét nào. Như vậy ta mới nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, công bằng và chính xác nhất.

I. XUYÊN SUỐT GIAI ĐOẠN TỪ 0 ĐẾN 10 TUỔI CÓ HAI ĐIỀU CẦN QUAN TÂM ĐỂ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG QUAN SÁT CHO TRẺ

1. Để yên cho trẻ tập trung quan sát

Từ lúc nhỏ, ngay khi trẻ có những biểu hiện của việc chú ý quan sát bằng cách dán mắt vào một vật hay một sự việc nào đó, cụ thể như nhìn các bạn cá đang bơi, côn trùng đang bò, kem đang tan, hay một bức ảnh,… tuyệt đối bạn đừng nên can thiệp, đừng cắt ngang sự tập trung của trẻ, hãy để như thế, thậm chí nếu việc đó kéo dài đến hàng giờ liền.

Đừng vì những chuyện vặt mà làm gián đoạn sự quan sát của trẻ. Chẳng hạn sắp đến giờ ăn cơm bạn gọi con về, nhưng lại thấy trẻ đang tập trung quan sát một chiếc lá hay một con kiến. Đừng gọi nữa, hãy kiên nhẫn chờ. Hoặc bạn có chuyện muốn hỏi con, nhưng khi đó trẻ đang tập trung chơi búp bê nên không nghe hoặc không muốn trả lời, tuy nhiên bạn lại liên tục lặp lại câu hỏi và bắt trẻ phải trả lời câu hỏi của mình. Nếu rơi vào tình huống như thế, thì bạn đừng làm như vậy nữa. Hay khi trẻ đang tập trung vào một trò chơi, vẽ, tô màu, tuy nhiên, trước đó trẻ đang xem tivi nhưng quên chưa tắt và bạn muốn nhắc con rằng: “Con yêu, hãy đi tắt tivi rồi chơi tiếp, vì con là người lúc nãy bật nó”. Đừng làm vậy hãy kiên nhẫn chờ đợi, hoặc bạn cũng có thể bỏ qua một vài sai sót, tắt tivi giúp trẻ.

Nếu bạn phá vỡ việc tập trung quan sát lúc nhỏ, trẻ lớn lên có thể sẽ mất đi trí quan sát, sự tập trung, dễ bị sao nhãng khi làm việc, nghiên cứu.

2. Tác động gián tiếp đến thế giới quan của trẻ, là hình mẫu lý tưởng về khả năng quan sát cho các em bắt chước

Khi nói chuyện với trẻ hãy thường xuyên dùng cách nói “miêu tả và kể lại” những sự vật sự việc vừa trải qua hoặc đang diễn ra trước mắt, nhằm tác động khả năng quan sát của trẻ một cách tự nhiên.

Cụ thể, hai bố con trên đường về nhà gặp tàu hỏa chạy qua, bạn và trẻ có thể đứng lại xem và mô tả lại những gì đang diễn ra: “Bố thấy một đoàn tàu lửa thật dài, phía trước đầu kéo có màu nâu, trên đó có một người đang đứng nhìn ra. Những toa phía sau là khoang hành khách, có một vài người ở toa đầu tiên vẫy tay chào, người ở toa phía sau đang ngồi nói chuyện. Khoang cuối cùng không có cửa sổ, có lẽ là đang chở hàng.”

Miêu tả lại cách ăn mặc, hình dáng của người mà bạn và con vừa mới trò chuyện: “Chú vừa nãy mặt áo khoác màu đen, mặt chiếc áo sơ mi bên trong màu xanh, chiếc quần dài lại có màu đỏ, mang đôi giày thể thao. Dáng vẻ gấp rút chắc đang có chuyện gì đó nên đi vội.”

Đang chuẩn bị ăn cơm, bạn nói với trẻ: “Con biết món nào mẹ nấu ra trước không? Món này mẹ nấu ra trước, nó nguội rồi. Món này mẹ nấu ra sau nên vẫn còn nóng, hơi vẫn còn bốc lên, có nghĩa là vừa được nấu cách đây vài phút thôi.”

II. GIAI ĐOẠN TỪ 6 ĐẾN 10 TUỔI, TẠO MÔI TRƯỜNG THUẬN LỢI ĐỂ TRẺ QUAN SÁT

Bạn hãy thường xuyên cho trẻ quan sát một cách có chủ đích, từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó. Bạn có thể bắt đầu bằng việc cho trẻ nhận biết sự khác nhau giữa các sự vật bên ngoài. Những trò chơi dưới đây sẽ được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó, dành cho trẻ từ nhỏ đến lớn, thích hợp cho các bé từ 6 đến 8 tuổi.

Trò chơi 1: Cho trẻ một quyển tạp chí thời trang, người mẫu, hay hình ảnh các doanh nhân, cho con chọn một hình bất kỳ. Sau đó gấp lại và cho trẻ lật ra tìm lại hình ảnh mình đã chọn.

Trò chơi 2: Trước khi đi siêu thị, hiệu sách, đi chợ, hãy liệt kê cho trẻ vài thứ cần mua như bột giặt, hộp màu, quả táo,... để trẻ hình dung và ghi nhận những hình ảnh đó trong tâm trí. Khi đến nơi trẻ sẽ chú tâm duy nhất vào những hình ảnh đó, so sánh, đối chiếu chúng với những hình ảnh khác.

Trò chơi 3: Khi đến bữa ăn cho trẻ nhìn tổng thể một lần, nói trẻ nhắm mắt lại và rồi kể tên những món ăn trên bàn, vị trí của các món được sắp xếp như thế nào.

Trò chơi 4: Hãy để một số vật dụng khác nhau trên bàn, cho trẻ nhìn một vài giây, rồi bảo trẻ quay đi chỗ khác và hỏi: “Trên bàn có những món đồ gì, vị trí của các món đồ?”. Sau đó lấy đi một vài thứ trên bàn hoặc đánh tráo vị trí các món đồ cho nhau, để trẻ xem lại một lần nữa. Rồi hỏi xem có thiếu thứ gì không? Vị trí các món đồ có đúng không?

Trò chơi 5: Cho trẻ quan sát tổng thể một bức tranh và đặt câu hỏi: “Bức tranh đó mô tả những gì? Hãy nhắc lại những gì con thấy trong đó?”, cho trẻ nhìn vào tủ lạnh, phòng của chính mình, trong quán cà phê, sau đó cũng đặt câu hỏi: “Con thấy có gì trong đó? Căn phòng được bố trí như thế nào”. Thậm chí nếu khả năng quan sát của trẻ tốt, bạn có thể hỏi sâu hơn vào từng chi tiết trên bàn đó có những gì, bức tranh đó vẽ cái gì, được treo cao hay thấp?

Khi trẻ bắt đầu có ý thức hơn về sự quan sát, bạn có thể nâng cao độ khó và phức tạp hơn cho trẻ. Điều này không chỉ giúp trẻ quan sát sự khác nhau giữa các sự vật sự việc, mà còn giúp trẻ thấy được sự giống nhau trong các sự vật sự việc đó. Tùy vào sự phát triển và tiến bộ của mỗi em, mà có những cách thức tác động sau đây sẽ phù hợp với những trẻ từ 9 đến 10 tuổi.

Cụ thể, giữa con trâu và con bò có những điểm giống và khác nhau chỗ nào. Chẳng hạn như khác là sừng trâu lớn và dài hơn sừng bò, giống là đều có sừng, trong khi động vật khác như chó mèo thì không có.

Hãy cho trẻ học cách phân biệt và nhận diện những đặc điểm như giữa người châu Âu với người châu Á. Người Việt miền Bắc với người Việt miền Nam. Sư tử cái với sư tử đực. Một con công mái với công trống. Xem mọi thứ giống và khác nhau ở những điểm nào.

Mức độ cao hơn nữa, tập cho trẻ vẽ, vì điều này rất có lợi cho sự quan sát. Trẻ có thể vẽ tranh tĩnh vật, phong cảnh hay bất kỳ điều gì trẻ muốn, từ đơn giản cho đến phức tạp. Ban đầu có thể cho trẻ nhìn trực tiếp rồi vẽ lại, sau một thời gian bạn hãy cho trẻ quan sát kỹ những gì chúng sắp vẽ trước. Để hình ảnh đó khắc sâu vào tâm trí, sau đó không cho nhìn nữa mà để những hình ảnh được ghi nhớ đó được vẽ lại.

Trong quá trình quan sát thì nguồn thông tin được thu nhận thông qua thị giác là chính, nên hầu hết các ví dụ đều tập trung vào đây. Ngoài ra, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác cũng có thể góp phần xây dựng hình ảnh trong quá trình quan sát. Bởi vì muốn có khả năng quan sát tối ưu bạn cần vận dụng càng nhiều giác quan càng tốt. Do đó dưới đây là một vài gợi ý mà bạn có thể áp dụng cho con như một trò chơi vui vẻ, nhằm khơi dậy những giác quan còn lại.

Thính giác: Phân biệt giọng nói của người già người trẻ, giọng của những người khỏe mạnh ốm đau, người đang tâm trạng vui vẻ buồn rầu.

Xúc giác: Cho trẻ sờ, chạm, để nhận diện và so sánh hai vật khác nhau.

Như chạm vào da bố mẹ, chạm vào quả cà chua, quả cam, nhựa sắt.

Vị giác: Để con nhắm mắt lại và nếm thử những thực phẩm có trong bếp, nhưng tránh những thứ gây nhiều khó chịu, để trẻ đoán xem đó là món gì, xuất phát từ đâu.

Khứu giác: Bạn để con nhắm mắt và ngửi thử tất cả những gì có thể được. Mùi cơ thể của bố mẹ, mùi nước mắm nước tương, mùi hoa hồng hoa cúc, mùi trái chuối trái cam.

Tóm lại, hãy hướng sự quan sát của đứa trẻ đến một sự vật, sự việc nào đó, rồi cho trẻ miêu tả lại cho bạn nghe.

III. TỪ 11 ĐẾN 14 TUỔI, ĐẠT ĐƯỢC KHẢ NĂNG QUAN SÁT MỘT CÁCH CÓ Ý THỨC

Cho trẻ xem một đoạn phim ngắn và hỏi lại những thông tin có trong phim. Đoạn phim đó có bao nhiêu người? Cuộc nói chuyện có vui vẻ hay là họ tỏ ra căng thẳng? Người đàn ông hay phụ nữ nói nhiều hơn? Khi đã được bạn tác động một thời gian, đứa trẻ đã tiến bộ thì có thể hỏi kỹ hơn như: “Sau khi ông ta nói như vậy thì ai là người phản đối, ai là người ủng hộ ông ta? Cô ấy đứng bên cạnh có quan hệ gì với anh kia? Cô ấy mang cái túi xách màu gì, nó có hoa văn trang trí gì không?”

Giúp đứa trẻ nhận biết trạng thái tình cảm và tư tưởng của người khác. Muốn làm được điều này các em cần hiểu rõ được các loại cảm xúc đặc trưng của mình trước. Khi đã hiểu được cảm xúc của mình, mới có thể hiểu được cảm xúc của người khác. Đến khi đó bố mẹ hướng dẫn cho các em quan sát biểu cảm, nhận biết được các cảm xúc cơ bản của mọi người qua khuôn mặt như buồn, vui, hờn, giận, hạnh phúc, sợ hãi, khinh thường, hoảng hốt. Sau đó gợi ý cho các em cách xử lý cảm xúc: “Nếu con quan sát thấy bạn đang buồn con nên làm thế nào. Lúc này nên nói chuyện gì là hợp lý?”

Khi vào trong quán cà phê, hãy bảo đứa trẻ quan sát người nhân viên. Sau đó có thể hỏi trẻ người lúc nãy là nam hay nữ, tóc dài hay ngắn, có cười với chúng ta không. Sau một thời gian trẻ đã có thể quan sát tốt hơn, bạn có thể hỏi thêm những câu khó: “Người đó thuận tay nào, có mang theo điện thoại không? Họ có cảm thấy yêu thích công việc của mình không và vì sao con lại cho rằng như vậy?”

Việc giúp trẻ tham gia vào hệ thống giao thông phức tạp không những giúp trẻ nâng cao khả năng tập trung, mà còn giúp trẻ tăng cường khả năng quan sát và phản ứng nhanh nhẹn hơn. Không những thế điều này còn có thể giúp trẻ hiểu về nhân quả, bằng những phân tích dựa trên khả năng quan sát: “Đường có nhiều xe thế này, nếu con không quan sát mà tự ý băng ngang thì chuyện gì sẽ xảy ra?”, hoặc “Con thấy không, từ khoảng bảy đến chín giờ sáng phương tiện lưu thông trên đường rất đông. Vì sao lại như vậy và nếu ra đường vào lúc này thì gặp phải vấn đề gì?”

IV. TỪ 15 ĐẾN 21 TUỔI, KHẢ NĂNG QUAN SÁT ĐI SÂU VÀO TRONG TIỀM THỨC VÀ BẮT ĐẦU RÚT RA BÀI HỌC TỪ QUÁ TRÌNH QUAN SÁT

Lúc này không những đòi hỏi trí quan sát đơn thuần mà còn lập luận tư duy, hiểu được nguyên nhân, kết quả, từ đó các em có thể rút ra được bài học trong quá trình quan sát. Mười lăm tuổi trở lên các em có thể học cách phóng tầm nhìn ra rộng hơn, mà ở đây thiên nhiên là người thầy vĩ đại, luôn có sẵn ở bất kỳ đâu cho chúng ta quan sát và học hỏi. Có nhiều người sống cách đây hàng chục ngàn năm hay sống trong hang, trên núi, ít được tiếp xúc với thế giới “văn minh” của chúng ta, nhưng tại sao nhiều người trong số đó lại có trí tuệ siêu việt. Đó chẳng phải là họ quan sát mọi mặt trong cuộc sống thường nhật, thiên nhiên, những sự vật sự việc dưới chân, ngay trước mắt họ, rồi rút ra những quy luật và thấu hiểu được chân lý từ đó hay sao.

Cho các em quan sát những hòn đá, đá có mặt khắp nơi trong thiên nhiên và vốn không có giá trị gì khi nằm một chỗ. Tuy nhiên cũng khối đá đó, người ta mang về điêu khắc, đục đẽo qua hàng trăm, hàng ngàn nhát xẻ lại có giá trị vô cùng lớn.

Hiểu theo tầng nghĩa cao nhất, nếu Tạo hóa cứ mãi cho con người ở trong điều kiện thuận lợi, đủ đầy, ấm no, cuộc sống cứ mãi bình lặng trôi, cứ thuận theo một chiều họ đâu dám vượt qua vòng an toàn, vượt lên chính mình bởi hoàn cảnh, bởi vòng tròn mặc nhiên. Vậy sẽ không ích lợi gì trên hành trình tiến hóa. Nên cuộc sống cần có nghịch cảnh, khó khăn, trắc trở, tạo ra muôn vàn thăng trầm, khổ đau để giúp chúng ta học hỏi, nâng tầm giá trị của bản thân, đánh thức tiềm năng trong mỗi người. Khi nhận ra mình đang sống trong tình yêu vĩ đại của Tạo hóa, mọi thử thách đến đều là bài học, vì sự tiến bộ của bản thân, là kịch bản tốt nhất cho cuộc đời mỗi người. Với góc nhìn như vậy, các em đón nhận vạn sự diễn ra với mình trong niềm hân hoan, sự biết ơn, dòng chảy năng lượng tích cực để sống và học hỏi.

Bài học lớn từ biển. Hãy quan sát xem, biển là nơi rộng lớn nhất, chứa nhiều nước và nuôi dưỡng nhiều loài sinh vật nhất trên trái đất. Nhưng để trở nên to lớn và được vĩ đại như vậy, biển lại là nơi thấp nhất, thấp hơn núi, thấp hơn suối, thấp hơn sông. Vì nó chịu ở dưới thấp hơn nên nhờ đó, mọi dòng chảy đều tự nguyện đổ về biển.

Làm người cũng như vậy, tự đặt mình lên cao là tính kiêu ngạo của bản thân. Những người có tính như vậy họ không thích phục ai, tự cho mình ở trên, luôn luôn muốn cao hơn người. Nhưng vì kiêu ngạo kiểu này nên lại bị trì xuống thấp mà không được lên cao như ý muốn, bị chê bai và bị người đời xa lánh. Cho nên bạn cần học được hạnh khiêm tốn, ý không muốn hơn ai, luôn luôn tìm kiếm và chấp nhận khiếm khuyết của mình để cầu tiến, nhằm học hỏi tất cả. Thấy mọi người đều có chỗ hơn mình, thấy được trong chỗ dở, chỗ thấp kém cái cao cái hay để mình học hỏi và tiến hóa hơn. Người này sẽ vọt lên cao thật nhanh, dù bản thân không hề ý thức mình muốn làm cao. Ngã mạn trược chỉ là tính kiêu ngạo ở trạng thái vụng về, thô thiển, trạng thái năng lượng thấp. Ngã mạn thanh hay đức khiêm tốn, là trạng thái kiêu ngạo ở trạng thái cao ngã, tế nhị và có năng lượng cao. Lối tự tôn bằng cách khiêm tốn này sẽ giúp bản thân tiến hóa lên chỗ sáng suốt. Dĩ nhiên đây phải là đức khiêm tốn thật sự chứ không phải là màu mè, cố trở nên khiêm tốn để được ca ngợi. Khi tâm bản thân còn vọng động một chút làm cao, muốn được khen, muốn được xưng tụng, tức là còn vướng mắc ngã mạn, nặng trược, người đó sẽ bị trì xuống mà chẳng tiến hóa lên cao được. Luôn hòa đồng với tất cả, luôn học hỏi để tiến bộ, mà tâm không chút vọng tưởng hay mong được cao được sáng, được quý, được tôn trọng. Giữ gìn tâm ý thanh tịnh, không không, ấy mới thiệt là biết kiêu ngạo thanh, như hạnh kiêu ngạo của Phật vậy.

Hướng trí quan sát của trẻ đến vòng tuần hoàn bất tận của tự nhiên. Khi nước bốc hơi lên thành mây, mây tụ rồi lại đổ mưa, mưa lại trở về nuôi dưỡng cây sinh trưởng, cây lại giữ nước mưa thấm vào lòng đất thành các mạch nước ngầm. Nước ngầm chảy ra kênh hồ, suối, sông, biển, rồi lại bốc hơi lên ngưng tụ thành mây và cứ thế mà vòng tuần hoàn bất tận cứ nối tiếp nhau diễn ra. Hạt giống nhờ đất, nước và độ ẩm để nảy mầm, thêm chất dinh dưỡng từ phân bón cùng với ánh nắng mặt trời lớn lên thành cây. Cây ra nụ, đơm hoa kết trái cho hạt và cũng héo úa, về với đất lại thành phân, phân lại làm chất dinh dưỡng cho hạt nảy mầm thành cây và lại cho hoa, cứ như vậy tuần hoàn mãi.

Đó là luật cộng sinh quân bình, tức là mọi vật mọi việc đều có vai trò, nhiệm vụ, tuy khác nhau hay thậm chí là đối nghịch, nhưng giúp nhau tồn tại và phát triển. Ở đây chúng ta cũng cần hiểu được vô thường trong ý nghĩa tương tác, có nghĩa rằng vạn vật đều tương tác với nhau, đều phụ thuộc lẫn nhau để tồn tại và ảnh hưởng lẫn nhau. Chúng ta có thể đã nghe đến “hiệu ứng cánh bướm”, nghĩa là một con bướm vỗ cánh ở nửa kia của quả địa cầu thì sẽ gây ảnh hưởng đến thời tiết ở nửa còn lại. Không có bất cứ thứ gì có thể tồn tại độc lập, một mình - vạn vật đều tương tác, phụ thuộc lẫn nhau, không bất biến. Hiểu theo một tầng nghĩa hẹp, mỗi người sẽ đảm nhận một vai trò, một nhiệm vụ, công việc, năng tài khác nhau. Mỗi người sẽ đều là một mảnh ghép hoàn hảo của tạo hóa, có ý nghĩa riêng. Khi các em thông qua quan sát mà thấu triệt được bài học đó chúng sẽ xóa đi mặc cảm tự ti hoặc là sự ngạo mạn của bản thân, xóa đi những suy nghĩ phân biệt, hướng sự hòa hợp với vạn vật.

Quan sát vạn vật xung quanh sẽ thấy mọi thứ đều không ngừng biến đổi, bông hoa có tươi đẹp cũng sẽ tàn, gió mạnh không thổi ngày dài, mưa lớn không trút suốt tháng. Trời đất còn biến đổi huống chi con người? Trẻ đẹp rồi già, tình yêu cũng sẽ nhạt phai, khỏe mạnh rồi cũng suy yếu, tiền tài rồi cũng ra đi, công danh rồi cũng tiêu tan.

Nếu đứa trẻ chịu quan sát và nghiền ngẫm sẽ nhận ra rằng mọi thứ đều sẽ luôn biến đổi, nay được mai mất, cái gì đến sẽ đi. Chúng chẳng thể nắm giữ hay bám chấp được điều gì cả, thậm chí ngay cả sinh mạng của mình. Luôn luôn chiêm nghiệm điều đó, cho đến lúc thực sự thấu triệt được sự vô thường trong đời người. Luôn luôn quý trọng, nâng niu, gìn giữ những gì đến trong cuộc đời mình cho đến ngày chúng vụt mất đi. Nhưng không sao cả. Bởi vì, các em đã nhìn thấy trước được sự bất toàn, vô thường, vô chủ từ trước. Thấy được nguyên nhân của khổ đau, các em buông bỏ, không ràng buộc, không dính mắc nên sự khổ đau không còn phát sinh nữa. Thấu hiểu được như vậy, là lúc giải thoát được bản ngã ra khỏi rất nhiều điều khiến chúng sầu khổ.

Tùy vào bản tính mỗi đứa trẻ mà có đứa không có khả năng tập trung quan sát cao, cần có những chiều kích thích khác nhau. Thông qua sự tò mò, dẫn dụ bằng lợi ích, hay một chút cảm giác nguy hiểm nếu cần thiết để tăng cường khả năng cho các em. Trong đó cũng có một số trẻ chỉ muốn và tập trung chú ý không vì lợi ích hay vì nguy hiểm nào cả. Những đứa trẻ này có ý chí rất cao, là người sau này thường rất có khả năng nắm giữ vị trí quan trọng trong xã hội. Nhưng dù là đứa trẻ nào đi nữa thì việc tác động có chủ đích của bạn sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sự thành bại của trẻ về sau. Nếu bạn không phải là người giỏi quan sát, thật khó tưởng tượng bạn có thể làm gì giúp con nhỏ có thể phát triển năng lực này. Nhưng với những gợi ý ở trên, nếu bạn nỗ lực học hỏi bạn cũng có thể giúp con mình đánh thức được trí quan sát, để trẻ có thể tự phát triển, khi có nhu cầu muốn hiểu và khám phá bản thân.

Chúng ta muốn đánh thức trí thông minh và năng lực tư duy của trẻ thì trí quan sát là một phần không thể thiếu. Người có trí quan sát tốt, sẽ có thể học mọi lúc mọi nơi, vốn hiểu biết ngày một tăng trưởng, sự phát triển không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Trẻ được tự do học tập suốt đời, bởi vì bất kỳ đâu cũng có những sự vật, hiện tượng để quan sát, rút ra được bài học. Người đó thực sự có khả năng trở thành một nhà khoa học lỗi lạc hay một bậc thầy minh triết, vì mọi sự cũng bắt nguồn từ quan sát mà ra. Nhưng tiếc thay, trí quan sát ít được nhiều người nhìn nhận và đánh giá đúng tầm quan trọng như vốn có của nó. Mãi cho đến những thập niên đầu thế kỷ XXI, thông qua những cuốn sách về ngôn ngữ cơ thể, người ta mới bắt đầu chú ý đến. Nhưng sự quan tâm này cũng còn ở mức rất giới hạn, chỉ được sử dụng cho một vài công việc và hướng đến người lớn là chính.

Vạn vật sinh ra từ Đạo, vì vậy từ con côn trùng, chiếc lá, viên sỏi, một giọt nước đến con người,… đều ẩn chứa Đạo. Cho nên mỗi chúng ta chỉ cần quay vào bên trong quan sát chính mình sẽ ngộ Đạo, thấu hiểu vạn vật và toàn bộ ý nghĩa cuộc đời.

Nếu muốn mua sách giấy các bạn có thể đặt hàng tại đây:

https://tiki.vn/tinh-hoa-giao-duc-di-san-cho-muon-doi-sau-p116565377.html

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh