Tinh Hoa Giáo Dục. Chương 13: Giáo Dục Tiềm Thức, Quyết Định Tương Lai Của Trẻ

TINH HOA GIÁO DỤC. CHƯƠNG 13: GIÁO DỤC TIỀM THỨC, QUYẾT ĐỊNH TƯƠNG LAI CỦA TRẺ

Nếu bạn muốn chặt một cái cây đi, bạn chỉ cần hắt hủi nó, la mắng nó thôi chứ không cần đến búa rìu làm gì, nó sẽ tự chết.

Ngạn ngữ của Nga có nói: “Nếu bạn gọi một người là con heo, lần thứ nhất anh ta không tin nhưng đến lần thứ 100 anh ta ăn cám thật.”

Những lời nói, hình ảnh, suy nghĩ, sự kiện, kinh nghiệm, bất kể tiêu cực hay tích cực, được lặp lại nhiều lần đến một lúc bạn sẽ tin là thật. Từ đó quyết định đến cách bạn suy nghĩ, niềm tin, cách định hình bản thân, cách hành động, cuối cùng dẫn đến số phận của mình. Nếu nhận được những lời khẳng định tích cực về bản thân mình thì bạn sẽ có cái nhìn tích cực, tư duy tích cực, có niềm tin vào chính mình và ngược lại. Đây cũng là yếu tố then chốt giúp bạn đứng lên hay gục ngã, thành công hay thất bại, tiếp tục nỗ lực hay bỏ cuộc khi đứng trước khó khăn, là chỗ dựa vững chắc về sự khẳng định bản thân mình là ai. Ám thị bằng ngôn từ tạo ra sức mạnh, trẻ em lớn lên trong ngôn từ của chúng ta. Ngôn từ tích cực có thể biến một người bình thường trở nên vĩ đại, ngôn từ tiêu cực có thể biến một nhân tài trở thành người tầm thường.

Đối với trẻ nhỏ chưa có khả năng miễn nhiễm với ám thị ngôn từ, sẽ vô thức tiếp nhận dù tích cực hay tiêu cực. Người lớn gắn cho trẻ cái mác như thế nào, trẻ sẽ xây dựng hình ảnh bản thân theo đúng như cái mác đó, dẫu rằng những gì người ta dán nhãn về các em không có nghĩa là các em như thế. Hơn nữa nếu bạn đóng vai trò làm gương, là người được ngưỡng mộ thì mọi điều bạn nói sẽ là chân lý, sẽ được tin tưởng và chấp nhận.

I. NHỮNG LỜI NÓI TIÊU CỰC LÀM TÀN PHÁ TRÁI TIM TÂM HỒN

Ngôn từ có sức mạnh, có thể truyền cảm hứng, khích lệ hay hủy hoại một người, những lời nói ra có thể phun nọc độc hoặc là thần dược chữa lành và xây dựng tâm hồn. Tuy nhiên, điều đáng buồn là từ lúc chào đời cho đến khi trưởng thành, trẻ nhỏ nhiều lúc phải tiếp nhận những ngôn từ tiêu cực, mang tính hủy hoại. Do chưa biết chọn lọc để thu nạp, nhiều trẻ đã chấp nhận một cách vô thức, biến chúng trở thành niềm tin tiêu cực cho riêng mình. Vô hình chung trẻ em bị xây dựng một hệ thống chuẩn nền tư duy không tốt ngay từ nhỏ.

Trẻ còn nhỏ cơ thể vật lý đang trong giai đoạn hoàn thiện, nên ham thích mọi hoạt động, hay chạy nhảy, leo trèo, nghịch ngợm, đó là điều hoàn toàn tự nhiên. Chúng ta lại không hiểu được tiến trình phát triển tự nhiên này của trẻ và cho đó là nguy hiểm rồi tự ý ngăn cấm, cản trở con đường phát triển của trẻ. Vì cản trở quá trình phát triển tự nhiên của trẻ nên tất nhiên các em sẽ không nghe theo lời và nhiều khi ta sẽ đánh giá chúng là những đứa trẻ lì lợm, khó bảo.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Khi trẻ thấy chúng ta đổ nước vào nồi nấu cơm, có nhiều trẻ cũng bắt chước đổ nước vào thùng chứa gạo để giúp mẹ nấu ăn. Mục đích của trẻ rất tốt, nhưng phương pháp chưa đúng. Đáng lẽ ra ta nên hướng dẫn phương pháp nấu ăn đúng cho con, đằng này ta không hiểu hành vi của trẻ thực sự có ý nghĩa là gì mà ngay lập tức phán xét, đánh giá rồi mắng con là đồ phá phách, hư hỏng.

Dù được chúng ta nhắc nhở nhiều lần, nhưng trẻ vẫn đổ hết chai nước này đến chai nước khác xuống nền nhà. Rất có thể đó là mỗi lần trẻ thấy khát nước, ta đều cho trẻ uống nước để thỏa cơn khát. Bây giờ cũng vậy thôi, trời nắng nóng hoặc trẻ cảm thấy khát, rồi chúng nghĩ: “Nền nhà cũng khát nước như mình”, và trẻ đã cho nền nhà “uống nước” bằng cách như trên. Đó là cách suy nghĩ của trẻ lúc bấy giờ, khác người lớn chúng ta hoàn toàn. Nhưng chúng ta gần như chưa bao giờ dừng lại vài phút để đặt mình vào vị trí của các em, xem chúng đang nghĩ gì mà ngay lập tức bạn giận dữ và mắng con là đứa trẻ cứng đầu.

Khi trẻ muốn nói lên một ý kiến hay quan điểm nào đó, là cơ hội cho trẻ khẳng định bản thân, nhưng ta nói: “Còn nhỏ thì biết gì”. Lúc có khách đến chơi, là cơ hội thể hiện sự tôn trọng, để con học hỏi giao tiếp thì ta lại nói: “Mấy đứa nhỏ đi chỗ khác chơi cho người lớn nói chuyện.”

Mỗi đứa trẻ đều có thế mạnh riêng, nhiều trẻ có phương pháp học và cách tiếp thu khác hoàn toàn cách chúng ta có thể nghĩ, hoặc khác với phương pháp thông thường. Đứa trẻ học theo cách riêng của các em. Nhưng ta lại không thấu hiểu, không những không tôn trọng mà còn cho con là đồ ngu ngốc, không có bất kỳ phẩm chất nào.

Mua đá năng lượng:

Từ nhỏ xảy ra chuyện gì hay đứa trẻ làm gì trái ý là ta sẽ trừng phạt con bằng đòn roi, những cái bạt tai, những tiếng chửi rủa, hay la mắng thậm tệ.

Tuy sống trong một gia đình nghèo, nhưng trẻ luôn có khát vọng làm giàu. Nhưng ta lại gieo vào tâm trí đứa trẻ niềm tin tiêu cực về tiền: tiền là xấu, nguồn gốc của tội lỗi, người giàu luôn là những kẻ tham lam, gieo cho đứa trẻ niềm tin tiêu cực.

Chắc nhiều người chưa nghĩ đến hậu quả mà mình có thể gây ra cho con, khi còn không hiểu hết được ý nghĩa sau mỗi hành vi của con, mà lại còn dùng những ngôn từ tiêu cực, chê bai, la mắng, dùng những mẫu câu nói phủ định và phủ nhận bản thân con. Đứa trẻ lớn lên trong một môi trường như thế, khi đã trở thành các thanh thiếu niên, sắp lập thân hay đang trên con đường gây dựng sự nghiệp, hay thậm chí có nhiều người đã bước vào tuổi trung niên. Nhưng từ sâu thẳm trong tiềm thức của họ vẫn mang theo mặc cảm tự ti vì những ngôn từ tiêu cực trong quá khứ, đã hình thành nên nhận thức sai lầm về bản thân.

  1. Đứa trẻ đó lớn lên với ý thức về niềm tin mới rằng mình là người rất năng động, khỏe mạnh và tuyệt vời. Nhưng tiềm thức khinh miệt lại bảo nó là người tầm thường, yếu đuối.
  2. Ý thức nói rằng mình là người tốt, mình muốn trở thành người tốt. Nhưng tiềm thức lại nói rằng cậu là người xấu, cậu chỉ biết gây rắc rối cho mọi người xung quanh.
  3. Ý thức bảo cậu là một người đã lớn khôn, trưởng thành. Nhưng tiềm thức lại bảo cậu mãi là một đứa trẻ không có “tiếng nói”.
  4. Ý thức bảo cậu là một người có bản lĩnh, cậu có những phẩm chất riêng của mình. Nhưng tiềm thức lại khẽ thì thầm bên tai, cậu chẳng là ai cả, chẳng làm gì được hết, cậu cũng không có gì ưu tú.
  5. Ý thức bảo đây là một người chồng vũ phu, tệ bạc, hay đánh đập và thích mắng chửi. Nhưng cô gái vẫn không từ bỏ được anh ta, vẫn chấp nhận, cố gắng chịu đựng và chung sống. Bởi vì tiềm thức của cô ấy đã vô thức tiếp nhận những điều này lúc còn nhỏ như một điều hiển nhiên.
  6. Ý thức về niềm tin mới mong muốn mình làm giàu. Nhưng tiềm thức lại thì thầm với mình tiền là cội nguồn của khổ đau, là bất hạnh và sự thật là mình hoàn toàn không muốn có nó, không thích nó.

Điều này khiến người ta hoài nghi về bản thân, đánh mất niềm tin ở chính mình, gây trở ngại không hề nhỏ trên con đường đến thành công và hạnh phúc của rất nhiều người. Trong khi giá trị thực sự của họ lại có thể lớn hơn như vậy rất nhiều lần. Phải chăng những cảm nhận này vẫn còn âm ỉ trong mỗi người?

Một trong những cuốn sách viết về sự phát triển bản thân nổi tiếng nhất mọi thời đại là Người nam châm của tác giả Jack Canfield và D.D Watkins, nêu lên bí quyết để đạt được sự thành công và hạnh phúc. Thông qua cuốn sách này, hai tác giả đã diễn giải rõ ràng một định luật tồn tại hàng trăm triệu năm qua, nó luôn luôn vận hành, ngay bây giờ, ngay tại thời điểm này, trong từng hơi thở, suy nghĩ, ánh mắt, nụ cười, đều tỏa ra năng lượng và không cần biết năng lượng đó là tích cực hay tiêu cực, điều đó sẽ được phản hồi lại với bạn. Nếu bạn không ngừng suy nghĩ về một điều gì đó mà bạn mong muốn trong tương lai, sẽ đến với bạn theo luật hấp dẫn. Có nghĩa rằng những điều bạn nghĩ và dành thời gian nghĩ đến nhiều nhất, tập trung vào nó sẽ quyết định những điều sẽ xảy ra với bạn và vì thế nếu muốn thay đổi cuộc sống, việc đầu tiên bạn cần là thay đổi từ cách suy nghĩ của mình.

Nhiều người đã đọc và cảm thấy có động lực mạnh mẽ, họ đã cố vận dụng vào cuộc sống, suy nghĩ tích cực hơn, khát khao những điều mình muốn. Nhưng mới chỉ có một số rất ít người hiện thực hóa được quy luật ở trên nhằm mang lại lợi ích cho bản thân. Nguyên nhân sâu xa lý giải sự hạn chế này bắt nguồn từ những trải nghiệm và niềm tin “tiêu cực” trong quá khứ, hay nói đúng hơn họ đã vô tình hình thành một chuẩn nền tư duy không tốt về bản thân, biến nó thành chân lý cho riêng mình.

Giả sử sau khi đọc xong sách, bạn muốn hướng đến thành công, trở thành người giàu có và hạnh phúc hơn, với ý thức về niềm tin mới bạn suy nghĩ khác đi. Bạn tưởng tượng ra khung cảnh mình sở hữu rất nhiều tiền, mặc một bộ vest sang trọng, ngồi trên chiếc xe siêu sang, có căn biệt thự xa hoa, có cô bạn gái xinh đẹp. Nhưng hết năm này sang năm khác điều đó vẫn chưa trở thành hiện thực, bạn bắt đầu đánh mất niềm tin, thay đổi mục tiêu. Thực chất bạn và nhiều người khác khi áp dụng quy luật này vào cuộc sống đã bị chi phối bởi một thứ khác đó là hình ảnh cá nhân đã được xây dựng từ bé đến giờ, nó không tích cực như vậy. Khi ý thức mới nói rằng bạn sẽ là người thành công, giàu có, hạnh phúc, nhưng còn một loại suy nghĩ khác nữa sâu thẳm trong tiềm thức của bạn lại nói rằng mình chỉ là một kẻ thiếu thốn đủ thứ, nghèo nàn và ốm yếu.

Có nghĩa là bạn vẫn chưa thực sự thuyết phục được chính mình gạt bỏ đi những giá trị của tiềm thức cũ thay bằng những niềm tin của ý thức mới. Lúc này, mâu thuẫn giữa ý thức và tiềm thức xảy ra nhưng tiềm thức sẽ luôn chiến thắng. Vì nó là thứ đã được gây dựng từ rất lâu, nó chiếm đến 90% năng lực suy nghĩ của não người (vỏ não). Đó mới là chuẩn nền tư duy thực sự quyết định bạn là ai.

Vậy nên muốn thành công với luật hấp dẫn, bạn phải biết cách đưa những suy nghĩ, khao khát, những mong muốn trong ý thức đi vào trong tiềm thức, và thay thế luôn những niềm tin đã ăn sâu bám rễ tiềm thức để hình thành lại niềm tin mới trong chuẩn nền tư duy.

Bản chất của vũ trụ là vô tận, bất kỳ điều gì chúng ta thực tâm tin tưởng và mong cầu, vũ trụ đều đáp ứng. Tình yêu thương của vũ trụ đối với chúng ta, thật không có gì có thể đong đếm được. Nếu trong sâu thẳm nơi bạn nghĩ mình không xứng đáng với thành công, làm sao thành công thực sự đến với mình được. Cho nên quan trọng nhất vẫn phải tu thân, rèn luyện phẩm chất, cho đến khi bạn tự cảm thấy mình xứng đáng với điều gì đó, thì chắc chắn sẽ đạt được.

II. CHA MẸ THAY ĐỔI LỜI NÓI, CON THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI

Trẻ còn nhỏ chưa hiểu được sức mạnh của ám thị ngôn từ ảnh hưởng đến bản thân như thế nào, chúng chỉ có thể tiếp nhận một cách thụ động thông qua sinh hoạt và giao tiếp với bố mẹ trong đời sống hằng ngày. Hiểu được điều này, việc bố mẹ có thể chủ động giúp trẻ xây dựng hình ảnh cá nhân bằng ngôn từ tích cực ngay từ nhỏ là điều hết sức quan trọng. Mà người đóng vai trò chủ đạo ở đây chính là người làm bố mẹ, thầy cô, những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhất, chẳng hạn như sau:

  1. Thấy con tập thể dục, bạn động viên: “Tập thể dục giúp con khỏe mạnh, thân hình sẽ trở nên đẹp hơn.”
  2. Trông thấy con chia một phần thức ăn cho những trẻ khác, bạn khen ngợi trong hành vi: “Con biết chia sẻ cho mọi người, trái tim con thật rộng lớn.”
  3. Khi con nhận trách nhiệm về hành vi của mình, bạn nói lời tích cực: “Con đã làm việc đó không đúng nhưng lại không trốn tránh và nhận lấy trách nhiệm về việc mình làm. Con rất can đảm.”
  4. Trẻ giúp tiếp khách, bạn nói: “Con trưởng thành hơn rồi, có thể giúp bố mẹ tiếp khách nữa.”
  5. Trẻ không giỏi trong việc học nhưng lại rất kiên trì và thích may mặc, bạn khẳng định: “Con có thể chú tâm hàng giờ liền để may cho búp bê những bộ đồ rất xinh đẹp, đó là tài năng của con.”
  6. Trong cuộc sống hằng ngày khi trẻ làm gì sai trái, có những hành vi không đúng đắn bạn không quát mắng, đánh đòn mà nhẹ nhàng, yêu thương, nhẫn nại chỉ dạy, uốn nắn và luôn nói con là một đứa trẻ tuyệt vời.
  7. Khi trẻ dùng tiền một cách hợp lý, bạn đính chính: “Con không những tự mình biết cách kiếm tiền, mà còn chi tiêu hợp lý. Còn biết dùng tiền của mình để giúp đỡ người khác, có tiền cũng thật tốt.”

Những khoảnh khắc tốt đẹp nhất đứa trẻ được khẳng định lúc còn nhỏ sẽ trở thành tiêu chuẩn, chuẩn mực suốt đời mà chúng có thể dựa vào đó mỗi khi thất vọng, nản chí về sau. Trong quá khứ nó đã làm được việc gì đó khiến nó tự hào về bản thân, bản thân chúng là người như thế nào. Tất cả ký ức tốt đẹp được khẳng định trở thành niềm tin, một phần trong con người của trẻ. Giúp trẻ đánh thức được năng lượng, sức mạnh tiềm tàng bên trong, tư duy tích cực - hấp dẫn những điều tích cực.

Trẻ nhỏ học một cách vô thức, nhưng người dạy cần có ý thức.

Chung Ju Yung đã từng trải qua một câu chuyện về thời niên thiếu như sau. Sinh thời, nơi ông ở có rất nhiều rệp, điều này gây ra những phiền toái nhất định đối với cuộc sống của ông, đặc biệt là trong lúc ông ngủ. Ông cố gắng tránh né chúng bằng cách leo lên bàn ngủ, nhưng cũng chẳng được bao lâu thì những con rệp lại từ chân bàn leo lên cắn người. Ông lại tìm cách, lấy mấy cái khay đổ đầy nước rồi kê vào bốn chân bàn, rệp trèo lên sẽ rơi vào chân bàn mà chết đuối. Thế nhưng những điều này cũng chỉ giúp ông được yên một hai ngày, rệp lại từ đâu xuất hiện và lại cắn người. Vừa bực mình vừa ngạc nhiên, ông bật đèn tìm hiểu xem bằng cách nào mà lũ rệp có thể tránh được bát nước. Ông tự nhủ, hay là chúng leo lên tường, rồi lên trần nhà và tìm chỗ có người để rơi xuống? Đúng vậy, lũ rệp đã vượt qua trở ngại là bát nước, chúng đã dốc toàn tâm toàn lực để đạt được mục tiêu của mình. Chứng kiến tận mắt cảnh này, bài học về lũ rệp đã ảnh hưởng xuyên suốt cuộc đời ông về sau. Người khác thì cho rằng khi rơi vào hoàn cảnh khốn cùng thường hay nói lời tuyệt vọng như không còn con đường nào khác hoặc không có cách nào khác. Nhưng ông lại không nghĩ như vậy, vì không tìm kiếm nên mới không thấy có đường khác mà thôi, vì không nỗ lực tối đa như những con rệp nên không thể tìm thấy phương pháp nào khác. Cuộc đời, sự nghiệp của biết bao doanh nhân, vĩ nhân nói chung và cuộc đời của ông nói riêng đã là một minh chứng cho điều này.

Việc ám thị do tiềm thức tiếp thu hình ảnh hơn là từ ngữ. Nó để lại vết khắc có thể ảnh hưởng đến cuộc đời của một người, khi hội tụ đầy đủ các yếu tố chủ thể được trải nghiệm trực tiếp, hình ảnh rõ nét, cảm xúc bị tác động, thì rất có thể sẽ trở thành chuẩn nền tư duy của người đó, ảnh hưởng họ đến suốt đời. Những lúc như thế một trong những luật lớn nhất của vũ trụ, luật hấp dẫn sẽ làm việc hiệu quả, phát huy tối đa, nó sẽ định hình cho sự phát triển hiện tại và trong tương lai của bất kỳ ai. Mỗi một lần ám thị là một lần tạo ra một lực hấp dẫn, ám thị tích cực sẽ hấp dẫn những điều tích cực, tư duy tích cực và ngược lại.

Việc ám thị thường là kết quả của sự tích tiểu thành đại. Mỗi lời nói, hành động là một mảnh ghép ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của một đứa trẻ và cách chúng nhìn nhận, xây dựng bản thân mình. Khái niệm này thường chỉ đúng khi mang tính chất xây dựng, nhưng sẽ không đúng khi mang tính phá hoại.

Một thói quen xấu có thể hình thành chỉ qua hai đến ba lần thực hiện, nhưng để xây dựng một thói quen tốt thường mất trung bình là ba mươi ngày thực hiện và duy trì. Để hình thành nên một cây cổ thụ cần đến ngàn năm, nhưng để chặt ngã nó chỉ trong vài phút. Người Do Thái có câu ngạn ngữ: “Một giọt nước vẩn đục sẽ làm một ly nước trong vẩn đục. Một ly nước vẩn đục không vì một giọt nước trong tồn tại mà trở thành trong”. Hay truyện về cuộc đối thoại của Bồ Đề Đạt Ma và vua Lương Vũ Đế cũng ngầm ngụ ý nói lên sức phá hoại ghê gớm của cái xấu.

Khi Vua hỏi: “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, xây chùa, chép Kinh, độ

Tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?”

Đạt Ma đáp: “Không có công đức.”

Vì vua vốn dĩ có công đức, nhưng thường mang ở trên miệng thích người khác xưng tán, thiện ác triệt tiêu. Vì lẽ đó mà một rừng công đức bị chút ý nghĩ xấu xóa hết.

Điều này khẳng định phá hủy luôn dễ hơn xây dựng, cái xấu luôn dễ phát triển hơn cái tốt.

Cũng như vậy, đối với một đứa trẻ thì sao? Thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào cách trẻ nhìn nhận bản thân tiêu cực hay tích cực. Niềm tin này được hình thành thường qua nhiều lần tác động bởi ám thị tích cực, nhưng lại dễ dàng bị phá vỡ bởi một vài lần bị ám thị tiêu cực. Nên việc dùng những ngôn từ tiêu cực để trêu chọc, tác động đến trẻ nhỏ dưới bất kỳ hình thức nào là điều không nên. Điều này cần sự phối hợp của cộng đồng, trong đó có gia đình, nhà trường và xã hội.

Nếu bạn biết tự chủ và sử dụng ngôn từ tích cực đối với trẻ chắc chắn sẽ mang đến rất nhiều lợi ích. Nhưng chẳng may trẻ em vì một lý do nào đó mà thường bị ngôn từ tiêu cực tác động và chi phối tiềm thức của trẻ. Gắn cho chúng với những nhãn mác, các tác nhân tiêu cực khác nhau như là đứa trẻ lì lợm, ngu ngốc, kém thông minh, chậm chạp. Hay những thành tựu cá nhân như lớn lên nó sẽ thành một vị Phật, con tôi giống một bác sĩ, nó là một luật sư tương lai, thì làm sao để thay đổi lại những suy nghĩ hằn sâu trong tiềm thức của những đứa trẻ này?

Người Nhật Bản từng có một thí nghiệm đặc biệt, dựa trên tiền đề về những hiểu biết và phát hiện đối với tinh thể nước của Tiến sĩ Masaru Emoto. Họ đặt cơm vào ba cái lọ khác nhau, một lọ họ viết chữ cảm ơn, lọ thứ hai họ viết đồ ngốc, lọ thứ ba họ lờ nó đi. Sau một thời gian, lọ thứ nhất lên men, có mùi thơm dễ chịu, lọ thứ hai chuyển màu, bắt đầu thối nát. Nhưng điều làm người ta ngạc nhiên hơn cả, là lọ bị bỏ mặc đã mau chóng biến thành màu đen, bốc khói, rất khó chịu. Thí nghiệm này không kết thúc ở đó, họ mang ba cái lọ này đến một trường tiểu học để những đứa trẻ nói lời cảm ơn, chẳng mấy chốc trong ba cái lọ, đều lên men, bắt đầu tỏa ra những mùi thơm.

Điều này có nghĩa là ngay cả những điều đang chết và dần trở nên mục nát cũng có thể hồi sinh, nhờ sự quan tâm, ngôn từ tử tế. Và chúng ta biết rằng dạng thức gây tổn thương lớn nhất là hành vi bỏ rơi, không quan tâm của bạn đối với người khác.

Đứa trẻ hay bị ám thị ngôn từ tiêu cực, sẽ nhìn nhận bản thân sai lệch chúng cũng sẽ như lọ cơm thứ hai vậy. Nhưng thậm chí điều đó cũng không đáng sợ bằng sự thiếu quan tâm, cảm giác bị bỏ rơi, lạc lõng giữa dòng đời.

Tuy nhiên, ngôn từ có sức hủy diệt lớn đến đâu cũng sẽ có sức xây dựng, chữa lành lớn đến đó. Mọi thứ đều có thể hồi sinh bằng ngôn từ thích hợp, khi xuất phát từ sự quan tâm, tin tưởng, tình yêu thương thực sự. Vậy “ngôn từ thích hợp” ở đây là gì? Để gỡ bỏ hết thảy những niềm tin tiêu cực mà bạn đã cố tình hay vô ý gieo rắc vào đầu những đứa trẻ, giúp các em thực sự tự do trong tâm trí và có được chuẩn nền tư duy tốt nhất. Dưới đây có ít nhất ba gợi ý về phương pháp nhằm giúp trẻ loại bỏ và xây dựng lại hình ảnh mới về giá trị của bản thân mình.

III. CHỮA LÀNH TIỀM THỨC BẰNG NGÔN TỪ TÍCH CỰC

Tạo cơ hội cho trẻ thấy hình ảnh mới về bản thân. Những tình huống mà trẻ có thể nhìn thấy mình khác đi, chủ động vận dụng sức mạnh ngôn từ tích cực vào trong đời sống.

  1. Muốn chuyển đổi trong tâm trí trẻ khỏi hình ảnh mình là một kẻ tham lam, ích kỷ. Bạn không nên nhắc đi nhắc lại tại sao con lại tham lam như vậy, sao con không biết chia sẻ cho người khác, cách này không hiệu quả. Thay vào đó hãy thường xuyên mua đồ ăn, đồ dùng, rồi bảo trẻ mang cho bố mẹ, ông bà, bạn, những người xung quanh, sau đó khẳng định và khen ngợi hành động của trẻ. Nhưng quan trọng hơn hết, bạn cần tự chất vấn lại bản thân, trong đời sống hằng ngày bạn có phải là một tấm gương của việc cho đi hay không.
  2. Muốn xóa bỏ cách suy nghĩ của trẻ ra khỏi cái hộp trong vai trò của một bác sĩ, hãy tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động khác như đóng giả làm lính cứu hỏa, cảnh sát, họa sĩ, vận động viên,… để trẻ có thể nhìn thấy bản lĩnh của mình là vô hạn như thế nào.
  3. Muốn chuyển đổi khỏi tâm trí của một đứa trẻ hình ảnh chúng luôn nhìn nhận bản thân mình là người kém thông minh, thiếu sáng tạo, bạn nên thường xuyên hỏi ý kiến của trẻ, để trẻ xử lý dần những tình huống, vấn đề nhỏ đến lớn, câu hỏi từ đơn giản đến phức tạp, nghe trẻ cố vấn về những vấn đề khác nhau như con nghĩ bức tranh này treo ở đâu là hợp lý và tại sao? Hoặc vài hôm nữa cô chú A lại đến con thấy nên nấu món gì và tại sao con cho rằng nấu món đó cô chú ấy sẽ thích?
  4. Đóng vai, diễn kịch cũng mang tính trị liệu rất mạnh mẽ, bởi vì trẻ em dễ uốn nắn, chuyển đổi thông qua hoạt động. Khi một đứa trẻ có tính nết hung dữ được giao đóng vai người hiền lành, biết quan tâm, trẻ có thể thay đổi bản thân qua những trải nghiệm này. Tương tự với trẻ kiêu căng, hiếu thắng, có thể giao cho trẻ đóng vai một người cực kì khiêm tốn. Nhìn chung, càng nhiều tính cách và bối cảnh mà trẻ được tham gia diễn xuất, trẻ càng có thể phát triển đời sống tâm hồn của mình khỏe mạnh hơn.

Hãy đơn giản những khuyết điểm, khẳng định trẻ bằng những lần ám thị tích cực, ưu điểm của trẻ, vô tình hay cố ý nhấn mạnh những hình ảnh mới ở trẻ trước mặt người khác.

Cụ thể đang nói chuyện với chồng khi có mặt con ở gần đó bạn nói: “Anh biết không, hôm nay con trai ở nhà rất tốt, nó biết mang đồ ăn chia sẻ cho rất nhiều bạn.”

Nói chuyện qua điện thoại với mẹ bạn có thể khen con: “Cháu mẹ dạo này rất biết hợp tác và giúp đỡ mọi người trong gia đình, con mừng lắm.”

Lúc đến nhà bạn chơi, có thể nói: “Cậu biết không thằng bé giúp ích được rất nhiều việc nhà, có những chuyện cần hỏi nó vì thằng bé có thể cho ra nhiều ý tưởng khác nhau.”

Đừng gò ép hay gắn trẻ vào bất cứ vai trò, thành tựu, hay chuẩn mực của một người nào cả, điều này sẽ gây ra sức ép, khiến trẻ cảm thấy nặng nề, tạo nên một sự ràng buộc vô hình buộc trẻ phải sống với những nhãn mác đã được gắn cho. Bởi vì khi đó trẻ sẽ bị kẹt vào vai trò đó như cầu thủ tương lai, bác sĩ, luật sư, thiên tài toán học,… trong khi trẻ nên được tự do trở thành những gì trẻ có khả năng trở thành. Khi bạn đẩy trẻ tư duy vào trong khuôn khổ của “một cái hộp”, khả năng sáng tạo của trẻ sẽ rất khó phát triển trong môi trường thế này và vô tình làm giới hạn tiềm năng của trẻ. Vì biết đâu với những trải nghiệm phong phú trẻ có thể tìm thấy được chính mình, một điều gì đó tốt hơn, hợp với bản thân mình nhất. Hơn nữa, khi bị gắn vào một vai trò, một nhãn mác nào đó, trẻ sẽ lo sợ nếu chúng không còn giống như sự trông đợi của bố mẹ, liệu mọi người còn yêu thương mình nữa không? Vậy là vô tình trẻ sẽ cố gắng để trở thành mẫu người mà người khác trông đợi nó trở thành, chứ không phải là sống thật với chính mình, đúng với con người mà nó mong muốn.

Khi bạn làm bất cứ điều gì, bạn nhận lại kết quả từ hành động đó. Đây là luật nhân quả, cho dù bạn có thích hay không thích, có tin hay không tin. Luật này thể hiện từ suy nghĩ đến lời nói và hành động. Hàng ngày bạn nói với con những gì, mỗi lời nói có một sức mạnh đến nỗi có thể làm tan băng giá, nhưng cũng có thể làm tan nát một trái tim.

Nếu muốn mua sách giấy các bạn có thể đặt hàng tại đây:

https://tiki.vn/tinh-hoa-giao-duc-di-san-cho-muon-doi-sau-p116565377.html

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh