Tinh Hoa Các Đạo Giáo: Chương 3. Từ Veda Đến Bhagavad-Gita

TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO: CHƯƠNG 3. TỪ VEDA ĐẾN BHAGAVAD-GITA

Trước khi học về các Thánh Kinh Bà La Môn giáo, tưởng cũng nên nói đại lược về Bà La Môn giáo.

Bà La Môn giáo (Brahmanism) hay Ấn Độ Giáo (Hinduism) là một tôn giáo lớn mà đa số người Ấn Độ tôn sùng. Nó là một đạo giáo cổ nhất còn tồn tại tới ngày nay.

Họ tôn thờ Thượng Đế Nhất Thể Tam Vị. Đó là:

*Brahma, đấng sáng tạo vũ trụ.

*Vishnu, đấng bảo tồn.

*Shiva, đấng phá huỷ.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

Vishnu đã giáng trần nhiều lần để cứu độ nhân quần. Rama, Krishna, Đức Phật là vài vị trong những hiện thân của Ngài.

Thần Shiva có vợ là Kali. Hai vị này còn được thờ dưới những hình tượng Lingam (Dương) và Yoni (Âm).

Ngoài ra, dân Ấn còn thờ nhiều vị thần khác, như đã đề cập ở chương trước.

Dân Ấn không giết bò, không ăn thịt bò, và rất trọng bò. Bò có thể đi nhởn nhơ trong các thành phố lớn, làm cản trở lưu thông mà vẫn không sao...

Đạo Bà La Môn ngày nay được thế giới chú ý tới nhiều, không phải vì những hình thức, lễ nghi bên ngoài, mà chính vì những bộ Thánh Kinh của họ, và phương pháp Yoga.

Thánh Kinh Ấn Giáo gồm có:

1/ Veda (Samhita hay Mantra) (Các thế kỷ từ 15 đến 10 trước Công Nguyên), với các bộ kinh:

-Rig Veda (Độc Tụng Vệ Đà).

-Sama Veda (Ca vịnh Vệ Đà).

-Yajur Veda (Tế Tự Vệ Đà)

-Yajur trắng (Lời Kinh).

-Yajur đen (Lời Kinh và chú giải).

-Atharva Veda (Nhương tai Vệ Đà-Bùa chú khẩu quyết)

-Brahmana (10 quyển. Từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 7 trước C.N).

-Aranyaka (Lâm Tuyền Ca) (Bộ này không mấy đặc sắc, nên ít được bàn tới) .

2/ Upanishads (Áo nghĩa thư) (Khoảng thế kỷ 7 đến 5 trước C.N.).

3/ Bhagavad Gita (Thế Tôn Ca), rút ra từ bộ Anh Hùng Ca Mahabharata.

Người Âu Châu đã dịch và khảo sát rất nhiều về các Thánh Thư nói trên. Trong quyển Triết Sử Ấn Độ I của L.M. Hoàng Sĩ Quý (Hưng Giáo Văn Đông Xuất Bản, 161 Yên Đổ, Saigon), chúng ta có một thư mục rất đày đủ về các công trình phiên dịch và sưu khảo Thánh Thư Ấn Độ (Xem các trang 158-162 sách trích dẫn).

Sau đây là sơ lược và nhận định về các Thánh Thư nói trên.

A/ VEDA.

Trong 4 bộ Veda, bộ Rig Veda là quan trọng nhất.

1/ Rig Veda:

chia làm 10 quyển, có tất cả 1017 bài thơ gồm 20.000 câu thơ.

Các bài thơ trên đại khái tán tụng, cầu khẩn các thần minh, như thần:

- INDRA (thần mưa, thần sét, thần chiến tranh, thần tổ của dân Aryen)

- AGNI (thần lửa), (200 bài thơ).

- VISHNU, SURYA, PUSAN, MITRA ( Các thần mặt trời).

- USHA (thần bình minh).

- VARUNA (thần trời).

- SOMA (tửu thần), (cả quyển IX).

Ngoài ra, còn mấy bài thơ rất quan trọng, nói về khởi nguyên của vũ trụ. Đó là:

Vô Hữu Tán Ca (Rig Veda X, 129).

Sinh Chủ Thần Tán Ca (Rig Veda X, 121).

Nguyên Nhân Tán Ca (Purusa Sukta) (Rig Veda X, 90).[1]

Rig Veda phản ánh lại sự cố gắng của con người đi tìm Chân Thể của vũ trụ, qua mọi dạng thức thần minh (Đa thần, độc thần).

Nhờ quan sát, họ nhận thấy rằng các hiện tượng thiên nhiên như mặt trời, mặt trăng, gió, mưa, sấm, sét, bão táp, rượu, lửa v.v...đều có một động lực, một năng lực, một thứ sức mạnh, có thể làm ích hay làm hại mọi người.

Sức mạnh ấy do đâu phát sinh?

Mới đầu, họ cho rằng nguồn năng lực, nguồn sức mạnh ấy do nơi chư thần phát sinh (Indra, Mitra, Varuna, Agni, Soma, Pudra v.v...)

Dần dà, họ cho rằng nguồn năng lực thiên nhiên ấy do một vị thần, do một vị Hoá Công sinh xuất ra. (Vị Hoá Công đó có thể có nhiều tên như Prajapati, Brahmanaspati, Visvakarman v.v...).

Cuối cùng họ cho rằng nguồn năng lực đó do Chân Bản Thể Duy Nhất của Vũ Trụ phát sinh.

Họ tạm gọi Chân Bản Thể Vũ Trụ đó là:

- Brahman (Thượng Đế Vô Ngã, khác với Brahma, Thượng đế Hữu Ngã).

- Cái Ấy (Giá Cá)

- Bỉ Nhất (Cái Nhất ấy, Cái Một ấy).

- Bỉ (Ấy).

Chỉ có Chân Thể này mới chân thường, hằng hữu, mới là:

Chân Thể (Sat).

Chân Trí (Cit).

Chân Phúc (Ananda).

Còn các hiện tượng bên ngoài, và cả đến chư thần, đến độc thần, vẫn còn nằm trong vòng HÌNH, DANH, SẮC, TƯỚNG, khả hình, khả danh, khả tư, khả nghị, và vì vậy, còn ở trong vòng luân hồi, sinh tử, biến thiên, khổ não.

Nếu ta gọi thế giới hữu hình, hữu tướng này là THỬ (cái này), và Chân Thể là BỈ (cái kia), ta sẽ hiểu được tinh hoa Bà La Môn, khi họ nói Con là Cái Đó’ (TAT TVAM ASI), và tinh hoa đạo Phật khi họ gọi Giác Ngộ là Bỉ Ngạn, hoặc gọi Luân Hồi là Thử Ngạn, Niết Bàn là Bỉ Ngạn.

Vũ trụ quan, theo Rig Veda cũng đa tạp. Có thể đưa chúng về 2 đề mục sau:

A. Nhất nguyên Thuyết:

Vũ trụ này đã từ một Nguyên Thể xuất sinh. Nguyên thể ấy là:

- Nước (Rig Veda X, 190).

- Khí (Rig Veda X, 168)

- Vô Hạn (Aditi) (Rig Veda X, 72).

- Hoặc do Thượng Đế phân thân để sinh ra vũ trụ. (Rig Veda, X, 90).

Đọc Thánh Thư Ấn Độ, ta càng ngày càng thấy thuyết THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ, hoặc NHẤT THỂ TÁN VẠN THÙ, VẠN THÙ QUI NHẤT THỂ, ngày một hiện rõ ra, hoặc nói bằng Huyền Thoại: (Lửa sinh tàn, nhện sinh tơ v.v...), hoặc bằng Thần Thoại: (Purusa phân thân thành vũ trụ).

B. Nhị Nguyên thuyết:

Vũ trụ này đẵ được Thượng Đế (Rig Veda X, 121), hoặc chư thần tạo ra, từ một chất liệu sẵn có. (Rig Veda VII, 86; III, 32, 80; X, 81, 2; X, 72,2; X, 121, 1).

Rig Veda tin rằng vũ trụ này đã được chi phối bởi những định luật vĩnh cửu, mà họ gọi là Rita hay Dharma.

Về lai sinh, Rig Veda mới đề cập đến Thiên Đàng, Địa Ngục. (Rig Veda, VI, 10; XI, 1, 2 ; I, 25, 6; X, 132; IV, 5, 5; IX, 73, 8; X, 152, 4).

Các quan niệm Luân Hồi, Nghiệp Báo chưa rõ rệt (Rig Veda IV, 2, 10; IV,26, 1; IV, 27, 1; X, 16, 3).

2/ Sama Veda

Sama Veda gồm những bài hát để các thày chủ tế (Urgart) hát khi hành lễ.

3/ Yajur Veda

Yajur Veda trắng và đen gồm các kinh kệ, các khẩu quyết, các lời chỉ dẫn cho các thày phó tế (Hort hay Adhvaryu) trì tụng khi đang hành lễ. Ví dụ các lời kinh đọc khi nhóm lửa, khi ép rượu, dâng rượu Soma, hoặc khi giết các sinh vật để hiến tế.

4/ Atharva Veda

Atharva Veda là một quyển sách dạy các bài thần chú, các bùa phép ma thuật, y như quyển Vạn Pháp Qui Tông của Lão giáo.

Ví dụ: Thần chú chữa ho . (Sacred books of the East, t. 2, p. 8), Thần chú mọc tóc (Charles Braden, les livres sacrés de l’humanité, p. 85), thần chú cầu lấy được chồng (Như trên. 2, 3), cầu vợ (6, 82), thần chú cho được trai yêu (7, 38), gái yêu (6, 8) v.v.. [2]

Shri Aurobindo nhận định về Veda như sau:

“...và đây là tư tưởng sâu sắc nhất của những bậc hiền thánh đã soạn nên bộ Veda:

“ Con người sống trong lòng đất mẹ, và thường chỉ biết có cái thế giới chết chóc này. Nhưng ngoài cuộc sống đó, còn có Siêu Thức chứa đựng các thế giới thần minh, trong một bí ẩn sáng láng. Và dưới bộ mặt phiến diện của những ấn tượng khi tỉnh thức, còn có Tiềm Thức hay Vô Thức. Từ đêm tăm Vô Thức ấy, đã sinh ra vũ trụ mà con người thấy được...Con người luôn luôn có những liên lạc thầm kín với các thế giới đó. Con người nếu muốn, có thể minh giác mà vào trong những thế giới đó, sinh ra trong những thế giới đó...

Con người có thể lên cho tới những thế giới quang minh chân lý, vượt qua những cánh cửa Siêu Thức, để bưởc vào ngưỡng cửa Siêu Việt. Các cửa trời sẽ mở ra, đón chào các tâm linh đang đà triển dương. Sự Siêu Thăng đó của con người có thể thực hiện được, vì mọi người đang mang sẵn trong mình, tất cả những gì mà con mắt giác quan nhìn thấy được như là ở bên ngoài mình.

“...Và nếu các Thần minh đã xây dựng ra được một hệ thống vũ trụ, thì các Ngài cũng đã xây dựng ra trong tâm thức con người một hệ thống đẳng cấp, thứ bậc hẳn hoi, triển dương từ thân phận tử vong, cho đến bất tử viên mãn.

Sự tương phản giữa tử vong và bất tử mà ta có thể vươn lên tới được, chính là chìa khoá, giúp ta hiểu biết tư tưởng, và hành động của Veda.

Veda là Phúc Âm cổ sơ nhất cho biết về sự bất tử của con người. Những ca khúc của nó chứa đựng tâm thuật của những bậc minh giác đã khám phá ra được con đường trường sinh bất tử...

“Hiểu Veda cho đứng đắn, nó sẽ không còn là một tập bài ca tối tăm, hỗn loạn, man rợ, mà nó sẽ trở thành một bài ca ca lên những nguyện vọng cao siêu nhất của nhân loại. Các bài ca của nó là những giai đoạn trong bản hùng ca rạt rào tình tứ của tâm hồn nhân loại, trên con đường tiến tới bất diệt.

“Ít nhất, nó là thế. Ngoài ra, ta còn có thể tìm thấy những gì nó chứa đựng về khoa học cổ xưa, về những kiến thức đã mất, và về những truyền thống tâm lý, vật lý xa xưa...” [3]

Radhakrishnan, trong quyển Indian Philosophy I, nơi phần kết luận về Veda, đã nhận định đại khái rằng:

“Veda, vì nói về Tế Lễ, nên Brahmana đã được viết ra.

Vì có phần triết học, nên đã sinh xuất ra Áo Nghĩa Thư.

Vì nói về thần Trời Varuna, nên đã gợi cảm cho Bhagavad Gita với chủ trương Độc Thần. Vì nói đến RITA, đến định luật đất trời, nên đã sinh xuất ra quan niệm Quả Báo sau này (làm hay, sẽ gặp quả tốt, làm dở, sẽ gặp quả xấu).

Vì có quan niệm Nguyên Thần Hyranyagarbha bềnh bồng trên mặt Nước Nguyên Thuỷ, nên đã đưa tới Nhị Nguyên Luận (Thần-Vật; Purusa-Prakiti) của triết phái Samkhiya sau này.

Vì đề cập đến ảnh hưởng của lời kinh, tiếng hát, của rượu thần Soma có thể làm cho con người xuất thần, nên có liên quan đến các vấn đề xuất thần sau này của môn phái Yoga.[4]

5/ Brahmanas.

Brahmana là sách nặng về các lễ nghi, hình thức, nên cũng đại loại như Yajur Veda, Sama Veda.

Ở Rig Veda, thì đạo giáo còn hồn nhiên, đầm ấm, rạo rực tình người. Đến thời đại Brahmanas (1000-700 trước C.N.) đạo giáo trở nên lạnh lẽo, khô khan, và bị gò bó trong những lễ nghi, hình thức cố định, phức tạp, phiền toái.

Và đây là những chủ trương chính yếu của Brahmanas:

- Vishnu, Shiva bắt đầu xuất hiện (Kausitaki Brahmana VI, 1, 9)

- Brahman là Nguyên Lý vũ trụ (Satapatha Br. XI, 2,3).

- Kinh kệ, lễ nghi trở nên quan trọng, cần yếu (Satapatha Br. III, 1, 4, 3 -Aiterya Br. II, 1, 1).

- Giới tăng lữ trở thành trọng yếu, trở thành siêu phàm (Satapatha Br. II, 2, 2, 6 -II, 4, 3, 14).

- Veda trở thành Thiên Thư (Aiterya Br. VII, 9).

- Brahmanas đề cao đời sống nhân luân: không tà dâm (Sat Br. II, 5, 2, 20), không nói dối (Sat. Br. I, 2, 4). Con người có bổn phận với thần linh, với tổ tiên, với thánh hiền, với tha nhân, với loài vật. [5]

- Xã hội thời Brahmanas được chia thành giai cấp (Atharva Veda V, 17, 8 -RV VII, 103, 1.7. và 8. Sat. Br. VIII,1, 4, 10).

- Đời sống xã hội được chia thành bốn thời kỳ (Brih. Up. III, 5, 1 -Apastamba Sutras II, 9. 21. 1 -Gautama Sutras III, 2 -Bodhanya II, 6, 11, 12 -Manu V. 137 -Vasistha VII, 2-A. Veda V, 17, 8 -RV. VII, 103, 1,7 và X, 88, 19-Sat. Brah. VIII, 1, 4,10 ).

- Lành, dữ đều được tái sinh để hưởng thụ quả kiếp trong thế giới này và thế giới khác. [6]

- Vấn đề Luân Hồi chưa được bàn cãi rõ rệt. [7]

Có thể nhận định chung về Brahmanas, Yajur Veda và Atharva Veda như sau: Brahmanas, Yajur Veda, tuy nặng về hình thức lễ nghi, Atharva Veda tuy nặng về bùa chú, ma thuật, nhưng đã đánh dấu một sự suy tư lớn của con người muôn thủa, đó là:

Làm sao để XU CÁT, TỊ HUNG; CẦU PHÚC, NHƯƠNG TAI ?

Muốn được vậy con người phải dựa vào tha lực, dựa vào thần linh (Cầu khẩn, bùa chú, cúng lễ, ma thuật), hoặc vào tự lực (ma thuật, bùa chú), hay là cố quan sát các hiện tượng để tìm ra những định luật tự nhiên, vĩnh cửu chi phối các hoạt động con người; nghiên cứu phong tục, dể tìm ra đường lối lý tưởng phải theo, phải giữ. Chính những định luật tự nhiên ấy (Ritadharma) mới giải thích được tại sao con người được phúc (xử sự theo đúng định luật tự nhiên, giải quyết sự việc theo đúng đường lối khoa học), hoặc bị hoạ, bị tai (Suy luận sai, nhận định sai, hành động sai).

B. UPANISHADS.

Upanishads có rất nhiều bộ. Đây chỉ xin nói sơ lược nội dung chính yếu của 13 quyển chính.

1. Isa Upanishad.

Bàn về phong thái vô tất, vô cố của người đạo sĩ.

2. Kena Upanishad.

Ai thực sự điều hành vũ trụ?

Thưa đó là Atman = Brahman.

3. Katha Upanishad.

Chân Ngã Bất tử, không thể biết được bằng Lý Trí mà bằng Trực Giác. Xác thân là xe tải Chân Ngã.

4. Prasna Upanishad.

Đưa ra 6 câu hỏi về vũ trụ, về cá tính, về nhân bản con người. (căn cơ, gốc gác con người).

5. Mundaka Upanishad.

Con người có 2 thứ biết:

-Cao (biết về Bản Thể).

-Thấp (biết về Hiện Tượng).

Tu tâm quan trọng hơn tế lễ, công quả bên ngoài.

6. Mandukya Upanishad.

Bốn bình diện, bốn trạng thái của một con người:

-Trạng thái thức.

-Trạng thái ngủ.

-Trạng thái ngủ không mơ.

-Trạng thái siêu việt (Turita).

7. Taittitya Up.

Bàn về năm tầng lớp nơi con người:

-Vỏ áo cơm (Food): Nhục thể, thô thân. (trạng thái thức).

-Vỏ khí (breath): Tế thân (Subtil body).

-Vỏ tâm tư (mind): hồn. Trạng thái ngủ mơ.

-Vỏ lý trí (intellect): Duyên thân, nhân thân.

-Vỏ Hạnh Phúc: Trạng thái ngủ không mơ. Vô minh (Avidya).

Sau 5 lớp vỏ áo đó, mới tới cốt lõi Atman, AUM.[8]

8. Aitareya Up.

Bàn về lai sinh.

9. Chandogya Up.

Cho rằng Chân Ngã nơi con người, Atman là Chân Ngã Vũ Trụ Brahman. Atman=Brahman.

Đưa ra công thức Tat Tvam Asi (Con là cái đó; Con là Bản thể Vũ Trụ).

Bàn về chữ Om.

Om = Aum.

A (Thức).

Aum = Turiya: U (Mộng).

M (ngủ không mơ).

OM (Aum) là tinh hoa của Thanh Âm, Từ Ngữ. Và Thanh Âm, Từ Ngữ là Tinh Hoa con người. Con người là Tinh Hoa Vạn Hữu. Vậy OM là tinh hoa con người và vạn hữu...

Chandogya là 1 Upanishad rất nên đọc.

10. Brihah Aranyaka Up.

Bàn về Chân Ngã Atman, siêu vi, phổ quát, duy nhất, bất phân.

11. Kaushitaki Up.

Bàn về Luân Hồi và Giải thoát.

12. Svetasvara Up.

Bàn về Tuyệt Đối Thể lồng trong vạn hữu và trong con người.

13. Maitri Up.

Điều nguyện ước cao siêu nhất là ao ước Hiểu Biết Chân Ngã.

Yoga là phương pháp đưa tới sự phối hợp với Chân Ngã.

Tổng luận về Upanishads.

  1. Chủ đề của Upanishads là Chân Ngã, là Bỉ Nhất (Brahman).
  2. Upanishads đưa ra 2 phương pháp đi tìm Chân Ngã. Phương pháp ngoại quan (Quan sát ngoại giới) và phương pháp nội quan (Quán chiếu nội giới).
  3. Dùng mọi phương pháp mô tả Brahman:

-Phương pháp khẳng định (Affirmative Method): Brahman là mặt trời, là mặt trăng, là không gian, là trí, là khí, là thần chủ trì trong các hiện tượng thiên nhiên.

-Phương pháp phủ định: (Negative Method): Neti, Neti, không phải vậy, không phải vậy.

-Phương pháp mâu thuẫn (Paradoxical Method): Brahman vừa to, vừa nhỏ, vừa xa, vừa gần, vừa tĩnh, vừa động...

-Phương pháp ngậm miệng, làm thinh: Lặng thinh, vì Brahman bất khả tư nghị.

  1. Upanishads chủ trương vũ trụ cũng như con người, đều từ một Nguyên Thể phóng phát, sinh xuất ra.

Vạn hữu này đã từ Bất Tử xuất sinh,

Như tơ nhện nhả ra từ lòng nhện,

Như cây cối từ đất đai xuất hiện,

Như tóc lông từ thân xác trổ ra,

Như tia lửa, phát từ đám lửa chói loà.

Ngàn muôn tia, vẫn lửa hồng không chi khác.

Vạn hữu tuy ngàn muôn sai khác,

Đều từ lòng Bất Tử xuất sinh,

Rồi lại về đó khi hết giai trình biến hoá... [9]

Atman, Chân Ngã lúc nào cũng tiềm ẩn sẵn trong con người, chẳng khác nào như BƠ vẫn tiềm ẩn sẵn trong SỮA. [10]

Đó chính là Chủ Trương Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể.

  1. Con người có nhiều tầng lớp, nhưng cốt lõi vẫn là Chân Ngã Atman vô đối.
  2. Như vậy trong chúng ta, có 2 con người:

-Con người hữu hạn, sinh tử, khổ đau.

-Con người, vô hạn, bất biến, thường lạc.

Và hai thứ hiểu biết:

- Huệ (Intuition), và Trí (Intellect).

  1. Upanishads dạy con người cố gắng tìm cho ra Chân Ngã, Chân Thể ấy. Thế là Trí Tri, là Cái Biết cùng Tột. Nó cũng dạy ta tu luyện để thực hiện Chân Thể ấy. (Yoga).
  2. Upanishads coi nhẹ lễ nghi, hình thức, và tin có Luân Hồi, Nghiệp Báo.
  3. Upanishads là tinh hoa của Veda. Và vì nó là phần sau chót trong bộ Veda, nên còn được gọi là Vedanta. (Vedanta sau này cũng còn là tiếng để chỉ môn phái triết học của Samkara, hay Nhất Nguyên Tuyệt Đối Luận.)

Upanishads như vậy chứa đựng một Mật Giáo.

Bí mật huyền diệu này, trước kia không được truyền cho ai ngoài đệ tử, ngoài con cái, cũng không được truyền cho kẻ nào mà lòng chưa định tĩnh. [11]

Anquetil Duperron là người đầu tiên dịch Upanishad từ tiếng Ba Tư sang tiếng Latinh năm 1775, và cho xuất bản sách năm 1801-1802. Anquetil toát lược Upanishads bằng 1 câu bất hủ như sau: “Ai biết Chúa, sẽ trở thành Chúa.” [12]

Schopenhauer, đại triết gia Đức, sau khi đọc bản dịch trên đã hết lời xưng tụng. Ông nói:

Hàng, hàng lời lẽ đều cao đẹp, câu câu tư tưởng rất cao siêu, toàn sách tràn ngập 1 tinh thần cao siêu, thánh thiện, đứng đắn...Trong cả thế giới này, không có cái học nào cao siêu hơn, lợi ích hơn là cái học Oupanikhat (trừ bản văn nguyên thuỷ ra). Oupanikhad là nguồn yên ủi tôi khi sống và là nguồn yên ủi tôi khi chết...” [13]

Giáo Sư Deussen, giáo sư triết học Đại Học Kiel rất sung sướng vì đã khảo sát xong Upanishads và Vedanta. Ông thấy chúng rất lý thú. Trong 1 bài diễn văn tại Bombay Branch of The Royal Asiatic Society, trước khi từ giã Ấn Độ, ông nói: “Vedanta, nếu dịch cho đứng đắn, sẽ bảo vệ luân lý, sẽ yên ủi ta khi sống và khi chết. Dân Ấn hãy giữ lấy nó.” [14]

C. BHAGAVAD GITA.

Bhagavad Gita là một tập sách nhỏ gồm 18 chương, rút từ thiên Anh Hùng Ca Mahabharatha của đạo sĩ Vyasa, ghi những lời lẽ của thần Krishna, hiện thân của thần Vishnu, đối thoại với vương tử Arjurna.

Về phương diện đạo giáo, Bhagavad Gita chủ trương bao dung, phổ độ.

Thực vậy, trong khi Upanishad thiên về chủ trương Nhất Nguyên Vô Ngã, thì Bhagavad Gita chủ trương Thượng đế vừa Vô Ngã, vừa Hữu Ngã. Upanishad đề cao Giác Ngộ như là một phương tiện giải thoát, thì Bhagavad Gita cho rằng con người có thể giải thoát bằng:

-Giác Ngộ.

-Lòng sốt mến, kính thờ.

-Hành động vô cầu.

Bhagavad Gita dung hoà mọi khuynh hướng đạo giáo, tu trì của Ấn Độ Giáo:

-Không chê phương pháp lễ nghi, trì tụng của Veda.

-Chủ trương Thượng đế vừa Vô Ngã như Upanishad, vừa Hữu Ngã.

-Vừa chủ trương Thiên Địa Vạn Vật Nhất thể, nhưng cũng không chê Chủ trương Vũ Trụ Nhị Nguyên của triết học Samkhya (Purusha -Prakriti tinh thần và vật chất đều hằng cửu.)

-Dung hoà Samkhya với Yoga, đồng thời đề cao phương pháp tu trì của Yoga. Chính vì thái độ bao dung, cởi mở đó mà Bhavagad Gita được mọi tầng lớp mến yêu, xưng tụng.

Swami Pavitrananda viết: “Chỉ cần thay tên Khrishna bằng chữ Thượng Đế, là tác phẩm Gita sẽ trở thành cuốn thánh kinh của nhân loại.” [15]

Ước gì 2 bộ Upanishad và Bhadgavad Gita được dịch ra tiếng Việt, và được nhiều người tìm đọc. Hiện ở Việt Nam có bản dịch 3 Upanishads Isha, Kena và Mundaka và bản dịch Bhagavad Gita của Thạch Trung Giả.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh