Ta Là Cái Đó: Chương 87. Cái Biết Do Tâm Không Phải Là Cái Biết Thật

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 87. CÁI BIẾT DO TÂM KHÔNG PHẢI LÀ CÁI BIẾT THẬT

Hỏi: Ông có trải qua ba trạng thái thức, chiêm bao và ngủ như chúng tôi, hay là khác?

Maharaj: Cả ba trạng thái là ngủ đối với Ta. Trạng thái thức của Ta ở ngoài tất cả. Khi Ta nhìn các ông thì các ông như đang ngủ, mơ tưởng ra ngôn từ của các ông. Ta biết rõ vì Ta không tưởng tượng. Trạng thái của Ta không phải Samadhi - cũng là một hình thức ngủ khác. Trạng thái của Ta không hề bị tâm tác động, hoàn toàn không có quá khứ và tương lai. Đối với các ông, đó là trạng thái bị hành hạ bởi tham ái và lo sợ, ký ức và hy vọng; còn với Ta nó là như chính nó là - bình thường. Là một con người tức là đang ngủ.

H: Ở giữa thân xác và tánh biết thuần túy là nội thân - Antahkarana - thân vi tế, “thân tâm lý” hay bất cứ danh xưng nào. Giống như một tấm gương quay tròn làm cho ánh sáng mặt trời biến thành vô số những hình ảnh gồm nhiều vệt sáng và mầu sắc, thì cái thân vi tế biến ánh sáng đơn sắc của cái Ta chói lọi thành một thế giới đa dạng. Tôi hiểu sự chỉ giáo của ông là như thế. Nhưng tôi không hiểu vì sao thân vi tế này đầu tiên sinh khởi từ đâu?

M: Nó được tạo ra cùng với sự xuất hiện của ý tưởng “Ta hiện hữu”. Hai cái là một.

H: Cái “Ta hiện hữu” đã xuất hiện như thế nào?

M: Trong thế giới của ông tất cả đều phải có khởi đầu và kết thúc; nếu không có thì ông gọi là vĩnh cửu. Trong cái nhìn của Ta, không hề có cái như là bắt đầu hay chấm dứt - bắt đầu và chấm dứt đều liên quan đến thời gian. Hiện hữu vô thời hoàn toàn ở trong cái bây giờ.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

H: Thân vi tế - Antahkarana - là thật hay không thật?

M: Nó chỉ là nhất thời. Thật vào lúc hiện thời, không thật khi qua đi.

H: Thực tại là gì? Thực tại có nhất thời hay không?

M: Gọi nó là có thể kinh nghiệm được, hoặc là hiện thực, hay thực tế. Nó là sự có thật của một kinh nghiệm tức thời, tại đây và bây giờ, và không thể phủ nhận. Ông có thể hoài nghi sự miêu tả và ý nghĩa của nó, nhưng không thể nghi ngờ tự thân sự kiện. Hiện hữu và phi hiện hữu liên tục thay phiên nhau và tính chất thật của chúng chỉ nhất thời. Thực tại Bất biến ở ngoài không gian và thời gian. Nhận ra tính cách vô thường của hiện hữu và phi hiện hữu thì thoát ra khỏi cả hai.

Mua đá năng lượng:

H: Sự vật có thể biến dịch, nhưng chúng rất gần gũi với chúng ta trong sự tái diễn vô tận.

M: Sức mạnh của tham ái rất mãnh liệt. Chính tham ái tạo ra sự tái diễn. Nếu không có tham ái thì không có sự tái diễn.

H: Thế còn sợ hãi?

M: Tham ái thuộc về quá khứ, sợ hãi thuộc về tương lai. Ký ức về đau khổ đã qua và sợ hãi sự tái diễn của nó làm cho con người ưu tư về tương lai.

H: Nhưng còn có cả sự sợ hãi cái không biết.

M: Người nào chưa từng đau khổ thì không sợ hãi.

H: Chúng ta có phải bị trừng phạt phải sợ hãi?

M: Bao giờ chúng ta còn nhìn sợ hãi và chấp nhận nó như cái

bóng của sự tồn tại có tính cách con người. Là con người, chúng ta không tránh khỏi sợ hãi. Triệt tiêu tất cả các phương trình có tính cách con người thì ông hoàn toàn vô úy. Điều này không khó khăn. Vô tham ái tự xuất hiện ngay khi tham ái được nhận ra là hư giả. Ông không cần phải đấu tranh với tham ái. Xét cho cùng, tham ái chính là động cơ tìm cầu hạnh phúc, mà đó là điều tự nhiên khi nào còn có đau khổ. Chỉ cần thấy được rằng không hề có hạnh phúc trong những gì ông tham ái.

H: Chúng ta chấp nhận lạc thú.

M: Mọi lạc thú đều được gói ghém trong đau khổ. Ông sẽ sớm nhận ra rằng ông không thể có cái này mà không có cái kia.

H: Có người kinh nghiệm và có kinh nghiệm của người kinh nghiệm. Cái gì tạo ra sự liên kết cả hai?

M: Chẳng có gì tạo ra. Nó là như thế. Hai cái là một.

H: Tôi cảm thấy có một sự lắt léo trong đó, nhưng không biết ở đâu.

M: Sự lắt léo ở trong tâm ông, nó cố tìm cách thấy tính nhị nguyên ở những nơi không có.

H: Khi lắng nghe ông nói tâm tôi hoàn toàn ở trong cái bây giờ, và tôi ngạc nhiên thấy chính tôi không có nghi vấn nào.

M: Ông chỉ biết được thực tại khi nào ông ngạc nhiên.

H: Tôi có thể nhận thấy nguyên nhân của đau khổ và sợ hãi là ký ức. Thế phương tiện để đoạn trừ ký ức là gì?

M: Đừng nói đến phương tiện. Không hề có phương tiện. Cái gì được ông thấy là hư giả thì tự nó tan biến. Bản chất của ảo tưởng là tự nó biến mất khi được tìm hiểu. Tìm hiểu - chỉ thế thôi. Ông không thể tận diệt cái hư giả vì ông luôn luôn tạo ra nó. Rút ra khỏi nó, đừng để ý đến nó, và thoát ra ngoài thì nó sẽ không còn nữa.

H: Đấng Chirst cũng nói về sự bỏ qua những điều dữ, và hãy hồn nhiên như con trẻ.

M: Thực tại thì chung nhất cho tất cả. Chỉ cái hư giả mới có tính cách cá nhân.

H: Khi quan sát các hành giả - Sadhakas - và tìm hiểu triết lý sống của họ, tôi nhận thấy họ chỉ thay thế những ham muốn vật chất bằng các tham vọng “tâm linh”. Qua những gì ông nói với chúng tôi thì hình như từ ngữ “tâm linh” và “tham vọng” không tương hợp. Nếu “tâm linh” hàm ý thoát ra khỏi tham vọng, thì cái gì thúc đẩy người tìm kiếm tiếp tục? Các môn phái Yoga đều nói lòng mong cầu giải thoát là thiết yếu. Đó không phải là hình thức cao nhất của tham vọng hay sao?

M: Tham vọng thuộc về con người, giải thoát là thoát khỏi những gì thuộc con người. Trong giải thoát chủ thể lẫn đối tượng của tham vọng không còn. Lòng thành khẩn không phải là một mong muốn thành quả của công sức đã bỏ ra. Nó chỉ thể hiện sự chuyển hướng chú ý bên trong ra khỏi cái hư giả, tầm thường, và những gì có tính cách con người.

H: Hôm trước ông có bảo chúng tôi đừng mơ tưởng sự toàn hảo trước khi giác ngộ, vì cái Ta - chứ không phải tâm - là nguồn gốc của tất cả sự toàn hảo. Nếu tính ưu việt của công đức không phải là thiết yếu cho sự giải thoát, vậy thì cái gì?

M: Giải thoát không phải là thành quả của một phương tiện nào đó được ứng dụng một cách khéo léo, mà cũng không thuộc về hoàn cảnh. Giải thoát ở ngoài tiến trình nhân quả. Không gì có thể thúc ép, và không gì có thể ngăn trở sự giải thoát.

H: Thế tại sao chúng tôi không tự do tại đây và ngay bây giờ?

M: Chúng ta tự do “tại đây và ngay bây giờ”. Chỉ có tâm tưởng tượng ra ràng buộc.

H: Cái gì sẽ làm cho tưởng tượng chấm dứt?

M: Tại sao ông lại muốn chấm dứt tưởng tượng? Một khi biết được tâm ông cùng những quyền năng mầu nhiệm của nó, và loại bỏ cái làm cho nó bị cấu nhiễm - tức là ý tưởng về một con người riêng biệt và cô lập - thì ông chỉ để mặc kệ tâm làm công việc của nó trong số những gì mà nó thích hợp với. Giữ tâm trong vị trí đúng của nó, cho công việc của chính nó là giải thoát tâm.

H: Công việc của tâm là gì?

M: Tâm là người vợ của trái tim, và thế giới là ngôi nhà của cả hai; cần phải giữ ngôi nhà luôn vui vẻ và hạnh phúc.

H: Tôi vẫn không hiểu. Nếu con đường dẫn đến giải thoát không có chướng ngại thì tại sao giải thoát không xảy ra tại đây và ngay bây giờ?

M: Không hề có chướng ngại trên con đường giải thoát của ông, và sự giải thoát có thể xảy ra tại đây và ngay bây giờ, nếu ông không quan tâm đến bất cứ gì khác. Ông không thể chống lại những gì ông quan tâm. Ông phải thuận theo chúng, thấy xuyên suốt chúng và quan sát chúng tự phơi bày là những sai lầm của phán xét và đánh giá.

H: Nếu tôi sống thân cận một bậc thánh nhân thì có lợi lạc gì không?

M: Thánh cân và vĩ nhân luôn luôn thân cận ông nhưng ông không nhận ra họ. Làm sao ông biết được ai là vĩ nhân và thánh nhân? Qua nghe nói? Liệu ông có thể tin người khác, thậm chí là chính ông, trong những vấn đề như thế này? Để thuyết phục chính mình hoàn toàn không còn nghi hoặc, ông cần nhiều hơn một sự ca tụng, một kinh nghiệm tuyệt vời thoáng qua. Ông có thể tình cờ gặp một thánh nhân vĩ đại nhưng sau một thời gian rất lâu ông mới biết đó là phước báu. Đứa con sơ sinh của một bậc vĩ nhân phải trải qua rất nhiều năm mới biết được tính cách vĩ đại của cha nó. Ông phải trưởng thành thì mới nhận ra tính cách vĩ đại, ông phải làm cho trái tim trong sạch thì mới nhận ra sự thánh thiện. Bằng không, ông chỉ mất thời gian và tiền bạc một cách vô ích, và bỏ lỡ những gì mà cuộc đời cống hiến cho ông. Có nhiều bậc thiện nhân trong số bằng hữu của ông mà ông có thể học ở họ rất nhiều. Chạy theo các thánh nhân cũng chỉ là một trò tiêu khiển. Thay vì làm như thế thì hãy nhớ nghĩ đến chính ông và quan sát cuộc sống thường nhật của ông không lơi lỏng. Hãy thành khẩn vì chắc chắn ông sẽ phá vỡ những ràng buộc của sự vô ý và tưởng tượng.

H: Ông muốn tôi phấn đấu một mình?

M: Ông không bao giờ một mình. Có những quyền năng và các đấng linh thiêng sẽ luôn luôn trung thành phục vụ ông. Ông có thể hoặc không thể nhận ra họ, nhưng họ có thật và hoạt động. Khi nhận ra tất cả đều ở trong tâm ông, ông ở ngoài tâm. Ông thật sự chỉ là một mình thì lúc đó tất cả là ông.

H: Thông suốt mọi sự (omniscience) nghĩa là gì? Thượng đế có thông suốt mọi sự? Ông có thông suốt mọi sự? Chúng tôi nghe nói về nhân chứng vũ trụ. Nhân chứng vũ trụ là gì? Giác ngộ chính mình có hàm ý thông suốt mọi sự? Hay giác ngộ chỉ là vấn đề tu tập đặc biệt?

M: Hoàn toàn không còn bận tâm với cái biết sẽ đưa đến trạng thái thông suốt mọi sự. Nó chỉ là khả năng biết cái cần biết vào đúng lúc để hành động không còn sai lầm. Xét cho cùng, cái biết chỉ cần thiết cho hành động, và nếu ông hành động đúng, một cách tự phát mà không đem ý thức vào - thì còn tốt hơn nữa.

H: Một người có thể biết được tâm của người khác?

M: Biết tâm ông trước. Nó dung chứa toàn thể vũ trụ mà còn dư chỗ!

H: Theo lý thuyết của ông thì có vẻ như trạng thái thức, về cơ bản, không khác biệt với trạng thái chiêm bao và trạng thái ngủ say không chiêm bao. Cả ba trạng thái chủ yếu là trường hợp của sự nhận lầm chính mình với thân xác. Có thể lý thuyết của ông đúng, nhưng tôi cảm thấy nó không hoàn toàn là chân lý.

M: Đừng cố tìm cách biết chân lý, vì cái biết của tâm không phải là cái biết chân thật. Ông có thể biết cái không thật, và điều này đủ để giải thoát ông khỏi cái hư giả. Ý nghĩ cho rằng những gì ông biết là thật thì rất nguy hiểm, vì nó giam hãm ông trong tâm. Chỉ khi nào không biết thì ông mới tự do để tìm hiểu. Không thể nào có giải thoát mà không có sự tìm hiểu, vì không tìm hiểu là nguyên nhân chủ yếu của ràng buộc.

H: Ông nói rằng ảo tưởng về thế giới hình thành với ý thức

“Ta hiện hữu”, nhưng khi tôi hỏi về nguồn gốc của ý thức “Ta hiện hữu” thì ông bảo nó không có nguồn gốc vì ngay khi được tìm hiểu thì nó biến mất. Cái gì bền chắc mà trên đó thế giới được xây dựng thì không thể là ảo tưởng. Cái “Ta hiện hữu” duy nhất là một yếu tố bất biến mà tôi ý thức được, làm sao nó có thể là hư giả?

M: Không phải cái “Ta hiện hữu” là hư giả, nhưng cái mà ông cho ông là - là hư giả. Ta có thể thấy - không chút nghi hoặc - rằng ông không phải cái mà ông tin ông là. Hợp lý hay không hợp lý thì ông vẫn không thể phủ nhận cái hiển nhiên. Ông không là bất cứ gì mà ông có thể nhận thức được. Hãy chuyên tâm vào việc phá sập cái cơ cấu mà ông đã dựng lập trong tâm. Tâm đã tạo ra cái gì thì chính tâm phải phá hủy cái đó.

H: Ông không thể phủ nhận khoảnh khắc hiện tại, dù hữu tâm hay vô tâm. Cái gì bây giờ - . Ông có thể hoài nghi biểu hiện, nhưng không thể hoài nghi sự kiện. Cái gì ở tại nguồn gốc của sự kiện?

M: Cái “Ta hiện hữu” ở tại nguồn gốc mọi biểu hiện, và là yếu tố nối kết cố định trong chuỗi diễn tiến của vô số các sự kiện mà chúng ta gọi là cuộc đời; nhưng Ta ở ngoài cái “Ta hiện hữu”.

H: Tôi nhận thấy những người giác ngộ thường miêu tả trạng thái của họ theo ngôn ngữ vay mượn từ tôn giáo mà họ theo. Ông ngẫu nhiên là một người theo Ấn giáo, nên ông nói về Brahma, VishnuShiva, và dùng cách tiếp cận và hình tượng của Ấn giáo. Vui lòng cho chúng tôi biết, cái gì là kinh nghiệm đằng sau ngôn từ của ông? Chúng nói về thực tại nào?

M: Đó là cách nói của Ta, một ngôn ngữ Ta đã được dạy để sử dụng.

H: Nhưng cái gì ở phía sau ngôn ngữ?

M: Làm sao Ta có thể đem nó vào ngôn từ, nếu không phải bằng cách phủ định? Do đó, Ta dùng những từ ngữ như phi thời, phi xứ, phi nhân duyên. Những từ ngữ này cũng là ngôn từ, nhưng ý nghĩa của chúng thì trống rỗng nên thích hợp cho mục đích của Ta.

H: Nếu chúng không có ý nghĩa, tại sao ông lại dùng?

M: Bởi vì ông muốn ngôn từ ở chỗ ngôn từ không thể áp dụng.

H: Tôi thấy được điều ông muốn nói. Một lần nữa, ông lại tước mất câu hỏi của tôi!

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh