Ta Là Cái Đó: Chương 73. Chân Lý Ở Đây Và Bây Giờ

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 73. CHÂN LÝ Ở ĐÂY VÀ BÂY GIỜ

Hỏi: Câu hỏi của tôi là: Cái gì là bằng chứng của chân lý? Tín đồ mỗi tôn giáo - về mặt siêu hình hay chính trị, triết học hay đạo đức - đều tin rằng chân lý của mình là duy nhất đúng, tất cả những cái khác là sai lầm, và cho sự tin tưởng không thể lay chuyển được của họ là bằng chứng của chân lý. Họ bảo: “Vì tôi tin, nên điều tôi tin phải là chân lý.” Theo tôi thì hình như không triết lý hay tôn giáo nào, không học thuyết hay ý thức hệ nào - dù hoàn chỉnh đến đâu, dù không có mâu thuẫn nội tại, và tạo cảm xúc mãnh liệt đến đâu - vẫn không thể là bằng chứng chân lý của chính nó. Chúng cũng như quần áo được con người khoác lên, thay đổi theo thời đại và hoàn cảnh, và chạy theo khuynh hướng thời trang.

Liệu có thể nào có một tôn giáo, hay triết lý, là đúng thật, không phụ thuộc vào sự tin tưởng của bất cứ ai? Mà cũng không tùy thuộc vào kinh điển, vì một lần nữa kinh điển lại tùy thuộc vào lòng tin của một ai đó đối với chúng? Liệu có thể có một chân lý không tùy thuộc vào sự tin tưởng, có nghĩa là không chủ quan?

Maharaj: Thế còn khoa học?

H: Khoa học là một vòng tròn, nó chấm dứt ở chỗ nó bắt đầu, với các giác quan. Khoa học liên quan với cái kinh nghiệm mà kinh nghiệm thì chủ quan. Không thể nào hai người có cùng một kinh nghiệm, dù cho họ diễn tả kinh nghiệm đó với cùng ngôn từ.

M: Ông phải tìm chân lý ở ngoài tâm.

H: Thưa ông, tôi đã chán ngấy những cơn xuất thần. Bất cứ loại ma túy nào cũng có thể gây nên những trạng thái như thế, vừa rẻ và vừa nhanh. Ngay cả các trạng thái định Samadhi theo kinh điển - được gây nên bằng các phép luyện thở và tâm - cũng chẳng khác biệt gì nhiều. Nào là dưỡng khí Samadhi, thán khí Samadhi, và tự cảm Samadhi được tạo nên bằng sự lập đi lập lại một công thức hay một loạt các ý nghĩ. Tình trạng đơn điệu gây nên buồn ngủ. Tôi không thể chấp nhận Samadhi - dù tuyệt vời đến đâu - là bằng chứng của chân lý.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

M: Samadhi ở ngoài kinh nghiệm. Đó là một trạng thái phi tính cách.

H: Không có kinh nghiệm là vì không có sự chú ý. Kinh nghiệm tái xuất hiện cùng với sự chú ý. Nhắm mắt lại không thể phủ nhận ánh sáng. Quy kết thực tại cho những trạng thái phủ định chẳng đưa chúng tôi đến đâu xa. Ngay trong sự phủ định hàm chứa một sự khẳng định.

M: Về một phương diện thì ông đúng. Thế ông không thấy được rằng: ông đang hỏi về bằng chứng của chân lý, nhưng lại không giải thích về chân lý mà ông có trong tâm là gì, và bằng chứng nào về chân lý có thể thỏa mãn được ông? Ông có thể chứng minh bất cứ gì, miễn là ông tin vào bằng chứng của ông. Nhưng cái gì sẽ chứng minh được bằng chứng của ông là đúng thật? Ta có thể dễ dàng đưa ông đến sự công nhận rằng chỉ ông biết ông tồn tại - ông là bằng chứng duy nhất mà ông có về bất cứ gì. Nhưng Ta không đồng hóa sự tồn tại suông với thực tại. Tồn tại thì nhất thời, luôn luôn ở trong thời gian và không gian, còn thực tại thì bất biến và trùm khắp.

H: Thưa ông, tôi không biết chân lý là gì, và cái gì có thể chứng minh được chân lý. Đừng phó mặc tôi tự xoay sở lấy. Tôi chẳng có phương cách nào. Ở đây ông là người biết chân lý, không phải tôi.

Mua đá năng lượng:

M: Ông bác bỏ chứng ngôn là bằng chứng của sự thật, kinh nghiệm của người khác chẳng ích lợi gì cho ông, ông bác bỏ tất cả những kết luận rút ra từ các lời khai được kết hợp lại của vô số nhân chứng độc lập. Vậy ông cho Ta biết cái gì là bằng chứng có thể thỏa mãn ông, cái gì là tiêu chuẩn của một bằng chứng có giá trị đối với ông?

H: Thực tình mà nói, tôi không biết cái gì có thể tạo nên một bằng chứng.

M: Ngay cả kinh nghiệm của chính ông?

H: Không phải kinh nghiệm của tôi mà cũng chẳng phải chính sự tồn tại của tôi. Chúng tùy thuộc vào hành vi ý thức của tôi.

M: Và hành vi ý thức của ông tùy thuộc vào cái gì?

H: Tôi không biết. Trước kia tôi đã cho rằng nó tùy thuộc vào thân xác của tôi, nhưng bây giờ tôi thấy được thân xác chỉ là thứ yếu, chứ không phải chính yếu, và không thể được xem là bằng chứng của sự tồn tại.

M: Ta mừng vì ông đã bỏ được ý tưởng “Ta là thân xác” - nguồn gốc chính của mê lầm và đau khổ.

H: Tôi chỉ từ bỏ nó bằng tri thức, nhưng ý thức là một cái gì đó riêng biệt, một con người, vẫn còn với tôi. Tôi có thể nói: “Ta hiện hữu,” nhưng không thể nói tôi là cái gì. Tôi biết tôi tồn tại, nhưng không biết cái gì tồn tại. Dù có nói thế nào tôi chỉ đối diện cái không biết.

M: Chính sự hiện hữu của ông là thật.

H: Rõ ràng là chúng ta không cùng nói về một vấn đề. Tôi không phải là một sự hiện hữu trừu tượng nào đó. Tôi là một con người, hữu hạn và biết rõ những hạn chế của nó. Tôi là một thực tế, nhưng là một thực tế không chắc thực nhất. Không gì tôi có thể dựng lập trên sự tồn tại nhất thời của tôi dưới hình thức một con người.

M: Lời lẽ của ông thông thái hơn cả chính ông! Là một con người, sự tồn tại của ông chỉ nhất thời. Nhưng liệu ông chỉ là một con người thôi sao? Có thật ông chỉ là một con người?

H: Tôi phải biết trả lời thế nào? Ý thức hiện hữu của tôi chỉ chứng mình tôi , nó không chứng minh được bất cứ gì độc lập đối với tôi. Tôi thì tương đối, là cả vật được tạo ra lẫn người tạo ra cái tương đối. Bằng chứng tuyệt đối của chân lý tuyệt đối là gì, và nó ở đâu? Chỉ cảm giác “Ta hiện hữu” là bằng chứng của thực tại thôi sao?

M: Dĩ nhiên là không. “Ta hiện hữu” và “Thế giới hiện hữu” tương quan với nhau và có tính cách điều kiện. Chúng hiện hữu là do khuynh hướng của tâm phóng chiếu ra danh xưng và hình tướng.

H: Danh xưng và hình tướng chỉ là ý nghĩ và sự tin tưởng, mà không phải chân lý. Nếu không có ông thì có lẽ tôi đã chấp nhận tính tương đối của mọi vật - kể cả chân lý - và học cách sống bằng những giả định. Nhưng rồi tôi gặp ông và nghe ông nói về Cái Tuyệt Đối như thể trong tầm tay của tôi, và cũng là điều đáng mong ước cao thượng nhất. Những từ ngữ như an lạc, cực lạc, vĩnh cửu, bất tử thu hút sự chú ý của tôi, cũng như đem lại sự hứa hẹn tự do, thoát ra khỏi đau khổ và lo sợ. Bản năng bẩm sinh của tôi là tìm kiếm lạc thú, thế là sự tò mò được khơi dậy, và tôi bắt đầu khám phá cái cảnh giới mà ông đã mở ra. Tất cả đều có vẻ rất hấp dẫn và lẽ tự nhiên là tôi hỏi: Liệu có thể đạt được cảnh giới đó? Nó có thật không?

M: Ông như đứa trẻ bảo: Hãy chứng minh được rằng đường là ngọt thì lúc đó tôi mới chịu nếm. Bằng chứng của vị ngọt ở trong miệng chứ không ở trong đường. Muốn biết đường ngọt thì ông phải nếm, chẳng có cách nào khác. Dĩ nhiên, ông có thể bắt đầu bằng cách hỏi: Có phải đó là đường? Nó có ngọt không? Rồi ông chấp nhận sự cam đoan của Ta và nếm nó. Chỉ lúc đó mọi nghi hoặc của ông mới tan biến và cái biết của ông là trực tiếp và không thể lay chuyển được. Ta không yêu cầu ông hoàn toàn tin Ta. Chỉ cần khởi tín tâm và bắt đầu. Mỗi bước sẽ chứng minh hay bác bỏ chính nó. Ông có vẻ như muốn bằng chứng của sự thật trước khi có sự thật. Thế cái gì là bằng chứng của bằng chứng? Ông thấy không, ông đang rơi vào một sự thụt lùi. Muốn chấm dứt sự thụt lùi ông phải ngừng đòi hỏi bằng chứng; ông phải chấp nhận cái gì đó là sự thật, chỉ trong giây lát thôi. Không cần thiết nó phải là cái gì. Nó có thể là Thượng đế, hay Ta, hay chính cái Ta của ông. Trong mỗi trường hợp, ông chấp nhận một cái gì đó, hay một ai đó mà ông không biết - là sự thật. Bây giờ, nếu ông hành động theo sự thật mà ông đã chấp nhận, dù chỉ trong giây lát, thì chẳng bao lâu ông sẽ chuyển sang bước kế tiếp. Cũng giống như leo cây trong bóng tối - ông chỉ có thể nắm lấy cành kế tiếp sau khi đã ngồi được trên cành trước đó. Trong khoa học, nó được gọi là giải pháp trắc nghiệm. Muốn chứng minh một lý thuyết ông phải tiến hành trắc nghiệm nó theo những chỉ dẫn được người đã trắc nghiệm trước ông để lại. Trong sự tìm kiếm tâm linh, chuỗi trắc nghiệm mà một người phải tiến hành được gọi là Yoga.

H: Có rất nhiều môn phái Yoga, biết chọn môn phái nào?

M: Dĩ nhiên, mỗi người giác ngộ sẽ chỉ con đường đưa đến sự chứng đắc của mình vì họ biết nó một cách thân thuộc nhất. Nhưng hầu hết rất linh động và điều chỉnh cho thích nghi với yêu cầu của người hỏi. Tất cả các con đường đều đưa ông đến với sự thanh tẩy tâm. Một cái tâm cấu nhiễm thì ngăn che chân lý, một cái tâm thanh tịnh thì trong suốt; chân lý có thể được nhìn thấy qua nó một cách dễ dàng vào rõ ràng.

H: Xin lỗi ông, hình như tôi không thể diễn tả sự khó khăn của tôi. Tôi hỏi về bằng chứng của chân lý, nhưng lại được chỉ dẫn các phương pháp để đạt đến chân lý. Giả sử như tôi theo các phương pháp đó và đạt được một trạng thái thật tuyệt vời và đáng mong ước nào đó, làm sao tôi biết được trạng thái của tôi là thật? Tôn giáo nào cũng bắt đầu với tín tâm và hứa hẹn một trạng thái cực lạc nào đó. Trạng thái cực lạc là thuộc về cái thật, hay chỉ là sản phẩm của đức tin? Vì nếu đó là một trạng thái được gây nên, thì tôi chẳng cần đến nó. Lấy trường hợp những người Thiên Chúa giáo, họ thường nói: Chúa Jesus là Đấng cứu thế của chúng ta, hãy tin tưởng và sẽ được cứu rỗi khỏi mọi tội lỗi. Khi tôi hỏi một tín đồ Thiên Chúa giáo tội lỗi vì sao anh ta không được cứu rỗi mặc dù hết lòng tin Đấng Christ, người này trả lời: “Đức tin của tôi chưa trọn vẹn.” Một lần nữa chúng tôi lại rơi vào cái vòng lẩn quẩn - không có đức tin trọn vẹn - không có sự cứu rỗi; nếu không được cứu rỗi - không có đức tin trọn vẹn, do đó không có sự cứu rỗi. Các điều kiện đặt ra một cách bất khả thực hiện, và chúng tôi bị chê trách là đã không thực hiện chúng.

M: Ông không nhận ra rằng trạng thái thức hiện nay của ông là một bằng chứng của vô minh. Câu hỏi của ông về bằng chứng của chân lý khởi sinh từ sự vô minh về thực tại. Ông tiếp xúc với các trạng thái thuộc cảm giác và tâm trong ý thức tại điểm “Ta hiện hữu” còn thực tại thì không được biết đến, không được tiếp xúc, và không được chứng nghiệm. Ông xem tính nhị nguyên là đương nhiên đến nỗi ông không nhận ra nó; còn đối với Ta tính nhiều và đa dạng không tạo ra sự phân biệt. Ông tưởng tượng thực tại đứng tách biệt khỏi danh xưng và hình tướng, trong khi đối với Ta danh xưng và hình tướng là những thể hiện thường xuyên thay đổi của thực tại, và không tách rời khỏi thực tại. Ông hỏi về bằng chứng của chân lý còn đối với Ta tất cả tồn tại đều là bằng chứng. Ông tách rời tồn tại ra khỏi hiện hữu, và hiện hữu ra khỏi thực tại, trong khi đối với Ta tất cả là một. Dù có tin tưởng trạng thái thức của ông là thật đến đâu, ông vẫn không thể cho nó là thường hằng và bất biến như Ta khi Ta nói về trạng thái của Ta. Nhưng Ta không thấy khác biệt nào giữa ông và Ta, chỉ có một điều là ông tưởng tượng ra sự vật, còn Ta thì không.

H: Trước tiên ông gạt tôi ra khỏi câu hỏi về chân lý, tiếp đến ông buộc tội tôi tưởng tượng! Cái tưởng tượng đối với ông lại là thật đối với tôi.

M: Ta chẳng buộc ông bất cứ tội gì cho đến khi nào ông tìm

ra sự thật. Ta chỉ bảo ông đặt câu hỏi một cách khôn ngoan. Thay vì tìm kiếm bằng chứng của chân lý - cái mà ông không biết - thì hãy duyệt qua các bằng chứng ông có về những gì ông tin là ông biết. Ông sẽ nhận ra rằng ông chẳng biết gì một cách xác thực - mà chỉ tin vào những điều nghe nói. Muốn biết sự thật, ông phải trải qua bằng chính kinh nghiệm của ông.

H: Tôi cực kỳ ghê sợ Samadhi và những trạng thái xuất thần khác, dù nguyên nhân gây ra những trạng thái đó là gì. Một ly rượu, một hơi thuốc, một cơn sốt, một chút ma túy, hít thở, ca hát, lắc lư, nhảy múa, quay cuồng, cầu nguyện, tình dục hay nhịn ăn, trì chú hoặc những hình ảnh trừu tượng làm hoa mắt có thể đưa tôi ra khỏi trạng thái thức, và cho tôi một kinh nghiệm nào đó, rất phi thường bởi vì khác lạ. Nhưng khi nguyên nhân chấm dứt, hậu quả tan biến thì chỉ có ký ức còn lại, ám ảnh nhưng phai nhạt dần.

Hãy bỏ qua tất cả các phương tiện và kết quả của chúng, vì kết quả tùy thuộc vào phương tiện; hãy đặt câu hỏi theo một cách mới: liệu có thể tìm ra chân lý?

M: Nơi chỗ của chân lý ở đâu để ông đến đó tìm kiếm? Và làm sao ông biết là ông đã tìm ra chân lý? Ông đem theo cái gì làm tiêu chuẩn để xác quyết chân lý? Ông trở lại câu hỏi đầu tiên của ông: “Cái gì là bằng chứng của chân lý?” Chắc chắn là có cái gì không ổn với câu hỏi của ông, vì ông có khuynh hướng lập lại nó nhiều lần. Tại sao ông hỏi về các bằng chứng của chân lý? Thế không phải vì ông không trực tiếp biết chân lý và ông sợ là ông có thể bị lừa gạt? Ông tưởng tượng chân lý là một vật, có cái tên là “chân lý” và nếu vật đó là đích thực thì sở đắc nó là một lợi thế. Do đó ông sợ bị lừa gạt. Ông đi khảo giá chân lý nhưng lại không tin người bán hàng. Ông sợ đồ mạo hóa và bắt chước.

H: Tôi không sợ bị người khác lừa gạt. Tôi sợ tôi lừa gạt chính tôi.

M: Nhưng ông đang tự lừa gạt chính ông bằng sự vô minh về những động cơ thực sự của ông. Ông đòi hỏi chân lý, nhưng thực ra ông chỉ tìm kiếm tiện nghi mà ông muốn kéo dài đến bất tận. Này ông, không có gì, không có trạng thái nào của tâm có thể kéo dài mãi mãi. Luôn luôn có một giới hạn trong thời gian và không gian, vì chính thời gian và không gian là hữu hạn. Còn trong cái vô thời thì từ ngữ “mãi mãi” hoàn toàn vô nghĩa. Tương tự với “bằng chứng của chân lý.” Trong cảnh giới bất nhị, mọi thứ đều trọn vẹn, là bằng chứng của chính nó, là ý nghĩa và mục đích của chính nó. Khi tất cả là một thì chẳng có sự nương tựa nào là cần thiết. Ông tưởng tượng sự thường hằng là bằng chứng của chân lý, rằng cái gì tồn tại lâu hơn thì một cách nào đó thật hơn. Thời gian trở thành thước đo chân lý. Và, vì thời gian ở trong tâm, nên tâm trở thành người phán xét, và cũng là người tìm kiếm trong chính nó bằng chứng của chân lý - một công việc bất khả thi và vô hy vọng!

H: Thưa ông, nếu ông nói rằng: Không có gì là đúng thật, tất cả đều là tương đối thì tôi đồng ý với ông. Nhưng ông xác nhận rằng có chân lý, thực tại, cái biết toàn hảo, nên tôi mới hỏi: “Nó là cái gì, và làm sao ông biết?” Cái gì có thể khiến tôi nói rằng: “Đúng, Maharaj đã nói đúng?”

M: Ông vẫn khăng khăng đòi hỏi một bằng chứng, một sự xác nhận, một căn cứ. Ông vẫn tưởng tượng rằng chân lý cần phải được chỉ vào và bảo với ông: “Hãy nhìn, đây là chân lý.” Hoàn toàn không phải thế. Chân lý không phải là một kết quả của một cố gắng, là chỗ chấm dứt của một con đường. Chân lý ở đây và ngay bây giờ, ngay trong sự khao khát và tìm kiếm nó. Nó gần gũi hơn cả tâm và thân, cận kề hơn cả ý thức “Ta hiện hữu.” Ông không thấy được nó vì ông nhìn ra khỏi ông quá xa, ra ngoài sự hiện hữu tận cùng bên trong chính ông. Ông đã biến chân lý thành một cái gì đó bên ngoài, và khăng khăng đòi hỏi những tiêu chuẩn về bằng chứng và xét nghiệm, là những thứ chỉ áp dụng cho đồ vật và ý nghĩ.

H: Từ những gì ông nói tôi nhận ra rằng chân lý siêu vượt tôi và tôi không đủ tư cách để luận bàn về nó.

M: Không những ông đủ tư cách mà chính ông còn là chân lý. Chỉ có điều ông nhận lầm cái giả thành thật.

H: Ông có vẻ như nói rằng: Đừng đòi hỏi bằng chứng về chân lý. Chỉ cần quan tâm đến cái hư giả mà thôi.

M: Sự phát hiện ra chân lý ở ngay trong nhận thức rõ cái hư giả. Ông chỉ có thể biết cái không là. Còn cái là - thì ông chỉ có thể . Sự biết liên quan đến cái được biết. Về một phương diện nó là đối ứng của vô minh. Nếu không có vô minh, thì cần gì phải có sự biết? Tự thân vô minh hay sự biết không có thực thể. Chúng chỉ là những trạng thái của tâm, mà tâm lại là sự xuất hiện của một sự động đậy trong ý thức, mà thể tánh của ý thức thì bất động.

H: Chân lý ở trong phạm trù của tâm hay ở ngoài?

M: Không phải cả hai mà là cả hai. Chân lý không thể được diễn tả bằng ngôn từ.

H: Đó là điều tôi luôn luôn nghe nói - bất khả diễn tả Anirvachaniya. Nó chẳng làm tôi thông thái hơn.

M: Đúng là tâm thường che đậy sự vô minh hoàn toàn. Tâm chỉ có thể hoạt động với những điều kiện do chính nó tạo ra mà không thể vượt ra ngoài chính nó. Cái không phải là cảm giác hay tâm - nhưng nếu không có nó thì không thể có tâm hay cảm giác - thì không thể được bao gồm trong các điều kiện của tâm. Phải hiểu rằng tâm có những giới hạn của nó; muốn vượt ra ngoài tâm, ông phải bằng lòng với sự im lặng.

H: Liệu có thể cho rằng hành động là bằng chứng của chân lý? Dù không thể ngôn từ hóa được nhưng chân lý có thể được làm cho hiển hiện.

M: Chẳng phải hành động hay không hành động. Nó siêu vượt cả hai.

H: Liệu một người có thể nói: “Đúng, đây là sự thật”? Hay người đó hoàn toàn bị giới hạn trong sự phủ nhận cái hư giả? Nói một cách khác, liệu chân lý có phải là thuần phủ định? Hay, có một lúc nào đó nó có thể trở thành một khẳng định?

M: Chân lý không thể được mô tả, nhưng có thể được kinh nghiệm.

H: Kinh nghiệm thì chủ quan, và không thể được chia sẻ. Kinh nghiệm của ông chẳng đưa tôi đến đâu.

M: Chân lý có thể được kinh nghiệm, nhưng không phải là kinh nghiệm suông. Ta biết nó và Ta có thể truyền đạt nó, nhưng với điều kiện là ông phải sẵn sàng tiếp nhận. Sẵn sàng tiếp nhận có nghĩa là không mong cầu gì khác.

H: Trong tôi đầy những tham ái và lo sợ. Điều này có nghĩa tôi không đủ tiêu chuẩn để tiếp nhận chân lý?

M: Chân lý không phải là một phần thưởng cho hạnh kiểm tốt, mà cũng không phải là một giải thưởng sau khi vượt qua một số những thử nghiệm. Chân lý không được tạo nên. Nó là nguyên thủy, là bất sinh, là nguồn gốc cổ đại của tất cả những gì hiện hữu. Ông có đầy đủ tiêu chuẩn vì ông hiện hữu. Ông không cần phải xứng đáng để được hưởng chân lý. Nó là của chính ông. Hãy chấm dứt bỏ chạy ra xa bằng sự chạy theo cái ông tìm kiếm. Đứng yên, và im lặng.

H: Thưa ông, nếu muốn thân bất động và tâm im lặng, xin chỉ cho tôi cách làm thế nào. Trong sự thấy biết chính mình tôi thấy thân và tâm chuyển động bởi những nguyên nhân ngoài sự kiểm soát của tôi. Tính di truyền và môi trường khống chế tôi hoàn toàn. Cái “Ta hiện hữu” quyền năng, kẻ sáng tạo vũ trụ, có thể bị loại trừ chỉ bằng một liều ma túy - trong nhất thời, hay một giọt thuốc độc - một cách vĩnh viễn.

M: Một lần nữa, ông lại tự đồng hóa với thân xác.

H: Cho dù tôi có phủ nhận thân xác bằng xương, thịt và máu huyết là tôi thì vẫn còn một cái thân vi tế của tư duy và cảm thọ, của ký ức và tưởng tượng. Nếu cũng phủ nhận cái thân vi tế này là tôi, thì tôi vẫn còn ý thức, cũng là một loại thân khác.

M: Ông nói rất đúng, nhưng đừng dừng lại ở đó. Hãy đi xa hơn nữa. Cả ý thức lẫn cái “Ta hiện hữu” ở trung tâm của ý thức đều không phải là ông. Sự hiện hữu chơn thật của ông là ý thức hoàn toàn vô ngã, hoàn toàn tự do không còn tất cả những đồng hóa chính nó với bất cứ gì có thể là thô, tế, hay siêu việt.

H: Tôi có thể tưởng tượng tôi vượt ra ngoài tất cả. Nhưng cái gì là bằng chứng mà tôi có thể có được? Để , tôi phải là một ai đó.

M: Ngược lại thì mới đúng. Để , ông không phải là ai cả. Nghĩ rằng ông là một cái gì đó, một ai đó là cái chết và địa ngục.

H: Tôi đọc sách và được biết ở Ai Cập cổ, người ta được kết nạp vào một số tổ chức huyền bí nào đó: Dưới ảnh hưởng của ma túy hoặc bùa phép, họ được đưa ra khỏi thân xác và trải qua tình trạng đứng ở ngoài nhìn thấy thân xác phủ phục của họ. Nghi thức này nhằm thuyết phục họ về tính cách có thật của sự tồn tại sau cái chết, và làm cho họ chỉ quan tâm sâu sắc với định mệnh tối hậu của chính mình, như thế sẽ có lợi cho nhà nước và giáo hội. Sự đồng hóa chính mình với con người là chủ của thân xác - vẫn còn đó.

M: Thân xác được tạo ra bởi thực phẩm, cũng như tâm do ý nghĩ tạo nên. Hãy thấy chúng như chúng là. Không đồng hóa - một cách tự nhiên và tự sinh khởi - là giải thoát. Ông không cần biết cái ông là. Chỉ cần biết cái không phải là, là đủ. Ông không bao giờ biết được cái ông là, vì mỗi một khám phá lại hé mở ra những cảnh giới mới để chinh phục. Cái không biết thì vô biên.

H: Điều này có nghĩa vô minh là vĩnh viễn?

M: Nó có nghĩa là vô minh không hề có. Chân lý ở trong sự khám phá, chứ không ở trong cái được khám phá. Và để khám phá thì không có sự bắt đầu và cũng không có sự chấm dứt. Hãy đặt câu hỏi về những cái hữu hạn, vượt ra ngoài; hãy giao cho mình những công việc rõ ràng là bất khả thực hiện - đó là Đạo.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh