Ta Là Cái Đó: Chương 23. Thượng Đế Là Người Làm Ra Tất Cả, Bậc Giác Ngộ Là Kẻ Chẳng Làm Gì Cả

TA LÀ CÁI ĐÓ: CHƯƠNG 23. THƯỢNG ĐẾ LÀ NGƯỜI LÀM RA TẤT CẢ, BẬC GIÁC NGỘ LÀ KẺ CHẲNG LÀM GÌ CẢ

Hỏi: Một số bậc giác ngộ - Mahatmas - cho rằng thế giới không phải là một sự ngẫu nhiên và cũng chẳng phải là một trò chơi của Thượng đế mà là thành quả và sự thể hiện của một công cuộc vĩ đại nhằm thức tỉnh và phát triển ý thức trong khắp vũ trụ. Từ không có sự sống đến sự sống, từ vô thức đến ý thức, từ vô minh đến trí tuệ, từ tà kiến đến sáng suốt - đó là phương hướng mà theo đó thế giới không ngừng di chuyển một cách miệt mài. Dĩ nhiên là có những lúc nghỉ ngơi và bóng tối bao phủ khi vũ trụ có vẻ như không hoạt động, nhưng rồi sự nghỉ ngơi chấm dứt và công trình ý thức lại tiếp tục. Theo cái nhìn của chúng tôi, thế giới là một thung lũng đầy nước mắt, một nơi chốn cần phải thoát ly càng sớm càng tốt, và bằng mọi phương tiện có được. Đối với những bậc giác ngộ thế giới là tốt đẹp và nó phục vụ cho một mục đích tốt đẹp. Dù không phủ nhận rằng thế giới là một cơ cấu của tâm, và, tối hậu tất cả là một duy nhất, nhưng các vị ấy thấy và cho rằng cơ cấu đó có ý nghĩa, và phục vụ cho một mục đích được mong muốn cao nhất. Điều mà chúng tôi gọi là ý chí của Thượng đế không phải là một ý tưởng thất thường của một vị thần linh tinh nghịch, mà là sự thể hiện của một sự cần thiết tuyệt đối để trưởng thành trong tình yêu, trí tuệ và quyền năng, để hiện thực hóa những tiềm năng vô biên của sự sống và ý thức.

Một người làm vườn trồng hoa, từ một hạt giống nhỏ bé thành một đóa toàn hảo rực rỡ; tương tự như thế trong vườn hoa của Thượng đế, Ngài trồng từ con người đến siêu nhân, là những người hiểu biết, có lòng yêu thương và làm việc cùng với Ngài.

Khi Thượng đế nghỉ ngơi - Pralaya, nhưng ai chưa hoàn tất sự phát triển sẽ trở nên vô thức trong một thời gian, còn những người đã toàn hảo, tức là những người đã thoát ra khỏi mọi hình tướng và nội dung của ý thức tiếp tục biết rõ sự im lặng của vũ trụ. Khi đến lúc một vũ trụ mới xuất hiện, những người còn ngủ sẽ thức dậy, và công việc của họ bắt đầu. Những người có trình độ cao thức dậy trước và chuẩn bị cơ sở cho những người kém hơn - là những người cảm thấy các hình thái và mô thức của thái độ thích hợp cho sự phát triển sâu xa hơn của họ.

Những giải thích của các vị đó là như thế. Sự khác biệt với điều ông chỉ dạy: Ông khẳng định thế giới là bất thiện và cần phải xa lánh. Họ còn cho rằng sự nhàm chán thế giới chỉ là một giai đoạn trôi qua, tuy cần thiết nhưng nhất thời; rồi sự nhàm chán sẽ được thay thế bằng một tình yêu bao trùm lên tất cả, và một ý chí kiên quyết để làm việc cùng Thượng đế.

Maharaj: Tất cả những gì ông nói đều đúng cho con đường đi ra - Pravritti. Còn con đường trở về - Nivritti - thì sự không hóa chính mình (naughting oneself) là cần thiết. Chỗ đứng của Ta là không - Paramakash, nơi ngôn từ và tư duy không thể đạt đến. Đối với tâm nó hoàn toàn là bóng tối và im lặng. Rồi ý thức bắt đầu khuấy động và đánh thức tâm - Chidakash, tâm phóng chiếu ra thế giới Mahadakash - được dựng lập bằng ký ức và tưởng tượng. Một khi thế giới được hình thành, thì tất cả những gì ông nói có thể là như thế. Nghĩ tưởng ra mục đích, phấn đấu để đạt được mục đích, tìm kiếm phương tiện và đường lối, trình bày viễn ảnh, biểu lộ năng lực và lòng dũng cảm - tất cả những thứ đó đều ở trong bản chất của tâm. Đó là những thuộc tính thiêng liêng và Ta không phủ nhận chúng. Nhưng chỗ Ta chọn là nơi không có sự khác biệt, không có vật và cũng chẳng có tâm tạo ra vật. Ở đó là Ta ở nhà. Bất cứ gì xảy ra chẳng hề tác động đến Ta - sự vật tác động đến sự vật, thế thôi. Vì không còn ký ức và chờ mong, nên Ta luôn luôn tươi mới, hồn nhiên và nồng nhiệt. Tâm là một người thợ vĩ đại - MahakarTa - và cần được nghỉ ngơi. Vì không cần gì cả nên Ta không lo sợ. Mà sợ ai? Không hề có sự phân chia, chúng ta không phải là những cái Ta riêng biệt. Chỉ có một cái Ta duy nhất, đó là Thực tại Tối thượng, trong đó nhân cách và phi nhân cách là một.

H: Tất cả những gì tôi muốn là có thể giúp ích cho thế giới.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

Mua đá năng lượng:

M: Ai nói là ông không thể giúp gì cho thế giới? Chính ông quyết định thế nào là giúp, và cái gì cần giúp, rồi tự đưa ông vào một cuộc xung đột giữa những gì ông nên làm và những gì ông có thể làm, giữa sự cần thiết và khả năng.

H: Nhưng tại sao chúng tôi làm như thế?

M: Tâm ông phóng chiếu ra một cơ cấu, rồi ông tự đồng hóa mình với cơ cấu đó. Chính bản chất của lòng tham muốn thúc giục tâm tạo ra một thế giới để nó thỏa mãn. Một ham muốn nhỏ thậm chí có thể mở đầu cho một chuỗi dài các hành động, huống chi là một ham muốn mãnh liệt? Ham muốn có thể tạo ra cả một vũ trụ, sức mạnh của lòng ham muốn thật mầu nhiệm. Một que diêm bé nhỏ có thể làm cho cả một khu rừng mênh mông bốc cháy, thì lòng ham muốn cũng thế, nó làm cho những ngọn lửa của sự thể hiện bùng cháy. Chính mục đích của sự sáng tạo là thỏa mãn lòng ham muốn. Ham muốn có thể là cao thượng, hay thấp hèn, còn hư không thì vô tính - một người có thể chất đầy hư không tất cả những gì mình thích. Ông nên cẩn thận với những gì ông ham muốn. Còn với những người ông muốn giúp, ông nên nhớ rằng họ đang ở trong cái thế giới tương ứng với sự ham muốn của họ, ông không có cách nào giúp được họ, ngoại trừ cách thông qua sự ham muốn của họ. Ông chỉ có thể dạy cho họ nên có những ham muốn chính đáng thì may ra họ có thể vươn cao hơn chính họ, và không còn bị thôi thúc tạo ra và tái tạo những thế giới của tham ái, là cõi giới của lạc thú và khổ đau.

H: Phải đến một ngày vở tuồng kết thúc, một người phải chết, và một vũ trụ đi đến sự tận cùng.

M: Như một người ngủ say quên hết tất cả và thức dậy cho một ngày mới, hoặc một người chết đi rồi xuất hiện trong một cuộc sống khác thì các thế giới của tham ái và lo sợ cũng tan biến và xuất hiện như thế. Còn nhân chứng vũ trụ, cái Ta Tối Thượng không bao giờ ngủ và cũng chẳng bao giờ chết. Trái tim vĩ đại không bao giờ ngừng đập, vào mỗi nhịp đập của nó một vũ trụ mới lại hình thành.

H: Cái Ta Tối thượng có ý thức không?

M: Nó ở ngoài tất cả những gì mà tâm nhận thức. Nó vượt ra khỏi hiện hữu và phi hiện hữu. Nó là Có và cũng là Không đối với tất cả, nó vừa ở bên ngoài vừa ở bên trong, vừa tạo dựng vừa hủy diệt, nó chơn thật ngoài sức tưởng tượng.

H: Thượng đế và Mahatma là một hay hai?

M: Là một.

H: Phải có một sự khác biệt nào đó.

M: Thượng đế là Người Làm Ra Tất Cả, người giác ngộ là người không làm gì cả. Đích thân Thượng đế không bảo rằng: “Ta làm ra tất cả”. Đối với Thượng đế mọi chuyện xảy ra là do bản chất tự nhiên của nó. Đối với bậc giác ngộ, tất cả đều do Thượng đế tạo ra. Bậc giác ngộ không thấy có sự khác biệt giữa Thượng đế và tự nhiên. Cả Thượng đế và bậc giác ngộ đều biết mình là trung tâm bất động của tất cả mọi chuyển động, là nhân chứng thường hằng của cái vô thường. Trung tâm là một điểm trống không, còn nhân chứng là một điểm của tánh biết thuần túy; cả hai đều biết mình là không, do đó không có gì cưỡng lại được cả hai.

H: Trong kinh nghiệm của riêng ông những điều đó được thấy và cảm nhận như thế nào?

M: Vì không là gì cả nên Ta là tất cả. Tất cả mọi cái là Ta, tất cả mọi cái là của Ta. Cũng như thân xác Ta chuyển động bởi ý nghĩ của Ta về sự chuyển động; mọi chuyện xảy ra khi Ta nghĩ về chúng. Nên nhớ rằng Ta chẳng làm gì cả. Ta chỉ nhìn chúng xảy ra.

H: Mọi chuyện xảy ra theo như ông muốn chúng xảy ra, hay ông để chúng xảy ra như chúng xảy ra?

M: Cả hai. Ta chấp nhận và được chấp nhận. Ta là tất cả và tất cả là Ta. Là thế giới, nên Ta không sợ thế giới. Là tất cả, thì có cái gì mà Ta phải sợ? Nước không sợ nước, và lửa không sợ lửa. Không những thế, Ta không sợ vì Ta không là cái có thể kinh nghiệm sự sợ hãi, hay gặp nguy hiểm. Ta không có hình tướng hay danh xưng. Chính vì ràng buộc với danh xưng và hình tướng nên sợ hãi sinh khởi. Ta không hề bị ràng buộc. Ta là cái Không, và cái Không thì không sợ cái gì. Trái lại, cái gì cũng sợ cái Không, vì khi một cái gì đó chạm đến cái Không thì nó trở thành Không. Cái Không cũng như một cái giếng không đáy, bất cứ gì rơi xuống đó đều biến mất.

H: Thế không phải Thượng đế là một con người?

M: Bao giờ ông còn nghĩ ông là một con người, thì Thượng đế cũng là một con người. Khi ông là tất cả, ông thấy Thượng đế là tất cả.

H: Liệu tôi có thể thay đổi sự kiện bằng cách thay đổi thái độ?

M: Thái độ là sự kiện. Lấy sự giận dữ làm ví dụ. Ta giận dữ, đi tới đi lui trong phòng; cùng lúc đó Ta biết Ta là một trung tâm của trí tuệ và tình yêu, một nguyên tử của sự tồn tại thuần túy. Tất cả lắng xuống và tâm hòa nhập vào sự im lặng.

H: Như thế, một đôi khi ông vẫn còn giận dữ?

M: Ta nổi giận với ai và để làm gì? Cơn giận đến và tan biến ngay khi Ta nhớ lại chính mình. Tất cả chỉ là một trò chơi của

[4] Gunas . Khi tự đồng hóa với chúng, Ta là nô lệ của chúng. Khi đứng riêng ra, Ta là chủ nhân của chúng.

H: Liệu ông có thể ảnh hưởng đến thế giới bằng thái độ của ông? Khi tách mình ra khỏi thế giới ông làm mất đi mọi hy vọng cứu giúp thế giới.

M: Làm sao lại có thể như thế? Tất cả là chính Ta - vì sao Ta không thể giúp chính Ta? Ta không đồng hóa chính Ta với bất cứ người nào đó riêng biệt, vì Ta là tất cả - vừa là cái riêng biệt, vừa là vũ trụ.

H: Liệu ông có thể giúp tôi, một con người riêng biệt?

M: Ta luôn luôn giúp ông - từ bên trong. Cái Ta của Ta và cái Ta của ông là một. Ta biết, nhưng ông không biết điều đó. Đó là tất cả mọi khác biệt - và sự khác biệt đó không tồn tại mãi.

H: Và ông cứu giúp toàn thể thế giới bằng cách nào?

M: Gandhi chết, nhưng tâm của vị ấy tỏa khắp thế giới. Tư tưởng của một người giác ngộ thẩm nhập khắp nhân loại và mãi mãi hoạt động không ngừng. Vì không có danh xưng và xuất hiện từ bên trong, nên nó mãnh liệt hơn và có sức thuyết phục hơn. Đó là cách mà thế giới trở nên tốt đẹp hơn - cái bên trong trợ lực và làm cho cái bên ngoài hạnh phúc. Khi chết đi, người người giác ngộ không còn nữa, theo cùng ý nghĩa một con song không còn nữa khi nó hòa nhập vào biển cả; danh xưng và hình tướng không còn nữa, nhưng nước vẫn còn và trở thành một với nước biển. Khi người giác ngộ hội nhập với tâm vũ trụ, tất cả tinh hoa và trí tuệ của vị đó trở thành di sản của nhân loại, và nâng cao tâm thức của mỗi một chúng sinh.

H: Chúng tôi gắn liền với tính cách con người của chúng tôi. Tính cách cá nhân của chúng tôi, sự hiện hữu của chúng tôi khác biệt với người khác, đó là những gì chúng tôi vô cùng yêu quý. Ông có vẻ cho rằng cả hai đều vô dụng. Thế cái bất thị hiện của ông có ích gì đối với chúng tôi?

M: Bất thị hiện, thị hiện, tính cách cá nhân, tính cách con người - Nirguna, Saguna, Vyaka, Vyakti, tất cả chỉ là ngôn từ suông, là quan điểm, và thuộc tính của tâm. Chúng không hề có thực thể. Cái thật được chứng nghiệm trong im lặng. Ông bám víu lấy tính cách con người - nhưng ông chỉ ý thức mình là một con người khi nào ông gặp phiền não - còn khi không gặp phiền não thì ông chẳng bao giờ nghĩ đến chính ông.

H: Ông chưa nói với tôi về những công năng của cái Bất Thị Hiện.

M: Chắc chắn là ông phải ngủ để thức dậy. Ông phải chết đi để sống, ông phải được nấu chảy để tạo hình một cái mới. Ông phải phá hủy để xây dựng, hủy diệt trước khi sáng tạo. Cái Tối Thượng là dung môi của vũ trụ, nó ăn mòn bất cứ gì chứa nó, nó xuyên thủng mọi trở ngại. Nếu không có sự phủ nhận tuyệt đối tất cả mọi vật thì tính chuyên chế của mọi vật sẽ là tuyệt đối. Cái Tối Thượng là người hòa hợp vĩ đại, người đảm bảo sự quân bình tối hậu và toàn hảo, người bảo vệ sự sống trong tự do. Nó làm cho ông tan biến, và như thế tái khẳng định sự hiện hữu chơn thực của ông.

H: Cái Tối Thượng hoàn toàn tốt đẹp ở bình diện của nó. Nhưng làm sao nó hoạt động trong cuộc sống hàng ngày?

M: Cuộc sống hàng ngày là cuộc sống của hành động. Dù có yêu thích cuộc sống hay không, ông vẫn phải hành động. Bất cứ gì ông làm vì lợi ích của chính ông đều tích lũy lại và trở thành thuốc nổ; một ngày nào đó nó sẽ nổ tung, gieo tai họa cho ông và cho cả thế giới của ông. Khi tự lừa dối mình rằng ông làm điều tốt đẹp cho tất cả thì ông càng làm cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn, vì ông không được để những ý tưởng của ông định đoạt điều gì là tốt đẹp cho người khác. Kẻ nào tự nhận mình biết được điều tốt đẹp cho người khác là một người nguy hiểm.

H: Vậy thì một người phải hành động như thế nào?

M: Không cho chính ông và cũng chẳng cho người khác mà vì lợi ích của hành động. Một cái gì đó đáng làm là vì chính mục đích và ý nghĩa của nó. Đừng biến một cái gì thành phương tiện cho một cái khác. Đừng ràng buộc. Thượng đế không tạo ra cái này để phục vụ cho cái kia. Mỗi cái được tạo ra vì chính nó. Vì nó được tạo ra cho chính nó, nên nó không xen vào cái khác. Ông đang sử dụng đồ vật và con người cho những mục đích xa lạ với chúng và họ, nên ông phá hoại thế giới và chính ông.

H: Như ông nói, sự hiện hữu chơn thật lúc nào cũng ở với chúng tôi. Tại sao chúng tôi không nhận ra nó?

M: Đúng, ông luôn luôn là Cái Tối Thượng. Nhưng sự chú ý của ông lại đặt vào những cái khác, hoặc vật lý hoặc tâm lý. Khi sự chú ý của ông vừa rời một cái gì đó và chưa đặt vào một cái khác, thì trong khoảng xen kẽ ở giữa đó ông chính là sự hiện hữu thuần túy. Khi đã thuần thục thực hành pháp sáng suốt và vô tư - VivekaVairagya, ông không còn thấy những trạng thái thuộc cảm giác và tâm, lúc đó hiện hữu thuần túy xuất hiện như một trạng thái tự nhiên.

H: Làm thế nào để mất đi ý thức tách biệt này?

M: Bằng cách chú ý tâm vào “Ta là,”, vào ý niệm hiện hữu, thì “Ta là thế này thế nọ” sẽ biến mất; “Ta chỉ là nhân chứng” vẫn còn, và cả nó sẽ chìm trong “Ta là tất cả”. Rồi cái tất cả trở thành cái Một, và cái Một - chính ông, không tách biệt với Ta. Hãy buông bỏ ý tưởng về một cái “ta” riêng biệt, thì câu hỏi “Kinh nghiệm của ai?” sẽ không sinh khởi.

H: Ông nói từ sự chứng nghiệm của chính ông. Làm sao tôi biến nó thành của tôi?

M: Ông nói về kinh nghiệm của Ta như thể nó khác với kinh nghiệm của ông, bởi vì ông tin là chúng ta tách biệt. Nhưng chúng ta không tách biệt. Ở bình diện sâu hơn, kinh nghiệm của Ta chính là kinh nghiệm của ông. Lặn sâu vào trong chính ông và ông sẽ nhận thấy nó thật dễ dàng và thật đơn giản. Cứ đi theo hướng “Ta hiện hữu”.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh