Suy Ngẫm Về Thiện Và Ác: Chương 3. Mara - Kẻ Sát Nhân

SUY NGẪM VỀ THIỆN VÀ ÁC: CHƯƠNG 3. MARA - KẺ SÁT NHÂN

Trong các câu chuyện thần thoại, ma quỷ là những kẻ bạo ngược, thích thú với việc gây đau khổ cho nạn nhân của mình. Sức mạnh bền bỉ của chúng đã làm cho những người mê muội cảm nhận được tình hình hiện tại và sự tê liệt tâm lý của mình. Khi bị ma quỷ bắt giữ, người ta cảm thấy ngột ngạt khó thở, bị đè nén và mệt nhọc như một người gắng sức để thoát khỏi những gì đang gài bẫy họ. Ma quỷ là cách nói về một điều gì đó ngăn cản đường đi của con người trong cuộc đời, làm cho những lời cầu xin bị mất tác dụng, người ta cảm thấy bị cản trở, bị bao vây và bế tắc. Trong tiếng Hebrew, Satan có nghĩa là “kẻ địch”, còn tiếng Hy Lạp diabolos có nghĩa là “một người đã ném một thứ gì đó chắn ngang đường”. Ở Ấn Độ, Đức Phật gọi ma quỷ là Mara, nghĩa là “kẻ sát nhân”.

Trong bài diễn thuyết đầu tiên có tựa đề “Cuộc đấu tranh”, thái tử Gotama (tức Đức Phật) nhớ lại: “Tôi ngồi bên bờ sông Neranjara, bắt đầu một trận chiến miệt mài, thực hành suy ngẫm bằng tất cả sức mạnh trong nỗ lực tìm kiếm sự tự do. Rồi kẻ sát nhân Mara đến cạnh tôi và nói những câu đầy vẻ thiện cảm: “Ngài trông xanh xao, yếu ớt quá!”, nó tiếp: “Ngài nên chết đi. Điều đó có lẽ còn tốt hơn sống rất nhiều. Ngài có thể làm thêm nhiều điều tốt bằng một cuộc sống thiêng liêng”.

Xem ra ma quỷ đã chạm đến những vấn đề quan tâm nhất trong tâm hồn Đức Phật. Từ cái nhìn đầu tiên, những gì nó nói đều có vẻ hợp lý. Mara đã làm nản lòng cuộc sống khổ hạnh của Đức Phật và ca tụng một cuộc sống cống hiến cho những điều tốt trên thế gian. Nó không khích lệ thái tử Gotama làm bất cứ điều gì tội lỗi. Mục đích của nó là làm suy yếu lòng quyết tâm được tự do thoát khỏi sự chỉ đạo mang tính cưỡng bức, nhằm gài bẫy Ngài vướng vào vòng thống khổ.

Trong khi nói chuyện với thái tử Gotama, Mara “đứng ngay bên cạnh Đức Phật”. Con quỷ bóng gió đưa đẩy bản thân mình bằng cách thức như vậy, cứ như nó đã trở thành một phần trong suy nghĩ của Ngài. Nhưng Đức Phật đã nhận ra điều đó và nói:

Ta đã nhìn thấy tất cả những chiếc bẫy của ngươi ở quanh ta Mara ạ, nhưng ta vẫn tiếp tục đấu tranh. Cho dù cả thế giới không thể đánh bại binh lính của ngươi thì ta cũng sẽ phá hủy nó bằng sức mạnh của sự khôn ngoan như thể nó là một chiếc bình không được nung bị đập vỡ bằng một hòn đá.

Để thể hiện uy lực của quỷ dữ, người ta đã miêu tả Mara như một vị thần chiến tranh cưỡi voi đang chỉ huy đội quân đông vô kể. Đức Phật đã không coi “sức mạnh của Mara mạnh mẽ hơn bất cứ sức mạnh nào không thể khuất phục được”. Ngài gọi binh lính dưới sự chỉ huy của Mara là lòng ham muốn khoái lạc, sự bất mãn, đói khát, lòng tham, tính thờ ơ, lo sợ, nghi ngờ, tính liên tục, khao khát chiếm đoạt, kiêu căng, danh dự và tiếng tăm, tán dương người này trong khi gièm pha, coi thường người khác.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Việc gắn bó chặt chẽ với lòng khao khát hoặc nỗi sợ hãi đã siết chặt điểm nút kết nối con người với nó, và do đó có thể gây ảnh hưởng đến họ. Chỉ khi nào Đức Phật biết được những ước muốn và những sợ hãi đang đe dọa Ngài chẳng là gì ngoài trạng thái phù du của tâm hồn và thể xác, chúng mới mất khả năng thôi miên Ngài. Thay vì xem chúng như sức mạnh của một kẻ địch có ý định hủy diệt mình thì Ngài lại nhận ra chúng chỉ là một chiếc bình chưa nung, không chắc mà giòn, có thể bị đập nát bởi một hòn đá. Khi nào Đức Phật bắt buộc phải ngừng việc đồng nhất những ý nghĩ, cảm xúc và ý niệm xuất hiện bên trong Ngài với “tôi” hoặc “của tôi” thì Mara mới không còn gây ảnh hưởng tới Ngài nữa.

Điều này không có nghĩa là Đức Phật không nhận ra những suy nghĩ và cảm giác này, hoặc chúng không còn xảy đến với Ngài. Thay vì loại bỏ chúng, Ngài lại tìm ra cách để tồn tại với chúng, nhờ vậy chúng không thể mua chuộc được Ngài. Mara đã miêu tả điều này bằng phép loại suy:

Tôi nhớ có lần nhìn thấy một con quạ bay lượn bên trên một đống mỡ. “Thức ăn kìa!”, nó nghĩ. Nhưng cái đó hóa ra lại là một đống gạch đá, nặng nề và không ăn được; con quạ liền bay lảng ra xa trong sự ghê tởm. Tôi đã chán ngấy rồi; tôi không muốn giống như con quạ kia đục khoét hòn đá; tôi đã đoạn tuyệt với Gotama.

Đức Phật đã làm cho bản thân miễn trừ với Mara. Bất kể Mara cố gắng tiêm nhiễm cách thức của nó vào đầu Ngài nhiều như thế nào thì Đức Phật vẫn điềm tĩnh và thản nhiên. Ngài đã ngồi yên trong một khoảng không gian thoáng đãng và vị tha bên ngoài phạm vi ảnh hưởng của Mara. Ngài là người mà “Mara không thể chế ngự được, như bất cứ ngọn gió nào cũng không thể thổi qua đỉnh Himalaya”. Đức Phật đã so sánh một người nào đó từng “bị Mara cướp đi cái nhìn vào vận may của mình” với một con nai đang thong thả đi lang thang vào tận rừng sâu, là người đã “đi, đứng, ngồi, nằm mà không sợ hãi”. Vì với việc làm cho Mara trở nên mù quáng, Ngài đã trở nên “vô hình” trước ma quỷ. Tuy nhiên, Mara lại so sánh mình với một con cua mà những chiếc càng của nó đã bị trẻ con bẻ mất. Nó nói với Đức Phật: “Tất cả những sự vận động, vặn vẹo và xoắn xuýt của tôi đã bị Ngài cắt bỏ, đập vỡ và xé tan thành nhiều mảnh”.

Mua đá năng lượng:

Trừ khi chúng ta coi ma quỷ như một bóng ma hiện hình, ngồi xuống và trò chuyện với Đức Phật, còn không thì chúng ta không thể hiểu được nó như một biện pháp ẩn dụ để miêu tả cuộc sống nội tâm của Đức Phật. Mặc dù Đức Phật nói đã “chinh phục được” sức mạnh của Mara bằng việc đạt được hành vi nhận thức, nhưng điều đó cũng không ngăn được Mara quấy nhiễu Ngài cho đến một khoảng thời gian ngắn trước khi Ngài mất 50 năm sau đó. Những nỗ lực không mệt mỏi của Mara nhằm làm suy yếu Đức Phật bằng việc buộc tội Ngài là không thành thực, tự lừa dối mình, biếng nhác, kiêu căng và xa lạ chính là những cách thức miêu tả những hoài nghi bên trong suy nghĩ của Ngài.

Mara đại diện cho những kiểu khao khát sự an toàn khi được đeo bám dai dẳng vào một điều gì đó rất thực và thường xuyên, thay vì phải đối mặt với vấn đề được đưa ra bởi một tạo vật nhất thời và ngẫu nhiên. “Nó không tạo nên điều khác biệt nào với những gì mà anh nắm bắt”, Đức Phật nói. “Khi có người nào đó tóm lấy, Mara sẽ đứng bên cạnh người đó”. Do vậy Mara đã tuyệt vọng khao khát một bản chất và một thế giới có thể thấu hiểu được, có thể điều khiển được và an toàn. Tuy nhiên, hành vi đeo bám lại trở thành một dạng của sự chết chóc. Khi sự kiểm soát bị thắt chặt, người ta có cảm giác cuộc sống trở nên ngột ngạt và lụi tàn. Mara đôi khi còn được gọi là Namuci, loài quỷ khát máu trong câu chuyện thần thoại Vedic, tên của nó có nghĩa là “người rút tỉa hết nguồn nước”. Ảnh hưởng của Mara đã cản trở dòng chảy cuộc sống, như thể vòng kìm kẹp của Namuci đã ngăn chặn cơn gió mùa khỏi việc tháo dỡ dòng nước.

Để đáp lại những lời khiêu khích của Mara, Đức Phật nói: “Ta biết ngươi, một con người xấu xa. Không nghĩ khác đi được”. Ma quỷ bị chinh phục không phải bằng cách dùng vũ lực trục xuất nó, mà bằng việc hiểu biết những chiến lược và nhìn thấu suốt nó thông qua tính bất khả chiến bại trong trò chơi đố chữ. Việc nhìn thấu suốt bằng cảm nhận bản chất của Mara là chìa khóa để giải thoát bản thân một người nào đó khỏi vòng kìm kẹp của nó. Đức Phật có khả năng chế ngự Mara nhờ tập trung suy ngẫm cao độ để có thể nhìn rõ ràng, thấu đáo bản chất của những thế lực ma quỷ đã tấn công Ngài. Và khi hiểu được chính xác những gì mình đang phải đương đầu, Ngài sẽ không còn bị lừa dối bởi hành động thôi miên và cái nhìn ma quái của nó.

Ngay khi Mara nhận ra Đức Phật đã hiểu được nó và nó không thể tiếp cận Ngài, nó đã bỏ cuộc. “Mara hết sức lo lắng cho sự thất bại của mình”, tác phẩm “Cuộc đấu tranh” viết: “Nó đầu hàng và cùng lúc nhận ra đất dưới chân mình đang sụp xuống”. Ở một nơi khác, “Mara lắc đầu, le lưỡi, nhíu mày thành ba nếp nhăn và quên bẵng việc dựa người vào cây quyền trượng của mình”. Trong một trường hợp khác, nó: “Đi khỏi nơi đó và ngồi bắt chéo chân trên nền đất không xa chỗ Đức Phật ngồi, yên lặng, bối rối, đôi vai nó thụng xuống, mặt cúi gầm, ủ ê, không thể nói gì, dùng một cái que vẽ nguệch ngoạc trên nền đất”.

Với tư thế phòng vệ ỉu xìu, Mara trở thành một nhân vật mang tính bi kịch. Có lẽ nó đã bước ra từ những trang tiểu thuyết. Ngược lại, Đức Phật lại trở nên xa cách hơn. Ngài khiến cho nó phải tôn trọng nhưng hiếm khi nó để mắt nhìn vào lòng nhân đạo của Ngài. Có lẽ Mara tráo trở và sống ăn bám như loài ký sinh, nhưng bằng việc thừa nhận sự thất bại, nó đang được quý trọng một cách kỳ lạ. Chúng ta cảm nhận một điều gì đó của bản thân mình trong nó.

Mara đã tiếp cận với Đức Phật với hình dáng của “một kẻ nông dân, vác chiếc cày lớn trên vai, cầm một cây gậy dài lùa trâu bò, tóc rối bù, mặc những bộ quần áo bằng sợi gai nhem nhuốc bẩn thỉu, đôi chân dính đầy bùn đất”. Nó mang hình dáng của một người Bà la môn, “với một búi tóc lớn rối bù, bộ quần áo may bằng da linh dương, già nua lọm khọm như chiếc mái rầm gần đổ sụp, thở khò khè, tay cầm một cây quyền trượng”. Người nông dân bẩn thỉu lê lết và người Bà la môn thở khò khè là hiện thân cho sự hưởng thụ nhục dục quá đáng của thế giới tự nhiên. Khi Đức Phật vạch trần Mara dưới hình dáng của người nông dân, ông ta đã vặn lại: “Đôi mắt là của tôi. Hình dáng và màu sắc là của tôi. Tác động lên ánh nhìn của chúng là tôi. Ý thức là của tôi. Ngài có thể đi đâu để thoát khỏi tôi?”. Mara tấn công vào mọi xó xỉnh, ngóc ngách của đời sống. Không những nó là tất cả những gì người ta có thể nhìn, nghe, nếm, ngửi, va chạm và suy nghĩ, mà nó còn là những hành động của chính bản thân việc nhìn, nghe, nếm, ngửi, va chạm và suy nghĩ. Mara đã làm cho chúng ta như bị bỏ bùa qua sự mê hoặc và khủng bố của thế giới tự nhiên.

“Không có đôi mắt nào, không có hình dáng hay màu sắc nào tác động lên ánh nhìn của chúng và không ở đâu có sự ý thức về chúng”, Ngài nói để đáp lại câu hỏi của người nông dân, “không có nơi nào giành cho ngươi cả, con người xấu xa kia”. Đức Phật thoát khỏi Mara bằng việc ở lại trong tình trạng trống rỗng: Mở ra một khoảng rộng lớn của tâm trí, nơi những ý nghĩ kỳ quặc của việc trở thành bản chất sợ hãi và cô lập không còn gài bẫy được Ngài. Ngài có đầy đủ bản lĩnh và không còn bị lừa phỉnh bởi những thứ như những cá thể rời rạc, được tạo ra nhằm thu hút hay làm cho Ngài khó chịu. Mara không có vị trí nào trong khoảng không trống rỗng này vì nó là kẻ vừa gợi lên, vừa duy trì sự mơ hồ khó hiểu về những chi tiết bị phân lập của cuộc sống.

Để có thể khuấy động nỗi sợ hãi, lo lắng và khiếp sợ trong Đức Phật, Mara đã khai thác sức mạnh của chính bản thân mình. Nó cho nổ tung những khối thuốc nổ nghe “như thể trái đất đang bị tách ra”. Nó phá tan những tảng đá gần bên Đức Phật, nó xuất hiện dưới dạng một con voi khổng lồ, một con rắn mang bành to lớn và một con bò mộng. Mara là thế giới tự nhiên bằng tất cả vẻ uy nghi và khiếp sợ. Thực sự trái đất này nếu nó có thể làm cho anh lặng đi trong sự ngạc nhiên khi suy ngẫm về lòng vị tha đang được bộc lộ thì nó cũng có thể phá hủy anh không phải bằng sự hiểm độc, cũng không phải bằng sự biết ơn, mà nó có thể làm cho những phiến đá kiến tạo dời đi dưới chân anh. Cực kỳ bàng quan trước những hy vọng và lo sợ của chúng ta, cuộc sống sẽ phá hủy chúng ta cho đến chết, bất kể chúng ta có kiên quyết đeo bám nó hay không.

Mara có nghĩa là “kẻ sát nhân”. Mara là Thần chết dữ tợn. Ở Tây Tạng, nó được miêu tả là Yama, chúa tể của sự chết, cai quản thế giới giữa những chiếc răng, sẵn sàng ngậm chặt lại bất cứ lúc nào. Ma quỷ là tính bấp bênh mong manh, là tính không đáng tin cậy, tính chuyên quyền độc đoán của sự hiện hữu. Một thời gian ngắn trước khi Đức Phật viên tịch, Mara đã giành cho Ngài một cuộc thăm viếng sau cùng. “Ngài đã hoàn thành tất cả mọi thứ mà Ngài đã đặt ra để thực hiện”, nó nói, “Lời giáo huấn và cộng đồng giáo phái của Ngài đã được thiết lập tốt. Tính hợp pháp của Ngài được bảo đảm. Giờ đây làm ơn hãy chết đi và bước vào cõi Niết bàn sau cùng”. Thay vì quở trách nó, Đức Phật lại nói: “Ngươi không cần lo lắng, hỡi kẻ xấu xa kia. Sự kết thúc của Tathagata sẽ không bị trì hoãn lâu đâu”. Đức Phật biết rằng cuộc chơi đã kết thúc.

Đức Phật gọi Mara là Antaka. Trong khi anta có nghĩa là “kết thúc”, là “giới hạn”, là “ranh giới” hay “đường chân trời”, thì tiếp vị ngữ ka theo tiếng Phạn lại ám chỉ “người đã tạo ra” hay “áp đặt” những thứ như vậy. Do vậy, Mara là những giới hạn giam hãm chúng ta trong những ranh giới, ấn định nên đường chân trời cho chúng ta và đưa tất cả mọi thứ đến kết thúc. Không những bị giới hạn bởi những gì mà thể xác cho phép chúng ta làm và tận cùng là cái chết, chúng ta còn bị ràng buộc bởi những ranh giới khác không thể né tránh và cũng không cần thiết. Chúng ta thừa hưởng hay chấp nhận những quan niệm về bản thân mình, về thế giới mà chúng ta đang bám víu và từ chối không thừa nhận. Cho nên, chắc chắn chúng ta là những thực thể “đúng đắn” cảm thấy tội lỗi như đã ăn sâu vào máu thịt mình.

Mara đại diện cho dục tính cũng như cái chết. Nó vừa là lòng mong mỏi khao khát tạo nên cuộc sống, đồng thời nó cũng đưa cuộc sống đó tới chỗ kết thúc. Tất cả binh lính của Mara đều khao khát giới tính, do vậy nó có nguồn gốc sâu xa về mặt sinh học, nó tấn công chúng ta hết sức quyết liệt. Sau khi Mara bị thất bại trong những nỗ lực tác động đến Đức Phật, ba cô con gái đã đến gặp người cha đang tuyệt vọng, nản chí của mình, và hứa với hắn rằng sẽ “cám dỗ Đức Phật bằng sự khêu gợi”. Họ phô bày thân thể trước Đức Phật với đủ mọi dáng vẻ khiêu gợi, nhưng Ngài vẫn không lay chuyển. Đối với một thể xác bình thường, nếu chống cự lại cuộc tấn công bằng xác thịt thì có lẽ họ đã xảy ra tình trạng tim ngừng đập hoặc lên cơn điên. Chỉ có người bất lực mới không động lòng. Đức Phật vẫn cảnh giác trước những thôi thúc về mặt sinh học khi chúng chạy lồng lên trong tâm trí Ngài, Ngài vẫn cảm nhận được đó không phải là sự thất vọng bị dồn nén, cũng không phải là sự khêu gợi giới tính. Những ý nghĩ kỳ quặc cùng những cảm giác của Ngài đã được thể hiện tự do mà không bị gắn chặt vào bất cứ người nào trong số họ. Ngài đã đuổi những cô con gái của Mara một cách dễ dàng, giống như “cơn gió thổi rơi từng bụi bông vải”.

Không có lúc nào mà hành động dối trá của Mara lại rõ ràng hơn khi nó nói rằng cái chết không có gì để lo lắng. Vì trong khi nhân cách hóa cái chết, Mara thuyết phục, an ủi người ta sẽ được miễn trừ khỏi nó. “Đời người thật dài”, nó thì thầm. “Con người nên sống như một đứa bé đang bú sữa”. Mara đã trẻ con hóa chúng ta, làm cho chúng ta khao khát tính hay quên một cách sung sướng vì bản thân được vuốt ve và chăm bẵm. Nó bắt đầu nài nỉ quyết liệt để có được những gì chúng ta muốn và rên rỉ khóc than vì ước muốn bị cản trở, “Đời người ngắn ngủi quá”, Đức Phật đáp lại: “Người ta nên sống với sự hăng hái nhiệt tình của mình”.

Mara là một kẻ lừa đảo hiện hữu. Tính nhập nhằng và không thể đoán trước được của nó phản ánh tính mơ hồ và không thể đoán trước được của bản thân cuộc sống. Nó không những hiện ra dưới nhiều hình thái gây hoang mang khác nhau, mà tâm tính của nó cũng chao đảo, từ kiêu căng ngạo mạn trở thành tuyệt vọng. Lúc thì nó nói bằng một lý do hết sức khách quan, nhưng lúc khác nó lại ném ra những lời nhục mạ và chế giễu. Chúng ta không thể nhìn thấy trước những gì Mara sẽ làm sau đó nhưng có thể học để nhận ra dấu hiệu của nó.

Để có thể “nhận diện” Mara, Phật giáo đã triển khai triết lý về bốn mara (bốn điều khủng khiếp):

Điều khủng khiếp của sự tồn tại về mặt tâm lý. Điều khủng khiếp của những sự ép buộc.

Điều khủng khiếp của cái chết.

Điều khủng khiếp về việc ai là người được thần thánh sinh ra.

Sự phân loại này đã tháo gỡ những điểm trọng yếu của Mara: Mara đã xâm nhập vào cuộc sống vật chất, cảm xúc và tinh thần của chúng ta; nó cổ vũ những nỗi lo lắng và những quy định bao vây lấy chúng ta; nó lảng vảng quanh chúng ta như một cái chết sắp xảy ra; nó xâm nhập vào cuộc đời chúng ta như một vị thần mạnh mẽ và thất thường. Một điều khủng khiếp khác đôi khi cũng được thêm vào: điều khủng khiếp của hoàn cảnh.

Đây là lịch sử của sinh học, xã hội học và tâm lý học - những nỗ lực, những thỏa thuận ngầm, những kiểu mẫu và những thói quen thôi thúc chúng ta tuân theo tiến trình hành động quen thuộc nhất cho dù nó không phù hợp hay tiêu cực.

Tuy nhiên, dù Mara được phân tích và phân loại cẩn thận ra sao thì vẫn không có sự định nghĩa nào chính xác về nó. Bằng việc cố gắng định nghĩa nó, người ta đã mạo hiểm đánh mất cái nhìn về nó. Nó trườn qua những chấn song của cái lồng mà người ta thấy nó đang bị nhốt trong đó. Tính ngoan cố đa dạng của nó đã được truyền đạt hiệu quả qua việc thể hiện mình một cách đầy hình tượng.

Lời nói và khái niệm là những yếu tố không thể thiếu trong việc hình thành cảm nhận, nhưng có một sự ác hiểm nào đó trong cách nghĩ và nói của chúng ta. Những mưu ma chước quỷ của Mara đã tạo nên cấu trúc của bản thân ngôn ngữ. “Hoàn cảnh đã trói buộc chúng ta”, Wittgenstein phản ánh. “Và có lẽ chúng ta không thể thoát khỏi nó, vì nó trình bày bằng ngôn ngữ của chúng ta và ngôn ngữ nhắc đi nhắc lại điều đó với chúng ta một cách kiên định”. Bằng việc phân tách và cô lập một điều gì đó ra khỏi mạng lưới các mối quan hệ phức tạp, các khái niệm cho phép chúng ta triển khai những lý thuyết làm sáng tỏ và có ích về nó. Nhưng chúng cũng có thể lừa dối chúng ta bằng việc giả thiết là những định nghĩa về chúng không hiểu bằng cách nào đã ăn sâu vào cuộc sống. Vừa mới định nghĩa ý thức về bản thân mình bằng việc gắn nó vào một hoàn cảnh, tôi có thể giả thiết rằng “tôi” đã cách ly khỏi thế giới dưới dạng những phác thảo đại cương của hoàn cảnh. Thay vì giúp tôi nhìn xem tôi đã phụ thuộc như thế nào vào vô số những điều kiện đang thay đổi, thì khái niệm về bản thân lại có xu hướng củng cố lại ý thức về việc trở nên cần thiết và tách rời của tôi.

Bằng việc tô đậm những khác biệt giữa Đức Phật và Mara nhằm xác định đặc điểm của họ, các khái niệm đã ngăn trở mối quan hệ cộng sinh của họ. Việc cô lập cái bóng của Đức Phật trong con người của Mara có lẽ đã phục vụ tốt như một công cụ giáo dục và văn học, nhưng nó lại để cho tính có thể của hai nhân vật cách xa thêm. Qua nhiều thế kỷ, điều lớn nhất trong việc trở nên hoàn thiện và tốt đẹp của Đức Phật đã không thể làm được và bản chất của Mara được cho là không quan trọng, chỉ là một bức tranh biếm họa của tội lỗi. Tuy nhiên, điều hiển nhiên từ những trao đổi giữa Đức Phật và Mara trong những bài diễn thuyết đầu tiên là hành vi nhận thức, sự thoải mái và sự minh mẫn chỉ có thể hiểu được trong bối cảnh rối ren, ngặt nghèo, bạo động và hỗn loạn.

Mara là kẻ sinh đôi quỷ quyệt hiểm ác của Đức Phật. Ngài cần phải bỏ qua, không nghĩ đến Mara để trở thành Đức Phật. Và đây không phải là hồi duy nhất trong vở kịch anh hùng của sự giác ngộ. Chừng nào Đức Phật còn sống thì Ngài vẫn phải thường xuyên chối bỏ Mara. Vì Mara là sự ích kỷ đối với lòng vị tha, là nỗi lo sợ trước sự dũng cảm, là cái chết trước sự bất tử của Đức Phật. Hai nhân vật này không thể tách rời nhau. Đức Phật đã “trở nên vô hình” trước Mara nhưng Mara vẫn đuổi theo Ngài. Mara đã thổ lộ với Đức Phật rằng mặc dù là người xa lạ nhưng nó vẫn thực sự là một phần tính nhân đạo đầy mâu thuẫn của Ngài.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh