Khổng Học Tinh Hoa: Tổng Luận

KHỔNG HỌC TINH HOA: TỔNG LUẬN

Hồng Phạm Cửu Trù có thể nói được là một luận thuyết chính trị cổ nhất vì có từ đời vua Đại Võ (2205-1197 trước Công Nguyên).

Nó vừa là hiến chương vừa là tiêu biểu cho một nền thiên trị đã được thực thi ở Trung Quốc qua trung gian các vị thánh vương như Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ, v.v… và có thể nói được đã kéo dài (trừ ít nhiều gián đoạn) trong một khoảng thời gian ngót hai ngàn năm, từ năm 2852 trước CN (Phục Hi) cho tới khoảng năm 1000 trước CN (thời Võ Vương). [1]

Hồng Phạm Cửu Trù là một học thuyết có đầu đuôi gốc ngọn chứ không phải là một vài lời khuyến cáo suông, hơn nữa là một học thuyết đã được thực thi một cách sống động và hữu hiệu, do các vị thánh vương như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, v.v…

Nếu đem so sánh Hồng Phạm Cửu Trù với những đoạn thánh kinh, trong đó Moïse hay Samuel khuyến cáo hoặc phê bình vua chúa trong tương lai, ta mới thấy tất cả vẻ đẹp đẽ cao siêu của nó.

Trong Deutéronome, Moïse chỉ khuyên các vị đế vương sau này đừng lấy nhiều phi hậu, đừng có tham cầu súc tích vàng bạc. Nhưng những lời khuyến cáo ấy chẳng được vị đế vương nào nghe theo. [2]

Samuel rất ghét chế độ quân chủ, vì cho rằng vua chỉ bóc lột, áp bức dân mà thôi (I Sam 8, 10-18).

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Hồng Phạm Cửu Trù cho ta thấy một nguyên tắc rất lạ lùng siêu việt này là phàm bậc thiên tử, bậc vương giả thay Trời trị dân, không được lập luật, mà trái lại, phải tìm ra những định luật hằng cửu Trời đã ghi tạc trong vật chất, trong hoàn võ, và trong con người, phải tìm ra những liên lạc thiên nhiên nối kết tam tài và khiến cho thiên hạ thuận theo những định tắc thiên nhiên hằng cửu ấy mà thôi. Thực là một bài học vĩ đại cho nhân loại và là đá thử vàng để biết đâu là chân giả trong các chính thể, các phương thức trị dân nơi hoàn võ phàm tục này.

Gaubil bình về Hồng Phạm như sau: Cơ Tử mượn cớ nói về Lạc Thư và cắt nghĩa Lạc Thư nhưng thực ra đã khuyến cáo một cách khéo léo vua cũng như tôi về các bổn phận phải theo, phải giữ.

James Legge không đồng ý và cho rằng Hồng Phạm Cửu Trù rất tối nghĩa. Đã đành cũng có vài nguyên tắc luân lý và chính trị hay, nhưng vua vũ nghe xong chắc lại mờ mịt hơn trước khi phỏng vấn Cơ Tử. [3]

James Legge phê bình như vậy có lẽ vì đã không hiểu thâm ý người xưa.

Mua đá năng lượng:

Chúng ta, sau khi đã khảo sát tỉ mỉ Hồng Phạm Cửu Trù, chắc phải công nhận nó là một hiến chương hoàn bị cho nền Thiên trị

Hồng Phạm xây nền tảng chính trị trên căn bản vĩnh cửu tuyệt đối, vì đã biết lấy Trời làm căn cốt cho con người. Trời từ đáy thẳm lòng sâu của vũ trụ, đáy thẳm lòng sâu con người đã tung tỏa muôn ánh hào quang để hướng dẫn nhân loại. Thiên tử là những người đã hấp thụ được hào quang ấy nhiều nhất nên vừa thông minh, vừa đạo đức vượt quá chúng nhân; vừa thay Trời trị dân, vừa là gương mẫu sống động cho một đời sống lý tưởng cao đẹp nhất, lúc nào cũng treo cao cho muôn dân soi chung, và là trung gian giữa Trời người, qui tụ lại mọi điều hạnh phúc của Trời, để rồi lại tung tỏa cho toàn dân thiên hạ. Nó cũng dựa theo sơ đồ trung điểm và vòng Dịch để tổ chức quốc gia.

Lập đế đô ở giữa muôn dân và càng xa đế đô là càng xuống tới man di, mọi rợ; xuống tới các tầng cấp giá trị thấp kém. [4]

Đó cũng là phỏng theo cơ cấu hoàn võ, quan niệm rằng Trời ở Trung cung, Trung điểm, và càng ở xa Trời càng đi ra các cảnh giới hình hài vật chất bên ngoài, là càng đi xuống các tầng cấp giá trị thấp kém.

Cũng vì thế mà muôn dân đều có nguyện vọng về sống ở đế đô, gần thiên tử.

Đại Học nói: «Bang kỳ thiên lý, duy dân sở chỉ.» cũng không ngoài ý đó.

Ở nơi con người cũng theo một tổ chức như vậy. Tầng ngoài cùng là dáng điệu, tầng trong cùng duệ trí, có đạt tới duệ trí, mới đạt tới mức thánh thiện được. [5]

Bậc thánh vương hiểu được gốc ngọn đầu đuôi, nên bao giờ cũng lấy Trời làm gốc, lấy tâm hồn con người làm trọng, của cải vật chất bên ngoài làm tùy. (Đại Học, chương 10).

Tuy nhiên, bậc thánh vương không có bỏ sót một tầng lớp giá trị nào mà không khai thác; từ vật chất đến tinh thần, từ miếng cơm manh áo đến đạo đức tế tự, nhất nhất đều được đề cập tới.

Ý niệm Thiên tử trong Hồng Phạm bắt nguồn từ Trời, có một ý nghĩa thần thánh, và phổ quát, một giá trị «vũ trụ».

Các nhà học giả Âu Châu như Wieger, như Marcel Granet đã nhìn thấy những ý nghĩa sâu xa của chức vị Thiên tử trong dân Trung Hoa thời cổ. [6]

Nền thiên trị nhật Trời làm khởi điểm, cùng điểm nhân loại, lấy sự hoàn thiện làm khởi điểm và cùng điểm nhân loại, nên bậc thánh vương tế tự Trời tức nhận Trời làm khởi điểm, sống thánh thiện phối hợp với Trời, tức lấy Trời làm cùng điểm, làm cứu cánh cho mình và cho muôn dân; cố đem những khuôn phép hằng cửu áp dụng vào công cuộc trị dân, tức là dùng những khuôn phép hoàn thiện để uốn nắn cho dân trở nên hoàn thiện.

Những luật pháp cũng cố theo đúng thiên nhiên, nên luật pháp của dân xưa chính là tam cương ngũ thường, chính là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Các luật lệ nhân tạo, các hình pháp nhân tạo, đều cố hết sức tránh; nếu bất đắc dĩ phải lập ra thì chỉ dùng tạm thời. Thế tức là ý nghĩa: dùng hình pháp là cốt mong sao bỏ được hình pháp; [7] xử kiện là cốt mong sao bỏ được kiện tụng. [8]

Thiên tử hay thánh vương là một người siêu việt «quán tam tài», nối kết «Trời, đất, người».

Tinh thần người phối hợp với Trời, vì thế gọi là Thiên tử.

Tim óc người nhân hậu, thông minh, cốt là để thương xót, hướng dẫn dân chúng.

Thể xác và áo mão người tượng trưng cho vẻ đẹp của vật chất.

Ảnh hưởng, ân trạch ngài thụ lãnh được từ Trời, sẽ qua trung gian các hiền thần, thâm nhập vào bách tính. Bách tính hấp thụ được ảnh hưởng ấy sẽ được giáo hóa, sẽ được hoán cải.

Chúng dân lại đem tài sức ra cải tạo vật chất, cải tạo hoàn cảnh trong những điều kiện thuận tiện.

Vật chất được hoán cải, canh tác, trở ngược lại, sẽ đem no ấm sung túc đến cho chúng dân.

Con người được no ấm, an bình, có cơ hội được học hỏi suy nghĩ sẽ tiến dần trên các nấc thang giá trị, để tiến tới hoàn thiện. hơn nữa, mọi người sẽ trông vào gương sáng của thiên tử sẽ cố gắng hướng thượng, cải thiện mình mãi mãi để tiến tới chí thiện tuyệt đối.

Nói cách khác:

Các bậc thánh vương lên trị nước không phải là để hưởng thụ, để buông thả cho dục tình tha hồ mà phóng túng, nhưng chính là để tuân theo ý Trời, tuân theo định luật thiên nhiên của trời đất và nhân loại. Vì thế, các ngài yêu cầu đình thần và dân chúng thời thường phải đàn hạch, kiểm thảo hành vi hoạt động của mình. [9]

Các ngài hứa đem an bình lại cho dân, nhưng không có hứa suông, mà lại dạy mọi người phải thực hiện an bình bằng cách tu thân; bằng cách tôn trọng tam cương ngũ thường, giữ vẹn tín nghĩa; trọng đức khinh tài, v.v… [10] Thế tức là dạy dân biết tự trọng, biết tự tạo cho mình một nền hòa bình an lạc do tài đức của mọi người chứ không phải là ngồi không ăn sẵn, ỷ lại, chờ Trời đổ an bình xuống cho mình, như đổ mưa móc xuống cho cây cỏ.

Vẻ đẹp đẽ khác của nền Thiên trị là sự cố gắng hòa hợp động tác con người với sự vận chuyển của các tinh cầu, sự vận chuyển của vũ trụ, sự biến hóa của bốn mùa.

Cho nên Hồng Phạm rất chú trọng đến lịch số và chủ trương một cuộc cai trị vô ý thức chẳng những sẽ gây đảo lộn trong xã hội, mà còn gây đảo lộn trong nhịp điệu của vũ trụ, làm cho trăng sao lỗi nhịp, mưa nắng thất thường… Thực là một lối nhìn sâu sắc và đẹp đẽ, và có lẽ cũng sẽ nêu cho hậu thế một đề tài khảo cứu mới mẻ là «ảnh hưởng hỗ tương giữa nhân loại và hoàn võ».

Tuy Hồng Phạm Cửu Trù toát lược lại tất cả nghệ thuật trị dân, nhưng Khổng Tử không muốn tách rời chương này khỏi Kinh Thư; hơn nữa Tứ Thư, Ngũ Kinh, còn bàn giải rất nhiều về cách trị dân. Như vậy cốt là để cho ta rõ rằng muốn tìm ra sự phong phú của Nho giáo về chính trị chúng ta cần phải khảo sát các kinh, thư, cần phải nghiên cứu các gương tích sống động của các vị vua chúa đã ghi trong sử sách. Tóm lại chúng ta phải có cái nhìn bao quát, khối óc vừa suy cứu, vừa tổng hợp.

Cho nên chúng ta phải dùng kinh, thư để quảng diễn Hồng Phạm Cửu Trù.

Các học thuyết Âu Châu khi bàn về nguồn gốc quyền bính thường chỉ chú trọng về một khía cạnh nào đó, và chủ trương quyền bính:

1/ Hoặc do Trời ban.

2/ Hoặc do dân ban.

Trái lại Hồng Phạm Cửu Trù và thánh hiền Nho giáo muốn vị đế vương chân chính phải có đủ ba yếu tố:

1/ Giá trị nội tại: Thiên tử phải thông minh, đức độ xuất chúng. [11]

2/ Thiên chức ấy phải được Trời ban. [12]

3/ Người bước lên thiên vị phải được dân thuận. [13]

Vì vậy, nếu vua không xứng đáng sẽ mất ngôi, rồi sẽ bị Trời truất phế, [14] dân truất phế. [15]

Kinh Thi viết: sự ủy thác của Trời không bền vững. «Thiên mệnh mỹ thường». [16] Trời chỉ ủy thác, chỉ trao thiên mệnh cho người xứng đáng, còn nếu vua phạm tội lỗi thì Trời lại dùng người khác để chỉnh thảo, truất phế đi. [17] Mạnh Tử đã khuyến cáo đừng nhầm ngôi vị với giá trị nội tại, với bộ mặt thật của đấng quân vương:

Tuyên Vương hỏi: «Vua Thành Thang đuổi vua Kiệt; vua Võ đánh vua Trụ, có thật như vậy chăng?» Mạnh Tử đáp rằng: «Trong sử sách có chép như vậy.» Tuyên Vương hỏi tiếp: «Bề tôi mà giết vua có nên chăng?» Mạnh Tử đáp: «Kẻ làm hại đức nhân gọi là tặc; kẻ làm hại đức nghĩa gọi là tàn. Kẻ tàn, kẻ tặc chẳng qua là một người thường mà thôi. Tôi từng nghe vua Võ chỉ giết một người thường là Trụ mà thôi, chứ chưa hề nghe vua.» [18]

Mạnh Tử nói với Tề Tuyên Vương: «Vua mà coi tôi như tay chân, ắt tôi sẽ coi vua như bụng dạ. Vua mà coi tôi như chó ngựa, ắt tôi sẽ coi vua như như kẻ qua đường. Vua mà coi tôi như bùn rác, ắt tôi sẽ coi vua như kẻ cướp, người thù.»

Cho nên bậc quân vương chân chính bao giờ cũng nhặt nhiệm đối với mình; khoan dung, trọng kính đối với người. Tuy có uy quyền nhưng không độc tài, độc đoán, vẫn thân dân, trọng dân. Bài «Ngũ tử chi ca» trong Kinh Thư chứng minh điều đó:

Kinh Thư chép: Thái Khang ngồi không ở ngôi vua, nhàn rỗi, vui sướng bỏ mất đức. Dân đen đều không hài lòng. Vua rong chơi không chừng mực, săn ở ngoài sông Lạc mười tuần chẳng trở về. Chúa Hữu Cung là Nghệ, nhân lòng dân không nhịn nổi, đón bắt nhà vua ở sông Hà. Em vua năm người theo hầu mẹ, chờ đợi ở sông Lạc. Năm anh em đều oán hận Thái Khang, kể lại lời răn dạy của vua Đại Võ để làm thành ca:

Người em thứ nhất:

Kìa Hoàng Tổ xưa kia đã dạy

Phải chắt chiu thương lấy dân con

Chớ đừng chà đạp khinh nhờn

Chúng dân, gốc gác nước non bấy chày

Gốc có chắc, nước nay mới vững…

(Nên ta đừng hờ hữmng với dân)

Vời trông non nước xa gần

Ngu phu, ngu phụ cũng phần hơn ta

Ta chớ có những sa cùng sẩy

Để cho dân hờn lẫy, oán than…

Đừng chờ oán lộ rõ ràng

Oán hờn chưa lộ phải toan lo lường

Cầm giềng mối dân con bao triệu

Phải trăm lo nghìn liệu mới hay

Dân như sáu ngựa tung bay

Mà ta rong ruổi với dây cương tàng.

oOo

Em thứ hai:

Kìa tiên tổ xưa ban giáo huấn

Nếu mà trong mê mẩn sắc hương

Ngoài mà mê mẩn chim muông

Rượu đào ngất ngưởng, ca xoang vui vầy,

Nhà cao cuốn, ham xây, ham ở.

Vách tường ưa chạm trổ huy hoàng

Chẳng cần nhiều nết đa mang

Chỉ cần một nết, đủ làm suy vong.

oOo

Em thứ ba:

Thủa Đào Dường oai phong trị nước

Đất Ký này cũng thuộc giang san

Đạo Nghiêu nay đã lỡ làng

Kỷ cương nay đã điêu tàn còn chi

Diệt vong nào có lạ gì.

oOo

Em thứ tư:

Nhớ tổ ta uy nghi, rạng rỡ

Trị muôn dân một thưở huy hoàng

Lập ra khuôn phép điển chương

Những mong truyền tử lưu tôn lâu dài

Lập đấu hộc, lưu lai vương phủ

Sao nay ta nỡ bỏ mối giềng

Làm cho dòng họ tan hoang

Rồi ra cúng lễ nhỡ nhàng vì ai?

oOo

Em thứ năm:

Ôi thảm thiết trông vời non nước

Biết về đâu cất bước về đâu?

Lòng ta xiết nỗi thảm sầu

Oán ta, trăm họ oán sâu lắm rồi!

Ta biết tính cùng ai nương tựa?

Lòng ta nay chan chứa ưu tư!

Mặt dày đến nỗi thế ư?

Đức kia chẳng giữ, hối chừ kịp sao?

Trong nền vương đạo, nhà vua thông minh đức hạnh chưa đủ, còn cần có hiền tài phụ bật.

Hồng Phạm đã đề cập tới vấn đề khanh sĩ, và vấn đề dùng người tài đức trị dân, nhưng không quảng diễn. [19] Trái lại, thuyết «tuyển hiền dữ năng» ta thấy được quảng diễn cặn kẽ trên lý thuyết lẫn thực hành trong Tứ Thư, Ngũ Kinh.

Đoc lịch sử Trung Hoa thời cổ ta thấy phàm thánh vương là có hiền thần phụ bật.

- Hoàng Đế có Kỳ Bá. [20]

- Vua Nghiêu có Thuấn. [21]

- Vua Thuấn có Vũ, Tắc, Tiết, Cao Dao, Ích. [22]

- Thành Thang có Y Doãn, Lai Châu. [23]

- Cao Tông có Phó Duyệt. [24]

- Võ Vương có Châu Công, Triệu Công, Khương Tử Nha, Tất Công, Vinh Công, Thái Điên, Hoành Điêu, tán Nghi Sinh, Nam Cung Quát, và bà Ấp Khương (vợ Võ Vương). [25]

Nhưng cảm động nhất có lẽ là chuyện Cao Tông dùng Phó Duyệt.

Cao Tông chiêm bao thấy Thượng Đế cho hiền thần là Phó Duyệt.

Bèn vẽ hình tượng, sai đem tranh tìm khắp thiên hạ. Khi gặp được Duyệt ở Phó Nham, hệt với tranh, bèn phong làm tướng quốc. [26]

Cao Tông nói cùng Phó Duyệt: «Than ôi! Duyệt! Bốn biển đều ngửa trông đức ta, ấy là nhờ ngươi dạy bảo. Đủ chân tay mới là người. Có bầy tôi giỏi mới là vua thánh. Y Doãn xưa có nói: «Không làm được cho nhà vua trở nên Nghiêu Thuấn thì lòng này xấu hổ, như bị đòn ở giữa chợ.» Một người dân không yên thì nói: «Ấy là tội của tôi!» Y Doãn đã giúp cho liệt tổ ta trở nên đức độ như Trời. Ngươi hãy sáng suốt chỉ bảo ta, đừng để Y Doãn một mình được tiếng khen ở triều nhà Thương! Vua không có người hiền, không trị được nước. Người hiền không gặp được vua, không ăn được lộc. Ngươi hãy làm cho vua ngươi nối dõi được các đời vua trước, yên mãi được dân.» Duyệt lạy dập đầu mà rằng: «Dám xin báo đáp, tuyên dương lời phán bảo tốt đẹp của thiên tử…» [27]

Vua, tôi đối với nhau như là ruột thịt. Đọc Kinh Thư thiên Ích Tắc, ta thấy cảnh hiệp hòa đầm ấm ấy.

Quì nói: «Ồ! tôi đánh khánh đá, vỗ khánh đá, trăm loài muông đua nhau múa! Các quan thật vui!»

Nhà vua liền làm lời ca rằng:

«Gắng theo mệnh Trời

Phải xét cơ, phải theo thời!»

Bèn hát:

«Đầu sỏ vui vẻ

Chân tay mạnh khỏe!

Trăm quan đều được việc vì thế!»

Cao Dao chắp tay, dập đầu, nối lời: «Xin nhà vua hãy suy nghĩ! Xin hãy chỉ huy, xin cho sáng kiến và luôn luôn xin lưu ý đến luật pháp đã ban ra. Xin cẩn trọng và thời thường xin xét xem đã thực hiện được những gì! Xin hãy cẩn trọng.»

Bèn nối lời mà hát:

«Đầu sỏ công minh!

Chân tay mạnh lành,

Mọi việc đều thành!»

Lại hát:

«Đầu sỏ chãnh chọe!

Chân tay biếng trễ,

Muôn việc thôi bỏ bê!»

Nhà vua lạy mà rằng:

«Hay, thôi đi, hãy thận trọng trong công việc.» [28]

Về sau Khổng Tử, Mạnh Tử cũng hết sức nhắc nhở các vua chúa chọn hiền tài để trị dân.

Mấy câu «tuyển hiền dữ năng» «cử trực thố uổng» của Khổng Tử đã nên câu cửa miệng của Nho gia. [29]

Mạnh Tử hết sức khuyến khích dùng hiền tài trị dân. Ông nói:

«Nay như vua có hạt ngọc thủy xoàn còn nguyên chất, dẫu ngọc ấy đáng giá muôn dật, vua cũng giao cho thợ ngọc cắt mài. Thế mà, đến việc cai trị, thì nhà vua lại nói với các trang hiền tài rằng: «Khoan, hãy để qua một bên sở học các ngươi, hãy làm theo ý chí của ta đã.» Thế thì có khác chi dạy thợ ngọc cắt mài ngọc đâu?» [30]

Mạnh Tử còn chủ trương một hiền tài không đủ làm cho vua trở nên tốt. Nhưng nếu quanh vua có nhiều hiền tài tạo nên một bầu không khí đạo đức, thì nhà vua làm sao mà làm chuyện bất thiện được ? [31]

Trong Trung Dung chương 21, đức Khổng toát lược chính sách trị nước như sau:

Phép trị nước từ xưa có chín,

I, II Phải tu thân, phải kiếm hiền tài.

III Thương yêu thân tộc trong ngoài,

IV, V Đại thần thời nể, quan thời xót thương.

VI Lê dân chăm bẫm như con,

VII Nhân tài khuyến khích, mở mang trăm nghề.

VIII Người viễn xứ quay về ta rước,

IX Những chư hầu bạc nhược ta nâng.

I Tu thân đạo sẽ thịnh dần,

II Tôn hiền, hiền giúp, đỡ lầm đỡ sai.

III Yêu thân thuộc, trong ngoài hết oán,

IV Kính đại thần, hết nạn dèm pha.

Bao nhiêu công bộc quốc gia,

Một lòng ưu ái như là chân tay.

Tình ưu ái sẽ gây cảm xúc,

Hàng sĩ phu nỗ lực đền ơn.

VI Thương dân một dạ như con,

Toàn dân thiên hạ ai còn kêu ca ?

VII Chiêu bách nghệ tăng gia sản xuất,

Thời quốc gia sung túc hóa tài.

VIII Trọng người xứ lạ nước ngoài,

Bốn phương hâm mộ, nơi nơi hướng về.

IX Các chư hầu chở che một dạ,

Sẽ khiến cho thiên hạ sợ uy.

I Tu thân dạ chẳng suy vi,

Gương lòng vằng vặc quang huy rỡ ràng.

Trang nghiêng mũ áo đường hoàng,

Những điều dang dở chẳng làm chẳng nghe.

II Muốn khuyến hiền hãy chê nịnh hót,

Hãy tránh xa sắc tốt lả lơi.

Khinh tài trọng nghĩa không ngơi,

Treo gương hiền đức cho đời soi chung.

III Khiến dân chúng thêm lòng hiếu thảo,

Ta tỏ tình thảo lảo kính nhường,

Lợi danh chẳng tiếc họ hàng,

Những bề yêu ghét, ta thường chiều theo.

IV Để đại thần dễ điều hành sự,

Ta bổ sung tá sứ dưới trên.

V Trước sau trung tín một niềm,

Tăng lương để khiến nhân viên tận tình.

VI Muốn bách tính kính tin một dạ,

Xâu phải thời, thuế má phải chăng.

VII Muốn cho công nghệ mở mang,

Luôn luôn theo dõi, thời thường thi đua.

Đem lúa gạo thưởng cho xứng đáng.

Là mọi nghề cố gắng ra công.

VIII Tiễn đưa người muốn ruổi rong,

Sẵn sàng đón rước kẻ mong về mình.

Người có đức, tâm thành khen ngợi,

Người vô năng cảm nỗi xót thương.

Dĩ nhiên hiền đức tứ phương,

Mến ta họ sẽ tìm đường về ta.

IX Những nước nhỏ, vận nhà nghiêng ngửa,

Ta tìm người tu sửa mối giường.

Chấn hưng những nước tan hoang,

Dẹp yên loạn lạc, dấp đường hiểm nguy.

Lễ triều sính có kỳ có hạn,

Ít của dâng, đầy đặn của cho.

Bao dung không bến không bờ,

Một lòng lân mẫn giúp cho chư hầu.

Trị thiên hạ trước sau chín mối,

Nhưng tóm thâu vào mỗi chữ thành.

Xuân Thu Tả Truyện bàn về đấng quân vương như sau:

«Một minh quân thưởng lành, phạt ác trông nom dân chúng như con cái người, che chở dân như trời, cưu mang dân như đất. Dân chúng đối với vị minh quân ấy sẽ thương yêu như con thương yêu cha, ngưỡng vọng tin tưởng người như hai vầng nhật nguyệt, kính tôn người như thần minh, sợ hãi người như sấm sét. Một vị minh quân như thế ai dám truất phế, dám đánh đuổi. Có đấng minh quân thông sáng như thần ấy là nguyện vọng của dân.

«Nhược bằng làm vua mà để dân chúng cùng khốn, để thần minh thiếu khói hương tế tự, thì dân sẽ tuyệt vọng, xã tắc sẽ ngả nghiêng vô chủ. Một nhà vua vô dụng như vậy lẽ nào không truất phế, không đánh đuổi đi.

«Trời sinh ra người, cũng cho họ vua chúa để hướng dẫn để họ khỏi làm hư mất tính Trời. Khi đã có vua chúa, Ngài lại cho người phụ bật chỉ vẽ, để bảo vệ và ngăn ngừa các ngài không được đi ra ngoài phạm vi bổn phận. Vì thế, Thiên tử thì có các công; chư hầu có các khanh; khanh có các trất thất (anh em); đại phu có nhị tông (họ hàng); sĩ có anh em; thứ dân như hàng thợ thuyền buôn bán, dịch lệ, mục tử, tất cả cũng đều có thân quyến để giúp đỡ họ. Khi làm hay, thì khen thưởng; khi làm dở thì sửa phạt; hoạn nạn thì đỡ đần; lầm lạc thì dắt dìu về đường ngay nẻo chính. Từ Thiên tử đến thứ dân ai cũng có cha, anh, con, em để sửa chữa những lỗi lầm, để xem xét công việc hành chính. Sử gia chép sách, nhạc quan làm thơ, nhạc công hát những bài châm, bài gián để can ngăn. Các quan đại phu chỉ vẽ cho vua qui tắc đường lối, sĩ tử trần tấu lên những cảm nghĩ của dân về chính sách, chính thể, dân chúng phê bình; các nhà buôn trình bày hàng hóa nơi chợ búa; bách công hiến dâng những công trình sáng tác để nhà vua có ý niệm chính xác về nền hành chính của mình.» [32]

Tàng Ai khuyên vua nước Lỗ (Hoàn Công 110-693): «Một bậc quân vương xứng đáng với tước hiệu mình sẽ làm cho nhân đức được chấn hưng phát động, làm cho tội ác bị mai một đào thải, lấy mình làm gương cho bá quan. Mặc dầu vậy, ngài vẫn lo không đạt mục đích

«Các ngài cố ăn ở đức hạnh để dạy dỗ con cháu sau này. Cho nên, thanh miếu nhà vua xưa lợp bằng tranh rạ, xe cộ của nhà vua chỉ trải bằng chiếu thường, đồ ăn không cầu cao lương mỹ vị, kê dùng nấu ăn cũng chẳng phải hạt kê kén chọn - Nhà vua như vậy, tỏ ra cần kiệm, y thường của nhà vua, phục sức của nhà vua nhất nhất đều tỏ ra đúng mức.» [33]

Tử Sản chủ trương: «Cai trị nước cũng như công việc trồng trọt khai thác đất đai, cần phải mài miệt ngày đêm, nghĩ đến mọi sự mọi việc từ lúc khởi điểm và theo dõi cho đến khi thành tựu. Từ sáng chí tối, phải làm lụng, lo lắng làm sao để việc gì cũng đã được đắn đo, suy nghĩ trước. Phải bắt chước người cày ruộng đi từ khoảnh ruộng này sang khoảnh ruộng khác, nghĩa là phải tuần tự nhi tiến. Có như vậy mới mong tránh được lỗi lầm.» [34]

Tóm lại, một vị thiên tử chân chính phải có một niềm tin bao la về thiên chức mình, có một đời sống nội tâm vừa rạt rào vừa cao thượng, có một khối óc thông minh linh động để chỉ huy dân chúng trong ngoài, phải có nhiều sáng kiến, phải biết hướng dẫn, biết kiểm soát, biết thưởng phạt cho công minh, biết dùng nhiều trang hiền tài phụ bật như rồng thêm vây, như phượng thêm cánh; như vậy mới xứng đáng trị vì thiên hạ.

Còn như ở ngôi vị cao mà lòng không được nấu nung vì thiên chức của mình, không dám hi sinh vì dân vì nước, không biết đường lối lèo lái quốc gia thì chắc chắn sẽ đi tới bại vong.

Lẽ Trời xưa nay chỉ có một.

Tóm lại, nền Thiên trị trong Nho giáo có thể coi như là một học thuyết hoàn bị:

Nó xây dựng nền tảng trên vĩnh cửu, trên tuyệt đối; nói cách khác, nó đã lấy Trời làm căn bản, đã coi nền chính trị là công cụ để cải hóa con người, [35] lập ra những nguyên tắc căn bản cho các đấng quân vương dựa vào mà trị dân cho tuyệt hảo, thúc đẩy dân chúng làm lụng, tiết kiệm để trở nên giàu có, sung túc, [36] tu nhân tích đức [37] để trở nên quân tử, nên hiền thánh với nguyện vọng thiết tha là đem lại cho nhân dân an bình, thái thịnh, hạnh phúc cả về tinh thần lẫn vật chất, [38] mục đích là làm cho mọi người trở nên hoàn thiện, [39] như vậy mục đích của nó cũng tuyệt đối.

Tiếc thay nền thiên trị thời cổ với ý nghĩa cao đẹp của nó đã bị dục vọng con người và bụi bặm lịch sử che lấp hết mọi vẻ đẹp; vương đạo biến chuyển dần sang bá đạo ; nhân trị chuyển hóa dần sang pháp trị, nhân đạo nhường bước cho bạo tàn.

Các vị đế vương thời sau, như Tần Thủy Hoàng, như Hán Cao Tổ đâu còn hiểu biết gì về những tế nhị, những tinh hoa của nền thiên trị. Tuy cũng mang danh thiên tử, nhưng nào có hiểu thiên tử nghĩa là làm sao. Cho nên chế độ vua chúa dần dà trở nên một mâu thuẫn trên lý thuyết, một gánh nặng trên thực tế đối với dân.

Đến nỗi, nhiều triết gia không còn hiểu nổi được lý do sự tồn tại của một nền quân chủ hôn ám, thối nát.

Herder viết:

Đến ngày nay, người ta cũng không hiểu tại sao một người sinh ra lại có quyền trên ngàn vạn kẻ khác, lại có toàn quyền sai khiến họ, giết lát họ một cách vô trách nhiệm, tiêu xài công quỹ không phải giải thích, thanh toán với ai, và có quyền đem sưu cao thuế nặng đè lên trên đầu trên cổ dân nghèo… [40]

Vả lại không có gì trong bản tính con người giải thích được tại sao hàng ngàn vạn người quý phái lại có thể hôn chân một kẻ còn thơ dại, và có thể thờ phượng phủ việt của một kẻ điên cuồng dùng để đánh đập họ đến máu tuôn… không biết quỉ thần nào đã xui khiến dân chúng phó thác lý trí, phó thác thể xác tính mệnh và mọi quyền làm người vào tay một người, cho họ mặc tình thao túng, và lấy làm sung sướng khi thấy bạo chúa mình đã sinh hạ được một bạo chúa tương lai. [41]

Thực quả những điều ấy là những thai đố khó giải cho nhân loại, và thực là không may mà cũng là may mắn cho nhiều quốc gia đã không phải sống trong những chính thể đó. Như vậy ta không thể kể nghĩa vua tôi như là một trong những định tắc tự nhiên cần yếu và phổ quát của nhân loại. Vợ-chồng, cha-con, bạn-thù, là những tương quan và những từ ngữ chính xác, nhưng còn vua chúa quan quyền, một bá chủ chuyên chế trị dân, để thủ lợi cho mình và cho con cháu mình sau này, thì thực là khó hiểu và cần được bàn cãi dài dòng, nếu có thể. [42]

Ông Herder có lý mà cũng không có lý.

Có lý là vì ông đã nhận định đúng về những giả tạo, những mâu thuẫn gây nên do một chính thể đã tới lúc mạt vận, lúc tàn cuộc, lúc chỉ còn cái vỏ, cái xác bên ngoài ; lúc người ta chỉ còn biết dùng chức vị làm bình phong che đậy cho mọi sự cướp bóc phá phách, lúc những tinh hoa cao đẹp đã tan nát mất cả rồi.

Ông không có lý, nếu ta đem ra áp dụng những lời phê bình của ông cho một nền thiên trị chân chính khi nó đang thời kỳ triển dương phát động, thực thi áp dụng. Cũng vì không tìm ra được ý nghĩa và chân giá trị của nền thiên trị, nên ông không tìm được lời giải cho một câu thai đố tự ngàn xưa.

Gần đây, chính trị gia Liang Ch’i Ch’ao đã toát lược về các yếu tố gây loạn trong lịch sử Trung Hoa như sau:

- Đại thần chuyên quyền.

- Hoàng hậu tiếm quyền.

- Các hoàng tử dòng chính, dòng thứ tranh giành ngôi vua.

- Những người thuộc cựu hoàng tộc nổi loạn.

- Các người trong hoàng tộc giành ngôi.

- Tể tướng tiếm ngôi.

- Võ tướng nổi loạn.

- Ngoại thích tiếm ngôi.

- Quan lại tham nhũng.

- Hoạn quan lộng quyền.

Và kết luận chính trị độc tài gây loạn trong lịch sử Trung Hoa trên mấy ngàn năm. [43]

Các điều nhận xét của ông Liang Ch’i Ch’ao chỉ đúng cho những nền quân chủ từ thời Xuân Thu trở về sau.

Kinh Thư đã cho ta thấy những tệ đoan ấy hầu như không có trong những đời Nghiêu, Thuấn hay Hạ, Thương, Chu lúc toàn thịnh. Vả chúng ta cũng nên phân biệt nề thiên trị và nền quân chủ, vì tuy nền quân chủ đã giữ nguyên những nghi lễ, những tổ chức bên ngoài của nền thiên trị, nhưng đã bỏ mất hẳn những điều cao đẹp, những lý tưởng và tinh thần thuần tùy bên trong.

Ngày nay, cơ trời biến chuyển, sự thế thăng trầm, nền thiên trị cao đẹp kia như một tòa lâu đài cổ kính đã bị chôn vùi dưới tầng sâu của thời gian và lịch sử.

Từ lâu, nó đã bị pha phôi, hoen ố vì sự lăng mạ của dốt nát và ngạo nghễ, nó đã rút lui vào quá vãng xa vời nhường sân khấu đời cho các học thuyết khác múa may.

Nhưng biết đâu năm bảy ngàn năm sau chủ trương của Hồng Phạm lại chẳng được đem thực thi áp dụng một cách hết sức đứng đắn, đẹp đẽ?

Tuy nhiên, Hồng Phạm Cửu Trù với những nguyên tắc chính yếu của nó cũng có thể đem áp dụng được, chẳng ít thì nhiều, dưới bất kỳ chế độ nào, trong bất kỳ thời đại nào. Thực vậy, bất kỳ dưới chính thể nào, người dân cũng muốn có những người lãnh đạo tài ba đức độ; nhà lãnh đạo nào cũng mong muốn cho nước mạnh dân giàu, phong hóa trong nước được thuần mỹ, và sự hòa bình thái thịnh luôn được thập phần toàn hảo.

Bao lâu con người còn có những ước vọng ấy thì bấy lâu những nguyên tắc trong Hồng Phạm Cửu Trù còn có thể đem ra thi hành được. Cho nên, giở lại những trang sử cũ để lượm lặt thấu thái lấy tinh hoa nhân loại, ong ước có thể dùng những bài học lịch sử xa xưa để mà đắp xây cho một tương lai huy hoàng xán lạn cho đất nước, tưởng không phải là chuyện vô ích vậy.

Các hiền thánh xưa làm ra Hồng Phạm Cửu Trù hay ghi lại cho chúng ta những nguyên tắc trị dân đẹp đẽ, tức là muốn đóng góp cho tới muôn ngàn đời vào công trình xây dựng bình an và thái thịnh cho xã hội.

Mạnh Tử nói: «Các vị thánh nhân đã dùng hết tâm trí mình mà suy xét, lại còn đem lòng thương xót mà thi hành trong chính trị, nhờ vậy, đức nhân ái của các ngài phổ cập khắp thiên hạ.» [44]

Chúng ta ngày nay là những con người diễm phúc có sau lưng cả một dĩ vãng phong phú, có trước mặt cả một tương lai huy hoàng, tưởng cũng nên biết «ôn cố nhi tri tân», biết học cái hay của tiền nhân để giúp tương lai mình thêm xán lạn.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh