Đạo Đức Kinh: Phi Lộ

ĐẠO ĐỨC KINH: PHI LỘ

Bình giải Đạo đức kinh là một chuyện vừa dễ vừa khó.

Dễ vì đã có vô số các nhà bình giải Đạo đức kinh Trung Hoa, Việt Nam và Âu Mỹ. Chỉ cần ít thì giờ là có thể soạn thảo được một pho sách cũng khả quan.

Ở Trung Quốc có những nhà bình giải nổi tiếng như: Hà Thượng Công 河 上 公, Vương Bật 王 弼, Huỳnh Nguyên Cát 黃 元 吉, v.v.

Ở Việt Nam cũng đã có mấy quyển Đạo đức kinh bình giải công phu của Nghiêm Toản, Nguyễn Duy Cần, v.v.

Ở Âu Mỹ cũng có rất nhiều sách bình dịch Đạo đức kinh. Ví dụ: Le livre de la Voie et de la Vertu của Stanislas Julien (1842); Tao Tei king của linh mục Léon Wieger (1950); Le livre de la Voie et de la Vertu của J. J. L. Duyvendak (1953); The Way and its Power của Arthur Waley (1934); The Tao Te ching của James Legge, v.v.

Khó ở chỗ làm sao tìm ra được một đường lối để dịch và bình cho phóng khoáng, mà vẫn không sợ lạc nghĩa.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Các nhà bình giải Đạo đức kinh thường chú trọng giải thích từng chữ từng câu trong Đạo đức kinh, lại còn tham bác trích dẫn lời bình giải của học giả khác. Khi dịch thì cố dịch cho thật sát nghĩa đen.

Tất cả những sự cố gắng rất đáng ca ngợi về phương diện phương pháp, công phu và văn chương ấy, tiếc thay nhiều khi lại làm cho Đạo đức kinh trở nên mù mờ, khó hiểu hơn.

Riêng tôi, tôi sẽ áp dụng một phương pháp khác. Tôi sẽ nhìn Đạo đức kinh cũng như học thuyết Lão-Trang nói riêng, và các tác phẩm của đạo gia nói chung qua lăng kính của Huyền học (Mysticisme).

Tôi nghĩ rằng: Nếu hiểu được chủ trương và mục đích của khoa Huyền học, những phương pháp của các nhà huyền học đã dùng để đạt tới mục phiêu, những lời lẽ bóng bảy mà các ngài dùng, là để truyền cho nhau công thức tâm tư, ta sẽ hiểu được, ít là tám phần mười, Đạo đức kinh cũng như thư tịch Đạo giáo.

Mua đá năng lượng:

Dưới đây xin trình bày một vài nét đại cương về Huyền học.

  1. Huyền học chủ trương đại khái Trời chẳng xa người. Đạo thể, hay Tuyệt đối thể đã ẩn tàng sẵn trong lòng con người.
  2. Tuyệt đối thể ấy tùy theo đạo giáo sẽ đổi danh hiệu:Đạotrong Lão giáo, Thái cực trong Nho giáo, Chân như trong Phật giáo, Thượng đế trong Công giáo, Atman trong Bà la môn giáo, Allah trong Hồi giáo, v.v.
  3. Cái phần thiên tính ấy, vì là tuyệt đối, vĩnh cửu nên bất sinh bất tử, có trước đất trời và trường tồn mãi với thời gian.
  4. Các nhà huyền học khi đã nhận định được rằng trong mình có Trời, có tính Trời, có Tuyệt đối, liền ra công tu sửa tâm hồn mình để kết hợp với Đạo thể cao siêu ấy.[1]

Công trình tu luyện thường được tóm tắt lại như sau:

  1. Gạn đục khơi trong tâm hồn (purification, catharsis).[2]
  2. Thu thần, phát huệ (illumination).
  3. Sống phối hợp với Thượng đế với Tuyệt đối (vieunitive, Nirvana; thủ trung bão nhất守 中 抱 一; đắc Nhất 得 一 đắc Đạo 得 道, v. v...).
  4. Vì Đạo hay Cốc thần谷 神trường sinh bất tử, nên tìm Đạo, tìm Cốc thần tức là đi tìm thuốc trường sinh bất tử.
  5. Mà dược liệu để luyện thuốc trường sinh chẳng ở đâu xa, nó đã ở ngay trong lòng con người. Lò bát quái luyện đan cũng chẳng phải tốn tiền xây cất, vì đó chính là xác thân con người.[3]
  6. Dược liệu là Tâm心Thần 神; là Lòng Đạo 道 心 với lòng người.
  7. Lửa để luyện đan tứcchí khí,là sự hăng say để thực hiện mục phiêu. [4]
  8. Đan thành丹 成là khi lòng con người và lòng Đạo kết thành một khối. Đó chính là khi lòng con người đã trở nên khiết tịnh tinh vi, cao minh linh diệu, viên mãn, khinh phiêu. [5]

Hiểu được khẩu quyết người xưa, hiểu được đường lối người xưa sau những bức màn từ ngữ, hình tượng, tức là ta đã giản dị hóa được cái gì hết sức phức tạp, thâu ngắn lại được con đường hết sức xa xôi.

Đem hết lòng chí thành mà cầu học, thiết tha với vấn đề nhiều tháng nhiều năm, một ngày nào đó chúng ta sẽ chứng nghiệm được những gì người xưa đã chứng nghiệm đuợc, và chúng ta sẽ tháo gỡ được hết son phấn thần thoại bao phủ trên mặt vấn đề, để nhìn vấn đề với con mắt chính xác của một nhà đạo học và khoa học.

Còn nếu chúng ta không chịu suy chịu nghĩ, lại chạy theo những ảo ảnh, những phương thuật của các thuật sĩ thì ta chỉ lao đao lận đận suốt đời, mà rút cục cũng chẳng thâu thái được lợi ích gì cụ thể.

Tần Thủy Hoàng xưa tốn bao công của để tìm linh chi linh dược, để tìm Bồng lai, mà rút cuộc linh chi cũng chẳng thấy tăm hơi, Bồng lai cũng chẳng tìm ra bóng dáng. [6]

Hán Vũ đế 漢 武 帝 uống nhiều đan sa 丹 砂 đến phát bệnh, vì thế Trương Trọng Cảnh 張 仲 景 đã phải lập ra bài Bát vị để chữa, và sau khi đã uống bao nhiêu thuốc trường sinh vua cũng băng hà năm 71 tuổi. [7] Vua cũng là một trong những vì vua muốn tìm Bồng lai, muốn gặp thần tiên, mà rốt cuộc cũng chẳng thấy gì.

Về sau các vua Hiến tông 憲 宗 (806-821), Mục tông 穆 宗 (821-825), Vũ tông 武 宗 (841-847), Tuyên tông 宣 宗 (847) nhà Đường đều chết vì uống đan sa. [8]

Lời nói của Hán Vũ đế sau đây đáng cho chúng ta suy nghĩ. Năm 89 trước công nguyên khi ấy Hán Vũ đế đã 69 tuổi, và đã trị vì được 52 năm, vua hội quần thần và thú nhận: «Từ khi lên ngôi trẫm đã làm nhiều điều điên cuồng, khiến cho thiên hạ khổ sở. Cái dĩ vãng ấy khó mà đền bù được. Vậy ít là từ nay, phải tránh đừng làm gì khổ dân nước.» Điền Thiên Thu 田 千 秋 liền tâu: «Những phương sĩ chỉ nói đến thần tiên, họ rất đông mà chẳng làm được trò trống gì. Xin đuổi họ về hết.» Vua liền phán: «Quan Hồng lô nói đúng đó.» Và lập tức xuống chiếu thải hồi tất cả các phương sĩ, và những người có lệnh chờ đón thần tiên. Từ ấy mỗi khi họp triều thần, vua lại phàn nàn vì đã xử sự điên cuồng. Vua phán: «Trẫm đã bị bọn phương sĩ lừa dối: chẳng làm gì có thần tiên; tất cả những điều họ tâu đều sai thác, tà ngụy. Cách họ tiết thực, phục dược bất quá chỉ làm cho bớt bệnh đôi chút.»[9]

Lời tự thú của một vì vua suốt cả đời đã đi tìm thần minh, đã cầu thuốc trường sinh, đã thâu nạp những phương sĩ danh tiếng nhất thời đó để cộng tác với vua trong nhiều năm, lời tự thú đó đối với ta hết sức là giá trị.

Chúng ta muốn khảo sát đạo Lão, muốn biết tinh hoa đạo Lão mà không biết tu sửa tâm hồn, sống cuộc đời cao khiết giữ cho tâm thần luôn linh minh, sảng khoái, không rũ bỏ được cái mình nhỏ nhoi ti tiện, không thoát ra khỏi được cái kiếp phù sinh vắn vỏi để vươn lên tới Đạo thể, tới hằng cửu, thì công trình của chúng ta cũng chỉ là công dã tràng.

Vạn Đức Tụ 萬 德 聚 một hôm gặp một đạo sĩ. Sau khi đã bày tiệc trai khoản đãi, Vạn Đức Tụ hỏi đạo sĩ về «Nguyên môn diệu chỉ» 元 門 妙 旨 (bí quyết để vào cửa thiêng).

Đạo sĩ đáp: «Tâm là Đạo, Đạo là Tâm; Tâm mà rời Đạo thời đi vào lục đạo, tam đồ. Tâm mà hợp Đạo thời tạo Bồng lai Tam đảo. Thiên đường địa ngục chỉ cách nhau bằng một ý tưởng đó mà thôi. Nhược bằng bàn những chuyện mây trắng, mậm vàng, anh nhi, xá nữ, thời vạn lần cũng chẳng nên công... cuối cùng chỉ là nhìn mơ để giải khát, vẽ bánh để no lòng...» [10]

Lại có thơ rằng:

Vũ lưu [11] vọng thuyết nhập thâm sơn,

羽 流 妄 說 入 深 山,

Điên đảo âm dương luyện cửu hoàn.

顛 倒 陰 陽 鍊 九 還.

Hà tự nhất tâm tuân Thái thượng,

何 似 一 心 遵 太 上,

Công thành hành mãn tức kim đơn. [12]

功 成 行 滿 即 金 丹.

Tạm dịch:

Vũ lưu bàn quấy nhập thâm sơn,

Lộn lạo âm dương phản cửu hoàn,

Sao chẳng hết lòng theo Thái thượng,

Công thành hành mãn ấy kim đơn.

Thế tức là muốn tìm thần tiên, thì thần tiên chẳng có xa. Thần tiên chẳng cần phải tìm nơi thâm sơn cùng cốc, mà thần tiên đã ở ngay trong lòng mình.

Trong sách Tử Dương Chân nhân nội truyện 紫 陽 真 人 內 傳 có chép: «Chu Nghĩa Sơn đã mất nhiều năm đi khắp nơi, leo trèo các núi non, thăm dò các hang động để đi tìm Tam vị Thiên tôn. Cuối cùng Chu Nghĩa Sơn gặp các ngài, và quì lạy các ngài. Đoạn ông nhắm mắt, nhìn vào lòng mình. Một lát sau ông thấy rằng ở não thất phía đông, đã có hai vị Thiên tôn hình dung, phục sức cũng y như các vị mà ông gặp trên núi Công. Hoàng Lão quân cười rồi nói: Cao siêu và huyền diệu thay. Hãy cố suy tư tìm hiểu. Đó là phương pháp để ‘lên trời giữa ban ngày’ (bạch nhật thăng thiên 白 日 升 天 ). [13]

Vua Đường Tuyên tông 唐 宣 宗 muốn cầu trường sinh. Vua cho triệu đạo sĩ Hiên Viên Tập về Trường An. Vua hỏi: «Trường sinh có thể học được chăng?» Đạo sĩ tâu: «Nhà vua nên quả dục sùng đức, thì tự nhiên sẽ được phúc cả, còn phải đi tìm trường sinh ở đâu khác nữa?» [14]

Lại đời vua Tống Nhân tông 宋 仁 宗 có người tên là Hiếu Tiên dâng lên vua cỏ linh chi. Vua phán: «Trẫm coi những năm được mùa là điềm tốt, hiền thần là quí báu, còn những cây cỏ lạ có gì đáng quí đâu.» Bèn tha tội cho Hiếu Tiên và giáng chiếu cho các châu quận không được tiến dị thảo nữa. [15]

Mới hay tiểu nhân thì tìm điều quái dị, đại nhân thì tìm điều chân thường. Tiểu trí, đại trí khác nhau ở chỗ đó.

Tóm lại tôi muốn nói rằng tất cả giá trị Đạo đức kinh cũng như của đạo Lão là ở tại chỗ đã có vạch cho chúng ta con đường nội tâm, với những giai đoạn, những công phu tu luyện để trở về kết hợp với Đạo thể, Đạo tâm.

Khi chúng ta hiểu được như vậy rồi chúng ta có thể so sánh Upanishad với Đạo đức kinh, Đạo đức kinh với Nam hoa kinh, Lão tử với Ramakrishna, với Eckhart, Jacob Boehme, Jean de la Croix, Al Ghazzâli, Phật Thích ca, Khổng tử, v.v. và chúng ta sẽ thấy nhiều điểm tương đồng hiện ra rõ như hai mảnh tre vừa mới được chẻ ra từ một ống tre duy nhất.

Mạnh tử nói: «Tiên thánh, hậu thánh kỳ quĩ nhất dã.» 先 聖 後 聖 其 揆 一 也 [16] thực là chí lý vậy.

Henri Maspero có lẽ là một học giả châu Âu đầu tiên đã nói được những câu hết sức sâu sắc như sau: «Thực hiện một đời sống huyền đồng, đó là khám phá lớn lao nhất của môn phái Lão-Trang: Họ là những người đầu tiên ở Trung Hoa đã đi trên con đường đó, và đã mô tả những giai đoạn của con đường đó.»

Nhan Thành Tử Du nói với Đông Quách Tử Kỳ: «Từ khi tôi theo học Ngài, năm thứ nhất tôi trở nên giản dị, tự nhiên; năm thứ hai, tôi trở nên dễ dạy; năm thứ ba tôi trở nên thông sáng; năm thứ tư, tôi coi tôi là ngoại thân chi vật; năm thứ năm, tôi tiến bộ thêm; năm thứ sáu, thần nhập vào tôi; năm thứ bảy, tôi thành thần; năm thứ tám, tôi không biết tôi còn sống hay đã chết; năm thứ chín tôi đạt được điều Huyền nhiệm cao diệu.» [17]

Một đoạn khác còn mô tả rõ ràng hơn: «Sau ba ngày (Bốc Lương Ỷ) có thể tách rời khỏi thiên hạ. Tôi tiếp tục quan sát: Sau bảy ngày, ông có thể tách rời khỏi cảnh vật. Tôi tiếp tục quan sát, sau chín ngày ông có thể tách khỏi cuộc phù sinh của ông. Khi đã thoát cảnh phù sinh rồi, ông thấy sáng láng như ánh bình minh. Khi đã thấy sáng láng như ánh bình minh rồi, ông liền nhìn thấy Đạo. Thấy Đạo rồi, ông vượt trên thời gian, không còn thấy cổ kim, ông vào cảnh giới bất sinh bất tử.»

Ba giai đoạn của đời sống huyền đồng hiện ra một cách khá rõ rệt cũng tương tự như những giai đoạn mà các nhà huyền học châu Âu, Công giáo, hay Hồi giáo đã mô tả.

  1. Giai đoạn tách rời khỏi ngoại cảnh, phù sinh (Nhan Thành Tử Du mất năm năm, Bốc Lương Ỷ mất chín ngày), chính là giai đoạn tẩy tâm, gạn đục khơi trong tâm hồn của các nhà huyền học Công giáo; rồi đến những trạng thái xuất thần, mà người thường thì cho là thần nhập vào người hoặc những trạng thái chiêm nghiệm thấy Đạo thể, thấy Tuyệt đối. Cuối cùng là đời sống huyền đồng, sự huyền diệu tuyệt trần (Đại diệu).[18]Như vậy, với những lời lẽ uẩn súc, Henri Maspero đã dùng khoa huyền học để làm chìa khóa mở cánh cửa đạo Lão. [19]

Jean Grenier, trong cuốn L’Esprit du Tao cũng đã biết so sánh huyền học đạo Lão với Huyền học Công giáo [20] và ước mong trong các trường đại học sẽ có một phân khoa chuyên khảo về siêu hình và huyền học Đông Tây.

Thực ra các vị đó đã có cái nhìn nhất quán, và cái tâm đại đồng vậy. Đằng khác, tôi mạo muội dịch quyển Đạo đức kinh này bằng lối thơ song thất lục bát, hay lục bát, vì đó là một hình thức văn chương dễ phổ cập vào dân gian. Tôi hết sức là phóng khoáng, cố làm sao cho lời văn trong sáng, vần thơ óng ả, đẹp đẽ để chúng không còn là những bản văn dịch vô hồn, mà sẽ hết sức linh hoạt sống động, đọc lên sẽ thành một áng văn chương. Tôi không muốn tranh thắng với các bản dịch đã có, mà chỉ muốn tặng cho vườn học nước nhà một khóm hoa mới. Với lối dịch thoát sáo này, nếu đem kháp chữ sẽ thấy nguyên văn và bản dịch xa nhau, nhưng nếu đem so nghĩa sẽ thấy chúng rất là gần gũi nhau. Dẫu sao cũng là một sự vi phạm đối với qui ước văn học hiện hữu. Ước mong được sự rộng lượng của quí vị.

Bác sĩ Nhân tử NGUYỄN VĂN THỌ

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh