Chân Dung Khổng Tử: Chương 17. Đức Khổng, Một Chính Trị Gia

CHÂN DUNG KHỔNG TỬ: CHƯƠNG 17. ĐỨC KHỔNG, MỘT CHÍNH TRỊ GIA

Đức Khổng ưa thích làm chính trị

Ngược lại hẳn với các thánh nhân khác, xa lánh cuộc đời, lo siêu thoát lấy mình, khinh khi ngoại cảnh và chỉ chú trọng đến vấn đề tu luyện tâm thần, đức Khổng chủ trương rằng sau khi đã hoàn thiện mình, cần phải hoàn thiện người khác. (LN, XII, 15: Quân tử thành nhân chi mỹ. - LN, XIV, 45: Tu kỷ dĩ an bá tánh. - LN, IV, 15: Phu tử chi đạo trung thứ nhi dĩ hỹ).

Ngài cũng chủ trương:

Cuộc đời có hai chiều, hai mặt: nội tâm và ngoại cảnh. Nên người quân tử cần sắp xếp thời giờ, lo cho chu toàn đầy đủ mọi mặt. Vì thế Trung Dung mới viết:

«Thiên nhiên tự tính uy linh,

Trong ngoài hai mặt một mình quán thâu.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Nên quân tử biết câu sau trước,

Xếp thời giờ tổ chức cho hay.»

(Trung Dung XXV)

Lòng ưa thích và mong mỏi được làm chính trị tothi ân bá đức, để cải thiện thiên hạ ấy, đã nhiều lần được xác định trong Luận Ngữ cũng như trong Mạnh Tử.

Mua đá năng lượng:

Tử Cầm hỏi Tử Cống: «Thầy ta đến nước nào cũng được dự nghe chính trị. Đó là Thầy ta thích nghe hay là người ta muốn mời Ngài nghe?» Tử Cống đáp: «Thầy ta, ôn, lương, cung, kiệm, nhượng, nên mới được như vậy. Cái ước muốn của Thầy ta khác người là nhờ vậy đó.» (LN, I, 10).

Sách chép rằng: «Đức Khổng nếu ba tháng mà chẳng gặp vua, thời lòng dạ dường như bàng hoàng, thiếu thốn.» (Mạnh Tử, Đằng Văn Công hạ, 3).

Trong đời Ngài, Ngài đã tiếp xúc với nhiều vua chúa thời ấy như:

Tế Cảnh Công (547-490) (LN, XII, 11. - XVI, 12. - XVIII, 3).

Lỗ Định Công (509-495) (LN, III, 19. - XIII, 15).

Vệ Linh Công (554-495) (LN, XV, 1).

Vệ Xuất Công (492-480) (Mạnh Tử, Vạn Chương hạ, 4).

Trần Mẫn Hầu (500-478).

Sở Chiêu Vương (LN, XIV, 10).

Lỗ Ai Công (494-468) (LN, II, 19. - III, 21. - VI, 2. - XII, 9. - Trung Dung XX. - Lễ Ký: Ai Công, v.v…)

Nhưng Ngài nhận thấy không ai là người có tài, có đức, để có thể công tác lâu dài. Ngài phàn nàn: «Những người làm chính trị thời nay toàn là bọn “đẩu sao”, toàn là những phường giá áo túi cơm (LN, XIII, 20: Viết: kim chi tùng chính trị giả, hà như ? Tử viết: “Y! Đẩu sao chi nhân, hà túc toán dã.”, những người hữu danh vô thực.» (LN, VI, 23: Tử viết: cô bất cô, cô tai! Cô tai!)[1]

Vì thế mà có lần Ngài muốn đi cộng tác với:

- Phật Bật ở Trung Mâu (LN, XVII, 7)

- Triệu Ưởng ở Tấn (xem Khổng Tử Thế Gia, Khổng Tử 59 tuổi), hoặc đi khái hóa cho những đoàn mọi rợ. (LN, IX, 13).

Tuy nhiên không phải Ngài muốn tham chính với bất cứ giá nào. Ngài không bao giờ chịu khuất thân để phụ họa với vua chúa. Ngài tự ví mình như hạt ngọc quí, tuy muốn đem bán, nhưng phải đợi cho được giá mới bán (LN, IX, 12). Khi cộng sự với vua chúa, nếu khuyên can đôi ba lần mà chẳng nghe, hoặc nếu vua tỏ vẻ thờ ơ bất kính, Ngài liền tìm cách rút lui. Đó là cách Ngài đã đối xử với Lỗ Định Công và Vệ Linh Công (xem Lễ Ký, Khúc Lễ I, tiết III, mục I: Vi nhân thần chi lễ, bất hiển gián. Tam gián nhi bất thính, tắc đào chi.- Xem LN, XVIII, 4. - XIII, 9. - XV, 1. - XII, 6. - XIV, 17. v.v…)

Tại sao đức Khổng thích làm chính trị ?

Đức Khổng thích làm chính trị không phải vì danh, vì lợi, nhưng chính là vì muốn giáo hóa muôn dân, cho muôn dân nhận thức được chân giá trị của con người; chính là vì muốn cải thiện muôn dân, đem an bình lại cho thiên hạ.

Dạy học thì dạy được bất quá vài trăm, vài nghìn người, nhưng làm chính trị có thể cải hóa được muôn người, triệu người, có thể chuyển hóa được thiên hạ.

Vì thế mà đức Khổng mới nói: «Làm chính trị là bổn phận cao quí nhất của con người.» (Nhân đạo chính vi đại. - Lễ Ký, Ai Công vấn, tiết 6).

Nhưng làm chính trị đối với Khổng Tử là cả một khoa học, và một nghệ thuật siêu vi. Lý tưởng về chính trị của Ngài là sự đúc kết lại tất cả tinh hoa của các bậc đế vương thời cổ. Lý tưởng mà Ngài đã đề xướng lên, từ thời Ngài đến nay, chưa có vị vua chúa nào đạt nổi và thực hiện được cho tới thập phần hoàn mỹ.

Ta sẽ khảo sát nền chính trị lý tưởng ấy trên phương diện lý thuyết:

  1. Tại sao phải có chính quyền?

Con người sinh ra đời, không phải ai cũng thông sáng, không phải ai cũng biết lẽ phải trái, biết ăn ở cho phải đạo làm người. Tình dục con người thường hay phóng túng, cần phải có người chỉ huy, cầm cương, nảy mực, lèo lái, hướng dẫn. Hơn nữa, sự sống chung cần phải được điều hòa, mới có thể cùng nhau sống an vui và hạnh phúc được. Vì thế nên cần phải có những người hay, cầm đầu dân nước.[2]

  1. Chính quyền phải là một chính quyền lý tưởng

Nhưng nếu muốn cho dân chúng sống an vui, sung túc, và có cơ phát triển, tiến bộ, cần phải có một chính quyền lý tưởng.

Đức Khổng chủ trương và tha thiết cổ súy một chính quyền lý tưởng trong đó vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con (LN, XII, 11), biết tương kính tương thân, thượng hòa hạ mục (LN, III, 19. - Lễ Ký, Ai Công vấn chính, 9: «Ái dữ kính, kỳ chính chi bản dã.» - Ai Công vấn, tiết 11: «Vi chính tiên lễ, lễ kỳ chính chi bản dư?»)

Chính quyền lý tưởng ấy phải được xây dựng trên căn bản hoàn thiện, hoàn mỹ; tức là phải tự coi mình có thiên chức, thiêng mạng, để đem an lạc lại cho chúng dân, và có nhiệm vụ hướng dẫn chúng dân tới hoàn thiện, hoàn mỹ, tới Thượng Đế (Xem Trung Dung XX. - xem Hồng Phạm, tiết 9: Ngũ viết Hoàng Cực…)

  1. Chính trị phải được xây dựng trên những căn bản hằng cửu, tự nhiên

Chính trị phải dựa trên căn bản:

+ Tôn giáo: Làm chính trị là thay Trời để thi ân, giáo hóa và hướng dẫn dân chúng (Xem Hồng Phạm Cửu Trù. - xem Kinh Thư, Thái Thệ tiết 3. - xem Mạnh Tử, Lương Huệ Vương hạ, tiết 3)

+ Triết lý: Làm chính trị là cốt cải thiện dân, đưa dân đến hoàn thiện. «Chính giả, chính dã.» (LN, XII, 16. - Lễ Ký, Ai Công vấn, tiết 7); «Nhân giả nhân dã.» (Trung Dung XX); «Hội kỳ hữu cực; qui kỳ hữu cực.» (Hồng Phạm, tiết 13).

+ Đạo đức: Làm chính trị phải dựa vào hai tôn chỉ: «Yêu dân và kính dân» (Xem Lễ Ký, Ai Công vấn, tiết 9: Ái dữ kính, kỳ chính chi bản dã).

Hơn nữa, muốn sửa trị người, mình phải là người hẳn hoi, ngay chính trước đã. Có vậy mới chính được người. Đó là một đề tài mà Tứ Thư, Ngũ Kinh, thường đề cập tới.[3]

  1. Chính trị như vậy có nghĩa là cải thiện toàn dân, nên bất kỳ ai cũng phải đóng góp.

Từ vua đến dân ai cũng phải tu thân (Đại Học). người quân tử, chẳng ra khỏi nhà, vẫn làm chính trị được là vì vậy. (LN, I, 21. - Đại Học IX).

  1. Làm chính trị phải có phương pháp, có đường lối

[1]. Hồng Phạm đưa ra 9 tôn chỉ, mà xưa gọi là Cửu Trù:

1- Ngũ hành

Đấng quân vương phải am tường vật lý, phải biết khai thác hết các tài nguyên của đất nước để lo cho dân no ấm.

2- Ngũ sự

Đấng quân vương phải biết phương pháp tu thân.

- Dáng điệu phải nghiêm trang, kính cẩn.

- Nói năng phải hợp lý.

- Trông nhìn phải sáng suốt.

- Nghe ngóng phải tinh tế.

- Nghĩ ngợi phải cho thấu triệt.

Được như vậy đấng quân vương sẽ trang nghiêm, oai vệ, lý sự, đàng hoàng, khôn ngoan, sáng suốt, tinh tường, mưu lược.

3- Bát chính

Đấng quân vương phải biết trị dân.

Cương lĩnh trị dân gồm 8 điểm. Trị dân là lo cho dân:

  1. No ấm.
  2. Sung túc, đủ tiện nghi.
  3. Có lễ nghi, tế tự.
  4. Có nhà cửa đất đai.
  5. Có một nền giáo hóa hẳn hoi.
  6. Khỏi bị bọn gian ác, bất lương, đạo tặc quấy nhiễu.
  7. Biết đường tiếp nhân xử thế.
  8. Được bảo vệ tính mạng và tài sản, thoát nạn ngoại xâm, nhờ có binh hùng tướng mạnh của nhà nước.

4- Ngũ kỷ

Đấng quân vương phải am tường ý nghĩa:

- Năm

- Tháng

- Ngày

- Sự vận chuyển của nhật, nguyệt, tinh, thần

- Lịch số.

Như vậy, mới có thể dạy dân biết cách điều hòa công tác cho hợp thời, hợp tiết, để được ấm no thịnh vượng; cho trời, đất, người cùng hòa tấu một bản nhã ca thanh bình, thái thịnh.

5- Hoàng cực

Đấng quân vương sẽ ở ngôi Trời, ngôi Hoàng Cực, thay Trời trị dân. Muốn được vậy, phải có đức hạnh siêu phàm thoát tục, xứng đáng làm môi giới giữa Trời và muôn dân.

6- Tam đức

Thuật trị dân phải dựa vào ba đức sau này:

- Chính trực

- Cương (cương quyết, khi nước loạn, khi đối đầu với những kẻ phản loạn, lưu manh)

- Nhu (nhu hòa, khi nước an bình, khi giao tiếp với những người đạo cao đức cả).

7- Kê nghi

Đấng quân vương phải biết suy nghĩ, bàn bạc, hỏi han, khi gặp trường hợp nan giải.

Trước một công việc trọng đại, sẽ hội ý kiến:

- của nhà vua

- của khanh sĩ, thứ dân

- của Thượng Đế (bằng cách bói thi qui)

Phối kiểm lại, sẽ biết thế nào là tốt, thế nào là xấu, và tìm ra được đường lối đẹp đẽ nhất để xử sự.

8- Thứ trưng

Đấng quân vương phải nhân các điềm Trời, mà soát xét lại đường lối cai trị của mình, xem tuần tiết, độ lượng gió mưa nóng lạnh của Trời mà suy ra xem mình đã cai trị dở hay hay. Lý do là vì đấng quân vương, đúng với danh hiệu nó, sẽ cảm ứng được với đất trời, vả hiểu được tiếng nói thầm lặng của đất trời, qua các biến thiên của thời tiết.

9- Ngũ phúc, lục cực

Đấng quân vương phải nhìn vào tình cảnh nhân dân để nhận định giá trị của nền cai trị mình.

Nền cai trị mà hay, dân chúng sẽ hưởng được ngũ phúc:

- Thọ

- Giàu

- Yên vui

- Ham chuộng nhân đức

- Chết già yên ổn

Nếu cai trị mà dở, dân chúng sẽ lâm vòng lục cực:

- Chết non

- Bệnh tật

- Lo buồn

- Nghèo khổ

- Tội ác

- Yếu ớt [4]

Thế mới hay:

Con người chẳng những soi bóng nước

Còn phải ngắm mình trước chúng dân.

(Cố hữu ngôn viết: Nhân vô ư thủy giám, đương ư dân giám. Kinh Thư, Tửu cáo, tiết 12.)

Ngoài ra Kinh Thư còn khuyến cáo các vua chúa phải chọn hiền thần (Xem Ích Tắc, tiết 4, 5. - Phó Duyệt, v.v…) và vua tôi phải cộng tác chặt chẽ với nhau để mưu cầu hạnh phúc cho dân (Xem Ích Tắc, tiết 11).

[2]. Trung Dung cũng đưa ra 9 tôn chỉ, gọi là Cửu Kinh

1/ TU THÂN

Đấng quân vương phải giữ tâm hồn cho trong sạch; cử chỉ tác phong phải trang nghiêm, đĩnh đạc; như vậy mới làm cho đạo nghĩa trở nên thịnh đạt được.

2/ KÍNH HIỀN TÀI

Có kính hiền tài thì những trang hiền tài mới giúp đỡ mình hết lòng.

Muốn tỏ lòng kính hiền, «chiêu hiền đãi sĩ», nhà vua phải xa lánh nữ sắc, xa lánh kẻ nịnh hót, phải trọng nghĩa khinh tài.

3/ PHẢI THƯƠNG YÊU HỌ HÀNG

Phải giúp đỡ họ hàng, nghe lời họ hàng, như vậy thân tộc sẽ không ai oán than.

4/ KÍNH ĐẠI THẦN

Phải cho họ đủ phương tiện làm việc, đủ quyền hạn, thì họ mới chân thành mà cộng tác với mình.

5/ THƯƠNG YÊU CÔNG BỘC QUỐC GIA

Tăng lương cho họ, như vậy họ mới nỗ lực để đền đáp.

6/ THƯƠNG DÂN NHƯ CON

Không được bắt dân làm xâu khi họ đang bận công việc đồng áng; không được thâu thuế nặng. Có thương dân thì dân mới hài lòng.

7/ KHUYẾN KHÍCH NHÂN TÀI, KHUẾCH TRƯƠNG BÁCH NGHỆ

Phải biết khuyến khích, mở cuộc thi đua, treo giải tưởng thưởng thợ thuyền, như vậy nước sẽ không thiếu hòa tài.

8/ ĐÓN TIẾP NGƯỜI VIỄN XỨ

Biết chiêu tập nhân tài, người giỏi ở tứ phương sẽ về với mình.

9/ CHE CHỞ CHƯ HẦU

Thật lòng giúp đỡ những nước nhỏ, thiên hạ sẽ sợ uy mình, sẽ thần phục mình.

[3]. Luận Ngữ chủ trương:

- Phải chọn người tài đức cộng sự (LN, VII, 20. - XII, 19. - XVIII, 11).

- Phải luôn luôn cẩn trọng, không được coi thường thiên chức lãnh đạo dân con của mình (LN XIII, 15).

- Bậc quốc quân phải biết thi ân mà không tốn của; bắt dân làm mà dân vẫn yêu; có nhiều ước muốn mà không mang tiếng tham lam; thư thái mà không kiêu căng; uy nghi mà không hung hãn.

Thi ân không tốn của là lo khai thác nguồn lợi cho dân; bắt dân lao tác nhưng hợp thời, đúng lúc nên dân không ta thán; ước muốn nhân nghĩa thì sao mang tiếng tham lam; đối với dân chúng bất kỳ ít nhiều lớn nhỏ luôn luôn có một thái độ nhã nhặn, đó là thư thái mà chẳng kiêu căng; mũ áo chỉnh tề, dáng đi, nét mặt trang nghiêm, khiến dân trông vào tự nhiên kính sợ, như vậy là uy nghi mà không hung hãn.

Ngài không bao giờ chém giết trước khi giáo hóa, bảo ban; không đòi hỏi thành công khi chưa chỉ thị, hướng dẫn; không bao giờ ra lệnh chậm trễ mà bắt hoàn tất cấp tốc; không so kè, biển lận, khi tưởng thưởng (xem LN XX, 2).

Không được hành sự hấp tấp vội vàng; không tham lợi nhỏ để hỏng việc lớn, v.v… (LN XIII, 17).

[4]. Đại Học chủ trương:

- Muốn làm chính trị, muốn đem an bình lại cho thiên hạ, trước hết phải chính kỷ, rồi mới đến chuyện chính nhân tâm sau. (Đại Học I).

- Không được làm trái ý dân (Đại Học X).

- Phải trọng nhân nghĩa hơn tài lợi (Đại Học X).

- Đã làm chính trị thời không được làm kinh tài, tranh lợi với dân (Đại Học X).

- Người trên mà tham tài, mà vơ vét tài sản của dân, mà dùng tiểu nhân nhũng nhiễu dân, thì dẫu thánh nhân giáng hạ, cũng người cứu nổi họa nhà tan nước nát (Đại Học X).

[5]. Lễ Ký chủ trương:

Muốn trị dân phải biết áp dụng, thực thi:

- Lễ, nhạc, Hình, Chính (xem Minh Đường Vị, 34).

- Lễ là dạy dân biết nhân luân, biết hiếu kính (xem Lễ Ký, Khúc Lễ, phần I, tiết I, mục 22: Thánh nhân đem Lễ dạy, để con người xử sự khác biệt với muông thú. - xem Lễ Ký, Khúc Lễ, các mục tiếp theo).

- Lễ chi phối hành vi, cử chỉ con người; những cách giao tiếp của con người. «Lễ không cho phép đi quá giới hạn, mực thước đã qui định; không cho phép xâm phạm quyền lợi người khác; vũ nhục khinh khi hay sàm sỡ với người khác.» (Lễ Ký, Khúc Lễ, phần I, tiết I, mục 8, 9, 10).

- Nhạc có mục đích đem lại sự vui thỏa cho con người; sự đoàn kết hòa mục trong dân chúng; tình tương thân tương ái trong các tầng lớp xã hội (Lễ Ký, Nhạc Ký, XVII, 15).

- Hình có mục đích ngăn chặn những chuyện phạm pháp sa đọa (Hình phạt trúng cố thứ dân an. - Lễ Ký, Đại Truyện, tiết 19).

- Chính tổ chức công cuộc cai trị (xem Lễ Ký, Vương Chế, tiết III, mục I. - Ibid. tiết V, mục 28).

  1. Làm chính trị phải biết tiên liệu, qui định mọi sự.

Chính trị là tiên liệu, là qui định mọi công chuyện lớn, nhỏ.

Lớn như:

- Cách tổ chức quốc gia, phân châu, phân dã.

- Số lượng các nước lớn, nhỏ.

- Phẩm trật quan chức nơi triều đình cũng như ở các nước chư hầu.

- Số lương hướng tương ứng với từng chức vụ.

- Phân hạng nông dân với những ruộng đất cho mỗi hạng..

- Minh định công việc của từng hàng quan lại.

- Minh định những hạng người được chính quyền đặc biệt cấp dưỡng.

- Minh định những lễ nghi trong dân gian.

Nhỏ như:

- Cách nam nữ đi lại, xe cộ đi lại trong đường phố, v.v…(xem Lễ Ký, Vương Chế).

- Nhất nhất công việc gì cũng được minh định tiên liệu trước hết.

Vì thế td mới viết:

«Việc gì tính trước cũng linh,

Không toan tính trước, âu đàng dở dang.»

(Trung Dung XX)

  1. Làm chính trị phải biết thường xuyên kiểm điểm lại công trình hoạt động cũng như uy thế của chính quyền.

Kiểm soát bằng cách:

- Tuần thú

- Triều sính

- Nghiên cứu dân ca, ca dao, đồng dao.

- Nghe lời gián nghị.

- Thu thập các lời phê bình, v.v…[5]

Tóm lại, chính trị có mục đích làm cho dân:

- No ấm

- Sống trong an bình, trật tự, hòa hợp.

- Sống xứng đáng với danh nghĩa con người

- Biết hướng thượng, tiến tới tinh hoa, hoàn thiện.

Đẹp đẽ thay là quan niệm của đức Khổng về chính trị.

Ngày ai không ai có thể chối cãi được rằng muốn cho con người tiến bộ, muốn cho con người có đời sống ngày một cao đẹp hơn, cần phải luôn luôn để ý cải tạo hoàn cảnh xã hội, để cho mọi người có được một khung cảnh thuận tiện để cùng nhau sống an vui hòa hợp.

Các đạo giáo ngày nay đều nhận thấy mình không thể nhắm mắt, bỏ qua những tệ đoan xã hội, những thực trạng thối nát, những nguy cơ đọa lạc con người, và đang cố dấn thân, cố đi vào đời, để cải tạo hoàn cảnh.

Quan niệm của đức Khổng về chính trị cho đến ngày nay vẫn chưa ai vượt được.

Gần đây, bác sĩ Ferson viết: «Nếu bạn muốn giúp con người vươn lên, bạn phải cải tổ lại tình trạng xã hội, cải tổ lại những môi trường mà con người bắt buộc phải sống ở trong, đó là nghề nghiệp, công việc, gia đình, trường ốc, và giáo đường.»[6]

Thế tức là:

- Muốn cải tạo con người, cần cải tạo xã hội.

- Muốn cải tạo xã hội, cần cải tạo con người.

Hai công việc đó đi song hành với nhau, và phải được coi trọng ngang nhau. Đó là chân lý vĩnh cửu có thể dùng làm phương châm cho các chính trị gia vạn đại …

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh