Đường Vào Triết Học Và Đạo Học: Chương 10. Tôn Giáo & Minh Triết

ĐƯỜNG VÀO TRIẾT HỌC VÀ ĐẠO HỌC: CHƯƠNG 10. TÔN GIÁO & MINH TRIẾT

Tôi bao giờ cũng công nhận uy lực của các tôn giáo đương thời; tôi bao giờ cũng thán phục cách thu hút quần chúng của các tôn giáo. Tôi thấy tôn giáo nào cũng có thể làm cho con người mê say, và nghĩ cho cùng tôn giáo nào cũng có những khía cạnh đẹp đẽ của nó. Từ ngót 40 chục năm nay, tôi đã dùng hầu như toàn thể thời gian để khảo sát tất cả các tôn giáo lớn nhỏ trên thế giới. Không những khảo về đời sống các vị Giáo chủ sáng lập ra các tôn giáo, lại còn khảo sát về nguyên do bành trướng của các tôn giáo; những vay mượn của các tôn giáo đối với các tôn giáo bạn; những công lao mà các tôn giáo đã lập; những vinh quang mà các tôn giáo đã đạt; hoặc những lỗi lầm, những tội lỗi mà các tôn giáo đã phạm trong quá trình lịch sử của mình.

Tôi thấy tôn giáo nào chung qui cũng cho mình là có được chân lý toàn diện rốt ráo. Còn các tôn giáo khác thì là sản phẩm hoặc của ma quỉ, hoặc của những kẻ điên loạn, mỵ dân, ngu si, xuẩn ngốc, mà mình có bổn phận phải phỉ báng, đả kích, và nếu được, tiêu trừ cho đến tận gốc rễ. Đường lối và thái độ này đã được một phần lớn nhân loại theo, trong vòng hơn 1000 năm; đến nay mới được giảm thiểu.

Phật giáo phát xuất tự Bà La Môn giáo, nhưng sau lại chê Ba La Môn là tà đạo, là ma vương, ma quyến. Đạo Công giáo phát xuất từ Do Thái Giáo. Do Thái giáo do Đức Chúa Cha lập; còn đạo Công giáo là do Đức Chúa Con lập. Nhưng từ khi đạo Đức Chúa Con mạnh, thì lại quay ra đàn áp, phỉ báng Đạo Đức Chúa Cha. Các người theo đạo Do Thái sống trong các nước Công giáo ở Âu Châu thường chỉ có hai con đường: một là bỏ đạo mình, chịu rửa tội theo đạo Thiên Chúa; hai là bị trục xuất ra khỏi nước họ đang cư ngụ.

Muốn được lòng một tôn giáo nào đó, chúng ta chỉ việc một là tâng bốc khen lao họ, hai là chê bai các đạo giáo khác.

Khi một tôn giáo đi truyền đạo, thì muốn các dân nước phải cho họ tự do thu nhận tín đồ, nhân danh quyền tự do tín ngưỡng con người. Còn ở những nơi họ thống trị, thảng hoặc có ai dám dưa ra những tư tưởng gì mới lạ, khác biệt, thì lập tức bị coi là những phần tử phá hoại trị an, cần phải thẳng tay trừ diệt. Đó là thực tế trong một dĩ vãng gần đây.

Tháng 4 năm 1521, Luther - vị giáo chủ tương lai của Tin Lành - vì có những quan điểm khác biệt với Công giáo thời ấy, nên phải ra trình diện trước tòa thẩm án tôn giáo ở Worms, do Hoàng đế Charles chủ tọa.

TRA CỨU THẦN SỐ HỌC Xem Đường Đời, Sự Nghiệp, Tình Duyên, Vận Mệnh, Các Năm Cuộc Đời...
(*) Họ và tên của bạn:
(*) Ngày tháng năm sinh:
 

Khoa học khám phá bản thân qua các con số - Pythagoras (Pitago)

SÁCH HAY MỖI NGÀY:

Thay vì rút lại các lời lẽ, và tư tưởng đã được phổ biến trong các sách ông viết, ông long trọng tỏ ra bất tuân quyền Giáo Hoàng, và quyền các Công Đồng; chỉ tin vào Thánh Kinh, và chỉ nghe theo tiếng lương tâm. Sau khi ông ra về, thì tháng 5, 1521, Hoàng đế Charles, xuống sắc chỉ cho rằng một thày tu mà dám chống lại một Giáo Hội có cả ngàn năm lịch sử, là một điều sai lạc; và như vậy Luther đã trở thành một phần tử tách rời khỏi Giáo hội Chúa, một kẻ biệt giáo, phản giáo bất trị; và truyền cho toàn dân không được chứa chấp, nuôi dưỡng Luther; phải bắt Luther nạp cho nhà vua. Tất cả các bè bạn, tất cả những người theo chân Luther cũng phải được đối xử như vậy; gia sản họ phải bị tịch thu toàn bộ. Cấm không được in, được mua bán, tàng trữ sách của Luther. Sắc chỉ trên có hiệu lực cho tới khi Luther qua đời.[1] Nhờ có những kỹ thuật tinh vi để nắm giữ quần chúng như vậy, mà các đạo giáo xưa nay đã bành trướng được và đã trường tồn.

Cũng có khi, người ta chém giết lẫn nhau vì bất đồng tín ngưỡng. Tuy là hai bên cùng thờ một Chúa, nhưng trước khi ra trận chém giết lẫn nhau, thì bên nào cũng khẩn khoản xin Chúa chúc phúc cho bên mình, giúp mình tận diệt bên kia.

Cho nên nói rằng yêu kẻ địch, ắt hẳn là không có vậy.

Nước Mỹ này sở dĩ có, cũng là do những chuyện bách hại lẫn nhau vì đạo giáo, nên đã làm cho một số người phiêu bạt sang đây, lập nghiệp, tìm tự do.

Mua đá năng lượng:

Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của con người; nhờ làn sóng Cách mạng Pháp, nhờ Hiến Pháp Mỹ - một hiến pháp, trớ trêu thay, lại đã được soạn thảo do những chính trị gia thuộc hội Tam Điểm, một hội kín mà Công Giáo coi là đại thù địch, vì lẽ họ thờ Satan (sic)! - ta mới thực sự có quyền tự do tín ngưỡng ở đất Mỹ này.

Huston Smith's, tác giả quyển The Religions of Man, cho rằng hiện có 255 giáo phái Tin Lành lớn nhỏ ở Mỹ này. Tôi đếm trong mục lục quyển Handbook of Denominations in the United States, của Frank S. Mead, thì nguyên các giáo phái Thiên Chúa Giáo ở Mỹ này hiện nay cũng có khoảng 560. Ấy là chưa kể các đạo giáo người Việt Nam du nhập vào Mỹ gần đây, như Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Vô Vi, Mật Tông v.v... Như vậy sơ sơ chúng ta cũng có vài trăm loại Chân Lý lớn nhỏ.

Một điều nhận xét khác là đã đi theo một tôn giáo nào, không ít thì nhiều, cũng phải đặt mình dưới quyền điều khiển của hàng giáo phẩm của tôn giáo ấy.

Hơn nữa, một tôn giáo, trên nguyên tắc, là do một giáo chủ lập ra; nhưng trên thực tế, là do công lao của nhiều người đóng góp. Càng theo đà thời gian, nó càng được hạ thấp xuống để thu hút quần chúng. Cái hay của một tôn giáo là làm sao có được những lễ nghi long trọng, những bài ca, những khúc nhạc cho oai nghiêm, có những lời kinh ngắn gọn, để cho mọi người từ 5,6 tuổi, đến 80, 90 cũng vẫn thông công hoàn toàn được như nhau. Cho nên, đứng về một phương diện thì những lời kinh nho nhỏ như Nam Mô A Di Đà Phật; Nam Mô ô Ran Gi Kô của phái Liên Hoa; hay làm dấu thánh giá; đọc kinh Lạy Cha, Kính mừng, Sáng danh của Công giáo thật là tuyệt diệu, vì chỉ sau ít phút học hỏi, là mọi người đã có thể đồng ca, đồng tấu như nhau, là đã nói lên được sự đồng tâm, sự ưu ái, sự thông cảm với nhau rồi.

Cái giá trị của sự ngồi Thiền nó cũng phổ thông như vậy, vì bất kỳ ai, chỉ một vài phút là đã trực tiếp tham gia được.

Cái cao siêu của Hồi giáo cũng vậy. Chỉ cần sắm một tấm thảm nhỏ, rồi một ngày 5 lần, sau khi đã rửa chân tay, mặt mũi sạch sẽ, sẽ quì trên tấm thảm đó, quay về hướng Mecca, lên gối xuống gối năm lần, miệng đọc: Chỉ có Allah là duy nhất, và Mohammed là tiên tri của Ngài.

Môn phái Vô Vi gần đây sở dĩ được nhiều người hưởng ứng chính là vì dạy mọi người ngồi Thiền một cách giản dị. Ai ai cũng có thể thực hành ngay phép Thiền đó. Chuyện bịt hai tai, hay kéo hai đuôi mắt, thực ra có người chỉ cho ít phút là xong ngay.

Cái gì dù thấp mấy, nhưng dễ thực hành vẫn được nhiều người sùng thượng. Thật không còn gì yên ủi hơn là chỉ cần niệm vài trăm câu Nam Mô Ô Ran Gi Kô mỗi ngày, mà tự nhiên sức khỏe sẽ thêm dồi dào; gia đình sẽ thêm sung túc; đi làm sẽ chóng thăng cấp; đi buôn sẽ phát tài nhiều, vì Trời Phật sẽ đặc biệt độ trì cho mình.

Có nhiều người tin chắc rằng những lời chú bằng tiếng Phạn, tuy là mình đọc lên không hiểu gì, nhưng nguyên âm thanh nó cũng có sức cứu rỗi mình.

Tôi cũng được một ông bạn dạy cho bí quyết ngâm Lục tự Di Đà để đả thông kinh mạch.

Tôi lại cũng biết cả Lục tự: HƯ, HA, HÔ, HU, SUY, HY, của Lão giáo, có thể chữa được các bệnh gan, tim, tì, phế, thận, tam tiêu.

Ngoài ra còn biết niệm thần chú AUM của Bà La Môn nữa! Nhưng tôi thật vô duyên, có những báu vật như vậy mà chẳng biết dùng. Thấy người khác dùng chúng như là phương tiện chắc chắn để lên thiên đàng, vào Tịnh thổ dễ ợt mà thèm hết sức. Có vị chân sư lại kể cho tôi nghe rằng xưa có một vị niệm chữ AUM đúng cách, bỗng nhiên thấy có 5, 6 mặt trời hiện thêm ra. Nghe thấy thế, tôi sợ toát mồ hôi, vì một mặt trời đã quá nóng; thêm 5, 6 ông mặt trời nữa thiên hạ chắc sẽ chết; thành thử vì nhân đạo tôi lại càng không dám niệm chú AUM nữa.

Thực tình, càng ngày tôi càng thấy thương các vị thần thánh: Ngày nào cũng như ngày nào, vì phép lịch sự, các ngài phải nghe hạ giới cầu kinh, khen lao, van vỉ mình, nhưng họ lại đọc quá nhanh, đọc như ăn cướp, đọc như nước chảy hoa trôi, cho chóng xong công chuyện, nhiều khi lại còn đọc trong khi nửa thức, nửa ngủ nữa. Và ác nhất là họ thay phiên nhau, hầu như là 24 tiếng, trên 24 tiếng; quanh năm, tứ đời; ngày ấy, tháng khác, đọc cùng một kinh ấy cho mình nghe hoài hoài, thì hỏi có khổ cho các Ngài không? Các Ngài làm sao có thì giờ nào khác để hưởng thú vui nơi Cực Lạc nữa?

Vì con người sinh ra ở đời này có nhiều trình độ khác nhau, cao thấp khác nhau, nên các tôn giáo cốt làm sao thích hợp với trình độ trung bình của quần chúng là tốt rồi.

Các bậc lãnh đạo tôn giáo thực ra là những người rất rành tâm lý quần chúng; rất am tường thị hiếu quần chúng. Mà quần chúng đại đa số là những trẻ nít, những người dân mộc mạc chất phác, những ông già bà lão thôn quê. Vì vậy, muốn thu hút họ, lời lẽ phải hết sức mộc mạc; nội dung phải hết sức cụ thể; phải làm sao cho họ được đóng góp trực tiếp ngay; thi hành được ngay; rồi phải tổ chức những cuộc hội hè rước sách cho long trọng; biết dùng thi ca, nhạc, kịch, hội họa, điêu khắc để truyền bá tôn giáo mình. Cần đem những lợi lộc đời này, đời sau để hứa cho những người theo mình. Cần đem những tai họa khủng khiếp đời này, đời sau để dọa nạt những người không theo mình. Khi nào thời thế cho phép, mình có thể dùng bạo lực, dùng những phương cách dã man, tàn khốc, để củng cố quyền uy của mình. Khi nào thời thế không cho phép, mình sẽ dùng phương pháp ngoại giao, dùng biện pháp mềm dẻo để đối phó.

Cộng sản trong khi tuyên truyền chủ nghĩa, xây dựng quyền uy, bảo vệ quyền uy, cũng đã theo rất sát các biện pháp mà các nhà lãnh đạo tôn giáo xưa nay đã dùng.

Càng ngày tôi càng thấy các bậc Minh Triết quả là những vị dở ẹc. Toàn dạy cái quá cao, quá khó. Một đời chưa chắc đã có nổi một đồ đệ theo nổi được tâm truyền của mình. Các Ngài không chịu hạ thấp những điều mình giảng dạy xuống cho hợp trình độ đại chúng, và chỉ đòi gặp cho được những mặc khách tao nhân, lúc ấy mới chịu thổ lộ chân tình! Trong khi tôn giáo chủ trương «quí hồ đa, bất quí hồ tinh»; thì minh triết lại chủ trương «quí hồ tinh bất quí hồ đa»...

Tôn giáo, xét về phương diện xã hội, là một sự thực thi tình đoàn kết, tình tương thân giữa con người với con người. Đáng lý ra mỗi lần gặp nhau trong các dịp lễ, con người nên cùng nhau tay bắt, mặt mừng, làm quen lẫn nhau, thăm hỏi lẫn nhau. Tôi cho điều đó quan trọng hơn là ca hát một bài xưng tụng thần phật.

Tôi rất quí cử chỉ thân hữu của nhiều người, chỉ vì tình đồng đạo, mà mỗi khi trong những nơi mình ở, có ai qua đời, là tụ họp đến đọc kinh cầu cho người chết, có khi lại còn tiễn đưa linh cữu đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Tôi cũng rất cảm động khi thấy đôi trẻ dù giàu, dù nghèo cũng có thể cùng nhau đến Thánh đường, đến Phật đường, để long trọng thề hứa cùng nhau sống một cuộc đời yêu thương nhau cho đến trọn đời.

Cái giá trị khác của tôn giáo là cho con người có cơ hội cảm thông với thần thánh, làm cho con người cảm thấy bớt cô đơn nơi trần hoàn này. Ít ra ai ai cũng cảm thấy rằng mình không bị thần thánh bỏ rơi, mà trái lại vẫn được bàn tay yêu đương của thần thánh, cưu mang, phù hộ, độ trì.

Nói thế cốt là để xác quyết rằng tôi rất quí trọng các tôn giáo, và coi chúng như là những hiện tượng tâm lý, xã hội cần thiết cho con người. Trong đời, hiếm thấy những người không theo một tôn giáo nào.

Thường người ta ở đời, chỉ biết một đạo; nhưng cũng có những người ra công khảo cứu về các tôn giáo. Tôi cũng là một người thích nghiên cứu về các tôn giáo thế giới.

Đối với tôi, muốn hiểu biết cho rành rẽ về tôn giáo, muốn đoán định giá trị các tôn giáo, cần phải biết phân loại tôn giáo thành nhiều nhiều loại hiện tượng tương ứng với các tầng lớp trong con người.

1.- Trước hết vì con người có XÁC, có NGŨ QUAN, nên tôn giáo nào cũng bắt buộc phải có phần LỄ NGHI. Mà LỄ NGHI sẽ bao gồm đủ mọi loại kinh kệ, chuông mõ, hương hoa, đèn nhang, ca vũ. Vũ trong các tôn giáo hết sức là đặc biệt: Đó là những quì gối, cúi đầu, van vái, lạy lục, đứng lên, ngồi xuống, hoặc là đơn trình, hoặc là đồng tấu. Có tôn giáo thì lạy nhiều, có tôn giáo thì lạy ít; có tôn giáo thì hát nhiều, có tôn giáo thì hát ít. Có tôn giáo thì cầu kinh nhiều, có tôn giáo cầu kinh ít. Nhưng một lễ nghi tụng niệm, thường khoảng từ nửa giờ, đến một giờ. Tôi đã dự nhiều lễ nghi tôn giáo của nhiều tôn giáo Đông, Tây. Tôi thấy giáo dân thực tình tỏ ra hết sức say sưa khi tụng niệm. Tôi nhìn vào lòng tôi, thấy nó thờ ơ, lạnh nhạt làm sao trước những cảnh tượng nói trên.

2.- Vì con người có trí khôn, thích suy tư tìm hiểu, - nên hiểu trí khôn đây là tiểu trí - nên đạo giáo nào cũng có một số giáo lý, giáo điều. Giáo điều đạo giáo này khác với đạo giáo kia. Nó có thể khác nhau như nước với lửa. Ngươì thì rằng vũ trụ này vô cùng; người thì rằng vũ trụ này hữu hạn. Người thì cho Thượng đế là hữu ngã; người thì cho Thượng đế là Vô ngã. Người thì chủ trương Chúa một Ngôi; người thì chủ trương Chúa 3 Ngôi. Người thì rằng thân tứ đại giả hợp là giả; người thì rằng đó chính là chân. Người thì tin Đức Mẹ có một con; người tin có Đức Mẹ có nhiều con. Người thì đặt nặng vấn đề Thượng đế siêu việt; người thì đặt nặng vấn đề Thượng đế nội tại. Người thì tin con người là kẻ tội lỗi vô giá trị; người thì tin con người có giá trị vô song. Người tuyên xưng người mãi mãi chỉ là người; người lại tin con người mai sau có thể thành Trời, thành Phật. Các tư tưởng về Thượng đế, về vũ trụ, về nhân quần biến từ A đến Z; từ không đến vô cùng. Tất cả là do tầm nhìn, lối nghĩ của các bậc giáo chủ, của các bậc lãnh đạo tôn giáo. Người thì cho rằng TIN nghĩa là chấp nhận không suy, xét, không đắn đo; người thì rằng chấp nhận không suy xét, không đắn đo chính là MÊ TÍN. Đạo nào cũng chủ trương từ bi, bác ái, nhưng thực ra, đạo nào cũng có thể sẵn sàng giết hại đối phương, vì tư tưởng bất đồng. Mầm loạn ly, mầm chia rẽ chính là tại ở nơi đây. Mầm tiến hóa cũng tiềm ẩn tại nơi đây. Cho nên hay dở chung qui vẫn là tại trình độ tiến hóa của từng cá nhân. Phúc lớn sẽ đến cho nhân loại, khi nào các giáo điều có thể trở nên linh động, uyển chuyển, đổi thay theo đà tiến hóa của nhân loại, hay ít là khi nào các giáo điều không còn làm trở ngại cho tình huynh đệ trong trần hoàn này. Phúc lớn sẽ đến cho thiên hạ, khi mọi người hiểu rằng tiểu trí không đạt được Chân lý. Chỉ khi nào đại trí con người, chỉ khi nào tuệ giác con người phát sinh, con người mới có thể đạt Chân lý. Cho nên phần lớn những điều mà ngày nay, nhân loại truyền thụ cho nhau dưới mỹ danh là chân lý, trong tương lai sẽ trở thành «giả lý». Cái hay nhất là chúng ta nên có một tâm hồn «mở rộng», chứ đừng «khép kín», đối với vấn đề Chân Lý, như vậy chúng ta sẽ trở nên cởi mở, bao dung hơn nhiều!

3.- Vì con người có hồn, nên tôn giáo nào cũng có hai khía cạnh khác là Luân Lý và Nghệ thuật.

Hồn chúng ta tưởng chừng như đơn thuần, nhưng kỳ thực có hai phương diện: thanh và trọc. Phần thanh khí (hay Hồn =Animus) trong con người làm cho con người ưa chuộng nghệ thuật. Phần trọc khí (Phách= Anima) nơi con người chính là nơi phát sinh ra thất tình lục dục. Thất tình lục dục cần được chế ngự bằng các định luật luân lý.

Vì con người có «Trọc Hồn», nên tôn giáo nào cũng có một nền luân lý riêng biệt để điều ngự nó.

Mỗi một giáo hội sẽ qui định thế nào là hay, thế nào là dở, thế nào là thiện, thế nào là ác. Vấn đề thiện ác cũng biến thiên, di động, tùy theo tình hình tôn giáo của từng thời đại, tùy theo uy quyền của các giáo đoàn, giáo hội tùy từng thời đại. Ngày nay, chúng ta làm nhiều điều được coi là thiện, nhưng khi xưa lại bị coi là ác. Ví dụ như chuyện hương hoa, đèn nến, kính nhớ tổ tiên ngày nay thì được khuyến khích; còn cách đây vài chục năm trở về trước, thì lại bị nghiêm cấm.

Các đạo giáo gian trần này, dù lớn, dù nhỏ, dù Đông, dù Tây thực ra chỉ có một mục đích chân thực là giữ con người trong vòng trật tự, lễ giáo, nên phận vụ giúp con người tiến hóa tâm linh đến nơi đây là chấm dứt. Hai giai trình kế tiếp là do cá nhân mỗi người phải tự lo liệu lấy.

4.- Vì tâm hồn con người có phần khinh thanh, vì con người, khi tâm hồn đã trở nên thanh khiết, sẽ mến chuộng nghệ thuật, nên tôn giáo nào cũng cố tìm cách thỏa mãn nhu cầu nói trên. Chỉ có điều là các tôn giáo chỉ biết đem nghệ thuật, đem âm thanh, màu sắc trang hoàng cho giáo đường, cho đền đài miếu mạo bên ngoài; đem ca hát, đàn địch tô điểm cho các buổi lễ mình thêm long trọng, chứ không đạo giáo nào biết khuyến cáo tín hữu mình biến đời sống mình thành một nghệ thuật sống động.

Đây chính là lúc Minh Triết tiếp tay cho đạo giáo. Con người Minh triết sẽ sống hào sảng, sống hồn nhiên, sống khinh phiêu, sống đẹp đẽ, nhưng đồng thời sống thoát vòng kiềm tỏa của các luật lệ gian trần già tỏa con người. Con người minh triết sẽ là hiện thân sự đẹp đẽ của đất trời. Cái đẹp sẽ tung tỏa từ lòng sâu tâm hồn họ ra cho tới mọi cung cách, hành vi, mọi khởi cư, cử chỉ của họ. Họ sống vui theo cái vui trời, và không còn bị những sầu bi, những phiền muộn, những lo sợ trần hoàn làm u ám, làm xáo trộn thâm tâm.

5.- Vì con người có Thần, mà thần mình với Thần trời đất là một, nên xưa nay có nhiều bậc giáo chủ, nhiều bậc minh triết đã tuyên xưng mình là Phật, là Trời. Có những vị đã mất mạng vì những lời tuyên bố tương tự như vậy, như Chúa Jesus, như Al- Hallaj. Con số các vị đắc đạo, thành chân chứng thánh, các bậc minh triết, thánh hiền nói trên, tuy không có nhiều, những cũng không phải là quá ít. Các ngài là những bậc tiên phong đi bước trước để chỉ đường cho nhân loại đi bước sau. Chỉ ở nơi các Ngài, Đại trí, Tuệ giác mới hình hiện. Cho nên cần đem so sánh tư tưởng của chính các Ngài. Cái gì tương đồng, đó là Chân Lý.

Đến đây, tôi muốn đóng góp ít nhiều tư tưởng riêng tư của tôi về tôn giáo và Minh triết.

Từ trước đến nay không ai đề cập đến vấn đề Minh triết, mà chỉ đặt vấn đền Triết học. Minh triết mà tôi muốn nói đến thực ra phải gọi là Đại Đạo, thực ra phải gọi là Tinh Hoa các tôn giáo.

Tôn giáo thì có nhiều, nhưng Minh triết chỉ có một. Các bậc chân sư có thể xuất phát từ nhiều đạo giáo khác nhau, nhưng khi đã giác ngộ tâm linh, khi đã lên tới đỉnh Minh triết thì lại hoàn toàn giống nhau.

Tôn giáo chủ trương Trời tạo nên muôn loài bởi hư không. Minh triết chủ trương Trời sinh ra muôn loài, bằng chính Bản thân mình, bằng cách tung tỏa, hóa bản thân mình thành vạn hữu.

Các tôn giáo bao giờ cũng phân biệt Trời và Người. Minh triết chủ trương Trời và Người đều đồng một Bản thể.

Các tôn giáo đặt trọng tâm và sự thờ phượng, cúng quải, van xin thần phật. Minh triết đặt trọng tâm tiến hóa đến kỳ cùng, đến chỗ nhập thể với Trời, với Brahman, với Phật tâm, Phật tính.

Minh triết chủ trương rằng vì Trời ở khắp nơi nên dĩ nhiên phải hoạt động, phải hiện diện trong lòng sâu vạn hữu. Lời thơ của Elizabeth Barrett Browing có thể toát lược quan điểm của Minh triết:

Earth's crammed with heaven,

And every common bush afire with God,

But only he who sees takes off his shoes.

Dịch:

Đất đai đâu cũng đầy Trời,

Bụi hoang nào cũng sáng ngời Thần Linh,

Chỉ người đức cả, tinh anh,

Mới cung, mới kính, mới thành, mới tin.

Tôn giáo chủ trương Trời ở khắp nơi, nhưng đặc biệt lại cấm không cho Trời được ở trong lòng vạn hữu, trong lòng mọi người. Tôn giáo dạy rằng thật ra Ngài rất xa cách muôn loài, và ở trên những cung điện trăng sao xa tít tắp.

Tôn giáo luôn luôn thương xót cho thân phận tội lệ con người, mong chờ những vị Cứu thế giáng trần, để xóa tội sinh linh. Minh triết luôn luôn đề cao con người, đề cao giá trị con người, và cho rằng con người chính là Thần Linh trong tương lai, vì con người đã có căn cốt Thần Linh ăn sâu vào Bản thể.

Tôn giáo cho rằng con người không thể trở thành Thần Linh. Chủ trương con người có căn cốt Thần Linh, có thể trở thành Thần Linh, là một chủ trương ma quái, đáng bị phạt trầm luân trong hỏa ngục đời đời. Minh triết cho rằng chuyện con người sẽ trở thành Thần Linh chỉ là một chuyện tiến hóa tất nhiên. Nếu Trời là Cha chung, nếu nhân loại là con cái Ngài, thì chuyện con cái nên giống Cha là một điều đại hạnh, và là một niềm an ủi lớn cho Cha.

Trong khi tôn giáo phất cờ đi chinh phục thế giới bên ngoài, đi rao giảng về sự tôn sùng Thượng đế, thì các nhà Minh triết lại đi sâu vào thế giới nội tâm, để tìm cầu, để thực hiện Thượng đế.

Khảo các đạo giáo Á châu, như Bà La Môn, Phật giáo, Cao Đài, ta thấy các đạo giáo đó khoác hai hình thức:

- Một phần hình thức hữu vi, hữu tướng bên ngoài, gồm các lễ nghi, trì tụng, công quả bên ngoài. Đó là phần TÔN GIÁO.

- Một phần vô vi, vô tướng bên trong, gồm tất cả những công trình tâm trai, thiền định, cố gắng vươn lên tới tuyệt đỉnh tinh hoa; sống hòa mình với Đạo, với Trời, với Chân Như Phật tính, với vạn hữu, với thiên nhiên vũ trụ. Tôi gọi cái phần này là MINH TRIẾT hay ĐẠI ĐẠO.

Đại đạo không còn là sự van vái, cúng quải bên ngoài, mà là con đường huyền nhiệm tâm linh.

Sở dĩ tôi gọi phần nội giáo, vô vi bên trong là Minh Triết hay Đại Đạo, chính là vì nó đòi hỏi một điều kiện tiên quyết là sự GIÁC NGỘ, một sự sinh lại bằng THẦN. Các bậc giác ngộ phải vượt khỏi ảnh hưởng của các thánh thư, của các kinh sách; không còn ở trong vòng kiềm tỏa của các giáo đoàn, giáo phái. Họ không còn phải đi tìm Chân, Thiện, Mỹ từ ở đâu xa, mà Chân, Thiện, Mỹ đã rãi sáng, đã tỏa tung ra từ lòng sâu tâm hồn họ. Tư tưởng của họ, ngôn từ của họ đã được rút ra từ đáy lòng muôn thủa, và được muôn đời chiếu soi lại, đồng vọng lại, và sẽ bền vững cùng vũ trụ.

Tóm lại, các bậc MINH TRIẾT nói trên đã vượt phạm vi tôn giáo riêng tư của mình, và đã vào trong thế giới đại đồng của Thánh, Hiền, Thần, Phật muôn thủa.

Đại đạo là Đạo lớn, mà đã lớn thời phải bao quát vũ trụ, phải siêu không gian và thời gian, phải thích hợp với mọi tâm hồn thanh cao, tiền tiến của gian trần.

Ta gọi là Đại Đạo, thì Âu Châu gọi là Huyền đồng (Mysticism). Huyền đồng chính là sống kết hợp với Trời, với Chúa ngay từ khi còn ở gian trần này.

Nói cho dễ hiểu, Đại Đạo là một cái nhìn nội tại tâm linh. Đó là một sự linh cảm rằng tâm hồn mình phối hợp nhất như" với Thượng đế. Đại đạo chủ trương rằng con người có thể trực tiếp cảm thông với Thượng đế, với Tuyệt đối thể, không cần phải qua một trung gian nào.

Đại đạo tuyên xưng rằng Thượng đế chính là Bản thể, là cốt lõi tâm linh con người, rằng Thượng đế vốn tiềm ẩn trong đáy lòng vạn hữu, tuy vẫn siêu việt lên trên mọi hình, danh, sắc, tướng.

Muốn vươn lên tới Đại Đạo, con người phải cố gắng phát huy mọi tiềm năng, tiềm lực của mình, để cho mình luôn luôn đổi mới, luôn luôn tinh tiến, luôn luôn vươn vượt, luôn luôn đạt tới những tầm kích cao siêu mới.

Con người muốn vươn lên cho tới Đại Đạo sẽ phải học hỏi không ngừng, suy tư không ngừng để:

- Biết mình.

- Biết căn cốt Trời, căn cốt thần linh nội tại.

- Tìm cho ra mối giây liên kết nội tại, cơ hữu ràng buộc, nối kết mình với Đạo, với Trời, từ muôn thủa.

- Thần thánh hóa bản thân để đi dần dần đến chỗ Phối Thiên.

Nhờ ở sự cố gắng phát triển tâm linh không ngừng mà con người sẽ phát huy được Linh Giác, sẽ phóng phát Linh Quang, sẽ vào được Đại đạo, sẽ hòa mình được với Bản thể vũ trụ.

Sống trong cái thế giới văn minh, nhưng chất chưởng hiện thời, người theo Đại Đạo nhận ra rằng mình chỉ có thể đạt được sự tĩnh lãng, sự vững vàng ở nơi tâm linh, ở niềm tin xác quyết rằng mình có căn cốt thần minh, có thể trở thành thần minh, sống huyền hóa với đất trời... Đại đạo đưa con người đến sự hiểu biết ấy. Và chính nhờ sự khám phá ra được thế giới tâm linh, mà con người tìm ra được Thượng đế nội tại nơi tâm khảm mình, biết được Chân diện mục, Bản lai diện mục của mình.

Đại đạo ấy không biên cương bờ cõi: Thánh Hiền Tây ra sao, thì Thánh Hiền Đông cũng vậy. Đại đạo ấy không lệ thuộc thời gian: Chân nhân xưa ra sao, thì Chân nhân nay hay về sau cũng vẫn in như vậy. Mạnh tử xưa đã nói: «Thánh trước thánh sau đều cùng một đường lối.» [2]

  1. Otto, trong quyểnHuyền Học Đông Tây, mà ông là tác giả đã viết những lời đại khái như sau:

«Rudyard Kipling đã viết:

Đông là Đông, Tây là Tây,

Gặp gỡ đừng mong sẽ có ngày...»

Nhưng chúng ta cũng có thể nói hoàn toàn ngược lại: Đại đạo xưa nay đâu đâu cũng là một. Đại đạo siêu thời gian, không gian và lịch sử, nên bao giờ cũng như như, bất biến. ở nơi đây, không còn Đông và Tây. ở nơi đây, mọi sự phân kỳ. cách biệt không còn nữa. Bông hoa Đại đạo dẫu nở ở Ấn độ hay ở Trung Hoa, ở Ba Tư hay trên bờ sông Rhine (giữa Pháp, Đức), hay ở Erfurt quê hương của Đại sư Eckhart, thì cũng chỉ sinh ra một thứ quả duy nhất. Đại đạo dẫu mượn hình thức thi ca của thi sĩ Ba Tư Djalal Al Din Rumi, hay những cung cách hữu tình như của đại sư Eckhart, hay tiếng Phạn thông thái của Sankara, hay công án bí ẩn của Thiền tông, nội dung trước sau vẫn là một, tuy ngôn từ và hình thức trình bày, theo thời gian, có khác nhau.

Ở nơi Đại Đạo, thì Đông là Tây, Tây là Đông. Nội dung bất biến đó là gì?

Thưa:

Đó là niềm tin xác quyết rằng vũ trụ, vạn hữu đều từ một Đại thể duy nhất phóng phát, tán phân ra. Sau một chu kỳ biến thiên, sinh hóa đa đoan, lại qui hoàn về Nhất Thể. (Nhất thể tán vạn thù; vạn thù qui Nhất thể).

Đó là Thuyết «Thiên địa vạn vật đồng nhất thể» của Đông Tây xưa nay. Nhất thể đó chính là Thượng đế, là Ein-Sof, là Vô Cực, là Thái Cực, là Brahman, là Đạo, là Chân Không, là Diệu Hữu, là Chân Như, là Như Lai, là Thật Tướng, là Bản Lai Diện Mục, là Niết Bàn...

Những khẩu hiệu: Bản thể là Thượng đế; Thượng đế là Bản thể; Thượng đế là Nhất vang rền từ Đông sang Tây. Dẫu là Sankara (Ấn Độ), dẫu là Eckhart (Đức) đều cùng một luận điệu như vậy. [3]

2.- Đó là niềm tin xác quyết rằng con người và Thượng đế đều cùng một Bản thể, và như vậy có nghĩa là Thượng đế là cốt lõi con người, là Bản lai diện mục con người. Con người sau khi đã gạt bỏ được hết mọi lớp hóa trang hình hài, sắc tướng, sẽ thấy mình đồng hóa với Thượng đế. Sankara bên Đông, Eckhart bên Tây cũng cùng một tư tưởng như vậy, mà chẳng hề bao giờ được đọc qua tư tưởng của nhau.[4]

Thánh giáo sưu tập của Cao Đài (1966-1967) nơi trang 36 có câu:

«Con là đấng thiêng liêng tại thế,

Cùng với Thày, đồng thể Linh Quang,

Khóa chìa con đã sẵn sàng,

Khi vào cõi tục, khi sang Thiên đình.»

Mấy lời cơ bút nói trên quả thật đã toát lược lại được niềm tin muôn thủa của nhân quần, đó là Trời và Người đều có cùng một bản thể.

Meister Eckhart sinh ra ở vùng Thuringia khoảng năm 1260. Sau vào dòng Đa Minh; sang du học tại Đại Học Đường Ba Lê; sau làm Bề trên cả dòng Đa Minh xứ Bohemia. Ông giảng thuyết rằng trong tâm hồn con người có một tàn lửa thiên chân, đồng bản thể với Thượng đế. Bản thể Thượng đế thâm nhập vào lòng sâu vạn hữu. Thượng đế không ở đâu chân thực cho bằng trong tâm hồn con người. ông tin rằng ông trực tiếp cảm thông với Thượng đế. Ông tin rằng nhờ giác ngộ, nhờ cảm nghiệm tâm linh, tâm hồn con người có thể kết hợp với Thượng đế, vì Thượng đế chính là cùng đích cho con người vươn lên. [5] Ông bị tố cáo là rối đạo. May thay ông mất vào khoảng năm 1327. Mãi đến năm 1329, giáo hoàng John XXII, mới tuyên án ông là phản giáo, đã có 17 điều sai lạc... [6] Nhưng trước công luận, mọi người thường vẫn coi Eckhart là một vị đại thánh. Lúc bấy giờ là khoảng cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14, Đông Tây chưa hề có cách nào mà gặp gỡ nhau, thế mà tư tưởng trên hoàn toàn phù hợp với thánh hiền Đông Phương, thực là một sự lạ lùng.

Từ hơn 100 năm nay, ở Hoa Kỳ này có một phong trào, được mệnh danh là Phong Trào Siêu Hình (Metaphysical movement) hay Phong Trào Tân Tư Tưởng (New Thought movement). Những người khởi xướng phong trào là Phineas P. Quimby (1802-1866), Ralph Waldo Emerson (1803-1882).

Ralph Waldo Emerson có nhiều lời tuyên bố hết sức nảy lửa, mà nơi đây tôi không muốn trình bày lại tất cả.

Ngày 18 tháng 3, 1838, ông ghi trong Nhật ký như sau: «Tôi rất tiếc là trong những bài giảng thuyết gần đây, tôi đã không nói cho rõ ràng, đích xác, về sự sai lầm lớn lao mà xã hội hiện đại mắc phải về phương diện tôn giáo, và đã không nói rõ rằng con người chỉ đạt tới an bình, tới uy dũng khi nào đặt được niềm tin vào bản thể siêu linh của mình, thay vì tin vào Thiên Chúa giáo lịch sử, công truyền. Tín ngưỡng của Thiên Chúa giáo ngày nay là một sự mất tin tưởng vào con người. Họ coi đấng KiTô là một Vì Chúa chứ không phải là một Người Anh. Chúa KiTô giảng dạy về sự cao cả con người, nhưng chúng ta chỉ nghe thấy sự cao cả của Chúa KiTô.» [7]

Những giáo phái thuộc phong trào này gồm có:

1.- Divine Science Church.

2.- Unity (The Unity School of Christianity).

3.- Practical Christianity.

5.- Liveable Christianity.

6.- Home of truth.

7.- The Church of the Higher life.

8.- Transcendentalism

9.- Spiritualism.

10.- Theosophy

11.- Christian Science v.v...

Tuy khác nhau về tiểu tiết nhưng tư tưởng đại cương thì tương đồng.

Hiến chương của Liên Minh Tân Tư Tưởng, soạn năm 1916, ghi rõ như sau:

Phong trào Tân Tư Tưởng có mục đích dạy rằng Đấng Tối Cao là Duy nhất toàn năng; con người có Thiên tính, và có những khả năng vô biên vô tận, nhờ quyền năng sáng tạo, tư tưởng xây dựng, và sự tuân theo tiếng nói của Thần Linh nội tại. Đó chính là Nguồn Cảm Hứng, Quyền Uy, Sức Khỏe, và sự Sung Túc của chúng ta. [8]

Phong trào này rất hoài nghi khi cân nhắc lại dĩ vãng, nhưng hết sức lạc quan cho tương lai, và tin rằng nhân loại sẽ giải quyết được mọi vấn đề. [9]

Đi sâu thêm, ta thấy Phong trào này còn có những chủ trương như sau:

1.- Thượng đế là Thực thể duy nhất. Thượng đế vì là duy nhất bất khả phân, toàn năng, toàn trí, ở khắp nơi, nên chúng ta không có cách nào tách biệt khỏi Ngài, dù bằng Thần, bằng hồn hay bằng xác (đó là chủ trương của phái Divine Science và là phát ngôn của Malinda Cramer). Nhưng cũng có nhiều người ôn hòa hơn chỉ chủ trương Thượng đế vừa nội tại vừa siêu việt quần sinh. Đó là chủ trương của Henry Wood và của Horatio Dresser. [10]

2.- Con người phải tự tin vào chính mình, cứu rỗi lấy mình, không cần qua trung gian giáo hội.

3.- Con người có căn cốt thần minh, khác hẳn với chủ trương của các Giáo hội Công giáo, hay Tin Lành, vì các giáo đoàn này tuy cho rằng con người đã được tạo dựng nên giống ảnh tượng Thiên Chúa, nhưng không hề được thông phần bản tính Thần Linh của Thiên Chúa. Emerson phân biệt hai thứ con người trong một con người: Con người căn cốt (essential man), và con người phù sinh (existential man). Y thức như thế, các tôn giáo Á Đông cũng thường phân biệt nơi con người, Chân tâm, và Vọng tâm; Căn bản Niết Bàn, và Căn Bản sinh tử. (Xem bài bàn về Kinh Bát Nhã của tác giả, trong Đất Nước tôi số 11, tr. 8- 10)

4.- Không chấp nhận có hỏa ngục; không chấp nhận có người sinh ra lại có thể bị tiền định xuống hỏa hào như chủ trương của Calvin. Nhưng mọi người ai nấy đều sẽ được cứu rỗi.

5.- Họ có khuynh hướng coi Thượng đế như là một Nguyên Lý, một Định Luật, tuy họ vẫn còn dùng những danh xưng như Thần Trí (Divine Mind), như Vô Lượng Trí (Universal Mind).

6.- Họ tin rằng Thượng đế tiềm ẩn trong lòng vạn hữu, hoạt động trong lòng sâu vạn hữu.

7.- Họ phân biệt Chúa Jesus, với Chúa Kitô. Kitô, hay Nguyên Lý Kitô là Thượng đế, là Bản thể nội tại của mỗi một người. Còn chúa Jesus chỉ là một vị tiên phong, đã sớm nhận thức ra được rằng con người có Thiên tính.

8.- Vì họ tin rằng Thượng đế là Tất cả, là mọi sự trong mọi người, mọi vật, và ngài là toàn thiện, nên đối với họ, Ác không có thực thể, cũng như Bệnh tật không có thực thể. Chúng sinh ra là do nhận định sai lầm của con người, sự ngu dốt của con người đã không nhận định ra được chân bản thể của mình, và những định luật tự nhiên chi phối đời sống con người.

9.- Họ đòi chứng nghiệm, kiểm điểm những giáo lý, mhững lý thuyết ngay vào nơi bản thân họ, chứ không chịu tin suông, nói suông.

10.- Đối với họ, cũng như đối với Carl Jung, quan niệm Thượng đế hữu ngã, là một quan điểm của Âu Châu (Western archetype). Quan niệm Thượng đế vô ngã mới là quan điểm phổ quát (Universal archetype).

11.- Họ chủ trương «nhân chi sơ, tính bản thiện», và không chấp nhận quan niệm cho rằng con người sinh ra có khuynh hướng tự nhiên làm ác. Tương lai con người, số phận con người sẽ tùy thuộc vào sự hiểu biết của con người về bản thể mình, và sự biết áp dụng các định luật tâm linh.

12.- Họ tin rằng con người có khả năng chữa lành bệnh tật.

13.- Họ gần gũi với Thiền Học Phật giáo và với Vedanta hơn là với Thiên Chúa giáo.

Tất cả những nhận định trên đã được Judah, J. Stillson toát lược lại trong sách của ông nhan đề là The History and Philosophy of the Metaphysical Movements in America nơi phần Dẫn Nhập (Introduction). Sách dày 317 trang, The Westminster Press, Philadelphia xuất bản năm 1967.

Có một điều lạ là có những giáo phái Tin Lành tiên tiến ngày nay cũng chấp nhận phần lớn những tư tưởng trên hoặc là đưa ra những quan niệm tương tự.

John Dillinberger và Claude Welch trong quyển Protestant Christianity của các ông viết năm 1954, do Charles Scribner's Sons, New York xuất bản cho thấy rằng Giáo Phái Tin Lành Tự Do cũng chủ trương:

1.- Thượng đế nội tại trong lòng vạn hữu.

2.- Vì tin có Thượng đế hoạt động trong lòng sâu vạn hữu, nên cái gì cũng là phép lạ đối với họ; bất kỳ sự kiện gì dù tầm thường mấy cũng đã là phép lạ.

3.- Con người có giá trị, chứ không phải là thứ con người sa đọa. Thành thử, họ cũng chẳng còn chấp nhận Tội Tổ Tông.

4.- Chúa Jesus đối với họ chẳng qua cũng chỉ là một con người đã trở nên siêu việt vì linh cảm thấy có Thượng đế ở trong lòng.

5.- Sự cứu rỗi được coi như là một sự bắt chước đời sống của chúa Jesus, vì Ngài đã cảm thấy một cách mãnh liệt có Thượng đế ở trong lòng mình, và đã sống thuận theo Thiên ý...

6.- Chủ trương họ có thể toát lược bằng khẩu hiệu: «Một Thượng đế không thịnh nộ lôi đình đưa nhân loại không vương tội lệ, vào nước Trời không qua sự Phán xét, nhờ sự trợ giúp của Chúa Jesus nhưng không cần đến Thánh giá.» [11]

Về phía Thiên Chúa Giáo, thì gần đây Linh Mục dòng tên, Teilhard de Chardin cũng chủ trương đại khái rằng đấng Christ vốn hoạt động trong lòng vũ trụ, và nhân loại sẽ tiến hóa tới điểm Omega, tức là sẽ kết hợp với Thượng đế.[12] Những tư tưởng mới lạ này, mới đầu bị Giáo Hội đả kích hết sức, nhưng sau Vatican 2, thì Teilhard de Chardin lại được coi như là một người con lỗi lạc của Giáo Hội.

Có điều lạ là các khoa học gia bắt đầu cũng đóng góp, và bắt đầu la lên rằng mhững khám phá khoa học càng ngày càng thấy phù hợp với cái nhìn của các bậc đại giác Phương Đông. Tiến sĩ Fritjof Capra, tác giả cuốn The Tao of Physics, là một trong số đó.[13]

Amaury de Riencourt, một cây bút sáng giá, tác giả quyển The Eye of Shiva, Eastern Mysticism and Science, đã viết đại khái rằng: Thượng đế chẳng có chết như Nietszche đã chủ trương, nhưng Thượng đế Công giáo đã đổi chỗ ở từ tầng trời xa thẳm, và từ dĩ vãng của Thánh kinh để vào ngự trong bản thể con người. Thượng đế của Tây Phương đã vào ngự trong lòng con người, nơi mà Ngài vốn cư ngụ, theo hiền thánh Đông Phương. Niềm tin về Thượng đế siêu không gian và thời gian, đã trở thành một niềm tin vào Thượng đế hiện tiền, vô thời bất tại, trong lòng sâu vạn hữu. [14]

Nhân loại ngày nay đang tiến về chỗ Đông Tây gặp gỡ, đang đi đến chỗ so sánh, và đánh giá các tôn giáo, các học thuyết. Hơn nữa chắc chắn rằng con người đã trưởng thành. Và trước những sự biến chuyển của lịch sử, trước những tiến bộ của khoa học, trước sự giao thoa các trào lưu tư tưởng giữa Đông và Tây, chắc chắn rằng con người không thể không có sự thay đổi. Cái thay đổi chắn chắn trước sau sẽ xảy ra. Đó là chuyện dĩ nhiên. Nhưng thay đổi ra sao, nhanh chậm ra sao, nhiều ít ra sao, thì cái đó lại là một sự huyền nhiệm của lịch sử. Có điều là nhân loại bao giờ cũng tiến dần về Chân, Thiện, Mỹ. Hình thức đạo giáo có thể thay, nhưng tinh thần đạo giáo chắc chắn sẽ mãi mãi sống động, và càng ngày càng lớn mạnh trong lòng mọi người.

Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank

momo vietinbank
Bài Trước Đó Bài Tiếp Theo

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh